(GenK.vn) - Bài viết là cuộc trò chuyện và chia sẻ thú vị từ khách mời của GenK, một người trẻ với đam mê startup và đang thực hiện dự án trong lĩnh vực tài chính.
Tóm tắt bài viết:
- Khởi nghiệp gặp rất nhiều khó khăn, từ ý tưởng, định hướng, nhân sự cho tới vốn đầu tư. Đặc biệt lĩnh vực tài chính càng gặp nhiều khó khăn hơn nữa bởi đây là vấn đề nhạy cảm.
- Tuy có nhiều rào cản nhưng tại Việt Nam đã có một số startup về lĩnh vực tài chính xuất hiện. GenK đã có cuộc trao đổi thú vị với một vị khách mời trẻ đang phát triển dự án về lĩnh vực trên.
- Từ những chia sẻ của khách mời, hi vọng những bạn trẻ đang mang trong mình "ngọn lửa" startup sẽ tiếp tục thực hiện ước mơ, định hướng đúng và đạt được thành công.
Những năm gần đây, các dự án startup (khởi nghiệp) liên tiếp ra đời với đủ lĩnh vực từ thương mại điện tử, công nghệ cho tới giáo dục, y tế,... Nếu bạn có đam mê, có động lực thôi thúc, muốn mang lại một giá trị riêng cho bản thân, gia đình, xã hội và đặc biệt là kiên trì, sẵn sàng đương đầu với thử thách thì đừng để lãng phí tuổi trẻ, hãy đứng lên và tự vạch ra dự án khởi nghiệp cho riêng mình. Còn nếu không, tôi khuyên bạn đừng mạo hiểm vì có quá nhiều rủi ro và khó khăn mà một startup có thể gặp phải. Có thể dễ dàng nhận thấy startup không dành cho tất cả mọi người, và đang có rất nhiều người lầm tưởng tự gán cho mình hai chữ "startup".
Quay lại bài viết, nếu như trong giới công nghệ các thuật ngữ như Ed-Tech (startup công nghệ trong lĩnh vực giáo dục), Adtech (startup công nghệ trong lĩnh vực quảng cáo) đã phổ biến thì FinTech (startup công nghệ trong lĩnh vực tài chính) vẫn còn ít người biết tới. FinTech có thể mang lại lợi nhuận cao nhưng đi kèm với nó là rất nhiều rào cản cũng như rủi ro.
Chúng tôi đã có dịp trò chuyện với anh Hải (Roy) Nguyễn, một du học sinh đã tạm hoãn việc học năm cuối tại Đại học bang California ( thành phố Long Beach, Mỹ) cũng như rời bỏ công việc Tổng quản lý trung tâm sinh viên để về Việt Nam theo đuổi giấc mơ khởi nghiệp vào đầu năm 2010. Đây cũng là một trong những gương mặt quen thuộc của cộng đồng startup Việt Nam và hiện tại đang phát triển một dự án khởi nghiệp trong lĩnh vực tài chính.
Chia sẻ với tôi (người viết), Hải cho biết anh theo đuổi giấc mơ khởi nghiệp của mình với tinh thần Amazon: "Work hard, Have Fun, Make History". Bên cạnh dồn toàn thời gian cho khởi nghiệp, anh còn tham gia hoạt động cồng động với vai trò là Thành viên Ban điều hành CLB Cựu Du học sinh Mỹ tại Việt Nam, thành viên Global Shapers thành phố Hồ Chí Minh (một sáng kiến của Diễn Đàn Kinh tế Thế giới). Hải cũng tích cực đại diện cộng đồng khởi nghiệp Việt Nam chia sẻ, trình bày tại nhiều hội nghị như Khởi nghiệp trẻ toàn cầu ở Malaysia, Khởi nghiệp Châu Á tại Indonesia, Hội nghị thượng đỉnh Châu Á tại Hàn quốc. Ngoài ra, Hải còn được chọn để trình bày về kinh nghiệm xây dựng cộng đồng khởi nghiệp công nghệ Việt Nam trước Bộ trưởng Bộ KH-CN và Vườn ươm Doanh nghiệp công nghệ Silicon Valley Việt Nam, vườm ươm doanh nghiệp công nghệ đầu tiên của chính phủ.
Hải cùng đại diện của các nước tại Diễn đàn kinh tế Thế giới về Đông Á năm 2014 tổ chức tại Philippines. Tại đây Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã có bài phát biểu trước đại diện các nước.
Chào Hải, bạn có thể chia sẻ về quá trình khởi nghiệp từ khi bắt đầu về Việt Nam của mình được không?
Chặng đường khởi nghiệp của mình bắt đầu từ việc gia nhập học viện Yola. Sau 1.5 năm được học hỏi nhiều kiến thức, kinh nghiệm thực tế, mình quyết định chuyển hướng sang một thử thách mới bằng việc gây dựng phát triển cộng đồng khởi nghiệp công nghệ Việt Nam.
Được biết Hải là người sáng lập Startup.vn, mục đích của dự án này là gì?
