Không phải iPhone 12, những chiếc Mac M1 mới xứng đáng là "One More Thing" của Apple trong năm nay
"One More Thing" là câu nói để đời của Steve Jobs, được ông dùng để nhắc đến những sự kiện, sản phẩm trọng tâm của Apple. Năm nay là một năm đặc biệt của nhà Táo - nhưng không phải sản phẩm nào cũng đáng để gọi là "One More Thing" đi vào lịch sử.
Kết thúc quý tài chính gần đây nhất - Q4 2020, máy Mac đạt doanh thu 9 tỷ USD. Con số này của iPhone là 26,4 tỷ USD. Nói cách khác, khoản tiền máy Mac mang về chỉ bằng 1/3 con ngỗng đẻ trứng vàng số của Táo.
Mức chênh lệch doanh thu quá lớn giữa Mac và iPhone trong quý vừa qua có thể coi là minh chứng rõ rệt nhất về vị thế của mảng PC tại Apple. Quý 4 trong năm tài chính 2020 của Apple (tháng 7 đến tháng 9) là một quý có doanh số iPhone thấp bất thường. Mọi năm, Apple thường vén màn iPhone mới vào tháng 9. Năm nay, vẫn là do Covid-19, Apple đẩy lùi iPhone 12 sang tháng 10 mới ra mắt. iFan vì thế hoãn mua điện thoại mới, khiến doanh thu quý vừa qua giảm tới 7 tỷ USD.
So với iPhone, Mac là nguồn doanh thu thấp hơn hẳn.
Cùng lúc, do ảnh hưởng của Covid-19, nhu cầu PC đã tăng đột biến đến mức tổng doanh số của toàn ngành sau nhiều năm suy thoái đã trở về với tăng trưởng. Ấy thế mà doanh số Mac trong quý vô cùng thành công này cũng chỉ bằng 1/3 iPhone.
Đúng vậy, vị trí của Mac trong đại gia đình Apple thực sự rất nhỏ bé. Nhưng đây là những lý do khiến những chiếc Mac dùng chip M1 mới là "One More Thing" đích thực của nhà Táo chứ không phải là iPhone 12.
1. Bước ngoặt đầu tiên của kiến trúc PC trong nhiều năm
Có một sự thật không thể phủ nhận: Mac M1 nhanh hơn đáng kể so với Mac Intel. Trong thử nghiệm của nhiều kênh YouTube, tốc độ dựng ứng dụng trên Xcode của MacBook Air hay Mac Mini mới chỉ bằng khoảng một nửa so với những chiếc MacBook Pro hay Mac Pro đắt tiền.
Để tạo ra bước ngoặt về hiệu năng này, Apple thực chất đã thay đổi toàn bộ kiến trúc xử lý của những chiếc Mac mới. Khác với những con chip AMD hay Intel, M1 tích hợp CPU, GPU và neural engine cùng RAM vào một bản mạch Silicon (SoC). Các thành phần xử lý vì vậy có thể chia sẻ cùng 1 vùng nhớ, giúp giảm tối đa độ trễ và tăng hiệu năng. Kiến trúc này hoàn toàn khác biệt so với PC truyền thống, nơi RAM được tách rời thành 1 linh kiện riêng và ngay cả iGPU cũng phải sử dụng vùng nhớ tách biệt so với CPU.
Đây là lần đầu tiên một nhà sản xuất cố thay đổi kiến trúc PC và đạt được kết quả mong đợi.
Dĩ nhiên, Apple không phải là kẻ phát minh ra kiến trúc SoC: tất cả những chiếc smartphone đều dùng SoC và các thế hệ console gần đây (PS5, Xbox Series X) cũng vậy. Chỉ có riêng thị trường PC - từ Mac đến PC Windows hay Linux - là vẫn sử dụng nguyên một kiến trúc đã sử dụng suốt nhiều thập kỷ qua. Với mức cải thiện hiệu năng quá kinh khủng của Mac M1 so với Mac Intel, chắc chắn Microsoft, Intel/AMD và các nhà sản xuất PC Windows sẽ phải suy nghĩ đến chuyện đưa SoC thay thế chip "truyền thống" trong tương lai.
2. Đánh bại Microsoft một cách tuyệt đối
Apple cũng chẳng phải là kẻ đầu tiên đưa SoC ARM lên PC. Microsoft mới là kẻ mang "vinh dự" này: từ Surface RT (2012) đến Surface Pro X (bản mới nhất ra mắt vào tháng 10 vừa qua), Microsoft đã luôn thể hiện tham vọng thay đổi kiến trúc xử lý của PC.
Nhưng thật trớ trêu, tất cả những nỗ lực của Microsoft lại càng khiến người ta phải ngưỡng mộ… Apple hơn nữa. Trải nghiệm Windows trên ARM đến nay đơn giản là vẫn cứ tồi tệ: tốc độ quá chậm so với tầm giá, nhiều bug, nhiều ứng dụng chưa tương thích và ngay cả x64 nay cũng mới chỉ ở giai đoạn thử nghiệm. Nhìn vào tấm gương của Microsoft, nhiều người hoài nghi về Apple M1.
