Động mạch đốt sống bị rách có thể giết chết bạn bằng một cơn đột quỵ.
Vài tuần trước, Josh Hader một người đàn ông 28 tuổi người Mỹ bắt đầu bị những cơn mỏi cổ làm phiền. Anh ấy nghĩ rằng một vài động tác kéo giãn sẽ có tác dụng. "Nhưng khi tôi đang dùng tay để tạo áp lực, mà có lẽ đã hơi quá đà một chút, tôi nghe thấy một tiếng khục", Hader nói.
Chưa đầy một giờ sau, anh ấy phải nhập viện cấp cứu. Hader không thể đi lại và các bác sĩ mô tả tình trạng anh gặp phải là một "cơn đột quỵ nặng". Động mạch cổ của Hader bị rách, tạo ra một cục máu đông suýt chút nữa đã giết chết anh ấy.
Bác sĩ Vance McCollom tại Bệnh viện Mercy ở Oklahoma, người đã trực tiếp điều trị cho Hader, nói: "Anh ấy lẽ ra đã chết". McCollom mô tả động mạch đốt sống của Hader đã bị rách, và đó một trong những động mạch chính ở cổ cung cấp máu lên não.
Một vết rách hoặc đứt động mạch đốt sống từng được biết đến là nguyên nhân gây đột quỵ. Nó có thể ảnh hưởng đến những người trẻ ở độ tuổi 20 hoặc 30, bất chấp họ có đang khỏe mạnh đến mức nào, nhà thần kinh học Kazuma Nakagawa, một chuyên gia về đột quỵ cho biết.
Nakagawa hiện là giám đốc y tế của Trung tâm Đột quỵ Tổng quát tại ở Honolulu. Với kinh nghiệm nhiều năm của mình trong lĩnh vực, ông cho biết động mạch đốt sống hiếm khi bị rách vì ai đó bẻ khớp ở cổ, nhưng nó không phải điều không thể xảy ra.
"Mọi người cần biết rằng đau cổ đột ngột có thể là điểm khởi đầu của một cơn đột quỵ", Nakagawa nhấn mạnh.
Josh Hader bị đột quỵ gần chết sau khi bẻ khớp cổ
Vào ngày 14 tháng 3, Hader cho biết anh ta đang làm việc tại nhà của mình ở Guthrie, Oklahoma. Cùng lúc đó, anh cảm thấy những cơn đau nhức ở cổ lại đến làm phiền mình. Hader nghĩ anh cần làm điều gì đó để cảm thấy dễ chịu hơn một chút.
"Không đến nỗi tôi vặn cổ mình mạnh nhất có thể đâu", anh nói. "Đó chỉ là một cú bẻ khớp bình thường thôi". Nhưng gần như ngay lập tức khi nghe thấy tiếng "khục", toàn thân bên trái Hader bắt đầu tê liệt.
Với kinh nghiệm của một cựu sĩ quan cảnh sát, Hader nhanh chóng kiểm tra xem khuôn mặt mình có bị xệ xuống không, đó một trong những dấu hiệu nhận biết đột quỵ. Khi thấy các cơ trên mặt dường như vẫn hoạt động tốt, Hader kết luận rằng anh chỉ bị chèn ép một dây thần kinh nào đó mà thôi. Cách giải quyết là đi tìm một túi nước đá.
Nhưng khi Hader bước được một đoạn, anh nói rằng mình đã nhận ra có gì đó không ổn. "Tôi đi được đến nhà bếp, rồi hoàn toàn bị mất phương hướng, tôi đi tới trước nhưng bị lệch một góc 45 độ", Hader nói. "Tôi thực sự không thể đi thẳng, chân tôi cứ tự bước về bên trái".
Vài phút sau, bố vợ anh phải đến để đưa anh đi viện, Hader nói rằng tình trạng của anh ngày càng trở nên tồi tệ hơn. Khi họ đến được phòng cấp cứu cách đó nửa giờ xe chạy, Hader hoàn toàn không thể đi được nữa và cần một chiếc xe lăn.
Sau khi kết quả chụp CT xác định không có chảy máu trong não, một bác sĩ nhận định rằng Hader đã bị đột quỵ và cần uống một loại thuốc gọi là chất kích hoạt plasminogen mô, viết tắt là tPA. Loại thuốc này có tác dụng làm tan cục máu đông.
"Tôi nhớ rằng mình đã ngồi đó và nghe bác sĩ hét lên rằng họ chỉ có 12 phút để điều trị tPA", Hader kể. "Đó là lúc tôi biết mọi thứ nghiêm trọng đến nhường nào".
"Tôi không muốn tin vào chuyện đó. Nhưng mọi thứ đổ sập xuống, kiểu như 'Không, điều đó là sự thật, nó đang diễn ra đúng như vậy".
Bẻ khớp cổ có thể dẫn đến rách động mạch, tạo ra cục máu đông và giết chết bạn
Vợ anh, Rebecca, nói rằng cô cũng không thể tin rằng chồng mình bị đột quỵ. Mặc dù trước đó khi thấy Hader đau cổ, cô đã liên tục khuyên anh đừng bẻ khớp.
