Lần đầu tại Việt Nam: Hãy để ví tiền của bạn ở nhà, chỉ cần đeo chiếc nhẫn này thôi

    PV,  

    Chỉ cần chạm chiếc nhẫn được tích hợp chip NFC này với máy thanh toán tiền, giao dịch sẽ được thực hiện. Không cần thẻ ngân hàng, không cần ví tiền.

    Thử tưởng tượng một ngày bạn không cần phải mang ví tiền, cũng không cần mang thẻ ngân hàng, thì bạn có thể thanh toán bằng gì? Nhờ tiến bộ công nghệ, giờ đây bạn chỉ cần đeo một chiếc nhẫn, hoặc một chiếc dây chuyền, hoặc một trang sức bất kỳ hay một thứ gì đó di động mà bạn nghĩ ra, đều có thể dùng nó để thanh toán tại các máy POS (máy “cà” thẻ). Những thứ tưởng xa vời như vậy thực ra đã thử nghiệm thành công ở Việt Nam, sẽ giới thiệu ra thị trường vào tháng sau.

    Chiếc nhẫn này được tích hợp chip NFC (Near Field Communication) bên trong, do đó có thể dùng như một thiết bị thanh toán tại các máy POS dùng NFC. Kiểu thanh toán này đã được Apple và Samsung triển khai trên các smartphone có tích hợp NFC của hãng; chỉ cần đưa điện thoại đến gần máy thanh toán để giao dịch mà không cần dùng thẻ ngân hàng. Chiếc nhẫn có thể dùng độc lập hoàn toàn mà không cần kết nối với bất kỳ thiết bị nào khác của người sử dụng.

    Để thanh toán tiền, người sử dụng chỉ cần đưa nhẫn đến gần một máy POS dùng giao tiếp NFC như hình trên, không cần phải chạm trực tiếp. Phương thức thanh toán này được gọi là tap-and-pay (chạm và trả tiền).

    Ngoài phiên bản màu đen, chiếc nhẫn có thể được sản xuất thêm màu trắng hay bất kỳ màu nào. Bản thân chiếc nhẫn chỉ là một thiết bị được tích hợp chip NFC, do đó có thể chế tạo ra các sản phẩm độc đáo khác, rồi tích hợp chip NFC bên trong là người dùng có thể sử dụng chúng để thanh toán. Chip NFC dùng trong việc thanh toán có thể được tích hợp vào điện thoại, vào các loại thẻ nhựa, hoặc nó được làm như một sticker để dán lên bất kỳ vật nào - biến nó thành "thẻ thanh toán".

    Ở hình trên, nhẫn là một thiết bị thanh toán khá độc đáo. Tuy nhiên, những thứ khác truyền thống hơn có thể tích hợp chip NFC là thẻ nhựa (thẻ thành viên, thẻ khách hàng...), hoặc một sticker bất kỳ có thể dán lên ví tiền hay mặt sau điện thoại, biến các vật này thành “thẻ thanh toán”.

    Có thể dán sticker NFC lên mọi vật, sau đó dùng vật này để thanh toán kiểu tap-and-pay. Quá trình thanh toán này diễn ra như sau: Người dùng cài đặt một ứng dụng từ nhà cung cấp lên điện thoại di động, sau đó dùng ứng dụng này để đăng ký chiếc nhẫn (hoặc vật khác có NFC) là thiết bị thanh toán. Khi người dùng mua hàng tại các điểm bán có hỗ trợ máy thanh toán bằng NFC, chỉ cần đưa nhẫn vào máy thanh toán thì số tiền mua hàng sẽ được trừ vào tài khoản ngân hàng (đã nhập vào trước đó trên ứng dụng của điện thoại).

    Cách thanh toán này đang là xu hướng trên thế giới vì nó không yêu cầu người dùng phải lấy thẻ ngân hàng ra, có nguy cơ bị lộ thông tin. Ngoài ra, đúng theo tiêu chí tap-and-pay (chạm rồi trả tiền) nhanh chóng, chỉ cần giơ thiết bị ra, máy trừ tiền, sau đó ra khỏi cửa hàng mà không cần phải lấy thẻ ra, chờ nhân viên "cà thẻ", ký hóa đơn, rồi mới rời điểm mua sắm.

    Tuy nhiên, phương thức này cũng dấy lên hai lo ngại. Một là ứng dụng có thể lưu thông tin thẻ ngân hàng, có thể lộ thông tin; hai là vì không đòi hỏi bất kỳ thao tác nào mà chỉ cần "chạm rồi trả" nên nếu thiết bị rơi vào tay kẻ xấu thì người dùng bị mất tiền. Trả lời việc này, nhà cung cấp TRUSTpay Việt Nam cho biết khi khách hàng đăng ký thông tin thẻ qua ứng dụng của công ty, giao diện cài đặt sẽ chuyển sang bên thứ ba, sau đó các thông tin được điền vào và trả về cho ứng dụng một mã số, chứ không gửi thông tin thẻ.

    Ngoài ra, người dùng có tùy chọn nhập mật khẩu cho bất kỳ giao dịch nào được thực hiện, tức mỗi khi "chạm" thì khách hàng phải lấy máy điện thoại ra để nhập mã số đồng ý trên ứng dụng, sau đó mới "trả". Người dùng có thể cài đặt những giao dịch dưới 100.000 đồng chẳng hạn thì không cần nhập mật mã, chỉ giao dịch lớn mới phải nhập, để nhanh chóng trong việc thanh toán.

    Điện thoại tích hợp NFC cũng có thể thay thế chiếc nhẫn hay các sticker, thẻ NFC kể trên để trở thành vật thanh toán. Thực tế, điện thoại NFC là thứ được kỳ vọng nhiều nhất trong việc thanh toán tap-and-pay, và được Apple, Samsung ứng dụng, do độ phổ biến của điện thoại. Tuy nhiên, nhẫn hay các phương thức nói trong bài này là một cách mở rộng, có thể áp dụng vì các lý do khác nhau.

    Về máy thanh toán chấp nhận phương thức tap-and-pay, ông Vương Lê Vĩnh Nhân - CEO của TRUSTpay Việt Nam, đơn vị cung cấp giải pháp - cho biết sẽ có khoảng 200 máy được tung ra thị trường Việt Nam kể từ tháng 6 tới, dành cho các cửa hàng, quán cà phê và các trung tâm mua sắm.

    Trong video dưới đây có hai thử nghiệm thanh toán, một dùng nhẫn thanh toán và một dùng sticker dán trên điện thoại để giao dịch. Chiếc điện thoại đặt cạnh bên máy thanh toán là điện thoại của nhà bán hàng, trên đó ứng dụng sẽ báo các thông tin của giao dịch. Chiếc điện thoại còn lại là của khách hàng, mỗi khi bị trừ tiền thì sẽ có tin nhắn báo về để người dùng biết lịch sử giao dịch.

    Theo ictnews

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày