Không phải Tesla, Uber mới chính là đối thủ lớn nhất của Apple trong lĩnh vực xe hơi
Tham vọng thực sự của Apple đằng sau thương vụ 1 tỷ USD cho đối thủ của Uber là gì?
Mới đây, Apple vừa có một bước đi táo bạo khi đầu tư 1 tỷ USD vào startup gọi xe Didi Kuaidi – đối thủ lớn nhất của Uber tại Trung Quốc và cho biết động thái này là để phục vụ cho việc “tìm hiểu về thị trường Trung Quốc". Nếu như tuyên bố này chỉ là bề nổi của tảng băng chìm thì mục tiêu sâu xa của Apple sẽ là gì? Bài viết dựa theo quan điểm của Neil Cybart, chuyên viên phân tích độc lập về Apple của Above Avalon dưới đây có thể sẽ cho bạn lời giải đáp.
Chúng ta đang chứng kiến thời khắc chuyển giao của Apple từ một ông lớn về điện thoại và máy tính sang thành một hãng thiết kế ô tô. Mặc dù hầu hết mọi người đều cho rằng Tesla hay một số đại gia xe hơi khác sẽ có nhiều khả năng thống trị thị trường ô tô mới, Apple và Uber mới đích thực là 2 cái tên nặng ký cho vai trò này.
Ngành công nghiệp ô tô đang đến thời điểm vàng để chuyển dịch
Hầu như ở lĩnh vực nào cũng vậy, thời điểm là yếu tố quyết định. Một sản phẩm dù tốt đến đâu mà ra mắt quá sớm hay quá muộn vài năm cũng sẽ khó kiếm người dùng. Chúng ta đang nhanh chóng tiến đến đúng thời điểm ngành công nghiệp ô tô khao khát một cú chuyển dịch lớn.
Nhiều người vẫn không tin rằng Apple sẽ bước chân vào ngành công nghiệp ô tô với mối hoài nghi có khi nào hãng này tạo ra được một loại phương tiện tốt hơn cả tượng đài Model S của Tesla hay không. Tuy nhiên, lối suy nghĩ này sai lầm ở chỗ khái niệm “tốt hơn” trong ngành công nghiệp ô tô điện không phải lúc nào cũng là hiệu năng, dung lượng pin, tốc độ hay thời gian tăng tốc.
Thay vào đó, đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực này sẽ tập trung vào cú chuyển giao quyền lực từ tay các nhà sản xuất xe hơi truyền thống và các công ty phân phối sang tay các công ty công nghệ có khả năng mang đến trải nghiệm hoàn toàn mới cho người dùng. Sự tiện ích và tính cá thể hóa trong những chiếc xe hơi thế hệ mới sẽ đánh bật những thông số hiệu năng khô cứng của những chiếc xe hơi kiểu cũ.
Để hiểu rõ hơn về điều này, hãy cùng nhìn lại toàn bộ ngành công nghiệp hiện nay. Apple đã từng có chiến tích lẫy lừng với việc khuấy đảo các ngành công nghiệp cũng như thay đổi hoàn toàn cách chúng vận hành và phát triển. Chiếc iPod ngày nào hẳn đã không mang về thành công to lớn nếu không có chiến lược thuyết phục các nhà sản xuất nhạc đưa sản phẩm của họ lên một nền tảng phân phối 0.99 USD/lượt download như iTunes.
Tương tự như vậy, bước đột phá lớn nhất của iPhone chính là cách nó chuyển giao quyền lực trong lĩnh vực điện thoại di động từ tay các nhà phân phối sang tay Apple, thứ mà trước đó rất ít học giả và chuyên viên phân tích có thể nghĩ tới. Cuối cùng thì Apple đã thắng vì khả năng biến những sản phẩm của mình thành chất xúc tác cho các cuộc cách mạng.
