Là iFan, tôi vẫn cảm thấy thực sự phấn khích khi theo dõi sự kiện Pixel 2 của Google
Apple cần có một đối thủ có thể mang lại điều gì đó thực gì mới trên smartphone. Và đối thủ đó không phải là Samsung.
Trừ Apple, Amazon và Microsoft, tôi ít khi đủ kiên nhẫn để xem hết sự kiện của các công ty khác. Với riêng tôi, mỗi sự kiện công nghệ chỉ thực sự đáng xem khi các công ty thực sự ra mắt một ý tưởng đột phá, mới lạ nào đó để thúc đẩy thế giới hi-tech tiến về phía trước.
“Bộ lọc” này không bao gồm những sự kiện như iPhone 7 hay Galaxy Note8. Chúng đều là những sản phẩm tốt, nhưng không đột phá. Tôi cũng ít khi theo dõi hết Google I/O (nơi ra mắt Android mới mỗi năm) hay sự kiện Pixel năm ngoái: một lần nữa, “hoàn thiện” không phải là những gì tôi muốn nhìn thấy.
Tôi muốn nhìn thấy những điều thực sự mới mẻ. Và thật lòng mà nói, tôi đã từng nghĩ sự kiện Pixel 2 sẽ không đáp ứng yêu cầu tưởng đơn giản mà vô cùng phức tạp này.
Ấy vậy mà đối thủ lớn nhất của Google trên lĩnh vực smartphone đã làm tôi bất ngờ. Pixel 2 và Pixel 2 XL không phải là những sản phẩm quá mới mẻ về thiết kế phần cứng, song những gì Google làm được trên không gian nhỏ hẹp của smartphone là thực sự đáng quan tâm. Trợ lý ảo Assistant nhanh và mượt hơn bao giờ hết, lại luôn luôn lắng nghe để... nhận diện bài hát. Tính năng Google Lens cho phép “bẻ nhỏ” hình ảnh để nhận diện số điện thoại, nhận diện poster phim (để hiện thông tin và đánh giá), nhận diện nhà hàng cửa hiệu, nhận diện... hoa lá v...v... Ấn tượng nhất, thuật toán AI cho phép Google có thể đạt điểm DxO lên tới 98 trong khi vẫn chỉ sử dụng camera đơn – 2 đối thủ iPhone 8 Plus và Galaxy Note8 chỉ đạt 94.
Với bạn, những điểm cộng này có thể là không quá ấn tượng. Ngay cả điểm DxO 98 cũng sẽ không thuyết phục các Samfan hay Sony fan rằng điện thoại của Google chụp ảnh tốt hơn hẳn điện thoại của họ: từ lâu rồi, camera smartphone đã đạt mức chất lượng đủ dùng cho phần lớn người dùng. Song, nhìn từ khía cạnh công nghệ, những gì Google đã làm được không hề đơn giản. Ảnh chụp từ trước đến nay vốn luôn phụ thuộc vào vật lý. Sử dụng AI để chỉnh sửa dữ liệu do linh kiện vật lý (thậm chí, camera đơn) thu về và “biến” chúng thành một bức ảnh ĐẸP nhất theo các tiêu chuẩn của con người đặt ra... Đó là một thành tựu thực thụ của lĩnh vực AI.
Tương tự, nếu bạn có hiểu biết về máy học nói chung và nhận diện hình ảnh nói riêng, bạn sẽ hiểu Google Lens là một thành tựu đáng chú ý đến như thế nào: máy móc làm sao có thể hiểu thông minh như con người để "nhìn" ra đâu là số điện thoại, đâu là một bức tranh nổi tiếng bên trong một bức ảnh số đầy những dữ liệu "rác"? Google có câu trả lời, và câu trả lời đó sẽ hiện diện trên Pixel 2.
