Kỷ nguyên dữ liệu không biên giới đang kết thúc
Các quốc gia đang đẩy nhanh nỗ lực kiểm soát dữ liệu được tạo ra trong phạm vi của họ, làm gián đoạn dòng chảy của thứ đã trở thành một loại tiền kỹ thuật số bấy lâu nay.
Mỗi khi chúng ta gửi email, nhấn vào quảng cáo trên ứng dụng mạng xã hội hoặc quẹt thẻ tín dụng, chúng ta sẽ tạo ra một phần dữ liệu kỹ thuật số.
Thông tin này sau đó được truyền đi khắp thế giới với tốc độ của một cú nhấp chuột, trở thành một loại tiền tệ không biên giới và làm nền tảng cho nền kinh tế kỹ thuật số. Phần lớn chúng không bị kiểm soát, và các luồng dữ liệu với đơn vị cỡ bit hay byte này đã giúp thúc đẩy sự trỗi dậy của các siêu công ty xuyên quốc gia như Google và Amazon, đồng thời định hình lại hệ thống thương mại, giải trí và truyền thông toàn cầu.
Nhưng giờ đây, kỷ nguyên của các biên giới mở cho dữ liệu đang kết thúc.
Pháp, Áo, Nam Phi và hơn 50 quốc gia khác đang tăng tốc nỗ lực kiểm soát thông tin kỹ thuật số do công dân, cơ quan chính phủ và các tập đoàn của họ tạo ra. Bị thúc đẩy bởi những lo ngại về an ninh và quyền riêng tư, cũng như lợi ích kinh tế và cả chủ nghĩa dân tộc, ngày càng nhiều chính phủ đang đặt ra các quy tắc và tiêu chuẩn về cách dữ liệu có thể và không thể di chuyển trên toàn cầu. Mục tiêu cuối cùng là đạt được cái gọi là “chủ quyền kỹ thuật số”.
Tại Mỹ, chính quyền đang lưu hành một bản dự thảo ban đầu về một lệnh hành pháp nhằm ngăn chặn các quốc gia đối thủ như Trung Quốc tiếp cận dữ liệu của Mỹ.
Tại Liên minh châu Âu, các thẩm phán và nhiều nhà hoạch định chính sách đang nỗ lực bảo vệ thông tin được tạo ra trong khối 27 quốc gia, bao gồm các quy tắc và yêu cầu về quyền riêng tư trực tuyến khắt khe hơn.
Tại Ấn Độ, các nhà lập pháp đang tiến hành thông qua một đạo luật hạn chế dữ liệu để có thể để giữ chúng ở lại với quốc gia gần 1,4 tỷ dân này.
Số lượng luật, quy định và chính sách của chính phủ các nước yêu cầu thông tin kỹ thuật số phải được lưu trữ ở một quốc gia cụ thể đã tăng hơn gấp đôi, lên 144 từ năm 2017 đến năm 2021, theo số liệu của Quỹ Đổi mới và Công nghệ Thông tin.
Trong khi các quốc gia như Trung Quốc từ lâu đã cắt đứt hệ sinh thái kỹ thuật số của họ với bên ngoài, việc các quốc gia đang áp đặt nhiều quy tắc hơn đối với các luồng thông tin là một sự thay đổi cơ bản và đáng chú ý. Và nó đang thay đổi cách thức hoạt động của Internet kể từ khi được thương mại hóa rộng rãi vào những năm 1990.
Và hệ quả của chúng đối với hoạt động kinh doanh, quyền riêng tư và cách các cơ quan thực thi pháp luật và tình báo điều tra tội phạm cũng như điều hành các chương trình giám sát sẽ rất sâu rộng. Microsoft, Amazon và Google đang cung cấp các dịch vụ mới để cho phép các công ty lưu trữ hồ sơ và thông tin trong một lãnh thổ nhất định. Và sự di chuyển của dữ liệu đã trở thành một phần của các cuộc đàm phán địa chính trị, bao gồm một hiệp ước mới về chia sẻ thông tin xuyên Đại Tây Dương, đã được đồng ý về nguyên tắc hồi tháng Ba.