Hình ảnh đồn đoán về chiếc Apple Car đầu tiên
Một cuộc cách mạng mới cũng đang diễn ra trong ngành sản xuất xe hơi. Việc sở hữu dây chuyền sản xuất có khả năng xuất xưởng hàng triệu chiếc xe sẽ không còn là một loại quyền lực nữa mà chỉ còn là một tài sản mà thôi. Thay vào đó, quyền lực thực sự trong địa hạt này sẽ rơi vào tay các hãng điện thoại có khả năng mang đến cho người dùng những trải nghiệm thông minh chưa từng có.
Khi nhiều người vẫn nghĩ Tesla đang đi đầu xu thế này thì một cái nhìn cận cảnh hơn sẽ cho thấy Tesla thực ra chỉ đang “đứng bên lề” cuộc cách mạng mới với cơ cấu vận hành và những hạn chế không khác là bao so với các nhà sản xuất ô tô truyền thống, đặc biệt là về vốn đầu tư và tăng trưởng.
Trong khi đó, những công ty như Uber không chỉ tàn phá ngành công nghiệp ô tô mà còn đang trực tiếp tạo ra những thay đổi đáng kể. Uber không chỉ là một ứng dụng gọi xe mà còn là hiện tượng điển hình cho một nhu cầu chưa từng có. Hay nói cách khác thì Uber đang thay đổi ngành vận tải bằng cách kết nối cung và cầu xe hơi một cách hiệu quả và ít tốn kém. Uber cũng không phải cái tên duy nhất bởi Lyft, ứng dụng tương tự cũng đã gặt hái được những thành công nhất định.
Nhiều người coi Uber là dịch vụ taxi tốt nhất thế giới, thế nhưng ẩn dưới nó còn nhiều xu hướng ngầm khác đang trỗi dậy trong ngành công nghiệp ô tô. Giá trị cốt lõi của ngành này đang thay đổi và tương lai sẽ chỉ có một số ít hãng sản xuất ô tô có thể thích ứng kịp. Đó cũng là khi khả năng mang đến những trải nghiệm mới mẻ trong hệ sinh thái màu mỡ của Apple cùng khả năng chuyển giao quyền lực vào tay người dùng của Uber sẽ được phát huy tối đa và hứa hẹn tạo nên cuộc cách mạng lớn nhất trong địa hạt này kể từ thời chiếc Ford Model T làm khuynh đảo ngành vận tải những năm 1900.
Từ Model T suy đến tương lai
Khi cho ra mắt chiếc Model T, Henry Ford đã có một mục tiêu rất đơn giản: khiến cả thế giới được tự do. Cho đến nay, phương tiện đi lại cá nhân vẫn rất thịnh hành và được ưu ái nhưng lại đang giới hạn tiềm năng của xã hội hiện đại.
Chiếc Ford Model T
Chiếc Model T có giá thành thấp, đáng tin cậy và hướng đến lợi ích của người dùng. Những đặc tính này có thể thấy rõ trên các bộ phận cao cấp cũng như khả năng di chuyển trên những cung đường cao tốc. Ford bán chiếc Model T chỉ ở mức 5000 - 10.000 USD theo mệnh giá hiện nay (rất rẻ so với mức 33.000 USD trung bình của một chiếc xe hơi ngày nay) như một cách nhanh chóng chiếm lấy nhu cầu của thị trường để tiếp tục hạ giá hơn nữa khi đạt được doanh số cao.
Vào thời kì đỉnh cao năm 1923, Ford có thể bán được tới 2 triệu chiếc Model T mỗi năm, tương đương với 50% thị phần phương tiện đường bộ. Xe hơi chính là phương tiện di chuyển từ điểm A đến điểm B. Ford đã tự định vị đúng giá trị cốt lõi của công ty và tương lai có vẻ như đã nằm trong tay ông. Tuy nhiên, vẫn còn một thứ ông không ngờ lại có thể xảy ra.
