Khoa học chứng minh trẻ em học ngoại ngữ cực giỏi từ tấm bé và bố mẹ hãy chú ý điều đó

    Lê Tuấn Anh,  

    Trẻ em được tiếp xúc với một ngôn ngữ khác ngoài tiếng mẹ đẻ từ sớm có thể nói thành thạo cả hai thứ tiếng như người bản ngữ. Kết quả từ một nghiên cứu mới đây đã cung cấp bằng chứng khoa học về khả năng học ngoại ngữ vô cùng "bá đạo" của trẻ nhỏ.

    Phần lớn người trưởng thành cảm thấy khá khó khăn để học ngoại ngữ. Trong khi đó, trẻ em được tiếp xúc với một ngôn ngữ khác ngoài tiếng mẹ đẻ từ sớm có thể nói thành thạo cả hai thứ tiếng như người bản ngữ. Kết quả từ một nghiên cứu mới đây đã cung cấp bằng chứng khoa học về khả năng học ngoại ngữ vô cùng "bá đạo" của trẻ nhỏ.

    Trẻ em bắt đầu học ngoại ngữ từ lúc nào?

    Nghiên cứu cho thấy trẻ sơ sinh bắt đầu học ngôn ngữ từ khi còn trong bụng mẹ. Giọng nói của người mẹ là một trong những âm thanh nổi bật nhất mà thai nhi nghe được. Đến khi ra đời, đứa trẻ có thể cảm nhận sự khác biệt giữa ngôn ngữ của người mẹ so với ngôn ngữ khác, có thể phân biệt các ngôn ngữ khác nhau.

    Việc học ngôn ngữ phụ thuộc vào các âm (nguyên âm, phụ âm...). Tất cả các ngôn ngữ trên thế giới sử dụng khoảng 800 âm. Trong đó, mỗi ngôn ngữ chỉ sử dụng khoảng 40 âm đặc trưng, giúp phân biệt với ngôn ngữ khác.

    Bộ não trẻ sơ sinh vô cùng khác thường: có thể phân biệt tất cả 800 âm. Đồng nghĩa với việc trẻ có thể học bất kỳ ngôn ngữ nào mà chúng được tiếp xúc.

    Từ 6 đến 12 tháng tuổi, những đứa trẻ lớn lên trong gia đình chỉ nói một thứ tiếng bắt đầu "in dấu" các âm trong tiếng mẹ đẻ. Đến khi được 1 tuổi, đứa trẻ bắt đầu mất khả năng nhận biết các âm khác nhau trong các ngôn ngữ khác nhau.

    Nghiên cứu não bộ trẻ nhỏ

    Điều gì xảy ra với những đứa trẻ tiếp xúc với 2 thứ tiếng từ khi sinh ra? Liệu bộ não trẻ em có thể xử lý tốt cả hai ngôn ngữ? Nếu vậy, quá trình này khác biệt ra sao với trẻ chỉ tiếp xúc với 1 thứ tiếng? Bố mẹ của những trẻ nói 2 thứ tiếng cũng thường băn khoăn liệu con của họ có gì khác so với trẻ em chỉ học một ngôn ngữ.

    Các nhà khoa học đã nghiên cứu quá trình bộ não tiếp nhận âm thanh ở trẻ 11 tháng tuổi từ gia đình nói 1 thứ tiếng (tiếng Anh) và 2 thứ tiếng (tiếng Anh và Tây Ban Nha). Công nghệ từ não đồ (magnetoencephalography hay MEG) được sử dụng để xác định chính xác thời gian và địa điểm của các hoạt động xảy ra trong não khi những đứa trẻ nghe các âm tiết tiếng Tây Ban Nha và tiếng Anh.

