Không phải chất lượng ảnh chụp, đây mới là vấn đề lớn nhất cản trở thành công của smartphone có camera dưới màn
Với camera dưới màn, các nhà sản xuất có thể loại bỏ những khiếm khuyết trên màn hình như "giọt nước" hay "nốt ruồi duyên". Nhưng thứ gì sẽ thế chỗ cho những khiếm khuyết ấy?
Như vậy, sau hàng năm trời chờ đợi, những chiếc smartphone "toàn màn hình" đầu tiên trên thế giới cũng đã xuất hiện. ZTE, một công ty Trung Quốc, là kẻ đầu tiên mở màn cho trào lưu này khi vén màn chiếc Axon 20 với camera 32MP đặt bên dưới màn hình OLED. Sau đó chỉ vài ngày, Vsmart, thương hiệu smartphone lớn nhất của Việt Nam, cũng đã ra mắt Aris Pro với camera 20MP đặt dưới màn hình AMOLED 6.4 inch.
Cũng giống như bất kỳ một công nghệ tiên phong nào khác, thế hệ đầu tiên của camera dưới màn vẫn chưa thể đem lại trải nghiệm hoàn hảo. Ngay lúc này, mối lo ngại lớn nhất cho công nghệ này là chất lượng ảnh khi cảm biến dưới màn hình sẽ không thể "hứng" được nhiều ánh sáng như camera "thường". Thế nhưng, trở ngại thực sự dành cho công nghệ này sẽ lại là một yếu tố không mấy ai nghĩ đến: chất lượng hiển thị của màn hình smartphone.
Không thể sắc nét
Vùng "lỗi" rõ rệt trên màn hình ZTE Axon 20.
Bức ảnh phía trên là minh chứng rõ rệt nhất cho vấn đề mà chúng tôi đang nhắc đến. Ở vùng màn hình có đặt camera, hình ảnh hiển thị bị nhòe đi rõ rệt và thậm chí còn có hiện tượng thay đổi màu nền.
Đâu là lý do dẫn đến hiện tượng này? Trước hết, cần chỉ ra rằng camera dưới màn cũng có bản chất không khác biệt so với camera thường: cảm biến vẫn cần phải "hứng" ánh sáng, chuyển thành tín hiệu RAW để chip ISP xử lý thành file ảnh cuối cùng. Khi cảm biến này bị đặt dưới màn hình, lượng ánh sáng đến camera thực chất cũng bị giảm sút đáng kể do phải đi xuyên qua phần màn hình phía trên.
Ánh sáng sẽ chẳng thể nào đi xuyên qua một tấm màn liền mạch. Bởi thế, các nhà sản xuất buộc phải tạo ra linh kiện đặc biệt nhất trên smartphone "vô khuyết": màn hình với một vùng ảnh có mật độ điểm ảnh thưa hơn, tạo thành kẽ hở cho ánh sáng xuyên qua và đến cảm biến.
Phép đánh đổi giữa camera và màn hình.
Như vậy, chất lượng ảnh chụp và chất lượng màn hình (phần phía trên camera) trở thành hai yếu tố đối nghịch nhau. Vùng màn hình phía trên camera càng thưa điểm ảnh thì ánh sáng lọt qua càng nhiều, cho chất lượng ảnh chụp càng ấn tượng. Vào năm ngoái, một hãng smartphone Trung Quốc khác là Xiaomi cũng đã công bố bản mẫu cho thiết kế camera dưới màn, và theo Gizchina, mật độ điểm ảnh của phần màn hình phía trên camera chỉ bằng một nửa so với các vùng còn lại. Theo phỏng đoán của chúng tôi, mật độ pixel của vùng màn hình này trên chiếc ZTE có lẽ cũng chỉ bằng 1/4 mức thông thường.
Vấn đề đánh đổi
Với ZTE Axon 20, sự đánh đổi giữa chất lượng ảnh chụp và chất lượng màn hình đang đem lại kết quả… thất bại toàn tập. Camera của máy có chất lượng rất kém, có lẽ là do thiếu sáng nên thiếu chi tiết, ảnh "bệt" và nhiều lỗi quang sai. Phần màn hình chứa camera, như đã bàn ở trên, vỡ nét một cách rõ rệt.