Chevrolet đã tung ra thứ đánh dấu chấm hết cho kỷ nguyên thống trị của Ford: phong cách ô tô hoàn toàn mới. Thị trường ô tô lại chuyển sang thời kỳ người ta mua xe không phải chỉ để di chuyển mà còn vì kiểu dáng của nó nữa. 80 năm trôi qua, xu hướng này vẫn không hề có dấu hiệu giảm nhiệt. Ngày nay, chúng ta đã có một ngành công nghiệp ô tô phân tầng không chỉ theo phong cách xe mà còn theo hiệu năng cũng như tầm giá. Chúng ta đã trải qua bước chuyển dịch từ thời một mẫu xe thống trị hầu hết thị trường sang thời kỳ người mua có thể dành hàng tháng trời chọn lựa những mẫu xe phù hợp nhất với họ.
Giá trị thay đổi
Lý do cơ bản cho việc công nghệ sẽ xâm chiếm ngành công nghiệp ô tô nằm ở giá trị cốt lõi đang chuyển dịch của ngành này. Chúng ta đang chứng kiến những dấu hiệu đầu tiên của sự chuyển dịch đó. Tờ New York Times từng đưa tin về những thanh thiếu niên không thể đợi đến tuổi 16 để sở hữu riêng cho mình một “con Uber” riêng. Cách mà chúng ta nhìn nhận giá trị của những chiếc xe hơi cũng đang thay đổi. Những người chưa từng có xe hơi có lẽ mới chỉ đang sở hữu những phương tiện di chuyển cơ bản nhất đưa họ từ điểm này tới điểm khác.
Việc sở hữu xe hơi quá dễ dàng ngày nay có lẽ đã “làm hư” những người luôn có xe trực chờ trong gara, khiến chúng ta quên đi những mặt tiêu cực mà chỉ tập trung vào những mặt tích cực như việc có thể lái xe bất cứ khi nào chúng ta muốn. Trong khi đó, Uber lại đang “phơi” những mặt tích cực này ra dưới dạng một khoản chi hàng tháng cho đi lại.
Cũng có những tay chơi đi ngoài xu thế này, chẳng hạn như những dòng xe xa xỉ với hiệu năng cao cấp, nhưng tất nhiên là không dành cho số đông và cũng không đại diện cho xu hướng lớn đang lan ra toàn cầu.
Chúng ta sẽ sớm bước vào thời kỳ trong đó giá trị cơ bản của một chiếc xe hơi sẽ giống như chiếc Model T trước đây: di chuyển. Con người ta sẽ lại tìm kiếm một phương tiện đưa mình từ điểm này tới điểm khác. Tuy nhiên, công nghệ đã khiến cho việc cải tiến mô hình của Ford trở nên khả thi. Những chiếc smartphone và phần mềm sẽ khiến cho việc mang tới những trải nghiệm tiện nghi và riêng tư hơn trở thành giá trị cốt lõi của các phương tiện giao thông cá nhân.
Sự tiện nghi
Uber hiện đang đi đầu xu hướng cung cấp trải nghiệm di chuyển tiện nghi trên phương tiện cá nhân. Sử dụng smartphone (hay thiết bị đeo thông minh) để gọi xe và theo dõi xe đón mình real-time trên bản đồ đã biến những chiếc xe thành một loại hàng hóa chứ không còn là phương tiện di chuyển thông thường. Uber đã suy nghĩ về việc liệu sở hữu xe có còn là cách tiện lợi nhất để di chuyển từ điểm này đến điểm khác nữa hay không. Sự bất tiện của việc phải tìm bãi đỗ, bảo dưỡng hay ngay đến việc phải ngồi lái xe đã khiến cho việc sở hữu ô tô trở nên kém hấp dẫn.
Đây chính là một tin xấu cho các nhà sản xuất xe hơi khi ý tưởng về việc chia sẻ xe khiến cho nhu cầu của người dùng vượt ra ngoài những tính năng mà các nhà sản xuất xe đã dành hàng thập kỷ xây dựng và quảng bá. Cú sốc này đối với ngành ô tô cũng giống như cú sốc iPhone đã tạo ra trong ngành điện thoại di động. Và có lẽ ai cũng có thể nhìn ra cú sốc tương tự đang xảy đến với thị trường đồng hồ trước sự xuất hiện của Apple Watch. Có thể thấy chắc chắn trong tương lai nhiều ngành công nghiệp khác cũng sẽ bị đảo lộn theo hướng này.
