Không uống rượu mà vẫn bị cảnh sát giao thông bắt, xét nghiệm nồng độ cồn tới 400mg/dL, thế là thế nào?

    zknight,  

    Người đàn ông mắc chứng rối loạn hiếm gặp gọi là Auto-Brewery Syndrome – hội chứng tự sinh rượu (ABS).

    Mọi chuyện bắt đầu từ một chấn thương trên ngón tay cái. Sau đó, vòng xoáy cuộc đời đã cuốn một người đàn ông 46 tuổi vào nghi vấn nghiện rượu. 

    Cảnh sát bắt ông ấy lại trong khi đang lái xe. Các bác sĩ xét nghiệm thấy nồng độ cồn trong máu lên tới 400 mg/dL. Y tá và cả người thân trong gia đình, không một ai tin lời thanh minh của ông ấy. Người đàn ông nói mình không hề uống rượu, dù chỉ một giọt.

    Trường hợp y tế hiếm gặp này đã được các bác sĩ tại Trung tâm Y tế Đại học Richmond, Hoa Kỳ báo cáo. Người đàn ông trung niên, và cũng là bệnh nhân của họ, thực ra đã mắc một chứng rối loạn hiếm gặp gọi là Auto-Brewery Syndrome – hội chứng tự sinh rượu (ABS).

    Về cơ bản, các vi sinh vật trong đường ruột người mắc ABS có thể chuyển hóa carbohydrate mà họ ăn vào thành ethanol, biến nó trở thành một cái máy ủ rượu ngay trong cơ thể.

    Không uống rượu mà vẫn bị cảnh sát giao thông bắt, xét nghiệm nồng độ cồn tới 400mg/dL, thế là thế nào? - Ảnh 1.

    Người đàn ông mắc một chứng rối loạn hiếm gặp gọi là Auto-Brewery Syndrome – hội chứng tự sinh rượu (ABS).

    Những rắc rối bắt đầu từ năm 2011, sau khi người đàn ông kết thúc một đợt điều trị kháng sinh vì bị chấn thương ngón tay cái. Trong vòng một tuần tiếp theo đó, ông nhận ra mình bắt đầu có những thay đổi về mặt tính cách. Những triệu chứng trầm cảm xuất hiện, ông trở nên nóng tính hơn, bên cạnh đó là cảm giác mông lung trong đầu và đôi khi bị mất trí nhớ.

    Các triệu chứng đưa ông ấy đến gặp một bác sĩ tâm thần, người tiếp tục kê cho ông một đơn thuốc chống trầm cảm. Mọi chuyện không khá hơn là mấy, cho đến khi ông ấy bị cảnh sát bắt vì nghi ngờ lái xe sau khi uống rượu.

    Người đàn ông một mực khẳng định với cảnh sát rằng ông ấy không uống một giọt rượu nào cả. Từ chối làm xét nghiệm nồng độ cồn trong hơi thở, cảnh sát đã đưa ông tới bệnh viện để xét nghiệm máu.

    Kết quả chỉ ra người đàn ông có nồng độ cồn trong máu là 200 mg/dL, tương đương với việc uống khoảng 10 ly rượu mạnh. Ở nồng độ cồn này, các triệu chứng say rượu dễ dàng được nhận diện từ bên ngoài như mất thăng bằng, lạc hướng, nhầm lẫn và giảm tốc độ nói.

    "Các nhân viên bệnh viện và cảnh sát, không một ai tin, khi ông ấy liên tục thanh minh rằng mình không hề uống rượu", báo cáo cho biết.

    Để đi tìm lời giải đáp cho tình huống trớ trêu của mình, người đàn ông đã đến một phòng khám ở Ohio. Ở đây, các bác sĩ đã cho ông làm một loạt các xét nghiệm, hầu hết đều chỉ ra kết quả bình thường, ngoại trừ mẫu phân của ông cho thấy sự hiện diện của Saccharomyces cerevisiae (còn được gọi là men bia, men bánh mì, men rượu).

    S. cerevisiae có một lịch sử lâu dài trong ngành sản xuất bia và làm rượu vang (bên ngoài một ứng dụng nữa của nó để sản xuất bánh nướng). Loại men này giúp hình thành rượu từ những nguyên liệu chứa carbohydrate.

    Không uống rượu mà vẫn bị cảnh sát giao thông bắt, xét nghiệm nồng độ cồn tới 400mg/dL, thế là thế nào? - Ảnh 2.

