Microsoft với câu chuyện Skype và Office (Phần 1)

    Đức Toàn, Đức Toàn 

    Loạt bài nhiều kì này cho người đọc cái nhìn toàn cảnh về cuộc chiến tranh lạnh đang diễn ra trong làng công nghệ.

    Chúng ta, người tiêu dùng sản phẩm công nghệ, đang nằm trong cuộc chiến tranh lạnh giữa các phe sừng sỏ nhất từng được biết đến. Cụ thể hơn, cuộc chiến mà chúng ta đang nói đến diễn ra trên chiến trường hệ sinh thái (ecosystems), là nơi các hãng công nghệ đang cạnh tranh gay gắt để lôi kéo người dùng, đồng thời kiên trì đi từng nước cờ hòng xâm nhập lãnh địa đối phương.
     
    Microsoft với câu chuyện Skype và Office (Phần 1) 1
     
    Cuộc chiến hệ sinh thái giữa các ông lớn Microsoft, Apple, Google và Facebook đã chuyển thành cuộc chiến trường kì khi mỗi bên đều có tiềm lực mạnh và trang bị “tận răng”, bởi vậy hầu hết các hãng đều đề cao chiến thuật phòng thủ chặt chẽ và thăm dò đối phương. Cuộc chiến này tuy khá “dịu sóng” ở vẻ bề ngoài, tuy nhiên những chiến lược mang tính tấn công vẫn được sử dụng.
     
    Mỗi bên tham gia đều sở hữu một kho vũ khí, trong số đó có những món nằm trong chiến lược dự bị hoặc chưa đến thời điểm sử dụng vì sức “công phá” chưa kiểm soát được. Trong loạt bài này, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu những món vũ khí như thế.
     
    Skype và vòng kềm tỏa của Microsoft
     
    Xét trong hệ sinh thái Microsoft, Skype là món vũ khí ít được chăm chút nhất. Cũng là một thành viên trong gia đình các sản phẩm mà Microsoft bán ra thị trường, Skype không có được quyền lực mạnh như bộ Office, Xbox hay Windows. Tuy nhiên, Skype có lợi thế khi có mặt ở hầu hết các nền tảng khác: Android, iOS, Mac, Linux, webOS, Symbian và được hỗ trợ trên nhiều thiết bị như tivi thông minh hay các bộ set-top-box. Đây là lợi thế giúp Skype trở thành một cổng trung chuyển một lượng thông tin cực lớn thông qua chức năng phương tiện giao tiếp cho một lượng lớn người tiêu dùng.
     
    Nếu Microsoft quyết định phong tỏa Skype trong phạm vi các sản phẩm của hãng (độc quyền) thì các chính sách phát triển từ trước tới nay của hãng sẽ gặp thay đổi lớn. Mặc dù Microsoft có thể thu được một lượng người dùng trung thành với Skype trong ngắn hạn, nhưng về dài hạn khách hàng sẽ chuyển sang các phần mềm khác bởi lúc đó, hàng loạt hãng tiềm năng sẵn sàng sản xuất app thế chỗ Skype.
     
    Microsoft với câu chuyện Skype và Office (Phần 1) 2
     
    Như vậy, chính sách độc quyền, nếu áp dụng, đồng nghĩa với việc kìm hãm sự phát triển của Skype. Nhiều ý kiến cho rằng, thế mạnh của Skype không còn nằm ở nền tảng kĩ thuật tuyệt vời trong thị trường VoIP mà ở sự phổ biến cả nó. Hạn chế Skype, trong một kịch bản có thể diễn ra, giống như cuộc chiến tìm cách thay thế cách nhắn tin SMS. Đến khi đó, nhiều tay chơi sẽ nhảy vào thị trường này, trong đó có thể kể đến Google, Apple hay thậm chí là các nhà mạng.
     
