Không đùa đâu: MacBook Pro chơi Cyberpunk 2077 cả trăm FPS, còn hai mẫu Mac "quốc dân" cũng chạy vèo vèo

    Tuấn Nguyễn - Tuấn Lê,  

    Cyberpunk 2077 đã chứng minh Mac chơi game không còn là chuyện xa vời và Apple vẫn còn công nghệ chưa tung ra.

    Ngày 17/7/2025 đánh dấu một cột mốc quan trọng: Cyberpunk 2077: Ultimate Edition chính thức phát hành trên macOS, mở ra cơ hội để người dùng Mac được tiếp cận một trong những bom tấn AAA đồ họa khủng nhất từng ra mắt trong vài năm qua. Nhưng đáng nói hơn, phiên bản này không phải một bản port đơn thuần. Với hàng loạt công nghệ tối ưu hóa riêng cho Apple Silicon, đây có thể chính là khoảnh khắc bước ngoặt của Mac trong lĩnh vực gaming mà cộng đồng đã chờ đợi từ rất lâu. Đến mức thậm chí cả những game thủ Windows cũng tò mò muốn biết liệu cỗ máy nhà Táo có thể làm được gì nếu được chăm chút cẩn thận.

    Apple và CD Projekt RED không hề giấu tham vọng: Cyberpunk 2077 trên Mac không chỉ chơi được - mà sẽ chơi tốt. Tại buổi công bố ở WWDC25, CD Projekt RED tuyên bố rằng game có thể chạy ở 120 khung hình/giây với thiết lập Ultra, nếu dùng chip M4 Max. Nhưng liệu thực tế có giống như lời hứa? Và quan trọng hơn: máy Mac nào thực sự chơi tốt được tựa game này?

    Trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng đánh giá chi tiết hiệu năng Cyberpunk 2077. Tất nhiên, để kiểm tra hiệu năng của game trên toàn bộ dải sản phẩm Mac là điều không dễ, nhất là khi mỗi dòng máy lại có cấu hình và giới hạn phần cứng khác nhau. Hiện tại, tôi chỉ có điều kiện thử nghiệm trên các mẫu máy sử dụng chip M4 gồm: Mac mini M4, MacBook Air M4 và MacBook Pro M4 Pro, nhưng sẽ cố gắng tổng hợp thêm thông tin từ cộng đồng để mang đến bức tranh đầy đủ hơn cho các bạn đang quan tâm.

    Cấu hình khuyến nghị từ CD Projekt RED

    CD Projekt RED đã công bố một bảng cấu hình khá chi tiết dành riêng cho nền tảng Apple Silicon, từ M1 với 16GB RAM cho đến các cấu hình cao cấp như M3 Ultra hoặc M4 Max. Tuy nhiên, mức độ trải nghiệm khác biệt rất rõ giữa các cấu hình này, từ khung hình, độ phân giải cho đến khả năng bật ray tracing.

    Không đùa đâu: MacBook Pro chơi Cyberpunk 2077 cả trăm FPS, còn hai mẫu Mac "quốc dân" cũng chạy vèo vèo- Ảnh 1.

    Cấu hình Cyberpunk 2077 dành cho Mac.

    Dù Cyberpunk 2077 đã được tối ưu cho nhiều dòng máy Mac (từ các mẫu M1 đời đầu trở đi) nhưng nếu bạn muốn trải nghiệm ở mức thiết lập "very high fidelity" (độ trung thực hình ảnh rất cao), bạn sẽ cần một máy Mac sử dụng chip M3 Ultra hoặc M4 Max với ít nhất 36GB bộ nhớ hợp nhất.

    Nếu muốn chơi mượt ở 60fps, CDPR khuyến nghị sử dụng chip M3 Pro trở lên với ít nhất 18GB RAM, chạy ở độ phân giải 1080p (sử dụng MetalFX Dynamic Resolution Scaling). Trên một số dòng Apple Silicon thấp hơn, bạn vẫn có thể đạt mức 60fps nếu giảm độ phân giải xuống dưới 1080p. Nếu muốn trải nghiệm ray tracing, người dùng cần máy với chip M3 trở lên.