Tính cá thể hóa
Có một thứ khiến Apple có tiềm năng đi đầu ngành sản xuất ô tô: sử dụng phần cứng, phần mềm và các loại dịch vụ Internet để cá thể hóa trải nghiệm lái xe. Tạo ra những bộ phận trên xe có thể thích nghi được lối sống và tính cách của người ngồi là thứ mà thế giới chưa bao giờ nghĩ đến.
Mỗi đột phá công nghệ trên các sản phẩm của Apple trước nay đều đưa chúng ta tiến gần hơn đến trải nghiệm mang tính cá nhân. Xu hướng này sẽ còn tiếp diễn với ngành ô tô.
Sở hữu một chiếc xe có thể thích ứng với bất cứ ai ngồi vào sẽ là một ý tưởng tuyệt vời trong thời điểm doanh số xe hơi đang giảm sút và sẽ có tiềm năng là cuộc cách mạng lớn nhất trong lĩnh vực này. Chúng ta đã quen với một số mức độ tùy biến nhất định trên ô tô như chỉnh vị trí ghế ngồi chẳng hạn, nhưng cá thể hóa bằng phần mềm tùy biến sẽ còn mang đến những trải nghiệm mới mẻ hơn rất nhiều.
Một gia đình chở 4 con cùng một tá hành lý sẽ có nhu cầu khác hẳn so với một người chỉ cần xe đi làm. Sở hữu một chiếc xe có khả năng đáp ứng được cả hai nhu cầu trên về chỗ ngồi, sự tiện nghi và những yêu cầu công nghệ khác sẽ quan trọng hơn việc sở hữu một chiếc xe có khả năng tăng tốc nhanh hơn hay dung tích lớn hơn.
Thành công trong một thế giới không còn thèm muốn xe hơi
Nếu như sự thành công và phổ biến của Uber vẫn chưa đủ để thuyết phục bạn về việc thế giới đã sẵn sàng đến với những phương tiện di chuyển thế hệ mới thì hãy nhìn lại sự hủy diệt của “nền văn minh xe hơi” tại Mỹ, nơi phần lớn những người trung thành với xe hơi cũng phải nhìn nhận thập niên 50-60 mới là thời kỳ đỉnh cao của cơn khát ô tô. Ngày nay, người ta mua xe chỉ vì họ cần phải mua. Có một sự chối bỏ đang in hằn rõ nét trong thị trường ô tô ngày nay.
Tôi không mấy tin tưởng rằng các nhà sản xuất xe hơi truyền thống sẽ trụ lại được trong thời kỳ dịch chuyển tới đây. Các công ty công nghệ được sinh ra trong kỷ nguyên smartphone như Uber hay Lyft sẽ nắm giữ nhiều lợi thế nhất bởi họ có thể tạo ra giá trị từ một biển hàng hóa những chiếc xe hơi mang lại. Các công ty công nghệ này không bị giới hạn bởi dây chuyền sản xuất xe hơi và sẽ đại diện cho phương thức di chuyển mới của tương lai. Đây cũng chính là lý do cơ bản khiến tôi e rằng Tesla, hiện tượng nổi lên gần đây, vẫn sẽ chỉ đi đầu vì dây chuyền sản xuất của hãng mà thôi.
Trong khi đó, Apple, công ty có khả năng thiết kế và rao bán những trải nghiệm mới sẽ tiếp tục làm nên cuộc cách mạng mới trong ngành ô tô. Thiết kế, thứ vốn luôn được coi trọng hàng đầu ở Apple với những nhân tài như Jony Ive, Marc Newson vẫn sẽ đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong mảng thiết kế xe hơi.
