Khi thời đại app đã tàn phai, Android Oreo và iOS 11 sẽ quyết định tới chiến thắng trên cuộc chiến di động
Nhắc đến hệ điều hành là nhắc đến vai trò "nền tảng" của chúng. Nhưng thật trớ trêu, khi cuộc cách mạng smartphone vừa tròn 10 năm tuổi, vai trò cốt lõi đó lại trở nên mờ nhạt hơn bao giờ hết.
Hãy nghĩ về Windows trong suốt hàng chục năm sử dụng của bạn. Bạn cần nhất thứ gì từ Windows? Bạn cần Windows khởi động nhanh, cần Windows ổn định (ít BSOD), cần một vài tính năng cốt lõi (tìm kiếm, quản lý chu trình) hoạt động tốt.
Và đó cũng gần như là tất cả những gì bạn cần trên một hệ điều hành. Phần lớn thời gian sử dụng một chiếc PC Windows thực chất sẽ được dành cho ứng dụng: Office, Chrome, game v...v... Không ai mua Windows chỉ để sử dụng các tính năng sẵn có của Windows cả.
App lên ngôi
Tại thời điểm smartphone thay thế PC để trở thành thiết bị điện toán trọng tâm trong cuộc sống của con người, vai trò của hệ điều hành vẫn giữ nguyên. Cuộc đấu giữa iPhone và binh đoàn Android chỉ thực sự "nóng" lên khi cả hai bên cùng ra mắt chợ ứng dụng trong vòng 3 tháng. "There's an App for that" ("Có 1 ứng dụng có thể làm được điều đó") trở thành tuyên ngôn số 1 của kỷ nguyên di động thông minh những năm đầu tiên.
Cũng đúng thôi. Cài thêm một ứng dụng là mang đến cho điện thoại của bạn một công năng mới. Kết hợp với công nghệ cảm ứng trực quan vẫn còn khá mới mẻ, các ứng dụng thực sự đã mở ra một thế giới đầy nhiệm màu cho người dùng phổ thông.
Sang đến thập niên mới, ứng dụng còn có vai trò khủng khiếp hơn: quyết định sự sống chết của các nền tảng. Khi 2 gã khổng lồ BlackBerry và Microsoft thực sự tỏ rõ quyết tâm chinh phục thị trường smartphone, họ đều đã tạo ra những hệ điều hành thực sự trực quan, ổn định và được đánh giá là không hề thua kém Android. Nhưng, thiếu đi một kho ứng dụng cần thiết, cả BB10 và Windows Phone đều đã sớm đi vào chỗ chết.
App xuống vực thẳm
Ấy vậy mà chẳng có gì có thể hùng mạnh mãi mãi. Cuối tháng 8 vừa qua, App Annie tuyên bố 1/3 lượng người dùng sẽ không cài đặt bất cứ một ứng dụng nào trong một tháng. Vào tháng 3, Gartner đưa ra con số cho thấy lượng ứng dụng được mỗi người dùng Mỹ, Anh và Trung Quốc cài đặt đã tiếp tục giảm 6%.
Giữa năm ngoái, Nomura đưa ra một con số tương tự: số lượt tải dành cho 15 nhà phát hành app hàng đầu đã giảm tới 20%.
Những dấu hiệu dài kỳ cho thấy cơn sốt ứng dụng thực sự đã chững lại. Người dùng không còn quan tâm đến app nữa.
Vì sao?
Không khó để nhận ra lý do đằng sau sự thay đổi này: không gian sáng tạo trên smartphone đã chết. Trong khi những cải tiến vẫn liên tục xuất hiện để tạo ra những chiếc smartphone hoàn thiện hơn bao giờ hết, về bản chất màn hình cảm ứng vẫn là công cụ giao tiếp duy nhất giữa người dùng và điện thoại. Bộ cảm biến cũng gần như không thay đổi. Năm 2017, sẽ là rất khó để nghĩ ra một tính năng hoàn toàn mới để giải quyết bằng ứng dụng.