    Một điểm đáng chú ý trong phiên bản Cyberpunk 2077 trên macOS là hệ thống preset đồ họa "For This Mac" - một tính năng tưởng nhỏ nhưng lại cực kỳ quan trọng. Thay vì bắt người dùng phải tự chỉnh từng thông số như độ phân giải, hiệu ứng ánh sáng hay chất lượng texture, game sẽ tự động nhận diện phần cứng Apple Silicon và áp dụng cấu hình tối ưu nhất cho máy đó. Tuy nhiên, không có thiết lập "For This Mac" nào bật sẵn ray tracing.

    Với cài đặt này, về lý thuyết người dùng chỉ cần mở game và chơi, không lo phải mò mẫm thiết lập, và theo tôi đây là trải nghiệm gần giống như khi chơi game trên console. Đây chính là kiểu tiếp cận thân thiện mà Apple luôn hướng tới: đơn giản hóa những gì phức tạp, để người dùng tập trung vào tận hưởng trò chơi.

    Ngoài ra, phiên bản Mac của Cyberpunk 2077 cũng hỗ trợ AMD FSR 3.1 Frame Generation, giúp người dùng có thể tinh chỉnh linh hoạt hơn nữa.

    Hai mẫu máy Mac "quốc dân" chạy được 60fps như "quảng cáo" không?

    Tại sự kiện WWDC 2025, CD Projekt RED từng khiến cộng đồng xôn xao khi cho biết Cyberpunk 2077 có thể chạy trên MacBook Air M4 - một trong những mẫu Mac "quốc dân" nhất hiện nay - với kết quả 40fps ở thiết lập mặc định, và vọt lên 60fps khi bật MetalFX Frame Interpolation.

    Tuy nhiên, phiên bản hiện tại của game chưa tích hợp Frame Interpolation - công nghệ tạo khung hình do chính Apple phát triển, mà sử dụng tạo khung hình AMD FSR 3.1 Frame Generation. Do đó, hiệu năng thực tế hiện tại có thể sẽ thấp hơn so với bản demo tại WWDC. MetalFX Frame Interpolation và Denoising dự kiến sẽ được cập nhật sau khi macOS 26 "Tahoe" chính thức ra mắt.

    Không đùa đâu: MacBook Pro chơi Cyberpunk 2077 cả trăm FPS, còn hai mẫu Mac "quốc dân" cũng chạy vèo vèo- Ảnh 2.

    Công nghệ MetalFX Frame Interpolation trình diễn tại WWDC25 vẫn chưa kịp ra mắt trong dịp phát hành.

    Trải nghiệm thực tế: Mac mini M4 và MacBook Air M4

    Trên Mac mini M4 16GB RAM (10 CPU/10 GPU), khi bật preset "For This Mac", game đặt thiết lập texture ở mức High, độ phân giải 1080p, MetalFX Dynamic Resolution Scaling được bật (50-80%), Frame Generation và Ray Tracing tắt. Kết quả đạt được rất ổn: trung bình hơn 30fps khi đi lại trong thành phố, không có hiện tượng sụt giảm đột ngột. Khi sử dụng công cụ benchmark tích hợp của game, khung hình luôn giữ trên mức 30fps, phù hợp với cấu hình "minimum" mà CD Projekt RED công bố.

    Không đùa đâu: MacBook Pro chơi Cyberpunk 2077 cả trăm FPS, còn hai mẫu Mac "quốc dân" cũng chạy vèo vèo- Ảnh 3.

    Công cụ benchmark cho kết quả fps trung bình là 34 trên thiết lập For This Mac.

    Đáng chú ý hơn, khi thử nâng độ phân giải lên 2048x1152 (tức cao hơn 1080p) khung hình vẫn ổn định quanh mức 33fps, kể cả khi di chuyển giữa các khu vực đông NPC. Trong các pha combat, FPS có thể giảm nhẹ nhưng vẫn giữ được trên 30fps, kết quả khá bất ngờ với một máy nhỏ bé như Mac mini M4.

    Không đùa đâu: MacBook Pro chơi Cyberpunk 2077 cả trăm FPS, còn hai mẫu Mac "quốc dân" cũng chạy vèo vèo- Ảnh 4.

    Thử đẩy lên 2048x1152 thì khung hình vẫn trên 30 fps ngay khi trong combat.

    Khi chuyển sang sử dụng tính năng tạo khung hình (frame generation) của AMD, tốc độ khung hình cải thiện rõ rệt: trên Mac mini M4, game đạt 58-64fps, đúng với những gì đã được CD Projekt RED trình diễn tại WWDC 2025. Đây là kết quả ấn tượng với một tựa game AAA trên máy Mac không có GPU rời.