Trên cả AR, AI rõ ràng đang là xu thế quyết định mức độ cao cấp về công nghệ của smartphone trong năm nay. Một lần nữa, nếu biết AI, machine learning và neural network là gì, bạn chắc chắn sẽ không đánh giá thấp những thành tựu phần mềm được Google sử dụng để nâng tầm phần cứng trên Pixel 2 và Pixel 2 XL.
Và đó là còn chưa nhắc tới trí thông minh ngang với trẻ 6 tuổi của Google Assistant.
Nếu so sánh về mức độ cao cấp của AI, Google chỉ có một đối thủ duy nhất đáng kể tên trong năm 2017: Apple. Face ID của Apple sử dụng thuật toán máy học thực thụ để phân tích mô hình 3D của khuôn mặt, với khả năng nhận diện sai thấp hơn 10 lần so với những chiếc máy Windows mạnh mẽ sử dụng camera Intel RealSense kích cỡ lớn. Face ID của Apple là một tầm cao khác biệt hẳn so với cảm biến mống mắt trên Galaxy S8 và Galaxy Note8.
Thực tế là Samsung có hiểu rõ tầm quan trọng của AI. Không phải vô cớ mà năm nay Samsung lại đột ngột ra mắt Bixby và dành hẳn nút bấm riêng cho trợ lý ảo của mình. Nhưng Bixby vẫn còn quá kém cỏi so với Siri chứ chưa nói đến Google Assistant: giao diện giọng nói rất lâu mới được phát hành trong trạng thái chưa thực sự hoàn thiện, công dụng nhận diện hình ảnh thì đã quá bình thường. Samsung khẳng định Bixby sẽ “học” từ người dùng để phục vụ tốt hơn, nhưng Apple, Google, Microsoft và Amazon đã làm được điều đó từ rất lâu rồi.
Và Samsung sẽ phải mất rất nhiều thời gian để có thể tạo ra những công nghệ tương tự như Face ID hay Google Lens. Samsung không phải là một công ty có truyền thống hàng chục năm làm phần mềm như Apple và Google, và thậm chí Samsung còn chưa sở hữu một hệ điều hành của riêng mình.
Đó chính là lý do vì sao Galaxy Note8, dù là một chiếc smartphone tuyệt vời với tính năng stylus “vô đối”, vẫn không thể được coi là một cột mốc quan trọng như iPhone X và Pixel 2/2 XL. Và đó cũng là lý do vì sao tôi vẫn đánh giá cao Galaxy Note8 cả về thiết kế, hiệu năng lẫn tính năng nhưng lại không hề nảy sinh cảm giác “thèm muốn” như với chiếc Pixel 2 của ngày hôm qua. Tôi là một iFan yêu công nghệ, tôi không thể sống thiếu iMessage hay Apple Music nhưng sẽ không bao giờ phủ nhận những đột phá thực thụ đưa chiếc smartphone tiến vào tương lai.
Pixel 2 và iPhone X là 2 mẫu smartphone duy nhất xứng đáng với “tiêu chuẩn” này của riêng tôi. Chúng đang đưa chiếc smartphone đi qua thời đại phần cứng-phần mềm truyền thống để tiến vào giai đoạn máy móc thực sự thông minh, thực sự “trợ lý” cho con người.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Sự thật từ nghiên cứu khoa học: Chơi trò chơi điện tử có ảnh hưởng bất ngờ đến chỉ số IQ của trẻ em!
Trò chơi điện tử từ lâu đã là chủ đề gây tranh cãi khi nhắc đến ảnh hưởng của chúng đối với trẻ em. Trong khi nhiều ý kiến chỉ trích việc chơi game có thể gây hại cho sự phát triển trí não, thì một nghiên cứu khoa học đã mang đến cái nhìn khác biệt, cho thấy mối liên hệ tích cực giữa việc chơi game và sự gia tăng trí thông minh ở trẻ nhỏ.
Những tiểu tiết bạn có thể đã bỏ qua trong trailer The Witcher 4