TPO - Ngày 27/6, Bệnh viện Bạch Mai công bố điều trị thành công cho ca bệnh hiếm gặp thứ 10 trên thế giới và là trường hợp mắc bệnh đầu tiên tại Việt Nam. Sau gần 200 ngày với 2 đợt nhập viện, bệnh nhân Nguyễn Quốc T. (19 tuổi) mắc bệnh Pemphigus á u đồng thời có khối u lớn sau phúc mạc đã được hồi sinh ngoạn mục.
- Cỗ máy y khoa đắt đỏ bậc nhất thế giới, được mệnh danh hung thần diệt ung thư: Công nghệ phương Tây được Trung Quốc tự chủ, bệnh nhân vui mừng vì giá điều trị giảm nửa
- ChatGPT vật lộn với những câu hỏi liên quan đến y khoa
- Công nghệ y khoa tương lai xuất hiện trong đời thực: Chỉ 2.500 USD có thể phát hiện ung thư lẫn 500 bệnh khác sau khi "quét" toàn thân, hàng nghìn người chờ khám, chi nhánh mở không xuể
- Người chết tỉnh dậy trong quan tài: Từ truyền thuyết tới những sự kiện y khoa có thật
- Đại học Y khoa của Mỹ phát hiện: Trẻ ngủ không đủ 9 giờ mỗi đêm sẽ có ít chất xám hơn
Bác sĩ CKII Trần Thái Sơn, Trưởng khoa Da liễu (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết tháng 12/2023, bệnh nhân nhập khoa Da liễu, trong tình trạng loét trợt niêm mạc miệng nặng, kèm theo tổn thương da đa dạng với các biểu hiện sẩn, mảng đỏ tím, mụn nước, bọng nước rải rác toàn thân. Tổn thương da nhanh chóng tiến triển thành các mảng trợt da rộng, chiếm hơn 70% diện tích cơ thể. Tổn thương loét trợt niêm mạc miệng đau rát nhiều khiến bệnh nhân ăn uống kém, thể trạng nhanh chóng suy kiệt. “Ngoài biểu hiện nghiêm trọng về da và niêm mạc, chúng tôi còn phát hiện ra bệnh nhân có khối u lớn sau phúc mạc đè đẩy nhiều tạng xung quanh”, bác sĩ Sơn nói.
Bệnh nhân đã được chỉ định sinh thiết da nhiều lần. Tuy nhiên, các lần sinh thiết cho kết quả khác nhau: phản ứng dạng lichen do thuốc, hồng ban đa dạng, hoại tử thượng bì nhiễm độc... Trước tiến triển vô cùng nhanh của tổn thương da, nguy cơ cao ảnh hưởng đến tính mạng, Bệnh viện Bạch Mai đã tổ chức Hội đồng hội chẩn toàn viện 6 lần với sự tham gia của nhiều chuyên gia đầu ngành. Nhưng các dấu hiệu lâm sàng và kết quả các xét nghiệm phức tạp, mỗi lần cho một kết quả khác nhau khiến Hội đồng hội chẩn của Bệnh viện Bạch Mai chưa thể đưa ra kết luận cuối cùng để có lộ trình điều trị phù hợp.
Ca bệnh hiếm trên thế giới
“Chúng tôi lại lục tìm trong y văn, tìm những ca bệnh tương tự và đưa ra được chẩn đoán cuối cùng: bệnh nhân T. mắc bệnh lí Pemphigus á u với bằng chứng xét nghiệm miễn dịch huỳnh quang gián tiếp trên bàng quang chuột cho kết quả IgG dương tính ở khoảng gian bào và màng đáy. Đây là bệnh da tự miễn hiếm gặp, liên quan đến khối u trong cơ thể. Các khối u tạo ra các protein bất thường và là đích của hệ miễn dịch cơ thể, tạo miễn dịch chéo với các protein của da và niêm mạc. Hay gặp nhất là các khối u ác tính tăng sinh lympho hoặc huyết học”.
PGS.TS Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho biết đây là bệnh lí rất hiếm gặp của chuyên ngành Da liễu và trên thế giới có rất ít dữ liệu cho phép ước tính tỉ lệ mắc. Dựa trên các báo cáo được công bố, ước tính tỉ lệ mắc Pemphigus á u dưới 1/1.000.000 dân mỗi năm. Tại Việt Nam, các dữ liệu về bệnh Pemphigus á u còn khá hạn chế và chưa có bất cứ báo cáo ca bệnh nào được công bố.