"Tôi nghĩ rằng tình trạng này phải là một cái gì đó khác", Rebecca nói. "Anh ấy còn quá trẻ. Thật là kỳ lạ".
Hader cho biết anh được chuyển đến Bệnh viện Mercy, nơi anh đã phải ở trong phòng chăm sóc đặc biệt vài ngày, trước khi được đưa đến trung tâm phục hồi chức năng.
"Tôi đã rất sợ hãi," Rebecca nói. "Anh ấy nói anh ấy chẳng bao giờ lo lắng về cái chết. Nhưng tôi thì lo lắng thay cả phần anh ấy, rằng liệu anh ấy sẽ chết hay không".
Câu chuyện cuối cùng đã kết thúc có hậu. Hader không chỉ sống sót, với sự giúp đỡ của vật lý trị liệu sau vài tuần, anh ấy đã có thể tự đứng dậy và đi lại.
"Suốt hai tuần qua, tôi đã tiến bộ và có thể đi quanh nhà nhiều hơn, làm việc vặt thường xuyên hoặc giúp vợ chăm sóc hai đứa nhóc 1 tuổi và 5 tuổi của chúng tôi", anh nói. "Trước đó thì tôi trông khá vô dụng".
Mặc dù vậy, Hader không phải đã bình phục hoàn toàn. Anh nói rằng mình không bị mất bất kỳ khả năng nhận thức hoặc khả năng nói nào, nhưng bây giờ anh vẫn gặp vấn đề về thăng bằng, khó kiểm soát cánh tay trái và thiếu cảm giác ở cánh tay và chân phải.
Và đó chỉ là một trong số các triệu chứng kéo dài của cơn đột quỵ. Nakagawa cho biết tình hình của Hader có thể tồi tệ hơn nhiều. "Nó thực sự rất nguy hiểm", ông nhấn mạnh về loại đột quỵ mà Hader trải qua.
Các động mạch đốt sống ở cổ tham gia vào việc cung cấp máu cho não bộ, giống như động mạch chính, đẩy máu máu lên thân não, Nakagawa nói. "Thân não là trái tim và linh hồn của bộ não. Không có nó, bộ não của chúng ta không hoạt động".
Nếu vết rách ở động mạch đốt sống ảnh hưởng đến động mạch chính, Nakagawa cho biết cơn đột quỵ có thể gây tử vong, hôn mê hoặc đưa một người đang khỏe mạnh bình thường vào trạng thái sống thực vật vĩnh viễn.
Động mạch đốt sống bị rách có thể giết chết bạn bằng một cơn đột quỵ
Năm 2016, Katie May, một người mẫu 34 tuổi cũng đã chết vì đột quỵ, sau khi cô này đến gặp một bác sĩ chỉnh hình cột sống để giải quyết vấn đề dây thần kinh bị chèn ép ở cổ. Khám nghiệm tử thi cho thấy động mạch đốt sống của May đã bị xé rách do "thao tác cổ" mà vị bác sĩ thực hiện.
Hader cho biết anh chỉ phát hiện ra tình trạng của mình tồi tệ đến mức nào sau khi đến gặp bác sĩ chuyên khoa mạch máu vài tuần trước.
"Ông ấy đan chặt hai tay vào nhau và nói "Anh gần như phải bị hôn mê rồi", Hader nói. Trước đó, anh không hề biết rằng việc bẻ cổ có thể gây ra một cơn đột quỵ.
Nakagawa thì cho biết trước đây ông đã gặp một vài trường hợp tương tự, mặc dù chúng rất hiếm khi xảy ra.
Các chuyên gia trong cộng đồng đột quỵ vẫn không biết tại sao động mạch của một số người lại có thể rách, trong khi những người khác vẫn hay bẻ khớp ở cổ thì không. Nhưng họ "có linh cảm" rằng lý do có thể đến từ việc thành mạch máu của mỗi người có độ bền khác nhau.
Theo Nakagawa, "99,9% những lần bạn bẻ khớp cổ, bạn vẫn ổn". Tuy nhiên, sau những gì đã trải qua, Hader nói anh sẽ không bao giờ làm như vậy nữa.
"Tôi vẫn thỉnh thoảng thức dậy và buồn mình muốn vặn cổ một chút, nhưng tôi đã phải tự ngăn mình lại", anh nói. "Đó vẫn là một cuộc đấu tranh với bản thân, nhưng tôi chắc chắn mình sẽ không muốn bẻ cổ một lần nào nữa".
Tham khảo Sciencealert
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Google: Giải được bài toán 10 triệu tỷ tỷ năm chỉ trong 5 phút, chip lượng tử mới là bằng chứng về đa vũ trụ
Điều đáng ngạc nhiên hơn cả là nhiều người trên cộng đồng mạng thế giới lại đang đồng tình với kết luận của Google.
Gần 2025 rồi mà vẫn dùng USB để lưu công việc thì quả là lỗi thời