Làm thế nào để “cai nghiện” Facebook và mạng xã hội thành công?

    Tuấn Anh,  

    Facebook làm bạn buồn, Twitter khiến bạn phân tâm, Instagram biến bạn thành thù… Làm thế nào để từ bỏ thói quen?

    “Cai” mạng xã hội mang đến cho bạn nhiều lợi ích bất ngờ: bạn có thêm thời gian để ngủ thay vì lướt Facebook vào buổi tối, bạn có thể đọc sách thay vì kiểm tra Instagram trên bãi biển… Bạn không thể biết nếu như không thử. Làm thế nào để có thể “detox” (giải độc) mạng xã hội nếu đã trót là một con nghiện? Bạn hãy áp dụng 10 phương pháp dưới đây:

    Làm thế nào để “cai nghiện” Facebook và mạng xã hội thành công?

    1. Xóa ứng dụng mạng xã hội

    Hãy gỡ bỏ bất kỳ ứng dụng mà bạn tốn thời gian nhất ra khỏi thiết bị di động. Nên nhớ, chúng có thể được tải lại một cách dễ dàng bất kỳ lúc nào hoặc truy cập trên trình duyệt. Thay vì bấm vào biểu tượng để vào xem ngay mà phải gõ địa chỉ trong trình duyệt, bạn sẽ không còn động lực để lên “phây” mỗi khi rảnh rỗi nữa.

    2. Nhờ bạn bè đổi mật khẩu

    Hãy tìm một người bạn có thể tin tưởng được và nhờ họ thay đổi mật khẩu tài khoản mạng xã hội yêu thích. Sau đó, đặt ra một khoảng thời gian trong tương lai (ví dụ tuần sau hoặc tháng sau) để họ tiết lộ mật khẩu mới với bạn.

    3. Bỏ theo dõi các tài khoản cập nhật liên tục

    Điều khiến mạng xã hội thú vị hơn là bạn có thể ngồi nhà và theo dõi tin tức của bạn bè hay các ngôi sao, website hài hước… Nếu muốn “cai nghiện”, bạn hãy ngay lập tức ngừng theo dõi những trang này. Chắc chắn, lướt Facebook sẽ nhàm chán hơn nhiều, làm bạn không muốn tiếp tục nữa.

    4. “Cấm cửa” website hay truy cập

    Các ứng dụng như SelfControl cho Mac, LeechBlock cho Firefox sẽ liệt kê các website “ngốn” thời gian vào danh sách đen, trong khi phần mềm RescueTime giúp bạn theo dõi thời gian trực tuyến và ngăn chặn việc phân bổ quá nhiều cho mạng xã hội.

    5. Đặt ra các nguyên tắc và làm theo

    Nếu có khả năng kiểm soát bản thân tốt hơn người bình thường, bạn hãy đặt ra một quy tắc, ví dụ nói không với Facebook sau 6h chiều, chỉ vào Instagram vào cuối tuần, không dùng Twitter trong giờ hành chính. Nếu là một người thích chia sẻ nhiều thứ, hãy hạn chế và chỉ đăng ảnh lên hàng tuần thay vì hàng ngày hay cập nhật trạng thái vào buổi tối hơn là cả chục lần mỗi ngày.

    6. Lập danh sách trên mạng xã hội

    Bạn có thể sắp xếp những người muốn theo dõi vào một danh sách, như “gia đình và bạn bè” để khi truy cập Facebook, Twitter, bạn sẽ xem được ngay những gì mình cần mà không bị tốn thời gian vào thứ khác.

    7. Dùng ứng dụng RSS

    Thay vì vào vài trang một lúc, bạn có thể dùng Feedly hay Pulse để theo dõi hàng loạt blog, website.

    8. Lưu sinh nhật vào Google Calendar

    Facebook giúp bạn không quên sinh nhật của bất kỳ ai nhưng Google Calendar là giải pháp tốt hơn nếu muốn “cai nghiện”. Bạn hãy dành ra 30 phút để nhớ lại ngày sinh, ngày kỷ niệm của những người quan trọng nhất rồi lưu vào Google Calendar. Khi lịch thông báo về ngày này, hãy gửi thiệp hoặc e-card thay vì viết “SNVV” lên “tường” Facebook.

    9. Thay thế bằng hoạt động khác

    Vớ lấy điện thoại khi buồn chán? Bạn nên tạo cho mình thói quen khác như tập thể dục, đọc sách báo, chơi nhạc cụ, làm thiệp, viết… Bất cứ thứ gì khác mà không phải là mang điện thoại đi hết chỗ nọ đến chỗ kia.

    10. Xóa các tài khoản

    Giải pháp cuối cùng là xóa mọi tài khoản mạng xã hội ngay và luôn. Tất nhiên, không phải ai cũng đủ dũng cảm để làm điều này song nếu làm được, cuộc sống của họ sẽ dễ thở hơn nhiều.

    Theo Mashable/ictnews

    >> Vì sao tôi bỏ Facebook?

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