Việc bạn "đứng hình" vài giây khi đang làm việc có lẽ không quá tệ như bạn tưởng. Thậm chí, đây có thể là một tín hiệu đáng mừng, cho thấy não bộ của bạn đang làm việc hiệu quả.
Đã bao giờ bạn rơi vào tình huống mà cơ thể thì đang ngồi trên bàn làm việc, nhưng tâm trí thì lang thang ở tận trên trời và chẳng có chút liên quan nào đến năng suất làm việc của bạn? Nó có thể là một vấn đề khá nhức nhối, và sự thiếu tập trung khi đang có việc quan trọng cần làm có thể để lại hậu quả không tốt, nhưng thực sự thì "nằm mơ giữa ban ngày" không phải là xấu, ít nhất là theo nghiên cứu mới của Viện Công nghệ Georgia. Không chỉ vậy, nghiên cứu còn chỉ ra rằng việc bạn thường xuyên mơ màng có thể là vì não của bạn cảm thấy nhàm chán vì... quá giỏi về mọi thứ?!
Ông Eric Schumacher, giáo sư tâm lý học của hiệp hội Georgia Tech và là đồng tác giả của nghiên cứu, cho biết: "Những người có bộ não làm việc hiệu quả có thể có quá nhiều năng lượng dư thừa để có thể ngăn cản tâm trí trở nên mơ màng".
Theo BGR, nghiên cứu được thực hiện với sự giúp đỡ của 100 người, tất cả đều được chụp cộng hưởng từ (MRI). Trong quá trình quét, nhóm nghiên cứu sẽ yêu cầu mỗi người tập trung sự chú ý của họ vào một điểm duy nhất và nhàm chán. Dần dần, tâm trí của họ trở nên mơ màng, và ngay cả khi đôi mắt của họ đã bị khóa chặt ở một chỗ, những suy nghĩ của họ vẫn tự do bay bổng ở khắp nơi.
Sau khi nghiên cứu biểu đồ hoạt động não của mỗi người, các dữ liệu thu thập được dần tiết lộ một mô hình chung. Biểu đồ của những người đã mơ màng khi tiến hành thí nghiệm đã có những mối liên hệ với các hoạt động khác của não bộ. Sau đó, các nhà khoa học tiến hành một số bài kiểm tra để xác định trí thông minh và sức sáng tạo của mỗi đối tượng, đồng thời yêu cầu họ điền vào một bản khảo sát chi tiết về tần suất những lần mà họ cảm thấy mình đang mơ màng.
Những kết quả thu được là sự tương quan mạnh mẽ giữa những người hay mơ màng và khả năng trí tuệ của họ, chỉ ra mối liên kết giữa những người thông minh và thói quen mơ màng. Các nhà khoa học có thể kết luận hơi vội vàng, nhưng họ tin rằng những người thông minh hơn có não bộ làm việc năng suất hơn, từ đó sản sinh ra nguồn năng lượng "dư thừa" được dành cho các suy nghĩ vẩn vơ.
Ông Schumacher giải thích: "Mọi người thường nghĩ rằng việc mơ mộng là một cái gì đó rất xấu. Bạn cố gắng tập trung nhưng không thể. Các dữ liệu của chúng tôi phù hợp với ý tưởng rằng điều này không phải lúc nào cũng đúng. Một số người có não bộ làm việc hiệu quả hơn".
Vì vậy, nếu lần sau sếp hay thầy cô của bạn bắt gặp bạn đang mơ màng theo kiểu "tâm hồn treo ngược cành cây", chỉ cần nhắc khéo họ rằng đó là vì bạn cực kì thông minh và cần "xả bớt" năng lượng cho não bộ. Tất nhiên, bạn cần phân biệt giữa mơ màng "xả não" và mơ mộng hão huyền, cũng như giữa thả lỏng tư duy và lười biếng.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Sự thật từ nghiên cứu khoa học: Chơi trò chơi điện tử có ảnh hưởng bất ngờ đến chỉ số IQ của trẻ em!
Trò chơi điện tử từ lâu đã là chủ đề gây tranh cãi khi nhắc đến ảnh hưởng của chúng đối với trẻ em. Trong khi nhiều ý kiến chỉ trích việc chơi game có thể gây hại cho sự phát triển trí não, thì một nghiên cứu khoa học đã mang đến cái nhìn khác biệt, cho thấy mối liên hệ tích cực giữa việc chơi game và sự gia tăng trí thông minh ở trẻ nhỏ.
Trải nghiệm game trên Mac mini M4 Pro: Cậu bé tí hon bước ra biển lớn gaming