Đó là một platform kết nối các startups về công nghệ với nhà đầu tư và đối tác. Đồng thời, nhờ vào khoản tài trợ của Ngân hàng Thế giới và sau này là Lãnh sự quán Mỹ, Hải cũng đồng sáng lập The Start Center, co-working space đầu tiên của Việt Nam, giúp các startups có một không gian làm việc sáng tạo, tích cự hỗ trợ lẫn nhau.
Ngoài Startup.vn, bạn còn thực hiện dự án nào nữa không?
Mình còn thực hiện một dự án giáo dục khác có tên iStart Academy, đây là dự án mình dành rất nhiều tâm huyết, tuy nhiên năm 2013 vừa qua là thời điểm buồn của mình vì thất bại của dự án này. Sau đó Hải đã quyết định thực hiện chuyến xe đạp xuyên việt để tìm kiếm trải nghiệm những ý tưởng hướng đi mới. Được dịp đi đến nhiều vùng miền của đất nước, chứng kiến nhiểu cảnh đời khó khăn tại nhiều vùng nông thôn, và cũng từ đây mình quyết định làm một điều gì đấy để thay đổi tích cực. Đây là một bước ngoặt đưa Hải đến với lĩnh vực tài chính cá nhân.
Cụ thể đối tượng hướng tới và mục tiêu của Hải trong dự án mới về tài chính cá nhân là gì?
Ở Việt Nam hiện có khoảng hơn 2 triệu sinh viên, nhưng những sản phẩm tài chính cho đối tượng này lại cực kì hạn chế, đặc biệt là sinh viên có hoàn cảnh khó khăn. Hải mong muốn sử dụng vốn kiến thức công nghệ của mình để xây dựng một sản phẩm góp phần giải quyết các khó khăn về tài chính cho người nhóm đối tượng trên, và sản phẩm đầu tiên mình dự định đặt tên là LoanVi. Với vai trò là công cụ kết nối tài chính, Hải hi vọng nó không chỉ giúp sinh viên tìm được nguồn vay với lãi suất hợp lí mà còn tạo dựng một cộng đồng giới trẻ hợp tác, hỗ trợ lẫn nhau.
Có thể đây sẽ là một startup dành được sự quan tâm trong thời gian tới, bạn có gặp nhiều khó khăn khi phát triển không?
Không chỉ ở Việt Nam mà ngay cả nhựng thị trường phát triển như Mỹ, Anh và Nhật Bản thì tài chính vẫn là lĩnh vực còn nhiều hạn chế, khó khăn trong việc đổi mới vì đặc thù nhạy cảm phức tạp cũng như rào cản pháp lý khác nhau giữa các nước. Như bạn cũng biết đấy, hệ thống luật pháp phải chặt chẽ để đảm bảo được quyền lợi của bên vay cũng như bên cho vay. Đây là một lĩnh vực còn quá nhiều điều phải giải quyết và tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Tài chính luôn luôn là vấn đề nhạy cảm, thậm chí với những công ty lớn cũng gặp nhiều trở ngại khi phát triển. Theo bạn mô hình khởi nghiệp cá nhân (startup) có cơ hội phát triển tốt trong lĩnh vực này không?
Startup mà, đôi khi cần "máu liều" nữa, bạn cần phải hết mình và định hưỡng rõ ràng, dù có thất bại thì cũng sẽ vui hơn nhiều so với việc có ý tưởng nhưng chỉ đặt nó trên giấy đúng không? Sản phẩm của mình chưa ra mắt, vì vậy mình không thể nói trước được điều gì. Hiện tại dự án đã được nhiều bạn bè, anh chị em có kinh nghiệm trong ngành ủng hộ. Mình hi vọng nó cũng sẽ được các bạn sinh viên đón nhận. Đâm lao rồi, giờ có khó khăn cũng phải theo lao thôi.
Hải có lời khuyên nào dành cho những bạn khác đang có ý định startup trong lĩnh vực tài chính này không?
Mình nghĩ rằng trong mọi lĩnh vực, cơ hội luôn luôn có, chỉ có điều startup nên biết lực của mình để chọn hướng đi cho phù hợp. Mình từng thất bại nhiều, đó là những lần mình rút ra được nhiều kinh nghiệm và càng tạo tiền đề để mình tiếp tục thực hiện những dự định mới trong tương lai.
Tuy tài chính là lĩnh vực nhạy cảm nhưng nó là một phần thiết yếu. Nếu bạn tìm được vấn đề mà xã hội cần, "gãi ngứa" đúng chỗ đó, làm việc nghiêm túc để giải quyết thật tốt thì sản phẩm hoàn toàn có thể được đón nhận. Điều quan trọng nhất mình nghĩ là phải thực tế nhìn vào thị trường.
Cảm ơn những chia sẻ của Hải, chúc bạn sẽ thành công với những dự định sắp tới của mình!
Bạn đọc có thể tham khảo thêm bài viết "Khởi nghiệp thì phải thực tế" của anh Nguyễn Văn Tuấn - Giám đốc Khối Thương mại điện tử - VCCorp ở link phía dưới.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cùng nhận tiền của NASA để sản xuất tàu vũ trụ, SpaceX thành công lớn còn Boeing lỗ nặng
Boeing đứng trước những sóng gió lớn nếu không hoàn thành dự án Starliner của mình.
iPhone 14 Pro Max phát nổ khiến người dùng bị thương