Kết quả là người dùng sẽ không còn tìm kiếm những nội dung mới nữa. Tất cả những nhu cầu thiết yếu của họ đã được giải quyết bằng những ứng dụng đã có mặt hàng năm trời: YouTube, WhatsApp, Gmail, Facebook, Google Maps, Spotify, Reddit, Dropbox v...v... Sự trỗi dậy của những ứng dụng "rác" và ứng dụng "nhái"- hai vấn đề đặc biệt trầm trọng trên Android - lại càng dễ khiến người dùng chán chường khi đi tìm những trải nghiệm app mới.
Quyền lực của Apple và Google
Niềm hy vọng cuối cùng của thế giới ứng dụng sẽ một lần nữa thuộc về ông chủ của các hệ điều hành. Thử lấy sự kiện ra mắt iOS 11 làm ví dụ: tất cả các lập trình viên đều đã bày tỏ sự phấn khích với ARKit, bộ engine cho phép tạo ra các ứng dụng thực tại hỗ trợ một cách dễ dàng trên không gian di động. Bước tiến bất ngờ của Apple buộc Google phải vội vã từ bỏ công nghệ Tango đã "sống dở chết dở" suốt 3 năm qua để tạo ra ARCore.
Nhưng không phải bất cứ bước tiến nào của các hệ điều hành đều sẽ giúp cho giới phát triển ứng dụng có thể mỉm cười. Khi người dùng không còn mặn mà với app, Apple và Google đều đang tích hợp các tính năng màu mỡ nhất vào chính hệ điều hành của mình. Apple Pay và Google Wallet là minh chứng điển hình: cho đến nay, tất cả các dịch vụ thanh toán di động đều đã gục ngã. Danh sách này bao gồm cả "siêu đối thủ" CurrentC với sự hậu thuẫn một liên minh bán lẻ hùng mạnh, bao gồm Walmart, BestBuy và Gap.
Cùng lúc, Apple và Google cũng đem đến những tính năng hấp dẫn để người dùng dành thêm nhiều thời gian ngay bên trong các ứng dụng có sẵn của hệ điều hành. Mail, Camera, Notes (ghi chú) trên iOS cùng bộ ứng dụng dịch vụ Google là những ví dụ điển hình, song iMessage của Apple thậm chí còn là minh chứng cho thấy một nhà phát triển hệ điều hành vẫn có thể kìm kẹp cả 1 danh mục ứng dụng (chat). Ngoại trừ WhatsApp vốn có lợi thế dẫn đầu, Facebook Messenger "ăn theo" Facebook, không có một nền tảng nhắn tin nào khác có thể vượt mặt iMessage về tầm vóc cả.
Chính bởi điều này, sự kiện iMessage "lột xác" vào năm 2016 thậm chí còn thu hút sự chú ý của nhiều người hơn cả cuộc cách mạng chatbot do Facebook và Microsoft khởi xướng.
iMessage, ARCore hay sự chú ý dành cho những sự kiện ra mắt hệ điều hành hàng năm đã vẽ ra một thực tế không mấy dễ chịu: khi người dùng không còn mặn mà với app nữa. Họ không còn muốn tự mình lên các chợ ứng dụng để tìm trải nghiệm mới. Thay vào đó, người dùng smartphone của năm 2017 chờ đợi những tính năng phần mềm mới theo kiểu "ăn sẵn": họ chỉ quan tâm đến các tính năng được phát hành kèm bản cập nhật hệ điều hành mà thôi.
Bằng cách ấy, toàn bộ sức hấp dẫn trong trải nghiệm phần mềm của một chiếc điện thoại sẽ từ tay các nhà phát triển ứng dụng rơi vào tay Apple và Google. Hai gã lớn này sẽ nắm quyền hành lớn hơn khi quyết định số phận của mình, song ở chiều ngược lại, thời đại "There's an App for that" cũng sẽ chìm sâu vào quên lãng.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Nhà sáng lập TSMC nhận định về Intel: Sẽ tốt hơn nếu không cố chen chân vào mảng sản xuất chip, đáng lẽ nên tập trung vào AI
Morris Chang, nhà sáng lập TSMC, đã thẳng thắn nhận định chiến lược kinh doanh của Intel, cho rằng "Đội Xanh" đáng lẽ không nên bước chân vào lĩnh vực sản xuất chip và thay vào đó nên tập trung vào thị trường AI.
Chủ tịch Huawei tự hào khoe Mate 70 là điện thoại với chip 100% Made in China: "Tự chủ ngành bán dẫn đã trở thành hiện thực"