    Saccharomyces cerevisiae

    Vậy là mọi thứ trở nên rõ ràng, người đàn ông đã mắc hội chứng tự sinh rượu (ABS). Nó xảy ra khi carbohydrate bao gồm đường và tinh bột trong bữa ăn bị biến thành ethanol ngay trong đường tiêu hóa.

    Đó là một cái máy ủ rượu trong cơ thể, người mắc ABS sẽ thể hiện ra ngoài các triệu chứng của người say mặc dù không uống một giọt rượu nào. Thậm chí họ còn có thể mắc các bệnh như người nghiện rượu, chẳng hạn như gan nhiễm mỡ, dấn đến xơ gan.

    Để điều trị, các bác sĩ ở phòng khám đã kê cho người đàn ông mắc ABS một đơn thuốc. Các triệu chứng khi đó mới dần giảm xuống, chứng ABS tưởng chừng đã biến mất, nhưng không, nó tiếp tục trở lại.

    Trong một lần các triệu chứng say rượu bùng phát, người đàn ông đã bị ngã, thậm chí nhiễm trùng và chảy máu nội sọ. Trong khi đang được điều trị trong bệnh viện, các bác sĩ đo thấy nồng độ cồn trong máu của ông ấy tăng vọt lên tới 400 mg / dL - gấp đôi nồng độ ghi nhận được trong lần ông ấy bị cảnh sát bắt. 

    Một lần nữa không một bác sĩ hay y tá nào tin vào lời thanh minh của ông ấy, nói rằng mình không hề uống rượu.

    May mắn cho người đàn ông khi gặp được nhóm bác sĩ tại Đại học Richmond, họ đã điều trị cho ông bằng một liệu pháp đặc biệt, kết hợp thuốc chống nấm và men vi sinh để điều hòa hệ vi sinh vật đường ruột.

    Ngoại trừ một lần tái phát duy nhất sau khi ông ấy ăn một chiếc bánh pizza và uống nước ngọt, các bác sĩ chưa ghi nhận bất kỳ báo cáo nào từ phía bệnh nhân cho thấy chứng ABS của ông quay trở lại.

    "Sau khoảng một năm rưỡi, ông ấy vẫn không hề xuất hiện triệu chứng [ABS] trong khi vẫn duy trì lối sống trước đây, ăn một chế độ ăn bình thường và thỉnh thoảng kiểm tra nồng độ cồn trong hơi thở", các bác sĩ viết trong báo cáo.

    Đó hẳn là một kết thúc có hậu cho bệnh nhân. Cuối cùng, người đàn ông cũng thoát khỏi chứng bệnh quái đản của mình, những cơn say không chủ ý, tình trạng trầm cảm, sự thay đổi tính cách, giảm sút trí nhớ và những nguy cơ biến chứng khác.

    Ông ấy cũng cảm thấy mình thoát được những dị nghị từ những người xung quanh. "Trong suốt nhiều năm, không có một ai tin tưởng ông ấy", bác sĩ Fahad Malik tại Đại học Alabama ở Birmingham cho biết.

    "Cảnh sát, bác sĩ, y tá và thậm chí cả người trong gia đình buộc tội ông ấy đã không nói sự thật, rằng ông là một con nghiện rượu".

    Không uống rượu mà vẫn bị cảnh sát giao thông bắt, xét nghiệm nồng độ cồn tới 400mg/dL, thế là thế nào? - Ảnh 3.

    Có một cái máy ủ bia trong cơ thể hóa ra không vui vẻ gì cho lắm

    Mọi rắc rối bắt đầu đúng sau lần người đàn ông bị chấn thương ngón tay cái. Các nhà nghiên cứu cho biết có thể chính đơn thuốc kháng sinh ông ấy uống ngày đó đã làm đảo lộn hệ vi sinh đường ruột, tạo điều kiện cho nấm men xâm chiếm và biến nó thành một cái máy ủ rượu.

    "Chúng tôi tin rằng các triệu chứng của bệnh nhân đã được kích hoạt do tiếp xúc với kháng sinh, dẫn đến sự thay đổi hệ vi sinh vật đường tiêu hóa cho phép nấm phát triển quá mức", các tác giả giải thích.

    Họ lưu ý các bác sĩ nên để ý tới tình trạng y tế kỳ lạ này. ABS thường dễ bị bỏ qua, do đó, nhiều bệnh nhân mắc nó có thể đang không được điều trị đúng cách.

    Toàn bộ nghiên cứu về trường hợp này đã được đăng trên tạp chí BMJ Open Gastroenterology.

    Tham khảo Sciencealert

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