    Không đùa đâu: MacBook Pro chơi Cyberpunk 2077 cả trăm FPS, còn hai mẫu Mac "quốc dân" cũng chạy vèo vèo- Ảnh 5.

    Tốc độ khung hình dễ dàng đạt trên 60fps khi bật công nghệ tạo khung hình của AMD, tiếc là vẫn chưa có công nghệ "chính chủ" từ Apple.

    Không đùa đâu: MacBook Pro chơi Cyberpunk 2077 cả trăm FPS, còn hai mẫu Mac "quốc dân" cũng chạy vèo vèo- Ảnh 6.

    Những cảnh trong nhà với ánh đèn phức tạp cũng giữ được khoảng 70 fps với MetalFX và Frame Generation.

    Tuy nhiên, chất lượng hình ảnh không giữ được độ sắc nét khi di chuyển nhanh, hiện tượng mờ hình khá rõ khi quay camera hoặc lia chuột nhanh, đặc biệt dễ nhận thấy trong các cảnh lái xe hoặc đông NPC.

    Ngoài ra, dù chỉ số fps cao, nhưng frame interval (khoảng thời gian giữa các khung hình) lại dao động nhiều, dẫn đến cảm giác thiếu ổn định. Khi thử lia chuột liên tục, chuyển động không còn trơn tru như con số fps gợi ý, hiện tượng "không mượt dù fps cao" là điều dễ cảm nhận. Tóm lại, AMD FSR 3.1 Frame Generation mang lại con số fps cao, nhưng trải nghiệm hình ảnh vẫn chưa đạt đến độ liền mạch và cũng cho thấy lý do vì sao nhiều người dùng Mac đang chờ đợi MetalFX Frame Interpolation của Apple, thứ được kỳ vọng sẽ xử lý các vấn đề này triệt để hơn khi cập bến vào cuối năm trên macOS 26 nếu theo đúng kế hoạch.

    Còn nếu như không sử dụng cả công cụ MetalFX Dynamic Resolution Scaling, nghĩa là chạy với độ phân giải gốc đúng 1080p luôn, thì fps rơi vào khoảng 25-26, nhưng theo cảm nhận của tôi thì bật MetalFX Dynamic Resolution Scaling cũng không gây tác động lớn đến chất lượng ảnh mà khung hình lại ổn định hơn.

    Không đùa đâu: MacBook Pro chơi Cyberpunk 2077 cả trăm FPS, còn hai mẫu Mac "quốc dân" cũng chạy vèo vèo- Ảnh 7.

    Khi chạy ở độ phân giải 1080p gốc thì còn 25fps.

    Với một tựa game nổi tiếng vì đồ họa ấn tượng như Cyberpunk 2077 , việc chơi mà không bật Ray Tracing rõ ràng khiến trải nghiệm mất đi một phần "chất tương lai" vốn làm nên thương hiệu của Night City. Ánh sáng hắt qua các tòa nhà neon, mặt đường ướt phản chiếu đèn biển quảng cáo, hay các tấm kính tràn ngập hiệu ứng phản chiếu - tất cả đều nhờ công nghệ ray tracing.

    Chính vì vậy, dù biết Mac mini M4 không phải là cỗ máy mạnh mẽ cho game, vẫn rất đáng để thử xem liệu bật Ray Tracing có "gánh nổi" không, đặc biệt khi Apple đã khẳng định chip M4 đủ sức xử lý ray tracing và CD Projekt RED cũng liệt kê M4 là một trong những dòng máy hỗ trợ.

    Tuy nhiên, trải nghiệm thực tế cho thấy điều đó chỉ đúng trên lý thuyết, hoặc chỉ đúng nếu chấp nhận hi sinh đáng kể chất lượng hình ảnh.

    Không đùa đâu: MacBook Pro chơi Cyberpunk 2077 cả trăm FPS, còn hai mẫu Mac "quốc dân" cũng chạy vèo vèo- Ảnh 8.

