Không cần kim y tế, loại kính áp tròng "kỳ diệu này có khả năng phát hiện tiểu đường
Tuy nhiên để nó được thương mại hóa thì chặng đường ấy còn xa lắm!
Các nhà khoa học đã phát minh ra một loại kính áp tròng có khả năng đo được lượng đường huyết mà không cần phải dùng kim y tế. Ở thời điểm hiện tại, mẫu kính này mới chỉ được thử nghiệm trên loài thỏ – và hiện chưa rõ liệu nó có thể đo đạc chính xác lượng đường trong máu của chúng ta chỉ nhờ nước mắt hay không. Tuy nhiên, nếu như thành công thì nó sẽ là một tin rất vui đối với những bệnh nhân bị tiểu đường.
Loại kính này được làm từ vật liệu dẻo, trong suốt được dùng làm kính áp tròng thông thường. Bên trong nó, những nhà nghiên cứu này đã tích hợp các thiết bị điện tử siêu nhỏ, bao gồm một bóng đèn LED và một cảm biến nồng độ glucose. Nếu mức glucose tăng đến một mức nhất định, bóng đèn LED sáng sẽ tắt để cảnh báo cho chủ nhân biết – trích bài viết trên tờ Science Advances.
Đội ngũ phát triển, do ông Jang-Ung Park thuộc Học viện Khoa học và Công Nghệ Quốc gia Ulsan của Hàn Quốc dẫn dắt, đã thử nghiệm kính áp tròng bằng cách sử dụng nước mắt nhân tạo có đường để mô phỏng lại nồng độ glucose thấp có trong các “giọt lệ”. Họ cũng đã tiến hành áp dụng nó cho thỏ: bóng đèn LED tiếp tục bật sáng cho đến khi bị phun dung dịch glucose vào mắt – ngay sau đó đèn LED đã tắt đúng như dự định. Loại kính này chưa được thử nghiệm trên người lẫn nước mắt người.
Thiết bị này chính là nỗ lực mới nhất trong công cuộc sáng tạo ra một công cụ có thể kiểm soát lượng đường huyết. Mặc dù thành quả của đội ngũ kiến tạo rất ấn tượng, dẫu vậy, John L. Smith, cựu Giám đốc Khoa học của bộ phận giám sát glucose thuộc công ty dược phẩm nổi tiếng thế giới Johnson & Johnson, lại nhận định rằng kết quả của việc đo glucose bằng nước mắt không đáng tin cậy để kê đơn cho người bị tiểu đường. “Đây là phương thức đo đường huyết không thuyết phục,” ông Smith nói. “Và nồng độ glucose trong máu là thứ mà anh phải hết sức cẩn trọng, nếu không các anh sẽ đẩy bệnh nhân vào tình trạng nguy kịch.”
Hiện đang có hơn 30 triệu người Mỹ mắc bệnh tiểu đường - căn bệnh gây ra tình trạng nồng độ glucose rất cao trong máu. Để tránh tình trạng tăng hoặc hạ đường huyết đến mức nguy hiểm, bệnh nhân tiểu đường luôn luôn phải theo dõi chế độ ăn uống của mình và đôi khi còn phải tiêm insulin. Đó là lý do tại sao đo lượng đường trong máu là rất quan trọng. “Những người này đang đặt cả mạng sống của mình vào các phương pháp đo đạc này,” Smith nhấn mạnh.
Hiện tại, có hai giải pháp, đó là lấy máu ở tay hoặc châm kim dưới da để đo glucose trong người. Cả hai đều gây cảm giác khó chịu, đó là lý do tại sao nhiều công ty đang cố gắng theo đuổi một cách làm mới suốt nhiều thập kỷ qua. Có rất nhiều cái tên tham gia vào cuộc cách mạng này, kể cả Google, nhưng chưa ai thành công cả.
Smith khẳng định thêm rằng nồng độ glucose trong nước mắt không đủ tương thích với nồng độ glucose trong máu. Theo nghiên cứu từ những năm 1980: sau khi thử nghiệm trên 100 bệnh nhân, “nồng độ glucose trong máu và nước mắt không cho thấy sự liên quan mật thiết nào cả,”. “Đây là một bài toán rất, rất khó khăn và nan giải,” tiếp lời ông Smith.
Các nhà khoa học kia đang hợp tác với một bệnh viện để thử nghiệm lâm sàng, theo một tuyên bố trong email của họ. Thế nhưng cho đến khi ta xác thực được về độ hiệu quả của loại kính áp tròng mới này đối với con người, thì hành trình đi tìm một cách thức theo dõi nồng độ glucose trong máu vẫn còn dài lắm!
Theo TheVerge
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Vì sao các nữ phi hành gia phải uống thuốc tránh thai trước khi bước vào cuộc hành trình xa xôi trong không gian?
Việc các nữ phi hành gia sử dụng thuốc tránh thai trước khi thực hiện các nhiệm vụ không gian là một biện pháp nhằm đảm bảo sức khỏe, an toàn và hiệu suất làm việc của họ. Mặc dù có một số hạn chế, nhưng đây vẫn là một giải pháp được nhiều người lựa chọn trong điều kiện hiện tại.
Bị Mỹ cấm vận đủ đường, nhà sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi vẫn hết lời khen ngợi: "Mỹ đã thiết lập một chuẩn mực trên toàn thế giới"