Khoa học phát triển thành công phương pháp phân biệt mức độ nặng, nhẹ của bệnh sốt xuất huyết

    Thanh Long, Thể thao & Văn hóa 

    Điều này sẽ giúp các bác sĩ tập trung được nguồn lực điều trị đồng thời tiết kiệm chi phí cho hệ thống y tế.

    Khi bạn nhận được một chẩn đoán sốt xuất huyết, tại thời điểm hiện tại, điều đó giống như chơi một trò xổ số ngược. 

    Một trong 20 người nhiễm virus Dengue (DENV) trong máu có khả năng tiến triển thành sốt xuất huyết nặng (Dengue hemorrhagic fever -DHF) với các triệu chứng như tăng thấm thành mạch, xuất huyết, giảm tiểu cầu. Trong khi, 19 người còn lại chỉ bị nhức đầu, đau cơ, phát ban... các triệu chứng nhẹ của sốt xuất huyết không biến chứng (Dengue fever - DF).

    Người mắc DF thì chỉ cần điều trị tại nhà, trong khi người mắc DHF bắt buộc phải nhập viện. Bởi DHF tiến triển vô cùng nhanh, bệnh nhân có thể tử vong chỉ sau 2-4 tiếng đồng hồ. 

    Vấn đề là hiện nay, các bác sĩ vẫn chưa có cách nào để xác định chính xác một bệnh nhân sốt xuất huyết không biến chứng (DF) hay sẽ trở nặng (DHF) tại thời điểm họ có kết quả nhiễm virus Dengue từ xét nghiệm máu.

    Vì vậy, nhiều bệnh nhân có triệu chứng DF đã được cho nhập viện chỉ để đề phòng họ tiến triển thành DHF. Mỗi bệnh nhân này tiêu tốn thêm một giường bệnh, một hồ sơ y tế và một quá trình chăm sóc, trung bình lên tới 1.250 USD (tương đương 30 triệu VNĐ). Nhân lên đó sẽ là một chi phí y tế khổng lồ, bởi mỗi năm thế giới có tới 390 triệu ca nhiễm sốt xuất huyết lâm sàng. 

    Để tiết kiệm chi phí cho hệ thống y tế, một nhóm nhà khoa học đang nỗ lực phát triển một bộ xét nghiệm nhanh, cho phép phát hiện sớm các ca sốt xuất huyết nặng DHF có khả năng tử vong và phân biệt nó với sốt xuất huyết không biến chứng DF, chỉ cần điều trị tại nhà.

    Nghiên cứu xét nghiệm nhanh sốt xuất huyết, cảnh báo sớm ca có nguy cơ tử vong cao - Ảnh 1.

    Nghiên cứu mới vừa phát hiện ra cách để phân loại mức độ nghiêm trọng của bệnh sốt xuất huyết trên từng bệnh nhân, mở ra cơ hội cải thiện việc điều trị. Ảnh: JBS.

    Người đứng đầu công trình nghiên cứu này là Giáo sư Diana Hansen đến từ Viện Nghiên cứu Y sinh học Monash - Đại học Monash (Úc), với sự tham gia của Viện Nghiên cứu Y khoa Walter & Eliza Hall (WEHI) tại Melbourne và Tiến sĩ Tedjo Sasmono từ Trung tâm Eijkman (Jakarta, Indonesia). Nghiên cứu vừa được công bố trên Tạp chí Khoa học Y sinh (JBS).

    Nhóm nghiên cứu của Giáo sư Diana Hansen phát hiện ra rằng trong lần nhiễm vi-rút sốt xuất huyết thứ hai (nhiễm trùng thứ phát thường nghiêm trọng hơn), một nhóm người đã có phản ứng tế bào T làm giảm mức độ của bệnh.

    Giáo sư Hansen cho biết: "Loại tế bào hệ miễn dịch này được huy động bởi hệ miễn dịch thích ứng. Đây là một phản ứng có mục tiêu, cụ thể đối với mầm bệnh, giúp bạn hồi phục tốt hơn. Nhóm bệnh nhân còn lại là những người không có phản ứng cụ thể kể trên, thay vào đó là phản ứng hệ miễn dịch bẩm sinh, với đặc trưng là phản ứng chống viêm mạnh nhằm kiểm soát vi rút. Những người này bị bệnh rất nặng và nhiều khả năng phải nhập viện".

    Theo giáo sư Hansen, việc xác định các loại tế bào và các phân nhóm của chúng không hề dễ dàng: "Chúng tôi đã sử dụng kỹ thuật phân tích khối phổ tế bào, đánh dấu các loại tế bào bằng kim loại hiếm, từ đó xác định các loại tế bào cụ thể trong mẫu máu và tách rời chúng".

    Nhóm nghiên cứu của Giáo sư Hansen tự tin rằng kết quả từ cuộc nghiên cứu sẽ cho phép họ phát triển một bộ sinh phẩm xét nghiệm dành riêng cho bệnh sốt xuất huyết, tương tự như bộ sinh phẩm xét nghiệm nhanh kháng nguyên COVID. 

    Với bộ xét nghiệm này, các bác sĩ có thể phân loại bệnh nhân sốt xuất huyết ở giai đoạn đầu xem ai cần nhập viện và ai không, thay vì cho tất cả các bệnh nhân nhập viện. Điều này sẽ giúp ích cho các cơ sở y tế tại những khu vực dễ mắc bệnh sốt xuất huyết, nơi thường xuyên quá tải bệnh nhân nhập viện.

    Nghiên cứu xét nghiệm nhanh sốt xuất huyết, cảnh báo sớm ca có nguy cơ tử vong cao - Ảnh 2.

    Giáo sư Diana Hansen đến từ Viện Nghiên cứu Y sinh học Monash - Đại học Monash (Úc), ảnh: Infocus.

    "Virus sốt xuất huyết là một trong những thách thức lớn của y học nhiệt đới vì hiện chưa có vắc xin hiệu quả cao và chưa có phương pháp điều trị cho các trường hợp nặng. Việc giảm chi phí khám chữa bệnh là đặc biệt quan trọng đối với các quốc gia Đông Nam Á, nơi 75% dân số tiếp xúc với vi rút sốt xuất huyết", giáo sư Hansen chia sẻ.

    Chúng tôi đang bắt đầu cuộc nghiên cứu lâm sàng thứ hai tại một vùng dịch ở Indonesia nhằm thu thập thêm đặc hiệu trong việc nhận diện các tế bào cụ thể giúp dự đoán khả năng tiến triển bệnh nặng, từ đó tiến gần hơn đến việc phát triển bộ sinh phẩm xét nghiệm dành cho bệnh nhân ở giai đoạn đầu".

    Tham khảo JBS, CDC, WHO


    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