    Khi bật Ray Tracing và RT Reflection để tận hưởng sự phản chiếu tuyệt đẹp của ánh đèn neon (tất nhiên vẫn giữ AMD Frame Gen và MetalFX Dynamic Resolution Scaling ở trạng thái bật), Cyberpunk 2077 trên Mac mini M4 cho thấy những giới hạn rõ rệt. Khung hình dao động mạnh từ dưới 30 đến gần 50fps, nhưng cái giá phải trả là rất lớn: độ phân giải bị đẩy xuống rất thấp rồi upscale lên để thành 1080p, khiến hình ảnh mờ và răng cưa lộ rõ. Khi nhân vật đứng yên, ánh sáng phản chiếu tạo ra một khung hình đẹp mắt, nhưng chỉ cần bắt đầu di chuyển khung hình sụt và chất lượng thị giác giảm mạnh, nhìn chung là gần như không thể chơi được một cách thoải mái.

    Khi tắt riêng phần RT Reflection, khung hình cải thiện đáng kể: lên đến trên 50fps khi di chuyển nhanh, nhưng chất lượng hình ảnh tổng thể vẫn không ổn. Những chi tiết như tóc, mép vật thể vẫn rỗ và mất nét và không mượt như mức fps hiển thị.

    Còn nếu mà bạn vẫn muốn có hiệu ứng ánh sáng tốt hơn (chỉ bật Ray Tracing) thì vẫn chơi được, nhưng nên tắt AMD Frame Generation đi, chỉ sử dụng MetalFX Dynamic Resolution Scaling, lúc này fps vẫn ở khoảng hơn 30, hình ảnh đôi khi hơi mờ khi di chuyển nhanh nhưng không bị vỡ hay xé khung hình như bật tính năng tạo khung ảnh của AMD. Bạn có thể xem clip bên dưới, tôi quên ghi âm thanh nhưng chủ yếu thì xem hình ảnh thôi:

    Thử Cyberpunk 2077 trên Mac mini M4

    Sẵn nói đến âm thanh, Cyberpunk 2077 trên Mac hỗ trợ chế độ âm thanh Không gian. Nếu sử dụng AirPods, chế độ Âm thanh Không gian có theo dõi chuyển động đầu sẽ được kích hoạt mặc định, mang đến cảm giác âm thanh xoay chuyển theo hướng bạn quay đầu, giúp cảm giác trở nên chân thực hơn.

    Không đùa đâu: MacBook Pro chơi Cyberpunk 2077 cả trăm FPS, còn hai mẫu Mac "quốc dân" cũng chạy vèo vèo- Ảnh 9.

    Các cấu hình đã thử nghiệm trên Mac mini M4, mức texture High, cần nhắc lại là RT Reflection với Frame Gen có chất lượng rất kém và không thể chơi ổn định được.

    MacBook Air M4: Không quạt nhưng vẫn đủ chơi tốt

    Trên MacBook Air M4, preset "For This Mac" đặt chất lượng texture ở mức Medium thay vì High trên Mac mini M4, sử dụng độ phân giải 1080p, bật MetalFX Dynamic Resolution Scaling (lúc này hệ thống tự thiết lập từ 50-65% thay vì lên đến 80% như Mac mini M4) và tắt Ray Tracing. Hiệu năng ổn định ở mức 28-30fps, không có hiện tượng giật khung hình trong quá trình chơi bình thường.

    Không đùa đâu: MacBook Pro chơi Cyberpunk 2077 cả trăm FPS, còn hai mẫu Mac "quốc dân" cũng chạy vèo vèo- Ảnh 10.

    Thiết lập For This Mac trên MacBook Air M4.

    Khi bật tính năng AMD FSR 3.1 Frame Generation, khung hình tăng mạnh, dao động trong khoảng 60-75fps, tùy vào cảnh vật và mật độ NPC, những phân cảnh trong nhà có thể lên đến 90 fps. Cũng như trên Mac mini M4, hiện tượng mờ hình vẫn xảy ra do chất lượng hình ảnh bị đánh đổi để đổi lấy khung hình cao hơn. Thử chuyển texture quality sang High thì tốc độ khung hình xuống 7x trong cùng một cảnh mà Medium đạt 8x-90, cho nên nhìn chung nếu để High thì tốc độ khung hình trung bình trong thế giới mở sẽ vào khoảng trên dưới 60 fps.

    Tuy nhiên, trên MacBook Air M4, khi bật AMD FSR 3.1 Frame Generation, chất lượng hình ảnh khi di chuyển nhanh tốt hơn, có thể là nhờ màn hình chất lượng cao, giúp hạn chế hiện tượng xé hình và cải thiện độ mượt khi lia chuột.

