Không phải 4K mà HDR mới là nâng cấp quan trọng nhất cho thế hệ TV tiếp theo của bạn
Nếu không có tính năng này, việc nâng cấp từ một chiếc tivi Full HD lên 4K có thể không có ý nghĩa gì mấy với người dùng thông thường.
Trong vài năm trước, điểm nhấn lớn nhất trên TV là những màn hình 4K.
Bước vào cửa hàng điện máy gần nhà, bạn sẽ thấy các màn hình 4K với đủ loại kích cỡ đến từ vô số những nhà sản xuất khác nhau. Tất cả bọn họ đều đưa ra những lập luận giống nhau: bước nhảy vọt về độ phân giải làm mọi thứ trở nên rõ ràng hơn, vì vậy, bổ sung thêm số pixel vào một màn hình HD sẽ làm nội dung của bạn trở nên chi tiết hơn.
Vấn đề với tuyên bố này là nó không hoàn toàn đúng như vậy, nhưng có một tính năng hỗ trợ cho độ phân giải 4K này, điều sẽ làm bạn hết sức phấn khích với thế hệ TV tiếp theo: “HDR”.
Trước tiên 4K nghĩa là gì?
Hãy nhìn lại quá khứ một chút: các thuật ngữ SD, HD và 4K (hay Ultra-HD) liên quan đến một đặc tính được gọi là độ phân giải, hay số pixel (hay số điểm ảnh, bit hiển thị nhỏ nhất) trên một màn hình hiển thị. Một màn hình HDTV thông thường có độ phân giải 1080p, hiểu một cách đơn giản, là viết tắt của 1.920 x 1.080 – hay 1.920 pixel trên chiều ngang màn hình, và 1.080 pixel trên chiều dọc màn hình.
Một TV 4K đơn giản là tăng số pixel lên mà thôi. Thông thường, điều đó có nghĩa là tăng độ phân giải màn hình lên 3.840 x 2.160 pixel hay 2160p. Với số điểm ảnh gấp gần bốn lần 1080p, đó là lý do cho thuật ngữ 4K của loại màn hình này. (Vẫn có những vấn đề khác biệt giữa 4K và 2160p nhưng với phần lớn người dùng, các khác biệt kỹ thuật này gần như vô giá trị).
Vậy tại sao 4K lại là sai lầm?
Quay trở lại vấn đề. Các công ty thích đề cập đến 4K vì nó rất dễ bán. Mọi người dễ bị thu hút bởi các con số lớn, và 2160p thì lớn hơn 1080p. Nếu bạn nói với ai đó rằng TV A gấp 4 lần một thứ X gì đó so với TV B, họ thường nghĩ ngay rằng TV A tốt hơn gấp 4 lần so với TV B.
Hoàn toàn không! 4K không tệ hơn so với 1080p, nhưng với đại đa số các thiết lập của TV, bất kỳ ưu điểm nào cũng sẽ rất khó nhận ra sự khác biệt. Đó là bởi vì mắt của bạn không đủ khả năng phân biệt được những điểm ảnh nhỏ li ti tăng thêm đó, trừ khi bạn ngồi rất gần một màn hình khá rộng.
Một bài viết trên trang carltonbale.com cho thấy: từ khoảng cách 1,5 m trở đi, bạn sẽ cần một màn hình TV rộng 84 inch để thấy được độ sắc nét tăng thêm của màn hình 4K. Với các màn hình thông thường từ 42 đến 50 inch, bạn sẽ phải ngồi cách đó khoảng 60 cm đến 1 m thì mới nhận ra. Vì vậy, không, những nâng cấp về độ phân giải không xứng đáng cho bạn thay thế chiếc TV 1080p lấy TV 4K.
Hơn nữa, tất cả những thông số này chỉ hiệu quả nếu bạn đang xem những hình ảnh cũng được quay ở độ phân giải 4K, một chương trình 1080p khi phóng to lên 4K sẽ không mang lại thêm chi tiết nào cả. Sự thật là độ phân giải chỉ là một khái niệm trong phạm vi hẹp, và việc chuyển sang 1080p gần như đáp ứng được nhu cầu cực đại của đa số chúng ta.
Dù sao đi nữa, bạn sẽ mua một chiếc TV 4K, tại sao lại như vậy?
Dưới đây là phần thú vị nhất: hầu như chiếc TV tiếp theo của bạn sẽ là một TV 4K. Giá của TV đã giảm đáng kể trong vòng 4 năm qua, và ngày nay bạn có thể dễ dàng tìm được một chiếc TV Ultra HD có giá chưa đến 500 USD.