Federico Fabbrini, giáo sư luật Châu Âu tại Đại học Thành phố Dublin, người đã biên tập một cuốn sách về chủ đề này, cho biết: “Số lượng dữ liệu đã trở nên quá lớn trong thập kỷ qua và đã tạo ra áp lực buộc phải đặt nó dưới sự kiểm soát của nhà nước, thứ vốn dĩ khó điều tiết hơn hàng hóa vật chất".
Đối với hầu hết mọi người, các hạn chế mới không có nghĩa là các trang web phổ biến sẽ bị đóng cửa. Nhưng người dùng có thể mất quyền truy cập vào một số dịch vụ hoặc tính năng tùy thuộc vào nơi họ sống. Ví dụ như Meta, công ty mẹ của Facebook, gần đây cho biết họ sẽ tạm thời ngừng cung cấp các bộ lọc thực tế tăng cường (AR) ở bang Texas và Illinois của Mỹ để tránh bị kiện theo luật quản lý việc sử dụng dữ liệu sinh trắc học.
Cuộc tranh luận về việc hạn chế dữ liệu cũng đang gây ra những rạn nứt lớn hơn trong nền kinh tế toàn cầu. Các quốc gia đang cân nhắc lại việc phụ thuộc vào dây chuyền lắp ráp nước ngoài sau khi chuỗi cung ứng bùng phát trong đại dịch, khiến việc giao hàng mọi thứ từ tủ lạnh đến xe điện bị trì hoãn. Lo ngại rằng các nhà sản xuất chip máy tính châu Á có thể dễ bị ảnh hưởng bởi ảnh hưởng, các nhà lập pháp Mỹ và châu Âu đang thúc đẩy xây dựng thêm các nhà máy bán dẫn trong nước để có thể tự cung cấp chip cho hàng nghìn sản phẩm.
Eduardo Ustaran, đối tác của Hogan Lovells, một công ty luật chuyên giúp các công ty tuân thủ các quy tắc dữ liệu mới, cho biết sự thay đổi thái độ đối với thông tin kỹ thuật số “có liên quan đến xu hướng rộng lớn hơn đối với chủ nghĩa dân tộc kinh tế”.
Ý tưởng cốt lõi của “chủ quyền kỹ thuật số” là việc dữ liệu kỹ thuật số do một người, doanh nghiệp hoặc chính phủ tạo ra phải được lưu trữ bên trong quốc gia nơi nó bắt nguồn hoặc ít nhất là được xử lý theo quyền riêng tư và các tiêu chuẩn khác do chính phủ đặt ra. Trong trường hợp với thông tin nhạy cảm hơn, một số nhà chức trách cũng muốn thông tin đó được kiểm soát bởi một công ty địa phương.
Đó sẽ là một sự thay đổi đáng kể với tất cả mọi người. Bởi hầu hết các tệp dữ liệu ban đầu được lưu trữ cục bộ trên máy tính cá nhân và máy chủ của các công ty. Nhưng khi tốc độ internet tăng lên và cơ sở hạ tầng viễn thông đã phát triển mạnh mẽ trong hai thập kỷ qua, các dịch vụ điện toán đám mây cho phép một người nào đó ở Đức lưu trữ ảnh trên máy chủ của Google ở bang California, hoặc một doanh nghiệp ở Ý điều hành một trang web trên nền tảng Amazon Web Services có trụ sở điều hành tại Seattle, phía tây tiểu bang Washington.
Nhưng vào năm 2013, một bước ngoặt xảy ra sau khi cựu nhân viên hợp đồng của Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ (NSA), Edward Snowden, đã làm rò rỉ hàng loạt tài liệu chi tiết cho thấy việc giám sát truyền thông kỹ thuật số trên diện rộng của Mỹ. Ở châu Âu, xuất hiện các lo ngại về việc phụ thuộc vào các công ty Mỹ như Facebook khiến người dân dễ bị theo dõi. Điều đó dẫn đến các cuộc chiến pháp lý kéo dài về quyền riêng tư trực tuyến và các cuộc đàm phán xuyên Đại Tây Dương để bảo vệ thông tin liên lạc và các thông tin khác được vận chuyển đến các công ty Mỹ.