Trước Apple, Microsoft đã luôn muốn tận dụng lợi thế của ARM.
Ở phía ngược lại, sản phẩm của nhà Táo đơn giản là thành công: tốc độ vượt trội so với Intel, các ứng dụng được tối ưu đều chạy tốt, và ngay cả chế độ giả lập cũng vẫn hoạt động tốt. Rõ ràng, việc kiểm soát toàn bộ trải nghiệm từ phần cứng đến phần mềm đã đem lại lợi ích không thể bàn cãi khi Apple thực hiện một bước chuyển vốn đã đánh gục Microsoft trước đó.
Tương lai của ngành công nghiệp PC vì thế cũng sẽ thay đổi theo. Microsoft vốn đã hiểu rõ những lợi ích tiềm năng của ARM, nay lại càng bị thôi thúc phải bắt kịp với nhà Táo. Nhưng muốn bắt kịp với Apple, Microsoft sẽ phải thay đổi lại hoàn toàn kiến trúc phần cứng và phần mềm. Microsoft sẽ phải tìm cách đưa Unified Memory lên Windows để cho phép CPU và GPU chia sẻ chung một vùng nhớ. Microsoft sẽ phải cải thiện Windows để hệ điều hành này có thể tận dụng tối đa kiến trúc phần cứng mới. Cấu trúc của những chiếc PC "thường" cũng sẽ thay đổi: nhiều bộ phận vốn nằm trên bo mạch chủ sẽ phải được chuyển lên con chip nếu Microsoft muốn bắt kịp với hiệu năng của nhà Táo.
Muốn bắt kịp Apple, toàn bộ ngành công nghiệp PC sẽ phải thực hiện những thay đổi rộng khắp.
Rõ ràng, Microsoft không thể một mình thực hiện những thay đổi này. Các nhà sản xuất chip như Intel, AMD và Qualcomm lẫn các nhà sản xuất phần cứng như Lenovo, HP, ASUS, Acer... đều sẽ phải phối hợp chặt chẽ với Microsoft để tạo ra một trải nghiệm thực sự ngang tầm Mac M1. Chưa bao giờ thị trường PC lại đối mặt với một thay đổi ở tầm cỡ này.
3. Mở đầu cho những cuộc cách mạng công nghệ mới
Dù chỉ chiếm một phần nhỏ doanh số, những chiếc Mac mang trong mình một trọng trách quan trọng: chúng là "trái tim" công nghệ của Apple. Mac được dùng để phát triển ứng dụng cho iOS, watchOS và tvOS. Máy Mac cũng là công cụ ưa thích của một phần lớn kỹ sư phần mềm, bao gồm cả các kỹ sư Android tại Google.
Chưa kể, Mac đã luôn được coi là biểu tượng của các designer, các nhà sản xuất video/âm nhạc. Không mang lại doanh thu nhưng máy Mac vẫn được coi là công cụ chuyên nghiệp quan trọng nhất, phổ biến nhất của nhà Táo - ngay cả khi Apple đã luôn nỗ lực đưa iPad Pro lấn sân trong những năm qua.
Tuy doanh thu không đáng kể, PC đã luôn là khởi điểm của những cuộc cách mạng công nghệ mới.
Những chiếc PC cũng vậy - nhắc đến công cụ làm việc, ai cũng sẽ nghĩ đến PC đầu tiên. Và chính bởi lý do này, khi những chiếc PC trải qua giai đoạn bước ngoặt, loài người có thể chờ đợi những cuộc cách mạng công nghệ mới. Máy Macintosh đã cách mạng hóa trải nghiệm văn phòng, World Wide Web được tạo ra từ máy NeXT của Steve Jobs, trải nghiệm dễ dùng trên iMac cũng là một lý do giúp cho Internet bùng nổ vào cuối thập niên 90.
Sự xuất hiện của những chiếc Mac M1 diễn ra đúng vào thời điểm máy chủ ARM đang vào giai đoạn bùng nổ (mức tăng trưởng đạt 430% trong quý 3, số liệu IDC). NVIDIA, tên tuổi gắn liền với AI, mới đây đã thâu tóm ARM để góp phần gia tăng vị thế của máy chủ GPU. Hiện tại, Apple đang là tên tuổi duy nhất tạo ra một chiếc PC chất lượng để đón đầu xu thế mới một cách hoàn hảo. Chính điều đó giúp cho Mac M1 thực sự xứng đáng là "One More Thing" lịch sử của Nhà Táo.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Sự thật từ nghiên cứu khoa học: Chơi trò chơi điện tử có ảnh hưởng bất ngờ đến chỉ số IQ của trẻ em!
Trò chơi điện tử từ lâu đã là chủ đề gây tranh cãi khi nhắc đến ảnh hưởng của chúng đối với trẻ em. Trong khi nhiều ý kiến chỉ trích việc chơi game có thể gây hại cho sự phát triển trí não, thì một nghiên cứu khoa học đã mang đến cái nhìn khác biệt, cho thấy mối liên hệ tích cực giữa việc chơi game và sự gia tăng trí thông minh ở trẻ nhỏ.
Những tiểu tiết bạn có thể đã bỏ qua trong trailer The Witcher 4