    Trong suốt quá trình chơi Cyberpunk 2077, MacBook Air M4 duy trì mức nhiệt độ khá ổn định, với CPU khoảng 63°C và GPU khoảng 67°C, con số ấn tượng với một thiết bị không có quạt tản nhiệt.

    Không đùa đâu: MacBook Pro chơi Cyberpunk 2077 cả trăm FPS, còn hai mẫu Mac "quốc dân" cũng chạy vèo vèo- Ảnh 11.

    Cũng nhờ đó mà sau khoảng hơn một tiếng chơi liên tục, khung hình vẫn giữ ổn định, không xảy ra throttling nghiêm trọng như nhiều người lo ngại với các máy Mac không có hệ thống tản nhiệt chủ động. Đây là minh chứng cho việc Apple đã tối ưu tốt Cyberpunk 2077 cho các dòng máy phổ thông, giúp người dùng có thể tận hưởng game AAA ngay cả trên một chiếc laptop siêu mỏng.

    Không đùa đâu: MacBook Pro chơi Cyberpunk 2077 cả trăm FPS, còn hai mẫu Mac "quốc dân" cũng chạy vèo vèo- Ảnh 12.

    Một số cảnh trong nhà, game có thể đạt hơn 90 fps khi bật các chế độ hỗ trợ hình ảnh.

    Không đùa đâu: MacBook Pro chơi Cyberpunk 2077 cả trăm FPS, còn hai mẫu Mac "quốc dân" cũng chạy vèo vèo- Ảnh 13.

    Còn trung bình thì vẫn trong khoảng 6x-7x fps.

    Sau khi đã thử nghiệm Ray Tracing trên Mac mini M4 - vốn được làm mát tốt hơn nhờ thiết kế để bàn - thì việc thử các thiết lập Ray Tracing trên MacBook Air M4 gần như không còn cần thiết khi mà Mac mini M4 đã gặp khó khăn rõ rệt khi bật RT, đặc biệt là RT Reflection, dẫn đến FPS tụt mạnh và chất lượng hình ảnh giảm sút nghiêm trọng.

    Do đó, có thể khẳng định rằng MacBook Air M4 chắc chắn sẽ còn gặp khó khăn hơn, việc ép máy chạy các thiết lập nặng như RT không chỉ khiến trải nghiệm tệ đi mà còn không đem lại bất kỳ lợi ích đáng kể nào về mặt hình ảnh, nhất là khi phải đánh đổi toàn bộ độ phân giải và độ mượt.

    Không đùa đâu: MacBook Pro chơi Cyberpunk 2077 cả trăm FPS, còn hai mẫu Mac "quốc dân" cũng chạy vèo vèo- Ảnh 14.

    Các cấu hình thử nghiệm trên MacBook Air M4. Đôi khi khung hình có thể lên 90 fps nhưng đó là những cảnh trong nhà ít chi tiết nên chỉ để tham khảo, không phù hợp cho nhận xét chung.

    Tóm lại, MacBook Air M4 hoàn toàn chơi được Cyberpunk 2077 nhưng chỉ nên giới hạn ở các thiết lập tiêu chuẩn như preset "For This Mac" hoặc bật AMD Frame Generation để tăng khung hình. Việc bật Ray Tracing trên mẫu máy mỏng nhẹ này là không cần thiết và không đem lại hiệu quả thực tế.

    Như vậy, ngay cả khi chưa có MetalFX Frame Interpolation, hai mẫu máy Mac M4 được ưa chuộng nhất hiện nay là Mac mini M4 và MacBook Air M4 vẫn có thể "gánh" được Cyberpunk 2077 với mức thiết lập mặc định. Cả hai đều cho trải nghiệm tương đối mượt ở khoảng trên 30 fps và có thể hơn gấp đôi nếu bật công nghệ tạo khung hình AMD FSR 3.1 Frame Generation.

    Tuy nhiên, cũng cần thẳng thắn rằng công nghệ của AMD dù mang lại tốc độ khung hình ấn tượng nhưng cũng tồn tại điểm yếu về mặt thị giác trên nền tảng Apple Silicon hiện tại. Trên Mac mini M4 và MacBook Air M4, điều này thể hiện rõ khi game đạt tới hơn 60 fps nhưng lại không cho cảm giác "mượt" thực sự.

