Không dùng DxOMark, cũng chẳng khoe cảm biến, đây là cách Apple chinh phục cuộc chiến camera phone cao cấp

    CL,  

    Tại sao lại phải khoe số trong khi những bức ảnh và video mới là minh chứng rõ rệt nhất cho năng lực của chiếc camera phone?

    Với các tín đồ của giới công nghệ, DxOMark đã trở thành một con số vừa quen thuộc, vừa gây tranh cãi trong những năm qua. Là một trong số những công ty hiếm hoi đứng ra cung cấp dịch vụ đánh giá (và… tư vấn nâng điểm), điểm "chất lượng ảnh chụp" DxOMark đã được nhiều hãng smartphone đem ra làm minh chứng cho camera của họ. Trong vòng 3 năm qua, vị thế số 1 gần như luôn luôn thuộc về Huawei, trong khi các hãng Android khác như Xiaomi và Samsung cũng thường xuyên chiếm giữ những vị trí cao khi phát hành sản phẩm mới.

    Trong bảng xếp hạng này, iPhone luôn có phần thất thế. Điểm DxO của những chiếc iPhone mới luôn thấp hơn smartphone Android ra mắt cùng mùa, và Apple vì thế cũng chẳng dám đem con số của mình ra chứng minh vị thế camera khi sánh cùng các hãng Trung Quốc.

    Không dùng DxOMark, cũng chẳng khoe cảm biến, đây là cách Apple chinh phục cuộc chiến camera phone cao cấp - Ảnh 1.

    Chiến lược của nhà Android: Khoe số, mà đặc biệt là những con số to hơn iPhone.

    Nhưng điều đó không có nghĩa rằng Apple thất bại trong cuộc chiến camera phone. Trái lại, khi ảnh chụp trở thành trọng tâm của cả thế giới smartphone, Apple vẫn liên tục nắm trong tay những chiếc camera phone bán chạy nhất thế giới.

    Vậy thì, đâu là bí quyết của Apple? Hãy nhìn vào sự kiện WWDC (hội nghị các nhà phát triển iOS, macOS và các hệ điều hành khác của Apple) sắp được tổ chức vào tháng 6 tới đây. Cũng như nhiều thương hiệu khác trong mùa dịch, Apple sẽ tổ chức sự kiện qua kênh online. Nhưng khác với các thương hiệu còn lại, Apple sẽ dùng chính smartphone của mình để quay các màn trình diễn giới thiệu công nghệ tại WWDC.

    Trước đó, chương trình truyền hình nổi tiếng American Idol cũng từng gây xôn xao khi tuyên bố sẽ phối hợp cùng Apple để cho phép các thí sinh "audition" từ xa. Mỗi thí sinh sẽ nhận được thiết bị ánh sáng, trang phục và một mẫu iPhone mới để tự quay màn thử giọng của mình. 

    Không dùng DxOMark, cũng chẳng khoe cảm biến, đây là cách Apple chinh phục cuộc chiến camera phone cao cấp - Ảnh 2.

    Nghịch lý Apple: Camera có vẻ kém cỏi hơn, nhưng lại dễ dàng đánh bại doanh số smartphone Android cùng tầm.

    Sự khôn khéo của Apple là đây. Tại sao lại dùng một con số vừa gây tranh cãi với cộng đồng công nghệ, vừa xa lạ với người dùng phổ thông trong khi nhà sản xuất có thể "khoe" chính" ảnh chụp và video bằng iPhone? Thay vì đem những con số ra "lòe" người dùng, sử dụng chính ảnh chụp từ iPhone là cách tốt nhất để thuyết phục iFan rằng họ sẽ sở hữu một cỗ máy có chất lượng camera tuyệt vời khi mua điện thoại mác Táo. 

    Video là vậy, còn ảnh chụp thì sao? Không chỉ có các fan của Apple, ngay cả người dùng thông thường tại các thị trường lớn cũng đã quá quen với những bảng quảng cáo "Shot on iPhone" của nhà Táo. Tại các khu vực "đắc địa", Apple trưng bày những tấm ảnh cỡ lớn với dòng chữ chú thích ngắn ngủi "Shot on iPhone". Thông điệp đơn giản, rất ngắn ngủi và thậm chí còn chẳng hề có một chút hình ảnh nào của chính chiếc iPhone.

    Tư duy marketing của Apple cũng giống như cách Apple phát triển sản phẩm vậy, đơn giản nhất, nhưng ấn tượng nhất, và "đi vào lòng người" nhất. Người xem American Idol tự suy luận ra rằng, chiếc smartphone gắn mác Táo có khả năng tạo ra chất lượng đủ để thay thế máy quay phim chuyên dụng. Người dạo phố tự nhận ra rằng, iPhone có thể giúp họ tạo ra những bức ảnh tuyệt vời như trên tấm bảng quảng cáo ở ngay phía trước mặt họ.

    Không dùng DxOMark, cũng chẳng khoe cảm biến, đây là cách Apple chinh phục cuộc chiến camera phone cao cấp - Ảnh 3.

    Chiến lược nhà Táo: Không khoe số mà khoe chính ảnh chụp và video do iPhone thu lại

    Không dùng DxOMark, cũng chẳng khoe cảm biến, đây là cách Apple chinh phục cuộc chiến camera phone cao cấp - Ảnh 4.

    "Hút" người dùng theo cách đơn giản và tự nhiên nhất.

    Không phải đợi đến Covid-19 Apple mới thực hiện chiến lược marketing này. Sau khi iPhone 11 Pro ra mắt, ít nhất 2 ngôi sao đình đám là Lady Gaga và Selena Gomez đều đã dùng chiếc smartphone đầu bảng này để quay MV triệu view. Việc dùng MV (video ca nhạc) để quảng bá smartphone không phải là hiếm, nhưng dùng MV để chứng minh chất lượng của camera phone thì mới chỉ có Apple làm được.

    Mỗi năm, Apple cũng thường tổ chức cuộc thi chụp ảnh bằng iPhone. Những bức ảnh tuyệt đẹp được giới thiệu sau khi cuộc thi kết thúc truyền tải đi thông điệp "ngầm" gắn sâu vào tâm trí người xem: hãy cứ mua iPhone, và bạn sẽ chụp được những tấm ảnh như thế này. Các nhà sản xuất Android đến giờ vẫn chưa dùng bảng quảng cáo theo cách của Apple, thay vào đó chỉ tự ca ngợi phần cứng của mình hoặc "đá xoáy" đối thủ. 

    Bởi thế, một nghịch lý vẫn cứ mãi xảy ra: dù camera đã trở thành tâm điểm của cuộc chiến cao cấp, và dù cho nhà Android tìm đủ mọi cách để chứng minh camera của mình tốt hơn, Apple vẫn cứ thống trị phân khúc giá cao. Từ quý này sang quý khác, những chiếc iPhone vẫn liên tục đứng đầu bảng xếp hạng smartphone bán chạy trong khi Huawei P, Galaxy S/Note, Mi… vẫn cứ vắng bóng dù luôn sở hữu điểm ảnh chụp cao hơn hẳn. Lý do hóa ra lại cực kỳ đơn giản: mải mê với những con số và những tranh cãi, họ không thể tìm được thông điệp "đi vào trái tim" như nhà Táo.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