Không phải vì không cần download, đây mới là lợi ích tuyệt vời nhất của các dịch vụ stream nhạc như Apple Music và Spotify
Câu hỏi cần đặt ra không phải là "nhạc của tôi được lưu ở đâu", mà là "tôi nghe nhạc như thế nào".
Không một ai có thể phủ nhận sức công phá của mô hình streaming với các phương thức bán nhạc truyền thống như CD hoặc download. Trong năm 2016, doanh thu đến từ streaming đã vượt qua cả CD, download và đĩa than cộng lại. Chính sự trỗi dậy của các dịch vụ phát trực tuyến đã giúp cho doanh thu của RIAA (Hiệp hội Thu âm Hoa Kỳ) hồi phục một cách mạnh mẽ kể từ khi bị Steve Jobs "giáng" một đòn đau bằng iTunes.
Ngay đến chính cả Apple cũng phải cắn răng đẩy iTunes (và iPod) vào chỗ chết khi bỏ ra 3 tỷ USD mua Beats. Tài sản quan trọng nhất của Beats, dịch vụ stream Beats Music, nay đã được phát triển thành Apple Music để làm mũi nhọn cạnh tranh chống lại Spotify và Pandora. Tính đến tháng 6/2017, Apple Music đã đạt 27 triệu người dùng trả phí và đứng thứ hai thị trường. Đó cũng không hẳn là một tin đáng mừng, bởi kẻ dẫn đầu Spotify hiện đã chạm tới mốc 60 triệu.
Vậy thì tại sao các dịch vụ stream lại trỗi dậy mạnh mẽ đến vậy?
Câu trả lời đầu tiên ai cũng có thể nhìn thấy là giá cả và tính tiện lợi.
Khoản tiền mà Apple hay Spotify thu về mỗi tháng chỉ tương đương với giá bán download của một album. Điều này có nghĩa rằng với khoản tiền chỉ bằng 12 album (hoặc với 1 số trường hợp là 10 album) mỗi năm, người dùng stream có thể truy cập vào kho nhạc hàng chục nghìn album, bao gồm cả những album mới nhất, đình đám nhất.
Với mạng Internet phủ sóng dày đặc, các dịch vụ stream cũng giúp người dùng tiết kiệm được một không gian lưu trữ rất lớn trên smartphone. Những người không có Wi-Fi cũng chẳng cần lo lắng: gần như bất kỳ một dịch vụ nào cũng có tính năng lưu offline cho phép người dùng có thể chuẩn bị hàng nghìn bài hát đề phòng những khi... mất mạng.
Song đó vẫn chưa phải là giá trị lớn nhất được các dịch vụ stream đem tới người dùng.
Khi đẩy kho nhạc từ đĩa cứng offline lên đám mây, các dịch vụ stream cũng sẽ mở ra một kho dữ liệu khổng lồ và một bộ máy tính toán phức tạp không thể có mặt trên những cỗ máy bình thường.
Sự "cởi trói" này cho phép các kỹ sư của Apple, Google hay Spotify đều có thể nghiên cứu thói quen nghe nhạc của hàng triệu người và tìm ra những sợi dây liên kết thú vị. Ví dụ, những người thích nghe Black Sabbath rất có thể cũng sẽ quan tâm đến Led Zeppelin. Nếu giới thiệu Led Zeppelin tới những người dùng đã có sẵn Black Sabbath trong mục "yêu thích", Spotify sẽ tăng được thời gian stream nhạc của những người này.
Như vậy, từ offline lên đám mây, trải nghiệm nghe nhạc của người dùng sẽ được mở thêm một chiều tương tác mới: thay vì chỉ quanh quẩn trong những bài hát bạn đã biết/đã mua, bạn nay sẽ được gợi ý các bài hát phù hợp với sở thích âm nhạc của bạn. Bằng cách này, trải nghiệm nghe nhạc sẽ không chỉ dừng ở "thưởng thức" mà chuyển sang thành khám phá.
Trong thực tế, tất cả các ông lớn đều phải đem khả năng gợi ý ra cạnh tranh với nhau. Spotify vẫn đứng ở ngôi đầu khi lúc nào cũng có thể giới thiệu rất nhiều danh sách được tự động dựng theo đúng sở thích của người dùng, Apple Music khi mới ra mắt đã có điểm nhấn vào các "bong bóng" cho phép chọn lựa thể loại, nghệ sĩ... Phương thức gợi ý của các hãng cũng khác nhau: Spotify và Google thì sử dụng thuật toán tự động, còn Apple Music thì dùng các biên tập viên nội dung.
Đó không hẳn là một điều quá mới mẻ. Từ lâu, YouTube của Google đã biết giữ chân người dùng bằng danh sách Play Next. Các dịch vụ stream phim ảnh như Netflix và Amazon cũng luôn có tính năng gợi ý dựa trên các nội dung đang/đã xem. Nhưng trong khi doanh thu của các bộ phim chủ yếu vẫn là phòng vé, streaming sẽ là một mô hình có lợi cho tất cả các bên: Spotify và Apple thì có thêm các con số ấn tượng để hút người dùng và mở rộng kinh doanh, các hãng đĩa/nghệ sĩ thì thu được thêm nhiều tiền (bản quyền được trả theo số lượt nghe) còn người dùng thì được tận hưởng một trải nghiệm khám phá âm nhạc chưa từng có.
Như thế, 20 năm sau sau khi bùng nổ và trở thành một thứ nhu yếu phẩm của cuộc sống, Internet vẫn có thể thay đổi những thói quen đã đi theo hàng chục năm sử dụng máy tính của loài người.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Người Trung Quốc khoe có được GPU AI xịn nhất của NVIDIA bất chấp lệnh cấm vận của Mỹ
Chưa rõ tại sao những GPU này lại có thể xuất hiện ở Trung Quốc.
Thiết kế mới của iPhone 17 Pro được xác nhận bởi nhiều nguồn uy tín