Thách thức trong điều trị
Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai nhấn mạnh, việc tìm ra căn bệnh Pemphigus á u đã gặp nhiều khó khăn, nhưng việc điều trị bệnh lại càng là một thách thức vô cùng lớn, cần sự phối hợp của nhiều chuyên khoa, nhiều chuyên gia đầu ngành. “Với chẩn đoán Pemphigus á u, điều trị khối u là một trong những bước tiên quyết để điều trị bệnh. Tuy nhiên, do tổn thương da trợt rộng, thể trạng suy kiệt nên bệnh nhân không đủ sức khỏe để bước vào một cuộc đại phẫu. Hội đồng hội chẩn toàn viện thống nhất sẽ điều trị tổn thương da ổn, đồng thời nâng cao thể trạng cho bệnh nhân trước khi phẫu thuật”, bác sĩ Sơn thông tin.
Giai đoạn đầu, tổn thương của bệnh nhân đáp ứng rất kém với liệu pháp ức chế miễn dịch thông thường. Tổn thương trợt da tiếp tục lan rộng hơn 80% diện tích cơ thể, tổn thương niêm mạc mắt, ống tai, miệng nặng. Bệnh nhân nhanh chóng sút 10kg trong vòng 1 tháng, chỉ còn hơn 30 kg, cơ thể teo đét chỉ còn những mảng da lở loét bám vào xương…
“Có thời điểm bệnh nhân và gia đình đã bỏ cuộc, bày tỏ nguyện vọng xin về nhà. Là những người hàng ngày trực tiếp chăm sóc, điều trị và vệ sinh những mảng da lở loét cho bệnh nhân, chúng tôi không thể nào quên được ánh mắt bất lực và đầy tuyệt vọng của bệnh nhân khi thều thào hỏi chúng tôi: “Bác sĩ ơi, khi nào thì em được chết”. Câu hỏi của một chàng trai trẻ, chưa bằng tuổi con của tôi khiến tôi quyết tâm động viên bệnh nhân, gia đình bệnh nhân và đội ngũ y bác sĩ của khoa đồng lòng tới cùng để cứu bệnh nhân trở lại với cuộc sống”, bác sĩ Sơn chia sẻ.
Bệnh nhân được chuyển sang Trung tâm Hồi sức tích cực và được chỉ định thay huyết tương phối hợp với liệu pháp ức chế miễn dịch, tổn thương da lành dần. Tại đây, quá trình điều trị cho bệnh nhân tiếp tục gặp vô cùng nhiều khó khăn khi bị nhiễm khuẩn huyết, nhiễm khuẩn tiết niệu do trực khuẩn mủ xanh đa kháng, thiếu máu, rối loạn điện giải,… nguy cơ tử vong rất cao trên 90%. Khi tổn thương da đã lành hơn 95%, tổn thương niêm mạc miệng đã phục hồi một phần, bệnh nhân lại nhanh chóng rơi vào đợt bùng phát mới với diễn biến nặng và phức tạp hơn đợt trước. Một lần nữa, các y bác sĩ lại nâng cao quyết tâm, cố gắng hết sức để cứu sống bệnh nhân.
Sau 3 tháng điều trị, với những nỗ lực không ngừng của các y bác sĩ và gia đình người bệnh, tổn thương da đã phục hồi, thể trạng được nâng cao, bệnh nhân đủ điều kiện phẫu thuật lấy bỏ khối u. Cuộc phẫu thuật may mắn diễn ra thuận lợi dù được tiên lượng trước vô cùng khó khăn. Hậu phẫu bệnh nhân ổn định, tổn thương da và niêm mạc phục hồi.
Ngày 27/6, sau hơn nửa năm chiến đấu với bệnh nan y, bệnh nhân T. đã hồi sinh và có được cuộc sống mới, diện mạo mới. Bà Nguyễn Thị Lan – mẹ bệnh nhân bày tỏ sự biết ơn sâu sắc tới đội ngũ y bác sĩ, nhân viên y tế của Bệnh viện Bạch Mai. Với bà Lan, 6 tháng qua, Bệnh viện đã trở thành ngôi nhà thứ hai và là nơi đã sinh ra con mình một lần nữa.
Được biết chi phí điều trị cho bệnh nhân lên đến gần 800 triệu đồng và được Quỹ Bảo hiểm y tế thanh toán 100% do bệnh nhân thuộc hộ nghèo.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Vì sao các nữ phi hành gia phải uống thuốc tránh thai trước khi bước vào cuộc hành trình xa xôi trong không gian?
Việc các nữ phi hành gia sử dụng thuốc tránh thai trước khi thực hiện các nhiệm vụ không gian là một biện pháp nhằm đảm bảo sức khỏe, an toàn và hiệu suất làm việc của họ. Mặc dù có một số hạn chế, nhưng đây vẫn là một giải pháp được nhiều người lựa chọn trong điều kiện hiện tại.
Bị Mỹ cấm vận đủ đường, nhà sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi vẫn hết lời khen ngợi: "Mỹ đã thiết lập một chuẩn mực trên toàn thế giới"