Doanh số bán hàng năm 2015 của Xiaomi không được tiết lộ và người phát ngôn của công ty cho biết: “Chúng tôi hiện tại không có bất kỳ số liệu nào để chia sẻ cả”.
Xiaomi luôn yêu thích các con số. Hãng sản xuất điện thoại này từng hân hoan công khai số liệu bất cứ khi nào họ bán được hàng nghìn hay thậm chí 10 nghìn chiếc điện thoại trong vòng vài phút. Hàng năm, công ty này cũng luôn tiết lộ doanh số bán hàng năm ngoái ngay trước thềm năm mới. Tuy nhiên năm nay dường như là ngoại lệ.
Lần đầu tiên kể từ khi Xiaomi ra mắt điện thoại vào cuối năm 2011, công ty này không còn mặn mà với các con số thể hiện kết quả kinh doanh nữa. Doanh số bán hàng năm 2015 của họ không được tiết lộ và người phát ngôn của công ty cho biết: “Chúng tôi hiện tại không có bất kỳ số liệu nào để chia sẻ cả”.
Rõ ràng đã có một chút thay đổi về mặt giọng điệu.
Không đạt mục tiêu
Lý do có thể là bởi công ty không đạt mục tiêu của năm 2015. Trong năm 2014, lần đầu tiên Xiaomi trở thành thương hiệu bán điện thoại thông minh hàng đầu Trung Quốc, vượt qua cả Samsung.
Tuy nhiên, năm 2015 khó khăn hơn rất nhiều khi các đối thủ cạnh tranh đã nghiên cứu và bắt chước theo mô hình kinh doanh của Xiaomi thành công và bán ra thị trường các dòng điện thoại thông minh giá rẻ từ 100 – 400 USD.
Tháng 2/2014, CEO và nhà sáng lập Lei Jun của Xiaomi nói rằng anh hy vọng có thể bán được 100 triệu chiếc điện thoại trong năm 2015. Đến tháng 3 năm ngoái, CEO Lei Jun đã hạ mục tiêu xuống còn 80 triệu chiếc.
Trong một hội thảo diễn ra vài tuần trước, CEO Lei Jun khẳng định: “Xiaomi sẽ không đặt trọng tâm vào những mục tiêu như doanh số bán điện thoại thông minh nữa. Tôi muốn loại bỏ những chỉ số hiển thị kết quả kinh doanh chính theo kiểu truyền thống”.
Một nguồn tin cho biết nửa đầu tiên của năm 2015, Xiaomi đã bán được 34,7 triệu chiếc điện thoại thông minh. Dưới đây là dữ liệu doanh số bán vài năm trở lại đây:
Nguyên nhân do đâu?
Việc hạ dự đoán doanh thu hàng năm có thể là do doanh số bán điện thoại thông minh của Xiaomi đang đình trệ. Hoặc cũng có thể bởi số lượng sản phẩm của thương hiệu này đang ngày một đa dạng hơn (bao gồm hàng loạt thiết bị trong nhà thông minh và ứng dụng) khiến họ ít phụ thuộc hơn vào doanh số bán điện thoại.
Tuy nhiên vấn đề nằm ở chỗ Xiaomi chịu sự phụ thuộc lớn vào mảng điện thoại nhất là khi họ thâm nhập vào những thị trường bên ngoài Trung Quốc. Quá trình mở rộng ra toàn cầu chậm chạp cũng là nguyên nhân khiến doanh số bán hàng của Xiaomi sụt giảm.
Trong năm 2015, công ty chỉ ra mắt được tại 1 thị trường mới là ở Brazil. Ngoài Trung Quốc và Hong Kong, điện thoại của họ hiện chỉ được bán tại 7 quốc gia.
Một giả thuyết khác cho rằng Xiaomi sau nhiều năm tăng trưởng với tốc độ chóng mặt cần bước vào giai đoạn phát triển ổn định hơn.
Tháng 10 năm ngoái, CEO Lei Jun đã chia sẻ rằng: “Đầu tiên, chúng tôi cần kiểm soát được những kỳ vọng quá cao dành cho Xiaomi. Chúng tôi từng tăng trưởng gấp 4 lần trong 1 năm. Tuy nhiên kinh tế toàn cầu đang hỗn loạn và nửa đầu năm nay Xiaomi chỉ tăng trưởng 33%.
Và ngay lập tức mọi người nói rằng tốc độ phát triển như vậy là chưa đủ nhanh. Điều này thật vớ vẩn. Chúng tôi chỉ là công ty khởi nghiệp 5 năm tuổi. Họ đặt kỳ vọng quá lớn cho chúng tôi”.
Chính vì vậy việc bất ngờ dè dặt khi đề cập tới doanh số bán hàng trong năm 2015 rất có thể là bởi công ty đang có ý định tạo ra thước đo mới cho chính họ.
Tương lai ra sao?
2015 chứng kiến đà tăng tốc của nhiều đối thủ cạnh tranh của Xiaomi, đặc biệt là Huawei. Dữ liệu từ Canalys vài tháng trước cho thấy doanh số bán điện thoại của Huawei chủ yếu là tại Trung Quốc trong giai đoạn từ tháng 6 – 9/2015, "vượt mặt" cả Xiaomi.
Apple cũng chứng kiến doanh số bán hàng kỷ lục tại Trung Quốc kể từ khi iPhone 6 ra mắt. Điều đáng nói là sản phẩm của Apple có mức giá không hề rẻ - lên tới 815 USD trong khi đó chiếc điện thoại bán chạy nhất của Xiaomi có giá chỉ 150 USD.
Rõ ràng, nếu Huawei trở thành "ông vua" điện thoại thông minh của Trung Quốc trong năm 2015, triều đại của Xiaomi sẽ không còn kéo dài được lâu nữa.
Theo Trí Thức Trẻ/CafeBiz
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Samsung và cuộc cách mạng AI: Hệ sinh thái toàn diện từ TV đến điện thoại di động đã thay đổi đời sống của người tiêu dùng như thế nào?
Với chiến lược toàn diện, Samsung đã sẵn sàng cho một cuộc cách mạng công nghệ tiếp theo, nơi AI đóng vai trò trung tâm. “Ông lớn" Hàn Quốc chứng minh trí tuệ nhân tạo không chỉ là một tính năng trong các thiết bị, mà còn là cốt lõi trong chiến lược đổi mới của họ.
Nhà sáng lập TSMC nhận định về Intel: Sẽ tốt hơn nếu không cố chen chân vào mảng sản xuất chip, đáng lẽ nên tập trung vào AI