Không quân Mỹ: Máy bay chiến đấu với vũ khí laser sẽ sẵn sàng ra trận vào năm 2020

    Neo,  

    Phòng thí nghiệm Nghiên cứu Không quân Hoa Kỳ (AFRL), vừa tuyên bố đang tiến hành thử nghiệm một loại vũ khí laser có thể trang bị cho máy bay chiến đấu vào năm 2020.

    Khi súng xuất hiện, nó đã đưa chiến tranh lên một cấp độ hoàn toàn mới. Sau đó, máy bay xuất hiện lại một lần nữa thay đổi hoàn toàn chiến tranh. Mới đây, theo các chuyên gia, chiến tranh sắp thay đổi hoàn toàn lần thứ ba với sự xuất hiện của vũ khí năng lượng, bao gồm vũ khí laser.

    Phòng thí nghiệm Nghiên cứu Không quân Hoa Kỳ (AFRL), vừa tuyên bố đang tiến hành thử nghiệm một loại vũ khí laser có thể trang bị cho máy bay chiến đấu vào năm 2020. "Chúng tôi thực sự vui mừng khi thấy công nghệ này phát triển và trưởng thành vào đúng giai đoạn mà nó thực sự có thể được sử dụng", Kelly Hammett, kỹ sư trưởng AFRL, chia sẻ.

    Vũ khí laser tiêu diệt mục tiêu bằng cách chiếu tia laser vào mục tiêu, đốt cháy hoặc làm nóng chảy nó ở nhiệt độ cao. Hammett cho biết vũ khí laser dành cho máy bay chiến đấu sẽ sử dụng laser trạng thái rắn, tạo ra chùm tia laser bằng cách bơm năng lượng vào vật liệu tinh thể rắn.

    Hammett nói các vũ khí laser trang bị cho máy bay cỡ lớn đã được hoàn thiện từ vài năm trước nhưng có quá nhiều khó khăn, thách thức trong việc chế tạo vũ khí laser nhỏ, chính xác, đủ mạnh mẽ cho máy bay chiến đấu. G-forces và tốc độ gần tốc độ âm thanh khiến vũ khí laser rất khó đạt độ chính xác cần thiết. Hammett nghĩ rằng những trở ngại trên sẽ được khắc phục trong vòng năm năm. Nhiều khả năng mẫu F15-Eagle sẽ là máy bay chiến đấu đầu tiên được trang bị hệ thống vũ khí laser.

    Khả năng của máy bay chiến đấu với vũ khí laser

    AFRL cũng đang nghiên cứu một ý tưởng lá chắn laser như trong phim Star Trek. Laser sẽ tạo ra một bong bóng 360 độ bao xung quanh máy bay chiến đấu, vô hiệu hóa hoặc tiêu diệt bất cứ thứ gì chạm vào như tên lửa hoặc máy bay khác.

    Để tạo ra một lá chắn như vậy cần có một tháp pháo không gây trở ngại gì cho hệ thống khí động học của máy bay. AFRL cùng với DARPA và Lockheed Martin đã thử nghiệm thành công một tháp pháo như vậy.

    Mỗi năm AFRL dành 1/3 ngân sách được chính phủ Mỹ cấp, khoảng 150 triệu USD, cho công nghệ laser. Hammett cho biết ông sẽ được tài trợ đầy đủ cho tới khi hoàn thành mục tiêu vào năm 2020.

    Tham khảo CNN

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