BTIC 2012 có thể coi là sự kiện công nghệ rầm rộ nhất trong năm. Thế nhưng, những mục tiêu ở tầm vĩ mô của nó khó có thể nhìn rõ ở thời điểm này. Trước mắt, sau những bài diễn thuyết hấp dẫn của các diễn giả đến từ Silicon Valley, các startup tại Việt Nam lại tiếp tục sống bằng “niềm tin”.
Sự xuất hiện của Thứ trưởng Bộ khoa học và công nghệ, ông Nguyễn Văn Lạng, tại BTIC có thể coi là một tín hiệu “bật đèn xanh” của chính phủ về việc nhà nước sẽ hỗ trợ các startup nhiều hơn trong thời gian tới. Đồng thời, các hình thức đầu tư mạo hiểm cũng sẽ bắt đầu được hoạt động tại Việt Nam. Điều này đồng nghĩa với các cơ hội dành cho những nhà khởi nghiệp, nhưng là trong tương lai (một mốc thời gian chưa xác định). Nếu nhìn vào cả tình hình kinh tế của Việt Nam nói chung, vào lúc này, nhiều doanh nghiệp từ nhỏ đến lớn mới chỉ đang dám chuẩn bị những ý tưởng cho đầu năm sau.
Đối với các startup, tương lai vẫn là một canh bạc lớn bởi chưa có nhiều quỹ đầu tư dành cho các dự án nhỏ (ngoại trừ một nền tảng về
crowd funding chuẩn bị ra mắt trong thời gian tới). Không những thế, điều kiện kinh tế khó khăn và sức mua giảm cũng khiến cho các dự án của họ khó thực hiện hơn. Đó là còn chưa kể đến chuyện khi một số công ty lớn ẵm được các khoản tiền đầu tư lớn từ các nhà đầu tư như IDG thì cơ hội đầu tư dành cho startup lại càng thêm eo hẹp. Đúng là sau BTIC, các startup chỉ giàu thêm về mặt “niềm tin”.
BTIC là một sự kiện lớn trong năm, rất nhiều các doanh nghiệp lớn nhỏ và các doanh nhân trong cả nước cũng đổ về Bình Dương để tham gia sự kiện này. Đó là một cơ hội tốt để mọi người giao lưu, trao đổi ý tưởng, tìm kiếm những con người cùng chí hướng... Đáng tiếc rằng nếu như ban tổ chức quan tâm đến phần này thì sự kiện BTIC 2012 sẽ còn thành công vang dội gấp nhiều lần bởi đóng góp của nó cho cộng đồng. Tuy vậy, sau phát súng lớn mào đầu này, những đơn vị tổ chức các sự kiện về công nghệ và khởi nghiệp sau này sẽ rút ra được nhiều kinh nghiệm hơn. “Thất bại là mẹ thành công” - chúng ta lại đành ngậm ngùi nghĩ vậy và tiếp tục dõi mắt về tương lai.
Kinh tế đi xuống. Ba vấn đề lớn của nền kinh tế trong năm 2012 là khủng hoảng tín dụng, bong bóng nhà đất chuẩn bị vỡ và giá vàng vẫn chưa được giải quyết. Với tình hình hiện tại, không mấy ai dám đặt một tầm nhìn khả quan vào tình hình kinh tế năm 2013. Các startup lại tiếp tục cố sống, mong đợi vào một tương lai khả quan hơn hoặc tốt nhất là khỏi để tâm đến khủng hoảng.
Nói chung, sau sự kiện lớn này thì từ các doanh nghiệp lớn nhỏ cho đến các nhà khởi nghiệp hay những người dân bình thường, cuộc sống của họ đều không có nhiều thay đổi. Có chăng chỉ là “niềm tin” mà thôi.