    Điều may mắn là Microsoft chưa đưa ra kế hoạch nào làm hạn chế khả năng vươn cao và vươn xa của Skype, tuy nhiên hãng vẫn có thể đi các nước cờ ít “hiếu chiến” hơn, ví dụ: trả phí để có trải nghiệm Skype tốt nhất (chỉ áp dụng đối với người dùng Windows), bằng cách này người dùng tiềm năng đang sử dụng hệ điều hành khác sẽ cân nhắc chuyển sang Windows. Skype đã được tích hợp sâu vào Windows 8 và Windows Phone 8, cho trải nghiệm tốt hơn rất nhiều so với Live Messenger. Đây là điểm cộng cho Windows so với iOS hay Mac của Apple.
     
    Office và quyền năng tối thượng
     
    Một trong những vũ khí thiện chiến nhất nhà Microsoft hiện giờ là bộ ứng dụng Office mà thời điểm này mới “chơi” với duy nhất Windows và Mac. Với Windows 8 trên máy tính Surface, chúng ta đã được chiêm ngưỡng sức mạnh của bộ Office “thực” với khả năng đọc và chỉnh sửa văn bản ở định dạng gốc, một tính năng rất cần thiết với dân văn phòng.
     
    Tuy nhiên, như chúng ta đã biết, Microsoft đang phát triển một bộ Office cho Android và iOS, dự kiến ra mắt vào năm tới. Microsoft cũng có lần khẳng định: “Office sẽ làm việc trên cả Windows Phone, iOS và Android”. Mặc dù phần mềm văn phòng từ các hãng thứ ba cũng có thể làm được đa số công việc cần thiết, nhưng vị trí “đầu đàn” chưa từng tuột khỏi tay Office.
     
    Microsoft với câu chuyện Skype và Office (Phần 1) 3
     
     Office hiện nay không còn gói gọn trong Word, Excel, hay Powerpoint mà còn bao gồm giải pháp đám mây (SkyDrive, Sharepoint), hoàn thiện trải nghiệm sử dụng cho công việc văn phòng hiện nay. Giải pháp đám mây tích hợp sẵn giúp người dùng đồng bộ công việc của mình vào một bộ sản phẩm, và điều này luôn nằm trong tâm lí khách hàng cho dù Dropbox hay các dịch vụ khác cũng rất mạnh. Nếu Microsoft làm tốt việc đưa Office lên các nền tảng khác, lượng khách hàng sẽ tăng nhiều hơn nữa so với hiện tại.
     
    Tuy nhiên, Microsoft rất thận trọng đối với việc đưa Office lên các nền tảng khác, mà lí do chính nằm ở mối gắn kết giữa bộ đôi Windows Office. Chắc chắn rằng Microsoft muốn người mua và sử dụng một “combo” như vậy hơn là để một trong hai sản phẩm “lẻ loi”. Đó cũng là lí do Microsoft nên hạn chế một số tính năng của Office ở các nền tảng khác (hiện tại Office trên Mac thường xuyên nhận được bản cập nhật chậm hơn so với người anh em trên Windows).
     
    Microsoft từng đưa nhiều phần mềm của mình lên các nền tảng khác, tuy nhiên với Office câu chuyện không đơn giản như đối với các phần mềm trước đó. Giả sử rằng những mất mát trong doanh số Windows và Windows Phone có thể được giảm thiểu thì chiến lược nêu ở trên sẽ đem lại nhiều lợi thế cho Microsoft. Lợi thế trước mắt nằm ở cộng đồng người dùng đã quen với bộ Office và sẵn sàng chi tiền cho phiên bản mới. Hơn nữa, người sử dụng các nền tảng có khả năng sẽ chuyển sang Windows/Windows Phone nếu họ thấy Office thực sự làm nên điều khác biệt xứng đáng để họ đổi điện thoại/đổi hệ điều hành hoặc đơn giản là mua thêm, vốn đều có lợi cho Microsoft.
     
    (còn tiếp)
    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