    Điều này cho thấy: nếu muốn Cyberpunk 2077 không chỉ chơi được mà còn thực sự đẹp và mượt, người dùng Mac sẽ phải chờ thêm sự xuất hiện của MetalFX Frame Interpolation - một "lá bài tẩy" mà Apple vẫn đang giữ kín với sự tích hợp sâu cho các chip Apple Silicon.

    Thử trên MacBook Pro M4 Pro: Phải nói là đẹp thật sự!

    Chuyển sang chiếc MacBook Pro 16-inch chạy chip M4 Pro (14 CPU/20 GPU), 48GB RAM, máy thực sự cho thấy khác biệt rõ rệt khi chơi Cyberpunk 2077. Ngay cả khi chưa bật tính năng tạo khung hình (frame generation), chất lượng hình ảnh và hiệu năng đã rất tốt.

    Không đùa đâu: MacBook Pro chơi Cyberpunk 2077 cả trăm FPS, còn hai mẫu Mac "quốc dân" cũng chạy vèo vèo- Ảnh 15.

    Tùy chọn For This Mac sẽ đặt texture ở mức High, độ phân giải 1080p và vẫn bật MetalFX, không Frame Generation. Tốc độ khung hình benchmark là khoảng 99fps.

    Không đùa đâu: MacBook Pro chơi Cyberpunk 2077 cả trăm FPS, còn hai mẫu Mac "quốc dân" cũng chạy vèo vèo- Ảnh 16.

    Khi bật AMD Frame Generation, khung hình trung bình khi benchmark tăng vọt lên 159.

    Thực tế chơi khu vực trời có thể đạt hơn 180 fps trong một số khung cảnh, tuy nhiên chất lượng hình ảnh hơi bị "mờ mờ". Dù vậy, trải nghiệm tổng thể vẫn rất ấn tượng.

    Khi tắt MetalFX hoàn toàn để chạy ở độ phân giải 1080p gốc, trong những cảnh ánh sáng phức tạp như bên trong quán bar, fps giảm xuống còn 40-50, còn ngoài trời dao động khoảng 60 fps. Điều này cho thấy MetalFX vẫn đóng vai trò hỗ trợ quan trọng cho hiệu suất, ngay cả khi không dùng Ray Tracing.

    Không đùa đâu: MacBook Pro chơi Cyberpunk 2077 cả trăm FPS, còn hai mẫu Mac "quốc dân" cũng chạy vèo vèo- Ảnh 17.

    Tắt tất cả công cụ hỗ trợ hình ảnh để chạy độ phân giải gốc 1080p.

    Bật Ray Tracing, hình ảnh rõ ràng đẹp hơn hẳn so với MacBook Air M4, đặc biệt là khi kết hợp cùng MetalFX và FSR. Trong cảnh quán bar, fps có thể lên đến 140 fps với Ray Tracing bật, vẫn có sự hỗ trợ từ các công cụ tăng hình ảnh.

    Không đùa đâu: MacBook Pro chơi Cyberpunk 2077 cả trăm FPS, còn hai mẫu Mac "quốc dân" cũng chạy vèo vèo- Ảnh 18.

    Bật thêm Ray Tracing Reflection, khung hình giảm ngay xuống khoảng 102 fps.


    Khi thử bật cả Path Tracing, mức fps chỉ còn khoảng 30 fps, cho thấy giới hạn hiệu năng ngay cả trên một máy rất mạnh như M4 Pro.

    Một điểm đáng khen trên MacBook Pro M4 Pro là khi bật Ray Tracing và Ray Tracing Reflection, chất lượng hình ảnh vẫn giữ được độ nét hơn, không bị hiện tượng mờ nát hay vỡ hình như trên Mac mini M4. Dù cả hai máy đều dùng công nghệ MetalFX kết hợp AMD FSR 3.1 Frame Gen, nhưng nhờ lõi GPU gấp đôi cùng lượng RAM dồi dào (48GB), MacBook Pro M4 Pro xử lý các hiệu ứng ánh sáng phức tạp mượt hơn, đồng thời giữ được độ chi tiết hình ảnh cao hơn đáng kể.

    Điều này cho thấy Ray Tracing trên Mac có thể đẹp và khả thi, miễn là phần cứng đủ mạnh để gánh hiệu ứng mà không cần hy sinh quá nhiều chất lượng hình ảnh.