Có nên thay thế "giọt nước" bằng một vùng màn hình có chất lượng kém (và những bức ảnh cũng... kém)?
Có lẽ là không quá khi nói rằng những khiếm khuyết này đã biến bước tiến của camera dưới màn trở nên kém ý nghĩa hơn rất nhiều... Trong 3 năm qua, chúng ta đã quen với trải nghiệm màn hình bị khiếm khuyết ở giữa: "rãnh" của "tai thỏ", giọt nước hay nốt ruồi duyên. ZTE Axon 20 xóa bỏ phần khiếm khuyết này nhưng lại thay thế bằng một vùng màn hình… quá tệ. Lựa chọn chiếc smartphone có camera dưới màn của ZTE giờ chỉ đem lại lợi ích tinh thần là chủ yếu, chứ không có lợi ích thực tế nào cả.
Nhưng nói như vậy không có nghĩa rằng camera dưới màn sẽ mãi mãi dở tệ. Thực tế, trong quá khứ các nhà sản xuất smartphone đã phải đối đầu với những giới hạn bất khả thi, phải thực hiện những phép đánh đổi "cân não". Ví dụ, chip càng mạnh thì càng dễ gây ra các vấn đề tản nhiệt. Camera mặt lưng càng tốt (cảm biến lớn) thì máy càng dày. Màn hình càng nét thì càng hao pin…
Lâu dần, sự tiến bộ của công nghệ đã cho phép ngay cả smartphone giá rẻ cũng đã có chip 8 nhân, nhiều camera và thời lượng pin thừa đủ cho 1 ngày sử dụng. Các phép đánh đổi vẫn còn đó, nhưng chúng đã dễ dàng hơn rất nhiều khi các con chip có thể chứa hàng tỷ bán dẫn mà không "đốt" quá nhiều điện, khi các thỏi pin có dung lượng lên tới 4000mAh mà không quá cồng kềnh, khi màn hình chuyển dịch sang OLED tân tiến… Chúng ta có quyền tin rằng công nghệ màn hình và công nghệ cảm biến sẽ tiếp tục được cải thiện, để tạo ra những trải nghiệm "vô khuyết" ngày một dễ chấp nhận hơn.
Tương lai ở phía trước
Một số cơ chế nhất định cũng có thể giúp giải quyết phần nào vấn đề. Ví dụ, một số nhà sản xuất đang nghiên cứu cơ chế "bật" pixel khi không chụp ảnh và tắt đi khi kích hoạt camera trước.
Nếu có thể sử dụng AI để tăng chất lượng ảnh chụp, các nhà sản xuất sẽ bớt "đau đầu" khi buộc phải cân bằng giữa chất lượng camera và chất lượng màn hình của máy.
Nhưng quan trọng hơn cả, ngay lúc này các nhà sản xuất cũng đã có sẵn một vũ khí vô cùng mạnh mẽ: AI và nhiếp ảnh điện toán. Bằng cách "khâu" nhiều khung hình liên tiếp lại với nhau, Google đã có thể biến những bức ảnh zoom số chất lượng kém thành một bức ảnh tổng thể có lượng chi tiết ngang ngửa zoom quang học. Cả Apple và Google đều có tạo ra ảnh chụp thiếu sáng tốt dù chỉ với cảm biến nhỏ hơn hẳn đối thủ cạnh tranh. Nguyên lý tương tự có thể được áp dụng vào camera dưới màn để cải thiện chất lượng ảnh chụp.
Chỉ cần AI giúp tạo ra chất lượng ảnh đủ tốt, mật độ pixel trên màn hình có thể được gia tăng để tăng cường chất lượng hình ảnh, đưa trải nghiệm "vô khuyết" về đúng với ý nghĩa tên gọi. Tương lai của công nghệ camera dưới màn mới chỉ vừa mở ra - những trải nghiệm tuyệt vời hơn vẫn đang chờ đợi chúng ta ở phía trước.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Người Trung Quốc khoe có được GPU AI xịn nhất của NVIDIA bất chấp lệnh cấm vận của Mỹ
Chưa rõ tại sao những GPU này lại có thể xuất hiện ở Trung Quốc.
Thiết kế mới của iPhone 17 Pro được xác nhận bởi nhiều nguồn uy tín