Sinh trắc học (biometrics) là ngành khoa học chuyên dụng để nghiên cứu các cách dùng dấu hiệu thuộc bộ phận trên cơ thể (như dấu vân tay, ảnh mặt, mắt và cả DNA) để phát hiện ra một cá thể nào đó. Tuy nhiên, vì khuôn mặt con người về cơ bản là quá giống nhau về cấu trúc (2 mắt, một mũi,…) nên thỉnh thoảng sinh trắc học gặp khó khăn nếu hình ảnh đưa ra chỉ là một ảnh 2 chiều đơn thuần. Vì thế, các nhà khoa học thuộc Đại học Florida Atlantic tại Boca Raton đã sáng chế ra thuật máy tính có thể tạo ra hình ảnh 3 chiều từ một mẫu ảnh 2 chiều cơ bản.
Hệ thống này bắt đầu với một hình mẫu mặt người 3 chiều căn bản. Những thông số cơ bản của khuôn mặt được lấy từ tổ hợp của rất nhiều hình mẫu mặt người 3 chiều khác. Khi đưa hình ảnh 2 chiều của một người cụ thể vào, máy tính sẽ tự động “dán” mẫu mặt người 3 chiều vào tấm ảnh phẳng. Sau đó, nó tự động phân tích những điểm quan trọng trên khuôn mặt dạng 2 chiều và rồi, chuyển những đặc điểm đó vào khuôn mặt 3 chiều để tạo ra hình ảnh 3 chiều tương ứng.
Các nhà nghiên cứu của Đại học Florida tin rằng công nghệ nói trên sẽ áp dụng không chỉ vào nghệ thuật chụp ảnh mà còn có thể ứng dụng vào công nghệ bảo mật/an ninh, điều tra tội phạm hoặc tìm người mất tích. Sau thảm kịch 11/9 tại Mỹ, công tác an ninh kiểu này càng được đề cao. Thậm chí, cụm từ sinh trắc học được nhắc tới 35 lần trong Đạo luật cải cách tình báo Quốc gia năm 2004. Điều đó đủ cho thấy tầm quan trọng của hoạt động này.
Bên cạnh đó, các nhà nghiên cứu cũng tiết lộ rằng họ có thể dùng công nghệ này để tạo ra những hình ảnh sống động của các vĩ nhân/diễn viên/người mẫu trong quá khứ. Hãy thử tưởng tượng có ngày Martin Luther King sẽ đứng trước mặt chúng ta và đọc lại bài diễn thuyết “Tôi có một giấc mơ” xem?