    MacBook Pro có màn hình 3024x1964 nên chạy ở 1080p thì hơi mờ, nên tôi mạnh dạn chuyển sang thử ở 2560 x 1600, và ở độ phân giải này, nếu không bật Ray Tracing, nhưng có MetalFX Frame Generation, thì vẫn đạt khoảng 90 fps trong gameplay, thực sư là quá ổn cho một game AAA như Cyberpunk 2077. Vừa sắc nét vừa mượt mà!

    Không đùa đâu: MacBook Pro chơi Cyberpunk 2077 cả trăm FPS, còn hai mẫu Mac "quốc dân" cũng chạy vèo vèo- Ảnh 19.

    Khung hình ổn định ở gần 90 fps khi chơi 2560x1600.

    Ngược lại, khi hạ độ phân giải xuống 1080p thì hình ảnh lại mờ rõ rệt, nhất là khi so với độ nét ở 1600p, đủ khiến người chơi cảm thấy "chạnh lòng" khi quay lại nhìn đồ hoạ của MacBook Air M4, nhưng dù sao giá của cả hai máy cũng chênh lệch rất nhiều.

    Không đùa đâu: MacBook Pro chơi Cyberpunk 2077 cả trăm FPS, còn hai mẫu Mac "quốc dân" cũng chạy vèo vèo- Ảnh 20.
    Không đùa đâu: MacBook Pro chơi Cyberpunk 2077 cả trăm FPS, còn hai mẫu Mac "quốc dân" cũng chạy vèo vèo- Ảnh 21.
    Không đùa đâu: MacBook Pro chơi Cyberpunk 2077 cả trăm FPS, còn hai mẫu Mac "quốc dân" cũng chạy vèo vèo- Ảnh 22.
    Không đùa đâu: MacBook Pro chơi Cyberpunk 2077 cả trăm FPS, còn hai mẫu Mac "quốc dân" cũng chạy vèo vèo- Ảnh 23.
    Không đùa đâu: MacBook Pro chơi Cyberpunk 2077 cả trăm FPS, còn hai mẫu Mac "quốc dân" cũng chạy vèo vèo- Ảnh 24.

    Không đùa đâu: MacBook Pro chơi Cyberpunk 2077 cả trăm FPS, còn hai mẫu Mac "quốc dân" cũng chạy vèo vèo- Ảnh 25.

    Các cấu hình thử nghiệm với MacBook Pro M4 Pro.

    Chơi thử Cyberpunk 2077 trên MacBook Pro (chip M4 Pro, bật MetalFX, Frame Gen, độ phân giải 1600p)

    Thử nghiệm trên các mẫu Mac khác

    Dù chưa thể trực tiếp thử nghiệm trên toàn bộ dải máy Mac đang hỗ trợ Cyberpunk 2077: Ultimate Edition, nhưng những chia sẻ từ cộng đồng đã giúp phác họa được bức tranh khá rõ nét về hiệu suất của trò chơi trên các dòng Apple Silicon khác nhau.

    Với Mac mini M1 16GB RAM, cấu hình được game tự động thiết lập là độ phân giải 1720×720, bật MetalFX DRS và texture để ở mức Low. Trong điều kiện này, khung hình dao động quanh mức 27 đến 33 fps. Dù chưa thật sự mượt, nhưng với một mẫu máy từ năm 2020 lúc Apple lần đầu chuyển sang chip tự thiết kế, đây là hiệu năng "cũng được".

    Trên MacBook Pro M1 Pro với GPU 16 nhân và RAM 32GB, người dùng thiết lập độ phân giải 1728×1080, bật MetalFX Dynamic Resolution Scaling, VSync ở 120Hz và không dùng frame generation. Trong điều kiện này, FPS trung bình đạt từ 40 đến 50, đủ để đảm bảo trải nghiệm ổn ở mức đồ họa 1080p.

    Không đùa đâu: MacBook Pro chơi Cyberpunk 2077 cả trăm FPS, còn hai mẫu Mac "quốc dân" cũng chạy vèo vèo- Ảnh 26.

    FPS trên mẫu MacBook Pro M1 Pro được người dùng chia sẻ.

