Làm thế nào mà món đồ chơi tưởng chừng vô dụng này đã gây quỹ được tới 6 triệu USD?
Cùng xem tại sao một món đồ chơi đạt mức gây quỹ 40.000% so với kì vọng ban đầu chỉ 15.000 USD.
Fidget Cube là một sản phẩm đến từ Antsy Labs đang gây quỹ thành công ngoài dự kiến trên trang gây quỹ cộng đồng Kickstarter. Nhìn qua thì Fidget Cube giống như một thiết bị điều khiển không dây kì quặc với rất nhiều bộ phận điều khiển trên khắp 6 mặt lập phương của nó, nhưng sự thật là tất cả các bộ phận này chỉ để bạn táy máy nghịch ngợm thôi.
Đúng thế, chẳng có gì xảy ra khi bạn chạm vào, nghịch ngợm tất cả các nút ấn, răng cưa, cần xoay analog... mọi thứ mà bạn nhìn thấy. Chúng chỉ tồn tại phục vụ mục đích duy nhất: để bạn nghịch ngợm.
Một sản phẩm để bạn thoải mái táy máy, nghịch ngợm nó.
Tại sao một thứ “vô ích" như thế lại gây quỹ thành công trên Kickstarter?
Thực ra Fidget Cube không hề vô ích, chúng ta hãy cùng xem video giới thiệu từ chính những người đã lên ý tưởng và thực hiện nó : 2 anh em Matthew và Mark McLachlan.
Video giới thiệu từ Antsy Labs
Chắc đã có lần bạn chán nản ngồi trong giờ kiểm tra hay phòng họp và vô thức quay bút, với tốc độ ngày càng cao, cho tới khi nhận ra thì mọi người đang nhìn chằm chằm vào bạn? Câu chuyện hoàn toàn tương tự khi bạn liên tục bấm rồi mở chiếc bút bi quen thuộc hàng ngày. Hoặc có khi nào bạn cầm cả chùm chìa khóa trong tay và liên tục xoay quanh ngón tay hay tung hứng rồi lại bắt lấy? Rồi có người tỏ ra khó chịu với những hành động như vậy? Hoặc chính bạn cảm thấy khó chịu nhưng chợt nhận ra đó là thói quen của mình?
Nghịch ngợm kiểu này giúp não bạn có thể tập trung chứ không phải điều gì xấu.
Fidget Cube cho thấy rằng, những hành vi của bạn hoàn toàn không phải là xấu, mà là hành vi tự nhiên do họat động suy nghĩ của con người. Bạn sẽ có thể tập trung vào công việc chính hơn khi bạn táy máy nghịch ngợm, lặp đi lặp lại, một cái gì đó. Và Antsy Lab cũng chỉ ra một điểm quan trọng : với Fidget Cube, bạn có thể thoải mái nghịch ngợm đủ thứ trên một món đồ chơi nhỏ nhắn, gọn gàng.
Fidget Cube được hoàn thiện rất cẩn thận, gồm 6 mặt với các “tính năng” cơ bản sau :
- Nhấn nút : 5 nút nhấn gồm 3 nút click và 2 nút hoàn toàn im lặng
- Vê ngón tay : 1 chiếc joystick như trên tay cầm Xbox One hay PS4
- Công tắc : cơ bản là cái công tắc, nhưng không tắt bật gì hết
- Vê ngón cái : một phiên bản hiện đại của hòn đá worry stone cổ xưa
- Xoa vuốt : gồm 1 quả bóng (nhấn được) và 3 vòng răng cưa
- Quay tròn : gồm 1 mặt hình tròn với 1 nút lồi lên để xoay quanh
6 mặt của khối lập phương Fidget Cube
Bạn có thể hình dung các tính năng của Fidget Cube là tổng hợp từ các đồ vật hay được chúng ta nghịch ngợm như bút bì, bút chì, chùm chìa khóa. Những anh chàng Antsy Labs còn làm hẳn 1 bảng so sánh chi tiết sản phẩm của mình với những sản phẩm truyền thống trên thị trường này.
Rõ ràng để nghịch ngợm thì Fidget Cube vượt trội hơn bút bi hay bút chì
Họ cũng gợi ý rằng, ngay cả với những người không có các thói quen kể trên, thì trải nghiệm với Fidget Cube cũng hứa hẹn mang đến những niềm vui thú vị, và quan trọng hơn : làm bạn bớt lo lắng và tập trung vào công việc của mình. Từ góc nhìn của một người ưa thích đủ loại đồ chơi (dù đã trưởng thành) như tôi, nhận xét này hoàn toàn có lý và khả thi.
Các màu sắc khác nhau của Fidget Cube
Vậy nếu bạn cảm thấy món đồ chơi độc đáo này hợp với mình, bạn có thể ủng hộ cho dự án này trên Kickstarter. Bạn cần ít nhất là 19 USD cho 1 chiếc (nhưng các gói ủng hộ nhiều hơn sẽ rẻ hơn nhiều), sau đó chờ tới tháng 12, sản phẩm sẽ tới tận tay bạn.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Sự thật từ nghiên cứu khoa học: Chơi trò chơi điện tử có ảnh hưởng bất ngờ đến chỉ số IQ của trẻ em!
Trò chơi điện tử từ lâu đã là chủ đề gây tranh cãi khi nhắc đến ảnh hưởng của chúng đối với trẻ em. Trong khi nhiều ý kiến chỉ trích việc chơi game có thể gây hại cho sự phát triển trí não, thì một nghiên cứu khoa học đã mang đến cái nhìn khác biệt, cho thấy mối liên hệ tích cực giữa việc chơi game và sự gia tăng trí thông minh ở trẻ nhỏ.
Những tiểu tiết bạn có thể đã bỏ qua trong trailer The Witcher 4