Khốn đốn vì dịch bệnh, Apple vẫn thể hiện tầm nhìn vào 2 mảng kinh doanh "phụ trợ" ít người để ý là hoàn toàn đúng đắn

    CL,  

    Khi doanh số iPhone, iPad và Mac đều suy giảm, 2 mảng kinh doanh ít tiếng tăm của Apple là lý do chính giúp cho công ty của Tim Cook không rơi vào suy thoái.

    Trong ngày cuối cùng của tháng 4, Apple đã công bố kết quả kinh doanh cho quý 1/2020 (quý 2 năm tài chính 2020 của Apple). Không nằm ngoài dự đoán, dịch bệnh Covid-19 đã gây ra những ảnh hưởng nặng nề lên công ty của Tim Cook: doanh thu chỉ đạt 58,3 tỷ USD, giảm đáng kể so với mức dự đoán 62 - 67 tỷ USD được đưa ra vào đầu quý. Cả 3 mảng sản phẩm gắn với tên tuổi của Apple là iPhone, iPad và Mac đều chứng kiến doanh thu suy giảm so với cùng kỳ 2019.

    Hai mảng cứu thua

    Nhưng may mắn cho Apple, 2 mảng sản phẩm được Tim Cook đẩy mạnh trong những năm vừa qua là dịch vụ và phụ kiện/wearable đều đã tăng trưởng mạnh để bù đắp phần nào cho doanh thu của iPhone, iPad và Mac. 

    Khốn đốn vì dịch bệnh, Apple vẫn thể hiện tầm nhìn vào 2 mảng kinh doanh phụ trợ ít người để ý là hoàn toàn đúng đắn - Ảnh 1.

    Dịch vụ và phụ kiện, 2 vũ khí "cứu thua" của Apple mùa dịch.

    Cụ thể hơn, mảng dịch vụ trong quý vừa qua đã đạt mức doanh thu kỷ lục trong toàn bộ lịch sử công ty. Với mức 13,35 tỷ USD mang về, mảng này hiện tại có doanh thu cao gấp 3 lần iPad và 2 lần Mac. Theo tuyên bố của giám đốc tài chính Lucas Maestri, trong năm 2020 Apple sẽ hoàn thành mục tiêu tăng gấp đôi doanh thu dịch vụ của năm 2016.

    Cùng lúc, mảng phụ kiện của Apple cũng đem đến doanh thu kỷ lục trong các quý đầu năm. Quý vừa qua cũng đã là quý thứ 3 liên tiếp doanh thu phụ kiện vượt mặt Mac và iPad, đưa mảng này trở thành mảng phần cứng quan trọng thứ 2 của Apple, chỉ sau iPhone. "Ngôi sao" của mảng phụ kiện tiếp tục là Apple Watch: theo Apple, 75% số người dùng mua Apple Watch trong quý vừa qua là người mua lần đầu, cho thấy tiềm năng tăng trưởng của wearable vẫn còn rất lớn trong tương lai.

    Do tổng doanh thu của Apple gần như không thay đổi, có thể nói rằng chính sự tăng trưởng của dịch vụ và phụ kiện đã giúp Apple thoát khỏi suy thoái trong quý đầy khó khăn vừa qua. 

    Tầm nhìn dài hạn

    Khốn đốn vì dịch bệnh, Apple vẫn thể hiện tầm nhìn vào 2 mảng kinh doanh phụ trợ ít người để ý là hoàn toàn đúng đắn - Ảnh 2.

    Doanh thu từ dịch vụ không bị ảnh hưởng ngay cả khi các nguồn thu phần cứng bị gián đoạn.

    Không khó để nhìn ra vì sao mảng dịch vụ lại có thể tăng trưởng bất chấp dịch bệnh. Khi người dùng phải ở nhà, nhu cầu giải trí cùng Apple TV , Apple Music hay Apple Arcade chắc chắn sẽ gia tăng. Với lượng thiết bị lưu hành cao nhất trong lịch sử, các iFan cũng đang "tích cực tương tác với hệ sinh thái và các sản phẩm số của Apple" (CFO Lucas Maestri). Apple cũng đang tiếp tục đưa ra các chiến lược để đẩy mạnh mảng này, ví dụ như cho phép người dùng Apple Card được tạm dừng thanh toán trong tháng 3 và tháng 4, hoặc tặng kèm miễn phí 12 tháng xem Apple TV cùng chiếc iPhone SE giá rẻ (400 USD).

    Thành công của mảng phụ kiện/wearable có thể coi là một bất ngờ, bởi cũng như các mảng phần cứng khác, mảng này bị ảnh hưởng nặng nề khi chuỗi cung ứng của Apple tại Trung Quốc bị gián đoạn và các cửa hàng Apple Store trên toàn cầu phải đóng cửa. Tuy vậy, chính trong giai đoạn này Apple Watch đã vô tình thể hiện được một thế mạnh cốt lõi: cho phép các y bác sĩ chăm sóc sức khỏe từ xa. CEO Tim Cook khẳng định:

    "Với hướng dẫn từ FDA về việc theo dõi bệnh nhân từ xa, ứng dụng điện tâm đồ trên Apple Watch hiện đang được sử dụng cho việc theo dõi điện tâm đồ từ xa nhiều hơn, giảm mức độ tiếp xúc và phơi nhiễm của bệnh nhân và bác sĩ".

    Khốn đốn vì dịch bệnh, Apple vẫn thể hiện tầm nhìn vào 2 mảng kinh doanh phụ trợ ít người để ý là hoàn toàn đúng đắn - Ảnh 3.

    May mắn cho Apple, Tim Cook đã dịch chuyển doanh thu sang dịch vụ và phụ kiện từ rất lâu trước khi Covid-19 xảy ra.

    Không phải tới quý này Apple mới hướng sự tập trung sang mảng dịch vụ và phụ kiện, vốn có thể coi là các mảng ít thu hút sự chú ý hơn iPhone, iPad và Mac. Ngay từ khi doanh số iPhone XS gây thất vọng, Tim Cook đã ngay lập tức "khoe" số người dùng thực tế trong hệ sinh thái Táo, coi đó là bàn đạp cho Apple TV , Apple Music cũng như Apple Watch và AirPods.

    Đến nay, sự thay đổi này đã phát huy tốt tác dụng. Trong lúc chuỗi cung ứng rối loạn, các văn phòng phải đóng cửa và phần lớn Apple Store vẫn chưa mở cửa trở lại, nguồn thu của Apple vẫn được giữ vững thay vì rơi vào khủng hoảng như dự đoán của Phố Wall. Trước mắt sẽ là một quý 2 còn khó khăn hơn nữa (Apple thậm chí còn chưa thể đưa ra dự đoán doanh thu), nhưng có vẻ như Tim Cook đã tìm ra đầy đủ vũ khí để chống chọi với Covid-1.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