    Một người dùng Reddit chia sẻ, MacBook Pro M4 Max với CPU 16 nhân, GPU 40 nhân và RAM 48GB lại cho kết quả rất ấn tượng. Khi dùng preset Ultra, texture quality để High, bật AMD Frame Generation và MetalFX ở chế độ Quality, độ phân giải được đẩy lên 2336×1460, máy có thể chạy benchmark ở mức trung bình 125 fps. Khi tắt hoàn toàn Frame Generation và MetalFX, FPS lập tức giảm mạnh xuống còn 44. Trong cùng cấu hình nhưng bật Ray Tracing Ultra preset kèm theo MetalFX Auto và Frame Generation, máy đạt khoảng 70 fps. Điều này cho thấy các công nghệ hỗ trợ như MetalFX và Frame Gen đóng vai trò rất lớn để đảm bảo hiệu năng khi Ray Tracing.

    Không đùa đâu: MacBook Pro chơi Cyberpunk 2077 cả trăm FPS, còn hai mẫu Mac "quốc dân" cũng chạy vèo vèo- Ảnh 27.

    Trên M4 Max.

    Mac Studio M3 Ultra với cấu hình cực cao với 32 nhân CPU, 80 nhân GPU và RAM tới 512GB là một trong những thiết bị hiếm hoi có thể chạy Path Tracing trong Cyberpunk. Trong thử nghiệm của Max Weinbach chia sẻ trên mạng xã hội X, với thiết lập texture chất lượng cao, độ phân giải 1440p, bật Frame Gen, MetalFX để Auto, và Path Tracing - hiệu ứng nặng nhất trong game - chiếc máy này đạt trung bình 50.64 fps và cao nhất là 59.99 fps. Điều đáng lưu ý là nếu tắt Frame Generation, hiệu suất có thể giảm còn một nửa, tức chỉ hơn 25 fps. Điều này cũng lý giải vì sao CD Projekt Red không bật mặc định các thiết lập ray tracing trên bất kỳ mẫu Apple Silicon nào. Ngay cả với M3 Ultra, nếu không có sự trợ giúp từ AMD FSR 3.1 Frame Generation, trải nghiệm ray tracing sẽ không thể đạt mức chấp nhận được.

    Không đùa đâu: MacBook Pro chơi Cyberpunk 2077 cả trăm FPS, còn hai mẫu Mac "quốc dân" cũng chạy vèo vèo- Ảnh 28.

    M3 Ultra có thể bật được cả Path Tracing.

    Tất nhiên, hiệu năng cao như vậy cũng đi kèm với cái giá không hề rẻ. Cấu hình này có thể lên đến hơn 250 triệu đồng. Dù vậy, những kết quả thu được cũng phần nào phản ánh tiến bộ rõ rệt của Apple Silicon trong lĩnh vực game AAA.

    Lời kết

    Cyberpunk 2077: Ultimate Edition không chỉ là bước ngoặt với riêng tựa game này, mà còn là cột mốc quan trọng đối với nền tảng macOS. Tối ưu sâu cho Apple Silicon, tích hợp các công nghệ như MetalFX và FSR 3.1 Frame Generation, tựa game đã chứng minh rằng Mac hoàn toàn có thể "gánh" được game AAA không chỉ trên lý thuyết mà trong trải nghiệm thực tế.

    Và nếu trong thời gian tới, Apple hoàn thiện thêm các công nghệ như MetalFX Frame Interpolation, thì trải nghiệm chơi game trên Mac sẽ còn tiến xa hơn nữa - không chỉ "chạy được", mà còn đẹp và mượt một cách thuyết phục

    Vấn đề còn lại nằm ở khả năng mở rộng: làm thế nào để những công nghệ tiên tiến này không chỉ dừng lại ở một tựa game lớn, mà còn được phổ biến rộng rãi hơn trong cộng đồng phát triển game? Làm sao để người dùng phổ thông - những người sử dụng MacBook Air hoặc MacBook Pro bản cơ bản - cũng được trải nghiệm trọn vẹn mà không phải hi sinh quá nhiều về hình ảnh hay hiệu năng?

    Tất nhiên, Mac vẫn chưa và có thể rất khó để trở thành một nền tảng chuyên game như Windows, nơi có sự hỗ trợ rộng rãi từ phần mềm cho đến phần cứng. Nhưng hiện tại, với Cyberpunk 2077: Ultimate Edition, người dùng Mac đã có thể chạm tay vào trải nghiệm một game bom tấn hiện đại tối ưu tốt mà không cần phải cài Crossover hay tìm đến máy chơi game chuyên dụng. Và như vậy, Mac đã tốt hơn vô cùng nhiều so với chính nó trong quá khứ.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