Làm thế nào để được sếp và đồng nghiệp tôn trọng khi bạn là người ít kinh nghiệm nhất nhóm?
Chuyện “ma cũ bắt nạt ma mới” chẳng còn xa lạ với dân văn phòng, thậm chí còn trở thành thông lệ. Vậy làm thế nào để không bị bắt nạt khi bạn là một “ma mới” chính hiệu vừa chân ướt chân ráo bước vào nơi làm việc?
Bạn biết giá trị của bản thân và tự tin mình có thể làm tốt công việc được giao. Thậm chí, bạn chỉ muốn nhanh chóng thực hiện những thay đổi để văn phòng hoạt động hiệu quả hơn. Nhưng…
Các “ma cũ” ở văn phòng luôn gạt phắt đi mọi ý kiến của “ma mới” là bạn và sai sử, coi bạn chẳng khác gì chân chạy việc vặt. Lý do rất đơn giản: bạn chẳng có kinh nghiệm phong phú như họ. Thế nhưng không thể chỉ vì lí do ấy mà bạn không được phép đóng góp ý kiến cho công ty hay luôn bị giao những công việc “râu ria” chán ngắt. Hơn nữa, một người chăm chỉ và chuyên nghiệp như bạn xứng đáng với những điều tuyệt vời hơn thế. Bạn đang háo hức và đầy tham vọng. Bạn dũng cảm và rất quyết tâm.
Tuy nhiên, thật không may, đôi khi thái độ hăng hái lại khiến bạn thiếu kiên nhẫn và tham vọng của bạn lại biến thành lòng tham, nhất là khi bạn là một người mới đang cố gắng đề đạt ý tưởng với một đội ngũ nhân viên có thâm niên và giàu kinh nghiệm.
Tuy vậy, kể cả là người ít kinh nghiệm hay trẻ tuổi nhất, bạn cũng có quyền được lên tiếng và được lắng nghe như bao người khác. Làm theo 3 cách dưới đây, bạn có thể chứng minh giá trị của bản thân một cách khôn ngoan:
1. Đề nghị giúp đỡ đồng nghiệp hoàn thành công việc
Nếu bạn thấy công việc mình được giao có ít đất để thể hiện hay khác xa với những gì bạn nghĩ mình được thuê để làm, tại sao lại không tham gia vào một dự án lớn mà đồng nghiệp nào đó đang thực hiện? Ngoài việc thể hiện mình có tinh thần đồng đội cao, đây có thể là cơ hội quý giá để bạn chứng minh cho mọi người năng lực của bản thân và học hỏi thêm kinh nghiệm của những người đi trước.
Chẳng hạn như nếu có đồng nghiệp đang cần hoàn thành gấp một dự án lớn, bạn hãy đề nghị giúp đỡ người đồng nghiệp ấy thu thập thông tin hoặc nội dung sơ lược của dự án. Tuy nhiên, nếu anh ấy hoặc cô ấy không cần hay cảm thấy không yên tâm khi để cho người “non tay” như bạn đảm nhận những việc này thì cũng đừng vội nản lòng. Thay vào đó, hãy hỏi xem liệu bạn có thể giúp đỡ bằng cách soát lỗi không.
Nếu bạn thấy ai đó đang cần giúp đỡ, dù chỉ là công việc không quá quan trọng, cũng đừng ngần ngại thể hiện cho họ thấy bạn luôn sẵn sàng làm điều đó. Bắt đầu từ những việc nhỏ và thể hiện thành ý của bạn với mọi người trong công ty, rồi họ sẽ thấy được nỗ lực của bạn trong tương lai không xa.
2. Chia sẻ thông tin và ý tưởng
Nếu việc đọc các thông tin và xu hướng mới nhất liên quan đến nghề nghiệp chưa phải là thói quen hàng ngày của bạn thì còn chần chờ gì mà không bắt đầu tạo thói quen ấy ngay từ bây giờ. Bạn có thể tìm đọc thông tin từ nhiều nguồn khác nhau, như trên các trang mạng xã hội chẳng hạn. Đơn giản là vì khi có kiến thức nền thì bạn sẽ thấy tự tin hơn mỗi khi đóng góp ý kiến cho nhóm. Hãy thường xuyên đóng góp ý kiến chứ đừng chỉ lên tiếng khi được yêu cầu. Thu thập thông tin sẽ giúp bạn thành công, và chia sẻ những thông tin ấy sẽ giúp bạn chiếm được lòng tin và sự tín nhiệm của mọi người.
Tất nhiên, vì bạn là người có ít kinh nghiệm nhất trong nhóm, bạn nên tham khảo ý kiến và nhờ các đồng nghiệp có thâm niên hướng dẫn thêm. Thế nhưng đừng ỷ lại vào các đồng nghiệp mà “quên” đưa ra ý kiến riêng của bản thân. Nếu bạn cho các đồng nghiệp thấy những kiến thức của mình có ích, rất có thể họ sẽ nhìn bạn bằng con mắt khác và đánh giá bạn cao hơn.
Tạo dựng quan hệ tốt với đồng nghiệp rất có lợi cho bạn.
3. Xây dựng quan hệ tốt với mọi người
Chẳng ai lại từ chối một người bạn luôn âm thầm ủng hộ mọi quyết định của mình đúng không nào? Nếu muốn nhận được sự tôn trọng, trước hết phải xây dựng quan hệ tốt với đồng nghiệp. Tuy mất nhiều thời gian và công sức nhưng một khi thành công, bạn sẽ nhận được sự ủng hộ to lớn từ những người đồng nghiệp thân thiết luôn muốn bạn thành công trong công việc.
Hãy bắt đầu bằng việc mời anh bạn hoặc cô bạn đồng nghiệp đi cà phê và hỏi thăm kinh nghiệm và mục tiêu nghề nghiệp trong tương lai của họ. Bạn nên đặt cho họ những câu hỏi kiểu như “Làm thế nào bạn được nhận vào công ty này?” hay “Công việc trước đây của bạn là gì?”.
Một vài người bạn thậm chí còn có thể trở thành cố vấn nghề nghiệp của bạn. Được một người giúp đỡ, định hướng nghề nghiệp trong những năm đầu tiên chập chững bước vào nghề thì còn gì tuyệt hơn.
Những quy định chốn công sở thường làm mọi người thấy mệt mỏi, nhất là đối với những người mới bắt đầu tiếp xúc. Đừng để những điều nhỏ nhặt đánh bại bạn mà hãy quyết tâm tiến lên phía trước tạo dựng chỗ đứng vững chắc cho bản thân. Cho dù khó khăn đến đâu, chỉ cần có trách nhiệm, thái độ tích cực và kĩ năng thành thục, bạn sẽ thành công. Chẳng có thành công nào đến với ta một cách dễ dàng, vì thế hãy kiên nhẫn, rồi sẽ có ngày đồng nghiệp thay đổi thái độ và tôn trọng bạn.
Tham khảo: themuse.com
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Người Trung Quốc khoe có được GPU AI xịn nhất của NVIDIA bất chấp lệnh cấm vận của Mỹ
Chưa rõ tại sao những GPU này lại có thể xuất hiện ở Trung Quốc.
Thiết kế mới của iPhone 17 Pro được xác nhận bởi nhiều nguồn uy tín