Bạn có thành tích nổi bật, phong độ xuất sắc nhưng vẫn không được sếp yêu mến, đồng nghiệp tôn trọng, trước khi trách lòng người bạc bẽo hãy tự xem lại cách ứng xử của mình có vấn đề gì không?
Bạn đến văn phòng làm việc đúng giờ, hoàn thành mọi công việc được giao. Dự án mới của công ty sẽ nguy to nếu không có bạn mất. Nếu nói bạn là nhân viên xuất sắc nhất công ty thì thật phô trương, nhưng nếu nói không thì hóa ra lại thành nói dối.
Với thành tích nổi bật, tác phong ngay ngắn và hiệu quả công việc tốt như vậy mà bạn vẫn không nhận được sự tôn trọng từ mọi người trong văn phòng? Sếp không đánh giá cao bạn, đồng nghiệp không hề tỏ ra trân trọng thành tích bạn đạt được, ngay cả một đứa thực tập sinh cũng tỏ thái độ với bạn nữa? Lý do vì sao vậy? "Tiên trách kỷ, hậu trách nhân", trước khi trách đồng nghiệp vô ơn bạc bẽo hay xem bản thân mình có điểm gì thiếu sót khiến năng lực bị đánh giá thấp hay không?
Nếu vấn đề là do đồng nghiệp thì chẳng còn cách nào khác ngoài bỏ việc, nhưng vấn đề từ bạn ư? Vậy thì đơn giản thôi, hãy thử thay đổi một chút, biết đâu may mắn và thành công sẽ trở lại với bạn. Cùng tham khảo danh sách bên dưới xem bạn có thấy mình trong đó không nhé:
1. Luôn đi họp muộn
Bạn luôn có những ý tưởng đột phá, bạn chính là át chủ bài của cuộc họp, nhưng điều này vẫn không thể bù lại được số điểm trong mắt đồng nghiệp bởi bạn luôn luôn trễ giờ đi họp. Thay vì trầm trồ thán phục trước những sáng kiến bạn đưa ra, họ còn đang mải bực tức gửi đến bạn một email cảnh cáo "Lần này anh lại đi muộn đấy nhé".
Tôi phải làm sao?
Đừng ham công tiếc việc sắp xếp các cuộc hẹn kín mít, hãy đan xen những quãng nghỉ vừa đủ để giả sử nếu như một cuộc họp không báo trước kéo dài hơn dự định, nó sẽ không phá hỏng các cuộc hẹn quan trọng khác của bạn.
2. Tay lúc nào cũng lăm lăm điện thoại
Chính tôi cũng phải công nhận là rời điện thoại một phút thôi là nảy sinh rất nhiều vấn đề rồi: hàng trăm email phải hồi đáp, một núi công việc phát sinh cần bạn gấp hay đôi khi chỉ là bạn đang bị cuốn vào một cuộc nói chuyện dí dỏm với cô bạn cấp 3 lâu ngày không gặp. Nhưng việc cứ cắm cúi vào điện thoại như vậy chuyển đến người ngồi đối diện bạn thông điệp rằng: "Anh chả quan trọng bằng cái điện thoại của tôi".
Tôi phải làm sao?
Đừng bao giờ mang dế yêu đi họp nữa. Và nếu có thể, hãy chia tay luôn cả anh bạn laptop đi! Bạn chỉ nên mang theo một cuốn vở nhỏ khi đi họp mà thôi, ghi chép chính là cách tốt nhất để nói cho người đang phát biểu rằng: "Tôi đang nghe anh nói đây, tôi thậm chí còn ghi lại một vài ý cơ đấy!"
3. Hay văng bậy.
Tôi hiểu rằng anh đang buồn bực thất vọng vì một dự án không suôn sẻ, nhưng coi nào, đừng xúc phạm tôi và mẹ chúng tôi bằng những lời lẽ đó chứ? Chúng tôi có làm gì anh với mẹ anh không nào? Có rất nhiều cách để thể hiện sự bực tức của mình một cách duyên dáng hơn, nếu cứ hành xử lố bịch như vậy mọi người trong văn phòng sẽ nhìn anh và lắc đầu ngán ngẩm: "Đúng là thằng trẻ trâu" mất thôi.
Tôi phải làm sao?
Hãy cố gắng hạn chế những lời lẽ không êm tai xuống mức tối thiểu, ngay cả khi chếnh choáng hơi men, bạn hãy tự ép mình tìm cách diễn tả khác nhẹ nhàng hơn những gì mình sắp nói ra.
4. Ăn mặc lố bịch
Cho dù công ty bạn không áp đặt nhân viên về mặt hình ảnh nhận diện nhưng nếu bạn xuất hiện ở văn phòng với bộ dạng tơi tả như thể phải băng qua rừng suốt đêm để đến được công ty thì chẳng ai chấp nhận được cả.
Tôi phải làm sao?
