Khoản lợi nhuận vô tiền khoáng hậu của Samsung trong quý vừa rồi tới từ smartphone, nhưng lại không phải smartphone của Samsung

    Liam,  

    "Bật mí": đó là kẻ thù không đội trời chung của Samsung, là kẻ chắc chắn sẽ được gọi tên mỗi lần ai đó nhắc đến Galaxy S hay Note.

    Cũng giống như mọi năm, chiến lược đẩy sớm ngày ra mắt dòng Note đã khiến cho lịch trình của Samsung trở nên khá trống vắng trong lúc 2 đối thủ (và cũng là 2 "đối tác") bận rộn với các mẫu smartphone đầu bảng của riêng mình. Tuy vậy, cho dù có thu hút bao nhiêu sự chú ý vào iPhone và Pixel, Apple và Google chắc chắn sẽ không thể lập được kỳ tích mà Samsung vừa chạm tay tới: 15,6 tỷ USD lợi nhuận. Với kết quả này, quý 3/2018 sẽ là quý sinh lãi "khủng" nhất trong toàn bộ lịch sử hàng chục năm của Samsung.

    Trái ngược với lợi nhuận này là tình cảnh không mấy sáng sủa của những chiếc smartphone Galaxy. Trong quý 2, chính gã khổng lồ Hàn Quốc đã đưa ra thừa nhận rằng doanh số Galaxy S9/S9 không đạt như mong đợi. Dù Galaxy Note9 là một bản nâng cấp đáng giá với những tính năng mới dành cho S Pen, tùy chọn bộ nhớ "khủng" và một hệ thống tản nhiệt tân tiến chưa từng có, đi cùng doanh số khả quan, siêu phẩm này cũng khó có thể cứu được mảng smartphone của Samsung vốn đang bị chèn ép dữ dội từ các đối thủ Trung Quốc.

    Sự trùng hợp kỳ lạ

    Khoản lợi nhuận vô tiền khoáng hậu của Samsung trong quý vừa rồi tới từ smartphone, nhưng lại không phải smartphone của Samsung - Ảnh 1.

    Tháng 7 vừa qua, Samsung đã thừa nhận doanh số S9/S9 không như mong đợi.

    Vậy, lợi nhuận Samsung đến từ đâu? Câu trả lời: vẫn là smartphone, nhưng không phải smartphone của Samsung.

    Thực tế, trong rất nhiều quý vừa qua, báo cáo tài chính của Samsung đã hé lộ rằng mảng chip và hiển thị mới là lý do chủ đạo đưa gã khổng lồ Hàn Quốc liên tiếp phá từ kỷ lục lợi nhuận này tới kỷ lục lợi nhuận khác. Trong lúc các mảng này ăn nên làm ra, mảng smartphone của Samsung cũng liên tục đi xuống. Từ lâu, Galaxy đã không còn là chìa khóa lợi nhuận của Samsung.

    Một trong những khách hàng lớn nhất của Samsung, trớ trêu thay, lại là Apple. Ước tính của Daiwa Capital Markets cho thấy Apple "đóng góp" tới 25-30% tổng doanh thu mảng hiển thị của Samsung.

    Tương tự, thông tin được DSCC hé lộ chuỗi cung ứng cho thấy, mức độ sử dụng các fab (nhà máy) OLED của Samsung đã liên tục tăng trong tháng 5 và tháng 6, tương ứng với lịch trình ra mắt của Samsung. Do doanh thu chỉ được ghi nhận sau khi màn hình được lắp ráp, sản lượng OLED gia tăng này sẽ được tính vào quý 3/2018 – cũng chính là quý kỷ lục lợi nhuận mới của Apple.

    Khoản lợi nhuận vô tiền khoáng hậu của Samsung trong quý vừa rồi tới từ smartphone, nhưng lại không phải smartphone của Samsung - Ảnh 2.

    Không phải vô cớ mà gần đến "mùa iPhone" mới, tỷ suất vận hành các nhà máy OLED của Samsung lại gia tăng.

    Số phận gắn chặt

    Hiển nhiên, mảng chip và màn hình của Samsung không chỉ sống nhờ vào Apple: các nhà máy (fab) của Samsung còn là nơi xuất xưởng phần lớn chip Snapdragon ra thị trường.

    Song, mỗi con chip Snapdragon bán ra thị trường chỉ vào khoảng 60-70 USD, trong đó phần nhiều chắc chắn sẽ thuộc về Samsung. Mỗi tấm màn được Samsung bán cho iPhone X của năm ngoái được ước tính có giá lên tới 110 USD, và khoản tiền này trọn vẹn thuộc về Samsung.

    Chưa dừng lại ở đây, bắt đầu từ 2019, Samsung sẽ đẩy mạnh sản xuất chip trên chu trình 7nm. Thành tựu này được dự kiến sẽ giúp Samsung trở lại thành nhà cung ứng chip cho Apple, sau khi để mất toàn bộ mối làm ăn này vào tay TSMC (Đài Loan) trong năm 2016.

    Khoản lợi nhuận vô tiền khoáng hậu của Samsung trong quý vừa rồi tới từ smartphone, nhưng lại không phải smartphone của Samsung - Ảnh 3.

    Lịch sử của iPhone có rất nhiều "phần" do Samsung đóng góp.

    Mối quan hệ kỳ lạ giữa 2 kẻ từng lôi nhau ra tòa kiện nhau chua chát lại tiếp tục. Trong suốt lịch sử, Samsung đã rất nhiều lần là nhà cung ứng chip, màn hình, RAM và nhiều linh kiện khác cho Apple. Đôi khi, Samsung sẽ là lựa chọn duy nhất của Apple: cho đến tận thời điểm hiện tại, Samsung vẫn đang là nhà sản xuất OLED duy nhất có thể đáp ứng được thiết kế của Apple dành cho iPhone X/XS/XS Max.

    Ngược lại, Apple cũng là khách hàng mà Samsung muốn theo đuổi. Cho dù doanh số iPhone vẫn đứng sau doanh số Galaxy, những chiếc điện thoại gắn mác Táo hiện vẫn làm chủ phân khúc cao cấp màu mỡ. Hàng chục triệu tấm màn OLED giá 110 USD vẫn sẽ là thương vụ màu mỡ nhất cho mảng kinh doanh đang đứng đằng sau những con số lợi nhuận kỷ lục của Samsung.

    Bởi thế, số phận của 2 kẻ thù (tưởng chừng) không đội trời chung này sẽ tiếp tục gắn chặt vào nhau.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