Và dư chấn của nó vẫn đang được cảm nhận ngày hôm nay.
Trong khi Mỹ ủng hộ một cách tiếp cận tự do, không bị kiểm soát, cho phép dữ liệu được lưu trữ giữa các quốc gia không bị cản trở, thì Trung Quốc đã cùng với Nga và các nước khác tham gia vào việc giữ các dữ liệu trong tầm tay mình. Trong khi đó, Châu Âu, cùng với các thị trường được quản lý chặt chẽ và các quy tắc về quyền riêng tư dữ liệu, lại đang tạo ra một con đường khác.
Ở Kenya, các quy tắc dự thảo yêu cầu rằng thông tin từ hệ thống thanh toán và dịch vụ y tế chủ yếu phải được lưu trữ trong nước. Kazakhstan cho biết dữ liệu cá nhân phải được lưu trữ trên một máy chủ trong biên giới.
Ở Liên minh châu Âu, dữ liệu cá nhân của người dân châu Âu phải đáp ứng các yêu cầu của luật bảo mật trực tuyến, theo cái gọi là Quy định chung về bảo vệ dữ liệu, bắt đầu có hiệu lực vào năm 2018. Một dự thảo luật khác, mang tên Đạo luật dữ liệu, sẽ áp dụng các giới hạn mới về thông tin mà các công ty có thể cung cấp cho các cơ quan tình báo và các cơ quan chức năng khác bên ngoài khối, ngay cả khi có lệnh của tòa án.
“Đó là quan điểm tương tự chủ quyền quốc gia, rằng chúng ta có thể duy trì hiểu biết về những gì chúng ta làm trong các lĩnh vực nhạy cảm, hay những gì xác định chúng ta là ai”, Margrethe Vestager, người thực thi chống độc quyền hàng đầu của Liên minh Châu Âu, cho biết trong một buổi phỏng vấn.
Hai người quen thuộc với vấn đề này cho biết, chính quyền Mỹ gần đây đã soạn thảo một lệnh hành pháp để chính phủ có thêm quyền chặn các giao dịch liên quan đến dữ liệu cá nhân của người Mỹ, thứ có thể gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia.
Nhưng chính quyền Washington cũng đã cố gắng giữ cho dữ liệu có thể lưu chuyển giữa Mỹ và các quốc gia đồng minh. Trong chuyến công du hồi tháng 3 tới Brussels (Bỉ), tổng thống nước này đã công bố một thỏa thuận mới cho phép dữ liệu từ Liên minh châu Âu tiếp tục chảy về Mỹ.
Thỏa thuận này là cần thiết sau khi tòa án hàng đầu của châu Âu hủy bỏ một thỏa thuận trước đó vào năm 2020 vì nó không bảo vệ công dân châu Âu khỏi sự theo dõi của cơ quan thực thi pháp luật Mỹ, cũng như cản trở hoạt động của hàng nghìn công ty thu thập dữ liệu xuyên qua Đại Tây Dương.
Trong một tuyên bố chung vào tháng 12, Gina Raimondo, Bộ trưởng Thương mại Mỹ và Nadine Dorries, Bộ trưởng Kỹ thuật số hàng đầu của Anh, cho biết họ hy vọng sẽ chống lại “các xu hướng tiêu cực có nguy cơ đóng cửa các luồng dữ liệu quốc tế”. Bộ Thương mại nước này cũng đã thông báo vào tháng trước rằng họ đang tham gia với một số quốc gia châu Á và Canada để giữ cho thông tin kỹ thuật số lưu chuyển giữa các quốc gia.
