Không phải Bitcoin, Ether mới là tiền tệ ảo của thời đại này
Sinh sau đẻ muộn nhưng tiềm năng của Ethereum được nhận định có thể sẽ vượt Bitcoin trong thời gian tới.
Những tháng gần đây, giá Bitcoin đã liên tục đạt đỉnh mới. Ở thời điểm cao nhất, giá trị của một đồng Bit đã gấp đôi chính nó hồi đầu năm. Mặc dù có mức tăng trưởng ấn tượng, vị trí thống trị trong hệ thống tiền ảo của Bitcoin đang bị lung lay mạnh mẽ.
Đồng Ether, đơn vị tiện tề của một mạng lưới có tên Ethereum đã tăng tới 45 lần so với hồi đầu năm. Nhờ những đợt tăng giá gần đây, lượng Ether trên thị trường đã đạt tổng giá trị lên tới 34 tỷ USD, bằng khoảng 82% lượng Bitcoin đang hiện hữu. Hồi đầu năm, tỉ lệ này chỉ là 5% mà thôi. Giá Ether tăng phi mã đã cho người ta thấy thế giới tiền ảo biến hoá đến nhường nào khi là nơi mà những dòng code trên máy tính có thể được biến thành hàng tỷ USD trong vài tháng.
Bitcoin tuy là đồng tiền ảo lâu đời và có giá trị lớn nhất thời điểm hiện tại nhưng vẫn mang rất nhiều hạn chế về kĩ thuật. Nhiều người còn tỏ ra quan ngại khi đồng tiền này đã và đang liên quan tới việc mua bán hàng cấm online hay bắt cóc dữ liệu đòi tiền chuộc kiểu WannaCry.
Trong bối cảnh đó, Ether lại nổi lên như một giải pháp mang lại giá trị thặng dư cho xã hội. Hệ thống 2 năm tuổi này thậm chí còn được những ông lớn như JP Morgan Chase và Microsoft đỡ đầu bởi không chỉ cung cấp một đơn vị tiền tệ ảo mà còn mang tới một mạng lưới điện toán toàn cầu. Và tất nhiên, Ether chính là cách để người ta chi trả cho các tác vụ sử dụng mạng lưới này.
Một cuộc khảo sát 1100 người sử dụng tiền ảo mới đây đã cho thấy 94% tỏ ra lạc quan với Ethereum trong khi chỉ có 49% giữ quan điểm này với Bitcoin.
Nếu xu thế hiện tại tiếp diễn, giá trị của Ether thậm chí còn có thể vượt mặt Bitcoin trong tương lai gần. Các nhà đầu tư tiền ảo trong thời gian gần đây luôn dõi theo giá trị của 2 đồng tiền ảo mạnh nhất với kì vọng về sự hoán đổi vị trí của chúng.
“Giờ đây thời thế đã thuộc về Ethereum, không cần bàn cãi. Gần như không có gì bạn có thể làm với Bitcoin mà Ethereum không làm được.” – anh Wlliam Mougayar, sáng lập Virtual Capital Ventures, một công ty chuyên về đầu tư vào tiền ảo và các công ty khởi nghiệp tự tin khẳng định.
Dù phần lớn những người mua vào Ether và Bitcoin chỉ là những nhà đầu tư đơn lẻ, những gì họ nhận được giờ đây đã có thể sánh ngang với những khoản đầu tư ở thị trường tài chính thực. Tổng giá trị của Ether và Bitcoin ở thời điểm hiện tại đã vượt qua PayPal và đang gần chạm đến tầm của Goldman Sachs.
Các nhà đầu tư đổ tiền vào Ether như một canh bạc với hi vọng người ta sẽ muốn sử dụng khả năng điện toán của mạng lưới Ethereum để cần đến Ether. Thực tế mà nói, ở thời điểm hiện tại, chẳng có gì là chắc chắn bởi ứng dụng thực tế của mạng lưới này chưa thực sự thiết thực với phần lớn người dùng.
Trong khi đó, Bitcoin đã đặt một chân vào thị trường thương mại phổ thông với các công ty như Overstock.com hoặc Expedia chấp nhận cho thanh toán bằng Bitcoin. Chưa kể, giới chợ đen cũng cực kì ưa thích đồng tiền này bởi tính bảo mật thông tin tuyệt đối.
Ứng dụng thực tế còn hạn chế của Ethereum khiến giới phân tích cho rằng sẽ lại sớm có một pha đảo chiều đi xuống của giá trị Ethereum tương tự như pha tụt dốc gần đây của Bitcoin và các đồng tiền ảo khác. Lạ thay, kể cả trong thời điểm khó khăn như vậy, giá trị của Ether vẫn không ngừng tăng.
Ngược dòng lịch sử, Ethereum được ra mắt hồi giữa năm 2015 bởi một Vitalik Buterin, một anh sinh viên bỏ ngang đại học. Sinh ra tại Nga và lớn lên tại Canada, Vitalik nửa đùa nửa thật khi công bố quốc tịch của mình là Cathay Pacific Airlines bởi lịch di chuyển cực kì dày đặc của mình.
Dù lượng Ether anh đang nắm giữ đã giúp anh trở thành triệu phú, Vitalik chưa bao giờ đưa ra một nhận xét gì về đà tăng ấn tượng của Ether. Lấy cảm hứng từ Bitcoin, Ethereum của anh Buterin cũng mang rất nhiều điểm tương đồng với đồng tiền ảo mạnh nhất thế giới này. Cả 2 hệ thống đều được đặt và hoạt động trên máy tính của các tình nguyện viên trên khắp thế giới. Tất nhiên, họ sẽ được trả công bằng một phần những đồng tiền được “đào” ra trên mạng lưới mỗi ngày.
