Không chỉ là trò xếp hình cho trẻ em, các công ty đã sử dụng Lego để thúc đẩy nhân viên sáng tạo như thế nào?

    Lưu An,  

    Không có gì ngạc nhiên khi người lớn cũng đi tìm những giải pháp thông qua trò chơi xếp hình. Đó không chỉ là lý thuyết đằng sau mô hình được xây dựng nên bởi các chuyên gia, mà còn là những viên gạch của sự sáng tạo.

    Mùa hè năm 2016, Đại học Cambridge (Anh) - một trong những trường đại học nổi tiếng nhất thế giới cho biết sẽ tuyển dụng một giáo sư chuyên về đồ chơi Lego. Người trúng tuyển cũng sẽ trở thành vị giáo sư Lego đầu tiên trên thế giới.

    Ứng viên may mắn được chọn sẽ trở thành Giám đốc của Trung tâm nghiên cứu về lợi ích của các trò chơi trong giáo dục, học tập và phát triển của con người. Được biết, vị giáo sư Lego này sẽ làm việc tại Khoa giáo dục của Đại học Cambridge và bắt đầu công việc nghiên cứu của mình từ tháng 10/2015. Quỹ Lego (Lego Foundation) đã tài trợ cho trường khoản ngân sách 4 triệu bảng Anh (tương đương 6,1 triệu USD) để lập ra vị trí này.

    Và người phù hợp với vị trí này là Giáo sư toán học Robert Rasmussen - hiệu trưởng của một trường học và là thành viên của uỷ ban nghiên cứu giáo dục LEGO.

    Từ cuối thập niên 90, Giáo sư toán học Robert Rasmussen đã nhận được đề nghị của CEO LEGO Kjeld Kirk Kristiansen nghiên cứu về việc áp dụng các mô hình xếp hình của LEGO để cải tiến quá trình lập kế hoạch, giao tiếp và tư duy chiến lược của một công ty.

    "Đó là một loại động cơ. Nó cũng giống như một thứ ngôn ngữ. Nó là kỹ thuật mà không cần đến nội dung. Chúng tôi có thể xây dựng một trò chơi mà người hỗ trợ sẽ đặt câu hỏi để cho tất cả những người tham gia tìm câu trả lời bằng cách sử dụng cách mảnh ghép LEGO", Giáo sư Rasmussen cho biết và gọi tên phương pháp này là LSP (Lý thuyết trò chơi nguy hiểm của LEGO).

    Cũng giống như những mảnh ghép LEGO có thể tạo thành bất cứ hình ảnh gì do người chơi sáng tạo, phương pháp LSP sẽ giúp các công ty đạt được mục tiêu như giải quyết khủng hoảng truyền thông, hoặc chuyển đổi mô hình kinh doanh hiện tại. Và giáo sư Rasmussen sẽ là người giúp các công ty, đặc biệt là các công ty đa ngành hoạt động trên toàn cầu như Google, NASA, Coca Cola hay Unilever, giải quyết bài toán khó này.

    Với tốc độ phát triển như vũ bão của khoa học công nghệ, lối suy nghĩ "out of the box" cũng trở thành yêu cầu tất yếu đối với các công ty trong quá trình tuyển dụng nhân tài và đối mặt với những thử thách của môi trường kinh doanh. Và phương pháp LSP có thể là giải pháp tuyệt vời để bạn có thể dùng đôi tay giải quyết vấn đề sau khi bộ não đã không thể.

    Trò chơi có thể giúp bạn khám phá ra những tài năng tiềm ẩn của bản thân

    Sở dĩ chúng ta có thể nhớ được mật khẩu của mình và đánh vào rất nhanh vì chúng ta quen thuộc với bàn phím mà mình đang sử dụng. Nhưng nếu bàn phím đó thay đổi, chẳng hạn từ bàn phím chữ sang bàn phím số, bạn sẽ không thể gõ mật khẩu nhanh được nữa. Giáo sư Rasmussen cho rằng đây chính là nguyên tắc cơ bản được áp dụng trong phương pháp LSP.

    Phương pháp LSP sẽ thúc đẩy suy nghĩ biến thành hành động của đôi tay, giúp nhân viên khám phá ra những kiến thức mà họ không biết rằng mình biết.

    "Điều này hoàn toàn có thể", Robert Litchfield​ - Giáo sư kinh tế và Kinh doanh tại trường cao đẳng Washington & Jefferson cho biết. Ông nói rằng việc đưa trò chơi để tăng cường sự sáng tạo ở nơi làm việc không phải là điều mới mẻ và đã từng được nghiên cứu kỹ lưỡng. Tuy nhiên, việc sử dụng trò chơi xếp hình của LEGO sẽ là bước đột phá bởi nó tạo sự an toàn về tâm lý.

    "Việc cung cấp trò chơi sẽ giúp nhà quản lý đưa ra dấu hiệu với nhân viên rằng sự sáng tạo là cần thiết ở nơi làm việc và bạn sẵn sàng tạo một môi trường quản lý lỏng lẻo hơn cho nhân viên", Litchfield​ nói. Ông nhấn mạnh một khi được thiết lập, môi trường này sẽ tạo điền kiện cho nhân viên sáng tạo và nỗ lực đóng góp nhiều hơn vào thành công chung của công ty.

    Rasmussen nhận ra mô hình LSP có tiềm năng sau khi ông phát triển một mô hình mẫu và thử nghiệm nó trên chính đội ngũ nhân viên của mình tại LEGO Education 17 năm trước đó. Ông cho rằng phát hiện này là một sáng tạo mang tính thức tỉnh mà ông chưa bao giờ nghĩ đến trước đó.

    Mô hình LSP cũng gắn liền với nguyên tắc 80:20 thường được áp dụng trong các cuộc họp: 20% thành viên trong nhóm sẽ nói suốt 80% cuộc họp, trong khi đó tất cả mọi người vẫn sẽ cùng trao đổi toàn thời gian. Rõ ràng, sẽ có một người đưa ra ý tưởng, một người sẽ đưa ra các sửa đổi cho ý tưởng, một người không hề lắng nghe và một người tóm tắt, kết luận ý tưởng...

    Bật đèn xanh cho sự sáng tạo

    Chúng ta thường cho rằng một nhà quản lý là người phải bắt tay vào làm, còn nhà lãnh đạo chỉ là người đưa ra tầm nhìn. Nhưng phương pháp LSP sẽ đưa ra cách tiếp cận hoàn toàn khác. Nếu bạn đang bận rộn với đôi tay, nghĩa là trí não của bạn cũng đang bận rộn.

    "Mọi người nghĩ rằng sẽ rất khó để nhân viên sáng tạo trong công việc khi họ luôn phải bận chân bận tay với nhiều thứ khác. Và chúng ta cho rằng sáng tạo là điều gì đó rất khác biệt và chưa ai làm bao giờ. Nhưng trên thực tế, điều này không hoàn toàn chính xác", Giáo sư Robert Litchfield​ cho biết.

    Nếu một tổ chức có thể thúc đẩy nhân viên sáng tạo mọi lúc mọi nơi, đôi khi đó lại là sự thất bại. Thông thường, sáng tạo tại nơi làm việc chỉ là một hoạt động thiểu số và nó xảy ra khi mọi người nhận thấy sự đổi mới là cần thiết. Ngược lại, khi nhân viên nhìn thấy thứ gì cũng cần đổi mới thì ở đó lại có vấn đề.

    Trò chơi không biên giới

    Ioanna Tsitoura - Giám đốc nguồn nhân lực tại một công ty cung cấp thiết bị viễn thông lớn của Hy Lạp cho biết: "Chúng tôi đã áp dụng phương pháp LSP. Chúng tôi muốn nâng cao nhận thức, sự hiểu biết, đam mê, sự cống hiến và đẩy mạnh giá trị của nhân viên đối với công ty".

    Phương pháp LSP sẽ cho phép cả nhóm ngồi lại với nhau, tương tác và chơi cùng nhau. Mục đích của phương pháp này là tạo điều kiện cho nhân viên có trình độ, cấp bậc khác nhau, tương tác với nhau và cùng suy nghĩ về giá trị của công ty.

    Tsitoura gọi đây là trò chơi xuyên biên giới, khi mà nó được thiết kế bởi một nhân viên và nhiều nhân viên khác tham gia đưa ra các giải pháp. Trò chơi xuyên biên giới này giúp giảm áp lực và mọi nhân viên có thể hiểu về tầm nhìn của nhau. Họ sẽ vượt qua sự khác biệt để đi đến thống nhất chung.

    "Không có gì ngạc nhiên khi người lớn cũng đi tìm những giải pháp thông qua trò chơi xếp hình. Đó không chỉ là lý thuyết đằng sau mô hình được xây dựng nên bởi các chuyên gia, mà còn là những viên gạch của sự sáng tạo. Những mảnh ghép ma thuật có thể được sử dụng để chia sẻ sự sáng tạo và cùng nhau giải quyết những vấn đề khó khăn", Giáo sư Rasmussen cho biết.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