Apple không bị lệ thuộc vào dây chuyền sản xuất như Tesla bởi hãng sẽ tiếp tục đặt hàng một nhà sản xuất khác như những gì đã làm với iPhone. Những chiếc xe thế hệ mới sẽ có cả những tính năng tự động bao gồm cả tránh đụng xe. Đó là còn chưa kể đến những đột phá về mặt nguyên liệu thiết kế. Trong biển hàng hóa mình có thể tạo ra, Apple chắc chắn biết rõ cách làm thế nào để tạo ra một phương tiện bóng bẩy ai cũng phải thèm khát.
Về phần Uber, mặc dù hiệu ứng lan tỏa đã giúp hãng mang tới giá trị ngày càng lớn hơn cho các tài xế, tôi vẫn kỳ vọng công ty sẽ tiếp tục tiến tới việc kiểm soát các công nghệ cốt lõi đóng vai trò chính yếu trong trải nghiệm Uber như bản đồ hay điều hướng. Rủi ro lớn nhất của Uber, cũng tương tự như của Amazon hay Facebook là khả năng bị xóa khỏi các smartphone hay hệ điều hành. Điều này xuất phát từ việc cả nền công nghiệp ô tô có thể được kiểm soát bởi một hệ điều hành. Và khi đó, để ứng phó lại nguy cơ này, Uber sẽ phải tạo ra cả một thị trường ô tô cho riêng mình qua việc liên kết với một nhà sản xuất xe hơi bên thứ ba bằng nguồn tiền kiếm được từ ứng dụng gọi xe.
Vì sao Tesla không thể đi đầu?
Hướng đi của Tesla sẽ gặp phải những giới hạn y như những gì các nhà sản xuất ô tô truyền thống khác đã phải đương đầu. Cho dù hãng có những lợi thế nhất định về thiết kế phần mềm so với các hãng xe khác thì vẫn có nhiều nghi ngại về việc liệu Tesla có đủ nguồn lực để thực sự tạo ra những giá trị tầm cao hơn những thông số hiệu năng thường thấy hay không.
Thị trường xe tự lái và việc sở hữu ô tô trong tương lai
Giá trị cốt lõi của xe hơi chắc chắn sẽ chuyển dịch bất chấp sự hiện diện của xe tự lái. Mặc dù đã có nhiều bằng chứng cho thấy những chiếc xe hoàn toàn tự lái được vẫn còn cách chúng ta nhiều năm phát triển thì những khía cạnh trải nghiệm như sự tiện nghi hay tính cá thể hóa (giá trị mới mà các nhà sản xuất xe hơi bắt đầu phải tôn thờ) là hoàn toàn có thể đạt được trong tương lai gần. Có một lượng lớn người dùng đã và đang coi Uber như một phương tiện di chuyển hàng ngày thay vì sở hữu xe hơi, và đây vẫn mới chỉ là một thế giới chưa có xe tự lái mà thôi.
Còn nếu xe tự lái thực sự sớm lên sóng, xu hướng mua xe cũng như toàn bộ ngành công nghiệp xe hơi hiện nay sẽ trải qua một cơn địa chấn với lượng xe đặt mua giảm điên cuồng. Rất nhiều công ty đang lớn mạnh hiện nay sẽ nhanh chóng rơi xuống vực thẳm.
CarPlay thì sao?
CarPlay trên xe hơi
Nhiều người vẫn nghĩ tham vọng của Apple khi lấn sân sang xe hơi sẽ là một nền tảng CarPlay mở rộng nơi iPhone có thể đồng bộ với bảng điều khiển cũng như hệ thống giải trí – tiện ích trên xe. CarPlay không phải là một hệ thống trong xe hơi để chạy iOS hay ứng dụng iOS. Nó là một hệ thống tích hợp các ứng dụng trên iPhone với hệ thống kỹ thuật số của ô tô, cho phép bạn điều khiển xe dễ dàng và thuận lợi hơn.