Nếu như bạn không thoải mái với cách ăn mặc đóng hộp quá long trọng và phô trương thì hãy thử kín đáo thăm dò xem đồng nghiệp của mình hay mặc gì (tham khảo phong cách thôi chứ đừng mua ngay một bộ đồ đôi với họ nhé!). Hãy để ai đó khác làm người khởi xướng phong cách ăn mặc kỳ quái tại công ty, nếu mọi người chấp nhận nó thì ta cũng bắt đầu quẩy thôi nào.
5. Luôn gửi đi những email đầy lỗi
Hội bà tám đang truyền tai nhau tình tiết mới về việc hôm nay sếp bị gấu giận dỗi hay anh chàng biên tập lỗi chính tả phòng bên đang bị người yêu bắt vạ đòi cưới. Làm sao bạn có thể bỏ qua được cơ chứ, vậy là bạn nhanh nhanh viết vội cái email đang dở dang và ấn send mà không biết rằng vẫn còn đầy lỗi chính tả trong đó. Đối tác sẽ cảm thấy bạn đang hỗ trợ hết mình nếu nhận được một email cẩu thả như vậy ư, thậm chí bạn còn có thể nhận được phản hồi: "Hình như anh quên không đính kèm tệp cho tôi! Xem lại giúp tôi nhé" nữa đấy!
Tôi phải làm sao?
Thay vì lúc nào cũng vội vội vàng vàng gửi đi được càng nhiều email càng tốt, bạn nên dành ra một phút để xem lại kỹ càng xem còn bất kỳ lỗi sai nào trong đó không sau đó mới chuyển sang phần việc mới. Làm gì có công việc nào khẩn thiết đến mức không đợi bạn được một phút để kiểm tra lỗi chính tả cơ chứ?
6. Chẳng bao giờ thấy bạn ở bàn làm việc
Bạn không phải người thích ngồi một chỗ, thà bạn ngồi trên ghế sofa ngoài bàn tiếp khách của công ty, hay phụ marketing một tay sắp xếp chương trình ở phòng hội nghị hoặc là ở nhà buổi sáng để tận hưởng không khí làm việc tại gia. Tùy bạn thôi, nhưng trăm lần như một đồng nghiệp đi qua bàn làm việc và bạn vẫn bặt vô âm tín thì cũng không hay đâu. Cho dù bạn đang làm việc thực sự nghiêm túc bên ngoài công ty thì cũng không ai đánh giá cao bạn cả.
Tôi phải làm sao?
Bạn không cần phải thay đổi cách làm việc của mình nếu thật sự không phù hợp với việc dính lấy máy tính 24/7. Chỉ cần đảm bảo rằng bạn luôn trả lời email và tin nhắn nhanh nhất có thể. Đồng nghiệp sẽ không cho rằng bạn đang trốn việc nếu các công việc online đều được bạn giải quyết ổn thỏa và kịp thời.
7. Bạn luôn nói những câu chuyện bên lề
Đành rằng đời sống cá nhân của bạn tràn ngập niềm vui, mỗi ngày trôi qua là một ngày bạn thêm yêu cuộc sống. Theo lẽ thường, bạn sẽ muốn chia sẻ niềm vui này với các đồng nghiệp, người mà bạn dành tới 8 tiếng 1 ngày cho họ. Nhưng vấn đề là sếp trả tiền cho bạn không phải để đến văn phòng ngồi tán dóc với đồng nghiệp về những chuyện không liên quan. Bạn cứ chia sẻ suốt cả ngày về những thói vui mạo hiểm điên rồ của nhóm bạn đại học bạn chơi cùng, bạn đồng nghiệp sẽ ngay lập tức đánh giá bạn là kẻ điên cuồng, thác loạn không kém. Điều này không tốt cho hình ảnh của bạn chút nào!
Tôi phải làm sao?
Hướng cuộc nói chuyện đến những chủ đề như dự án sắp nới hay mặt hàng mà công ty sắp đầu tư. Hãy tỏ ra đứng đắn, nghiêm chỉnh trong con mắt của đồng nghiệp (nếu ai đó không muốn nghiêm chỉnh cũng đừng dại gì mà từ chối nhé!).
Chuyên môn của bạn rất tốt, bạn quan tâm đến chuyện thăng tiến trong sự nghiệp, đừng để những thứ nhỏ nhặt làm giảm phong độ của bạn trong mắt đồng nghiệp. Nếu đọc bài này và thấy chính mình, hãy tìm cách thay đổi ngay nhé!
Tham khảo The muse
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Samsung và cuộc cách mạng AI: Hệ sinh thái toàn diện từ TV đến điện thoại di động đã thay đổi đời sống của người tiêu dùng như thế nào?
Với chiến lược toàn diện, Samsung đã sẵn sàng cho một cuộc cách mạng công nghệ tiếp theo, nơi AI đóng vai trò trung tâm. “Ông lớn" Hàn Quốc chứng minh trí tuệ nhân tạo không chỉ là một tính năng trong các thiết bị, mà còn là cốt lõi trong chiến lược đổi mới của họ.
Nhà sáng lập TSMC nhận định về Intel: Sẽ tốt hơn nếu không cố chen chân vào mảng sản xuất chip, đáng lẽ nên tập trung vào AI