Và khi các quy tắc mới được đưa ra, ngành công nghệ đã phải lên tiếng cảnh báo. Các nhóm đại diện cho Amazon, Apple, Google, Microsoft và Meta cho rằng nền kinh tế trực tuyến được thúc đẩy bởi luồng dữ liệu tự do. Nếu các công ty công nghệ buộc phải lưu trữ tất cả tại địa phương, họ không thể cung cấp các sản phẩm và dịch vụ giống nhau trên toàn thế giới.
Nhưng các quốc gia vẫn quyết tâm làm điều đó. Tại Pháp và Áo, khách hàng của phần mềm đo lường internet nổi tiếng của Google, Google Analytics, công cụ mà nhiều trang web sử dụng để thu thập số liệu đối tượng, đã được thông báo trong năm nay rằng họ không được sử dụng chương trình này nữa vì nó có thể làm lộ dữ liệu cá nhân của người châu Âu.
Năm ngoái, chính phủ Pháp đã hủy bỏ thỏa thuận với Microsoft để xử lý dữ liệu liên quan đến sức khỏe sau khi nhà chức trách bị chỉ trích vì trao hợp đồng cho một công ty Mỹ. Các quan chức sau đó cam kết sẽ làm việc với các công ty địa phương.
Đồng thời, một số công ty lớn cũng đã nhanh nhạy điều chỉnh chính sách của mình. Microsoft cho biết họ đang thực hiện các bước để khách hàng có thể dễ dàng lưu giữ dữ liệu trong các khu vực địa lý nhất định. Amazon Web Services, dịch vụ điện toán đám mây lớn nhất thế giới, cho biết họ cho phép khách hàng kiểm soát nơi lưu trữ dữ liệu ở Châu Âu.
Tại Pháp, Tây Ban Nha và Đức, năm ngoái Google Cloud đã ký hợp đồng với các nhà cung cấp công nghệ và viễn thông địa phương để khách hàng có thể đảm bảo rằng một công ty địa phương sẽ giám sát dữ liệu của họ trong khi họ sử dụng các sản phẩm của Google.
Liam Maxwell, một giám đốc về chuyển đổi lĩnh vực tại Amazon Web Services, cho biết trong một tuyên bố rằng công ty sẽ thích ứng với các quy định của châu Âu nhưng khách hàng sẽ có thể mua các dịch vụ điện toán đám mây dựa trên nhu cầu của họ, và “không bị giới hạn bởi nơi đặt trụ sở chính của nhà cung cấp công nghệ.”
Max Schrems, một nhà hoạt động về quyền riêng tư người Áo, người đã thắng trong vụ kiện chống lại Facebook về các hoạt động chia sẻ dữ liệu của họ, cho biết ngày càng có nhiều tranh chấp về thông tin kỹ thuật số. Ông dự đoán thỏa thuận dữ liệu Mỹ-EU do chính quyền Mỹ thúc đẩy sẽ lại bị Tòa án Công lý châu Âu hủy bỏ, vì nó vẫn không đáp ứng các tiêu chuẩn về quyền riêng tư của EU.
“Chúng tôi đã có một thời gian dài mà dữ liệu không được quản lý và mọi người làm bất cứ điều gì họ muốn", ông Schrems nói. “Bây giờ, dần dần chúng tôi thấy mọi người đều cố gắng điều tiết nó, nhưng lại theo một cách khác. Đó là một vấn đề toàn cầu”.
Tham khảo NYTimes
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Vì sao các nữ phi hành gia phải uống thuốc tránh thai trước khi bước vào cuộc hành trình xa xôi trong không gian?
Việc các nữ phi hành gia sử dụng thuốc tránh thai trước khi thực hiện các nhiệm vụ không gian là một biện pháp nhằm đảm bảo sức khỏe, an toàn và hiệu suất làm việc của họ. Mặc dù có một số hạn chế, nhưng đây vẫn là một giải pháp được nhiều người lựa chọn trong điều kiện hiện tại.
Bị Mỹ cấm vận đủ đường, nhà sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi vẫn hết lời khen ngợi: "Mỹ đã thiết lập một chuẩn mực trên toàn thế giới"