Khoa học "đập hộp" hang động tách biệt khỏi thế giới suốt 5 triệu năm, và đây là những gì được tìm thấy
Một hang động bị đóng kín suốt 5,5 triệu năm, chỉ được tìm ra từ cách đây hơn 30 năm và đến nay mới chỉ có chưa đến 100 người được phép xuống thám hiểm.
Tại Romania, cách Biển Đen vài dặm đường về phía Tây là một thế giới hoàn toàn khác với những gì nhân loại đang được chứng kiến. Đó là nơi tọa lạc của Movile - một hang động đặc biệt, đã đóng kín trong suốt 5,5 triệu năm và hoàn toàn tách biệt với thế giới bên ngoài.
Trong một môi trường kín như vậy, không khí bên trong có rất nhiều độc tố, và độ ẩm cũng ở mức không thể chịu nổi. Tuy nhiên, các yếu tố này khi kết hợp lại tạo nên một mỏ vàng dành cho giới sinh học.
Theo BBC Earth, hang Movile được phát hiện từ năm 1986, và từ trước đến nay chỉ có khoảng 100 người từng xuống thám hiểm hang động này. Ngày nay nó được chính phủ Romania niêm phong, chỉ những người được cấp phép đặc biệt (như các nhà khoa học) mới được đến đó. Mà trên thực tế, hang động này được bao bọc bởi toàn đá vôi sắc nhọn như một lớp bảo vệ tự nhiên, nên người thường cũng khó mà muốn đến.
Do đã đóng kín quá lâu, không khí trong hang chỉ có nồng độ oxy bằng phân nửa so với bình thường, trong khi nồng độ CO2 và hydrogen sulfide cao đến đáng sợ. Và cũng vì đã 5,5 triệu năm không có ánh sáng, bên trong hang tối đen như mực, không thể thấy bất kỳ điều gì.
Bên trong hang có gì?
Nhưng bất chấp môi trường khắc nghiệt, chiếc hang này vẫn tồn tại sự sống. Sau lần "đập hộp" các khu vực sâu của hang Movile, các nhà khoa học đã xác định được 48 loài vật sống ở đó. Chúng bao gồm một số loài nhện, bọ cạp nước, rết, đỉa, các loài đẳng túc... 33 trong số đó là loài độc nhất, chỉ được tìm thấy ở trong chiếc hang này thôi.
Hầu hết các loài vật trong hang đều không có thị giác, cũng không có sắc tố. Điều này cũng dễ hiểu: bạn cần gì mắt nếu như không gian xung quanh không có đến một chút ánh sáng? Ngoài ra, tất cả sở hữu chi khá dài, cùng những cặp râu đóng vai trò như ăng-ten định vị, giúp chúng di chuyển trong bóng tối.
Nhưng chưa hết đâu! Các nhà khoa học nhận định đây thực sự là một thế giới hết sức khác biệt, bởi nó là hệ sinh thái duy nhất phụ thuộc vào các loài vi khuẩn có khả năng hóa hợp (chemosynthetic). Để giải thích đơn giản, các hệ sinh thái trên mặt đất sẽ tích lũy và sản sinh năng lượng bằng quá trình quang hợp. Nhưng bởi trong hang không có ánh sáng, vi khuẩn sẽ phải sản sinh năng lượng thông qua các phản ứng hóa học - chẳng hạn như quá trình oxy hóa sulfide hoặc ammonium.
Bí ẩn triệu năm: Tại sao các loài vật lại chui vào đây, để rồi bị tách biệt ra khỏi thế giới?
Đây thực chất là một câu hỏi chưa có câu trả lời. "Rất có thể các loài vi khuẩn đã tồn tại ở đây lâu hơn thế nữa, nhưng các loài côn trùng thì sao?" - J. Colin Murrell, nhà sinh học từ ĐH East Anglia cho biết. "Chúng có thể đơn giản là vô tình rơi vào đó, rồi bị mắc kẹt khi đá vôi rơi xuống lấp kín cửa hang, cho đến khi được con người khai quật vào năm 1986."
Hiện tại, động Movile vẫn còn ẩn chứa rất nhiều bí ẩn. Sau 30 năm tìm ra nó, các nhà khoa học vẫn tìm ra rất nhiều thông tin mới, chẳng hạn như về cách các loài vật ở đây tiến hóa ra sao trong một môi trường vô cùng khắc nghiệt.
Nguồn: IFL Science
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Sự thật từ nghiên cứu khoa học: Chơi trò chơi điện tử có ảnh hưởng bất ngờ đến chỉ số IQ của trẻ em!
Trò chơi điện tử từ lâu đã là chủ đề gây tranh cãi khi nhắc đến ảnh hưởng của chúng đối với trẻ em. Trong khi nhiều ý kiến chỉ trích việc chơi game có thể gây hại cho sự phát triển trí não, thì một nghiên cứu khoa học đã mang đến cái nhìn khác biệt, cho thấy mối liên hệ tích cực giữa việc chơi game và sự gia tăng trí thông minh ở trẻ nhỏ.
Trải nghiệm game trên Mac mini M4 Pro: Cậu bé tí hon bước ra biển lớn gaming