Nói một cách ngắn gọn, đây là một dịch vụ hỗ trợ cho những người dùng xe hơi, giúp họ xem bản đồ, nghe nhạc, nhắn tin, trả lời cuộc gọi,...mà không cần đụng tay vào điện thoại. Tất cả đều có thể thao tác bằng ra lệnh giọng nói cho trợ lý Siri trên iOS 7, hoặc trên một màn hình cảm ứng tích hợp ngay trong buồng lái.
Về cơ bản thì hướng đi này dễ dàng hơn rất nhiều so với việc phát minh lại một phương tiện di chuyển. Thế nhưng chiến lược này, nếu được tiến hành, sẽ gây cho Apple những bất lợi rất lớn. Đưa CarPlay lên một chiếc xe không phải do Apple phát triển cũng chẳng khác nào đưa iTunes lên một chiếc Motorola đời 2004. Apple sẽ không thể mang đến những trải nghiệm mới cho người dùng trên một chiếc xe hơi được sản xuất bởi một hãng xe tôn thờ những giá trị hoàn toàn khác với những gì Apple theo đuổi.
Các nhà sản xuất xe hơi hiện vẫn chưa có dấu hiệu nào sẽ dễ dàng để mất các tính năng trên bảng điều khiển của mình vào tay các công ty công nghệ. Điều này hiện vẫn đang gây tranh cãi bởi cơ cấu toàn ngành công nghiệp ô tô sẽ không dễ gì bị dịch chuyển chỉ bằng việc kiểm soát được bảng điều khiển trên xe.
Để thực sự khuấy đảo ngành này, không có cách nào khác Apple phải thực sự dấn thân vào nó, mang đến sự tiện nghi, tính cá thể hóa cũng như thay đổi hoàn toàn những giá trị đương thời mà các nhà sản xuất ô tô đang cung cấp. Tham vọng này chỉ có thể được thực hiện bằng cách thống trị ngành công nghiệp ô tô, chuyển giao quy trình sản xuất cho một bên khác rồi sở hữu hệ thống cửa hàng phân phối.
Thập kỷ tới sẽ quyết định tương lai 100 năm sau
Những gì chúng ta đã, đang và sẽ được thấy trong 10 năm tới đây trong ngành ô tô sẽ là nền tảng của phương tiện di chuyển cá nhân trong tương lai. Điều này có vẻ cũng đồng nghĩa với việc Apple sẽ không có lựa chọn nào ngoài việc tiến vào lĩnh vực này. Những dịch chuyển to lớn mà các đại gia xe hơi hiện nay sẽ phải trải qua cũng chứa đựng những tiền đề quan trọng về cách mà các thành phố trong tương lai được quy hoạch, cách xã hội sẽ vận hành và cách mà công nghệ xe hơi mở ra tầm ảnh hưởng sâu rộng tới cuộc sống của chúng ta như thế nào. Hay nói một cách đơn giản thì việc các công ty như Apple hay Uber lên nắm quyền thống trị các phương tiện di chuyển cá nhân sẽ là khởi đầu của kỷ nguyên chúng ta có thể dùng công nghệ kiểm soát những ngôi nhà hay tất cả các thành tố khác trong cuộc sống của chính mình.
Tham khảo Business Insider
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Vì sao các nữ phi hành gia phải uống thuốc tránh thai trước khi bước vào cuộc hành trình xa xôi trong không gian?
Việc các nữ phi hành gia sử dụng thuốc tránh thai trước khi thực hiện các nhiệm vụ không gian là một biện pháp nhằm đảm bảo sức khỏe, an toàn và hiệu suất làm việc của họ. Mặc dù có một số hạn chế, nhưng đây vẫn là một giải pháp được nhiều người lựa chọn trong điều kiện hiện tại.
Bị Mỹ cấm vận đủ đường, nhà sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi vẫn hết lời khen ngợi: "Mỹ đã thiết lập một chuẩn mực trên toàn thế giới"