    Giữa trẻ em lớn lên trong gia đình nói 1 thứ tiếng và 2 thứ tiếng có những khác biệt quan trọng. Khi được 11 tháng tuổi, ngay trước khi đa số trẻ em bắt đầu nói những từ đầu tiên, não bộ của trẻ trong gia đình chỉ nói tiếng Anh có thể xử lý tốt các âm tiếng Anh nhưng điều đó không xảy ra với các âm thuộc về một ngôn ngữ xa lạ như tiếng Tây Ban Nha. Não bộ đứa trẻ từ gia đình nói 2 thứ tiếng có thể xử lý tốt các âm của cả tiếng Anh và tiếng Tây Ban Nha.

    Não bộ trẻ sơ sinh có thể điều chỉnh để xử lý bất cứ ngôn ngữ nào mà chúng nghe được từ những người chăm sóc.

    Theo dõi hoạt động não bộ bằng MEG
    Theo dõi hoạt động não bộ bằng MEG

    Việc học 2 ngôn ngữ có phổ biến hay không?

    Tin tốt là nhiều trẻ em trên thế giới có thể học hai ngôn ngữ cùng một lúc. Trong thực tế, ở nhiều nơi việc nói 2 thứ tiếng là phổ biến chứ không phải là một ngoại lệ.

    Các ông bố, bà mẹ cũng quan tâm đến việc liệu con mình có tốc độ phản ứng với ngôn ngữ và vốn từ vựng giống với bạn bè cùng trang lứa hay không?

    Trẻ em nói 2 thứ tiếng có phản xạ với âm tiếng Anh nhanh bằng với những đứa trẻ nói 1 thứ tiếng. Điều này cho thấy rằng khả năng học tiếng Anh ở cả 2 nhóm trẻ là ngang nhau. Về vốn từ vựng, trẻ em nói 2 thứ tiếng phải phân chia thời gian của mình cho 2 ngôn ngữ. Tuy nhiên, các nghiên cứu đều cho thấy rằng trẻ em nói 2 thứ tiếng không hề thua kém là bao.

    Một mối quan tâm lớn khác là liệu việc nói 2 thứ tiếng có gây ra sự nhầm lẫn khi nói? Một phần của vấn đề này phát sinh do hiện tượng "chuyển mã ngôn ngữ" - kết hợp cả 2 ngôn ngữ khi nói. Nghiên cứu cho thấy trẻ em nói 2 thứ tiếng “chuyển mã” vì người lớn xung quanh chúng cũng làm vậy. Các nhà nghiên cứu chỉ ra rằng “chuyển mã” là một phần trong quá trình phát triển ngôn ngữ bình thường của trẻ nói 2 thứ tiếng. Và thậm chí điều đó giúp chúng có thêm các năng lực nhận thức, hiện tượng được gọi là "lợi thế song ngữ."

    Lợi thế song ngữ

    Liên tục chuyển đổi sự tập trung vào các ngôn ngữ khác nhau tạo ra một số lợi thế về khả năng nhận thức. Nghiên cứu cho thấy ở cả người lớn và trẻ em nói 2 thứ tiếng có sự cải thiện khả năng hoạt động của não bộ (dễ dàng chuyển đổi sự tập trung vào công việc khác nhau và giải quyết vấn đề nhanh hơn). Người nói 2 thứ tiếng còn có kỹ năng metalinguistic (khả năng suy nghĩ về ngôn ngữ, hiểu cách một ngôn ngữ hoạt động ra sao). Có bằng chứng cho thấy biết 2 thứ tiếng sẽ giúp việc học tập ngôn ngữ thứ ba dễ dàng hơn. Hơn nữa, hiệu ứng tích lũy kinh nghiệm ngôn ngữ được cho là có tác dụng bảo vệ chống lại suy giảm nhận thức do tuổi già và bệnh Alzheimer.

    Nếu bạn muốn con mình biết nhiều hơn một ngôn ngữ, tốt nhất là hãy bắt đầu từ thật sớm. Thậm chí điều đó có thể giúp đứa trẻ tăng cường các năng lực nhận thức khác.

    Theo qz.com

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