Trong một phòng thí nghiệm nhỏ trên tầng nghiên cứu khoa học tại Đại học Dược Nam Carolina, Mỹ, Tiến sĩ Vladimir Mironov đang ngày đêm nghiên cứu cách chế tạo ra “thịt nuôi cấy”. Giải thích theo một cách ngắn gọn, “thịt nuôi cấy” là sản phẩm phát triển từ mô cơ của các loài động vật, sau đó được cấy protein để có thể phát triển thành các mô thịt lớn hơn rất nhiều. Đây là một trong những phương án đề ra để giải quyết tình trạng thiếu hụt lương thực mà tiến sĩ Mironov muốn ứng dụng trong tương lai.
Tiến sĩ Mironov năm nay đã 56 tuổi, chỉ là một trong số rất ít những nhà khoa học trên thế giới tham gia vào công cuộc nghiên cứu và chế tạo thịt làm lương thực cho thế giới này. Ông buồn bã cho biết tại Mỹ, nghiên cứu là vấn đề liên quan đến tiền bạc và nhu cầu. Trong khi đó: “Đây là công nghệ sẽ phá vỡ những giá trị truyền thống. Mang đến bất kỳ công nghệ mới nào cho thị trường cũng ngốn trung bình khoảng 1 tỷ USD. Chúng tôi thậm chí còn không có nổi 1 triệu USD”. Viện thức ăn và nông nghiệp quốc gia, Viện sức khỏe không chịu đầu tư và đến cả cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ NASA cũng chỉ chịu chi một ít tiền.
“Con người nói chung không thích gắn khoa học cùng thực phẩm lại với nhau. Nhưng thực tế là có rất nhiều sản phẩm chúng ta ăn ngày nay được coi là ‘tự nhiên’ trong khi chúng cũng được sản xuất theo cách tương tự” – Nicholas Genovese, 32 tuổi, học giả nghiên cứu tại phòng thí nghiệm của Tiến sĩ Mironov cho biết.
Thế nhưng, nếu như rượu được sản xuất tại hầm ủ rượu, bia được sản xuất tại các nhà máy bia và bánh mì thì ra đời từ những lò bánh mì thì loại “thịt nuôi cấy” này sẽ được sản xuất ở đâu? Tiến sĩ Mironov gọi những “trại nuôi cấy” của ông là “camery”: “Đó sẽ là những loại thức ăn chức năng, tự nhiên và có thể biến đổi được. Bạn muốn nó có vị gì? Muốn một chút chất béo, thịt lợn hay là thịt cừu? Chúng tôi có thể tạo ra đúng thứ mà bạn muốn. Tôi tin rằng chúng tôi có thể làm được điều đó mà không cần tới công nghệ gen. Mặc dù vậy, chẳng có bằng chứng nào cho thấy chất lượng thức ăn sẽ giảm sút vì công nghệ gen cả. Thức ăn đã được biến đổi gen chưa làm ai chết cả”.
Học giả Genovese và tiến sĩ Mironov đều tin rằng “thịt nuôi cấy” sẽ rẻ hơn rất nhiều so với những khu nuôi trồng lấy thịt quy mô lớn hiện tại. Nếu xã hội chấp nhận loại thịt này thì tương lai của chúng ta sẽ được hưởng lợi chứ không mất gì cả: “Loài vật nặng từ 1,3kg đến 3,6kg chỉ cho ra có nửa cân thịt. Xét một cách công bằng thì đó là không hiệu quả. Trong khi loài vật tiêu thụ thức ăn và thải ra chất bẩn thì thịt nuôi cấy hoàn toàn không có hệ tiêu hóa”.
Tiến sĩ tin rằng sẽ có một ngày nào đó thế giới chấp nhận giải pháp của ông, hay nói cách khác, ông cho rằng 15 năm trước có ai hình dung ra thế nào là iPhone đâu?