Không có bằng chứng nào cho thấy bao cao su có thể gây ung thư

    zknight,  

    Không có tài liệu về sự hiện diện của MBT trong bao cao su.

    Mới đây, Cơ quan Nghiên cứu quốc tế về Ung thư (IARC), thuộc Tổ chức Y tế thế giới (WHO), thực hiện một đánh giá nguy cơ của 7 hóa chất gây ung thư. Trong đó, đáng chú ý có một hợp chất mang tên 2-Mercaptobenzothiazole(MBT). Nó được xếp vào nhóm 2A, định nghĩa là những chất khi bị phơi nhiễm gần như chắc chắn gây ung thư cho con người.

    Sự kiện này dấy lên một mối lo ngại cho rất nhiều người bởi MBT là hóa chất được sử dụng phổ biến trong ngành công nghiệp cao su. Nó được cho là sẽ tồn dư trong các sản phẩm hàng ngày như găng tay cao su, bề mặt cỏ nhân tạo, núm vú cho trẻ em hay đặc biệt là bao cao su.

    Đã có những nguồn tin cho rằng sử dụng bao cao su hay tiếp xúc với các sản phẩm tiêu dùng khác có thể dẫn đến ung thư. Tuy nhiên, nhìn vào những công bố và nghiên cứu chính thức của IARC, chúng ta nên biết đó chỉ là những tin đồn.

     Thực hư chuyện bao cao su gây ung thư

    Thực hư chuyện bao cao su gây ung thư

    Bao cao su gây ung thư: chỉ là suy đoán

    Trong một giải thích được công bố bởi chính IARC, họ đã trả lời câu hỏi “Liệu người trưởng thành có nguy cơ ung thư từ bao cao su, hay trẻ sơ sinh từ núm vú giả hay không?”.

    Theo đó, IARC khẳng định hoàn toàn không có tài liệu về sự hiện diện của MBT trong bao cao su. Bên cạnh đó, MBT không được tìm thấy trong những bình sữa có núm vú. Chỉ có duy nhất một trường hợp MBT được tìm thấy trong núm vú giả và ở hàm lượng rất thấp.

    Trong cuộc họp của IARC quy tụ 24 chuyên gia đến từ 8 nước khác nhau, họ chỉ kết luận MBT là hợp chất có khả năng gây ung thư, được xếp vào nhóm 2A. Không có một kết luận và nghiên cứu nào được IARC trích dẫn cảnh báo MBT tồn tại trong những mặt hàng tiêu dùng. Vì vậy, nguy cơ gây ung thư đến từ bao cao su hoàn toàn chỉ là suy đoán và không có bằng chứng.

    Trên thực tế, MBT chỉ là hợp chất được sử dụng trong quá trình sản xuất cao su. Và nếu nói đến nguy cơ gây ung thư, nó chỉ được chứng minh là ảnh hưởng đến những công nhân trong nhà máy. Tồn dư MBT trong các mặt hàng cao su như găng tay, giày dép, lốp xe, khói bụi nếu có cũng ở mức rất nhỏ. “Rủi ro cho người bình thường khi tiếp xúc còn chưa được nghiên cứu”, một phát ngôn viên của WHO thừa nhận.

     IARC cho biết không có MBT được tìm thấy trên bình sữa trẻ em

    IARC cho biết không có MBT được tìm thấy trên bình sữa trẻ em

    Nghiên cứu có giá trị nhất được IARC sử dụng để kết luận về MBT là của giáo sư Tom Sorahan, đến từ Đại học Birmingham. Theo đó, ông theo dõi 363 công nhân tại một nhà máy hóa chất sản xuất MBT tại xứ Wales. Họ có nguy cơ mắc ung thư bàng quang cao hơn so với mặt bằng chung dân số của Anh và xứ Wales.

    Năm 2009, sau khi công bố nghiên cứu, Sorahan cũng thừa nhận quy mô mẫu của ông chưa đủ lớn. Nghiên cứu chỉ tập trung vào công nhân và MBT xuất hiện trong nhà máy, không phải trong các sản phẩm tiêu dùng. Nếu có một lượng nhỏ MBT trong các sản phẩm hàng ngày, nó không có khả năng gây hại.

    Tôi nghi ngờ MBT đủ khả năng trở thành một vấn đề cho sức khỏe người dân nói chung, chỉ những người công nhân sản xuất hay sử dụng hóa chất này mới phải được bảo vệ”, Sorahan nói.

    Vậy kết luận của IARC có ý nghĩa gì?

    Như đã nói, cuộc họp của IARC hồi đầu tháng để kết luận về 7 hợp chất gây ung thư là hết sức bình thường. Họ đã từng liệt kê tới 900 hợp chất có nguy cơ gây ung thư mà MBT chỉ là một trong số đó.

    Sở dĩ hợp chất này gây ra một cơn sốt trong dư luận bởi nó được cho là tồn dư trong các sản phẩm nhạy cảm hàng ngày như găng tay và bao cao su. MBT gây ra tin đồn “bao cao su có nguy cơ gây ung thư” nhưng điều đó là hoàn toàn không có cơ sở.

    Chương trình của IARC chỉ đánh giá nguy cơ gây ung thư của các hợp chất, không đánh giá mức độ phơi nhiễm những hợp chất này. MBT có thể làm gia tăng tỷ lệ mắc ung thư, không có nghĩa là nó ảnh hưởng đến toàn bộ chúng ta. Hiện tại, có lẽ chỉ những công nhân hoạt động trong lĩnh vực sản xuất hóa chất mới phải quan tâm đến sự an toàn của họ với MBT.

     Những người có nguy cơ phơi nhiễm MBT là công nhân làm việc trong ngành hóa chất và sản xuất cao su

    Những người có nguy cơ phơi nhiễm MBT là công nhân làm việc trong ngành hóa chất và sản xuất cao su

    Phát ngôn viên của WHO cho biết: “MBT được sử dụng chủ yếu trong sản xuất cao su. Những người có mức độ phơi nhiễm đáng quan tâm nhất là công nhân làm việc trong lĩnh vực hóa chất và cao su”.

    Về phía IARC, họ cũng khẳng định nghiên cứu của mình không dùng để đưa ra bất kỳ quy định, điều luật hay can thiệp y tế nào. Nghiên cứu được tiến hành để các cơ quan y tế và cơ quan quản lí trên toàn thế giới xem xét việc ngăn chặn phơi nhiễm với những tác nhân có khả năng gây ung thư. Mỗi chính phủ sẽ có những biện pháp riêng dựa trên kết quả của nghiên cứu này.

    Thay cho lời kết, dưới đây là lời kêu gọi công chúng đến từ một viên chức của Zimbabwe, một trong số những đất nước có thể sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nhất trước tin đồn “bao cao su gây ung thư”. Chính phủ họ đang nỗ lực trong cuộc chiến với căn bệnh thế kỷ HIV/AIDS:

    Không có bằng chứng nào cho thấy việc sử dụng bao cao su dẫn đến ung thư. Chúng tôi tiếp tục khuyến khích sử dụng bao cao su đúng cách như một biện phát ngăn ngừa sự lây lan của HIV. Chúng ta không cần phải hoảng sợ trước tin đồn này”.

    Tổng hợp

    Tags:
    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