Điều này đã làm cho các tấm nền 1080p rẻ hơn, nhưng điều này không hẳn là tốt. Thay vào đó, nó có nghĩa là những điều thực sự làm nên một màn hình tốt – như độ tương phản cao, chuyển động mượt mà, màu sắc tốt hơn – đã bị loại bỏ khỏi các TV 1080p để cắt giảm chi phí, và được đặt vào trong các TV 4K. Trừ khi bạn định mua một màn hình rất nhỏ (khoảng 32 inch hoặc thấp hơn) hoặc rất rẻ, còn nếu không, bạn sẽ mua một bộ TV 4K, ngay cả khi bản thân TV 4K không xứng đáng với những lời thổi phồng đó.
Vậy tại sao HDR sẽ làm chiếc TV 4K của bạn xứng đáng hơn?
Mặc dù vậy, điều này không có nghĩa rằng không có gì đáng vui mừng khi mua một chiếc TV 4K. Tuy nhiên, nhờ một tính năng sau đây, chiếc TV 4K mới thật sự đứng đầu trong thế giới giải trí của người tiêu dùng: đó là dải tương phản động mở rộng (High Dynamic Range) hay HDR.
HDR giúp tăng cường đáng kể độ tương phản của màn hình – ví dụ, sự khác biệt giữa những màu sáng nhất và những màu tối nhất – và cho phép hiển thị các chi tiết tốt hơn trong các khoảng màu ở giữa. Ngoài ra nó còn đi kèm một ưu điểm khác, gam màu rộng (WCG: wide color gamut), cho phép TV tạo ra nhiều màu sắc hơn hầu hết các thiết lập hiện tại.
Kết quả là hình ảnh sẽ trở nên sinh động hơn, và quan trọng hơn, trông thật hơn. Các màu sẽ ít bị mất hơn, và các đối tượng xuất hiện có chiều sâu hơn. Những thay đổi này là các cải tiến thực sự thay vì chỉ là một mánh lới quảng cáo như thường thấy.
Tuy nhiên, HDR cũng gặp vấn đề tương tự như các công nghệ mới khác: đó là nội dung. Không có nhiều nội dung được ghi lại với công nghệ như vậy. Hiện vẫn còn chưa nhiều các chương trình 4K, nhưng điều này sẽ thay đổi rất nhanh. Các dịch vụ streaming như Netflix hay Amazon Prime Video đã bắt đầu cho quá trình này, nhưng trừ khi bạn đang có những chiếc đĩa Blu-ray Ultra HD, bạn sẽ phải đợi đến khi HDR trở nên phổ biến.
HDR tính năng đáng đồng tiền bát gạo
Vậy tất cả điều này có ý nghĩa gì? Đầu tiên, 4K và HDR không loại trừ lẫn nhau – hàng loạt TV HDR 4K đã xuất hiện, và cặp đôi tính năng này sẽ tay trong tay tiến về phía trước. Cho dù vậy, một số nhà sản xuất sẽ có chất lượng HDR tốt hơn người khác. Để chọn được một chiếc TV có chất lượng tốt, bạn sẽ phải bỏ ra khoảng từ 1.500 đến 2.000 USD. Đó không phải là cái giá rẻ.
Điều thứ hai, bạn cũng không nên từ bỏ ý định mua một chiếc TV 4K không có HDR vào thời điểm này. Nếu bạn đang có deal mua hàng quá tốt, hãy thoải mái mua chúng. Dù sao, HDR vẫn là một tính năng cao cấp vào thời điểm này, sẽ phải mất một thời gian nữa trước khi nội dung HDR trở nên dễ tiếp cận, và những chiếc TV 1080p cao cấp không còn tồn tại nữa.
Tuy nhiên giữa hai dòng sản phẩm này, HDR thực sự là một bước tiến vượt trội hơn hẳn. Nếu bạn có thể đợi đến khi thị trường nội dung HDR trở nên chín muồi trước khi sẵn sàng mua một chiếc TV thế hệ mới – hay đợi đến khi bạn có đủ tài chính cho việc đó – hãy cứ làm như vậy. Đó là món hàng rất đáng đồng tiền khi mua nó.
Tham khảo Business Insider
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Samsung và cuộc cách mạng AI: Hệ sinh thái toàn diện từ TV đến điện thoại di động đã thay đổi đời sống của người tiêu dùng như thế nào?
Với chiến lược toàn diện, Samsung đã sẵn sàng cho một cuộc cách mạng công nghệ tiếp theo, nơi AI đóng vai trò trung tâm. “Ông lớn" Hàn Quốc chứng minh trí tuệ nhân tạo không chỉ là một tính năng trong các thiết bị, mà còn là cốt lõi trong chiến lược đổi mới của họ.
Nhà sáng lập TSMC nhận định về Intel: Sẽ tốt hơn nếu không cố chen chân vào mảng sản xuất chip, đáng lẽ nên tập trung vào AI