Khi các đơn vị tiền tệ này được quản lý và hoạt động trên một mạng lưới máy tính, không một chính phủ hay công ty nào có thể can thiệp vào. Giá của Bitcoin và Ether đều được khẳng định thông qua những giao dịch cá nhân trong đó người ta bán những đồng tiền mình đào được để lấy tiền thật với giá thị trường.
Nhưng hơn thế, Ethereum còn được thiết kế để làm được nhiều hơn là chỉ một đơn vị tiền kĩ thuật số. Mạng lưới máy tính liên kết với Ethereum có thể được sử dụng để thực hiện các tác vụ điện toán, giúp người ta có thể chạy ứng dụng máy tính trên một mạng lưới hay còn gọi là ứng dụng phi tập trung. Khả năng này đã thúc đẩy một lượng lớn lập trình viên nghiên cứu phần mềm dạng này.
Một trong những ứng dụng đầu tiên là kiểu một quỹ đầu tư mạo hiểm với tên gọi Decentralized Autonomous Organization. Sau khi thu hút được hơn 150 triệu USD đầu tư vào hè năm ngoái, dự án này đã chìm xuồng kéo theo Ethereum đi xuống cùng. Mọi chuyện tưởng là một dấu chấm hết cho Ether nhưng cách mà anh Buterin và các nhà phát triển khác xử lý khủng hoảng, trả lại Ether đã mất cho người dùng càng khiến người ta nể phục anh hơn.
“Thật may mắn là Ethereum vẫn có một cơ quan quản lý có khả năng xử lý các vấn đề một cách nhanh chóng nếu cần” – trích lời anh Eric Piscini, quản lý bộ phận công nghệ tiền ảo của tập đoàn tư vấn tài chính Deloitte.
Nhiều ứng dụng khác được xây dựng trên Ethereum cũng đã thu hút được những khoản đầu tư lớn bằng Ether trong quá trình gọi là Initial Coin Offering (ICO), một biến thể của IPO như khi các công ty đưa mình lên các sàn giao dịch.
Nhiều công ty khởi nghiệp cũng đi theo hướng này khi nhận Ether từ các nhà đầu tư để đổi lấy một dạng tiền ảo chuyên biệt tương tự như cổ phiếu. Trong khi đó, các nhà khởi nghiệp sẽ bán Ether lấy USD để duy trì hoạt động.
ICO nở rộ trong những tháng gần đây khiến nhu cầu về Ether cũng tăng đột biến. Tuần trước, các nhà đầu tư đã gửi một lượng Ether có giá trị tương đương 150 USD cho một công ty khởi nghiệp mang tên Bancor. Mức đầu tư lớn như vậy cũng đồng nghĩa với việc nếu các công ty khởi nghiệp như Bancor sụp đổ, Ether cũng sẽ chung số phận.
Một số tập đoàn lớn trên thế giới cũng đang nghiên cứu xây dựng phần mềm trên Ethereum. Một trong số đó là tập đoàn khai thác khoáng sản BHP Billiton với một chương trình thử nghiệm để quản lý nguyên liệu thô hay JPMorgan đang phát triển một hệ thống theo dõi giao dịch.
Trong những tháng vừa qua, hơn 100 công ty đã tham gia một hiệp hội phi lợi nhuận với cái tên Enterprise Ethereum Alliance với những cái tên hàng đầu như Toyota, Merck, Samsung để xây dựng những công cụ có khả năng tận dụng Ethereum trong môi trường doanh nghiệp.
Nhiều công ty và tập đoàn sử dụng Ethereum cũng được cho là đang phát triển một phiên bản chuyên biệt của riêng mình để không cần sử dụng đến Ether. Tuy nhiên, giới uan sát cho rằng sớm muộn các công ty này cũng sẽ đưa phần mềm của họ lên Ethereum để hoạt động.
Trong trường hợp xấu nhất, những thử nghiệm này sẽ không mang lại một thành quả thực tế nào và sự quan tâm tới Ether cũng nhạt dần tương tự như quá trình phát triển của Bitcoin. Nó như một quy luật tất yếu khi giá trị của tiền ảo sẽ xuống dốc sau một thời gian leo dốc và đạt đỉnh.
Nhận định của ông Mougayar sẽ khép lại bài phân tích: “Tôi hi vọng năm nay sẽ là năm mà chúng ta có thể thu hẹp khoảng cách giữa giá trị dự đoán và giá trị thực. Đang có rất nhiều thứ ở trên bờ vực và bong bóng có thể vỡ bất cứ lúc nào.”
Tham khảo NewYorkTimes
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Vì sao các nữ phi hành gia phải uống thuốc tránh thai trước khi bước vào cuộc hành trình xa xôi trong không gian?
Việc các nữ phi hành gia sử dụng thuốc tránh thai trước khi thực hiện các nhiệm vụ không gian là một biện pháp nhằm đảm bảo sức khỏe, an toàn và hiệu suất làm việc của họ. Mặc dù có một số hạn chế, nhưng đây vẫn là một giải pháp được nhiều người lựa chọn trong điều kiện hiện tại.
Bị Mỹ cấm vận đủ đường, nhà sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi vẫn hết lời khen ngợi: "Mỹ đã thiết lập một chuẩn mực trên toàn thế giới"