Công nghệ này sẽ định hình tương lai của ngành công nghiệp thiết bị chức năng giả cho con người.
Penelope Heller, một nữ bệnh nhân 20 tuổi, đã trở thành người Mỹ đầu tiên mang trong mình khung xương ức titan chế tạo nhờ kỹ thuật in 3D.
Đối với Heller, điều này sẽ giúp cô chiến đấu với căn bệnh ung thư quái ác của mình, thứ đã khiến Heller phải phẫu thuật cắt bỏ xương ức.
Còn đối với thế giới, đây là một lời khẳng định rằng kỹ thuật in 3D có thể tạo ra bất cứ bộ phận nào trên cơ thể người, để thay thế cho các cơ quan hỏng hóc: từ tim, phổi, thận và ở đây là cả một hệ thống xương ức và sườn phức tạp.
Lần đầu tiên xương ức in 3D bằng titan được cấy ghép tại Mỹ
Khung xương ức mà các bác sĩ đã cấy ghép cho Heller sử dụng công nghệ của Australia. Nó được đặt tên là PoreStar, phát triển bởi Tổ chức nghiên cứu SCIRO và công ty thiết bị y tế Anatomics.
Xương ức là phần xương quan trọng trấn giữ phía trước ngực, có nhiệm vụ kết nối và tạo thành lồng xương sườn, che chắn để bảo vệ cho các cơ quan nội tạng.
Tuy nhiên, vì bị tấn công bởi bệnh ung thư xương, Heller buộc phải loại bỏ toàn bộ xương ức. Và nếu không có giải pháp thay thế, các xương sườn của cô gái 20 tuổi sẽ treo lơ lửng vì không có chỗ bám trong lồng ngực.
Để giải quyết vấn đề này, các bác sĩ đã sử dụng công nghệ PoreStar để làm cho Heller một khung xương bằng titan, kết hợp với vật liệu polyme dạng xốp giống như xương. Tất cả đều được chế tạo bằng kỹ thuật in 3D chuẩn xác.
Công nghệ PoreStar đã tạo ra được một khung xương bằng titan, kết hợp với vật liệu polyme dạng xốp
Ca phẫu thuật đã diễn ra thành công vào hồi tháng 8. Nó đã cho phép Heller vượt qua sự đe dọa của ung thư, các cơn đau và lấy lại khả năng hô hấp bình thường.
Đây là lần đầu tiên công nghệ xương ức in 3D được sử dụng ở Hoa Kỳ, và cũng mới là ca cấy ghép thứ hai trên thế giới. Năm 2016, xương ức nhân tạo sử dụng công nghệ in 3D cũng đã từng được ghép vào cơ thể một bệnh nhân người Anh, khi ông cũng phải cắt bỏ xương vì ung thư.
Khác với việc cấy ghép các thiết bị giả được sản xuất hàng loạt, in 3D giúp các bệnh nhân có được khung xương phù hợp nhất với mình, dựa vào hình ảnh quét và phân tích cấu trúc trước đó. Kỹ thuật in 3D cũng cho phép các bộ phận giả được sản xuất nhanh, nhiều khi thời gian có ý nghĩa bằng chính mạng sống của bệnh nhân.
Keith McLean, Giám đốc sản xuất của CSIRO, đơn vị đang phát triển kỹ thuật in 3D khung xương ức cho biết: "Tôi tự hào về sự hợp tác của chúng tôi với Anatomics, công việc này sẽ mở ra hi vọng cho tất cả bệnh nhân trên thế giới toàn có được cuộc sống bình thường”.
Anatomics sử dụng công nghệ in 3D chế tạo xương
Trong vòng 25 năm qua, Anatomics đang bền bỉ phát triển nhiều sản phẩm cấy ghép giả cao cấp dành cho bệnh nhân. Hàng ngàn ca phẫu thuật đã được thực hiện trên toàn thế giới dựa trên công nghệ của công ty thiết bị y tế Australia này.
“Công nghệ của Anatomics sẽ định hình tương lai của ngành công nghiệp thiết bị chức năng giả cho con người, nhờ vào những cải tiến trong quy trình quét, thiết kế và chế tạo”, tiến sĩ Paul D'Urso chủ tịch điều hành công ty cho biết.
Với ca cấy ghép xương ức lần này, Anatomics đã chứng minh rằng họ đang đi tiên phong trong lĩnh vực của mình, với xu hướng chung là cá nhân hóa chăm sóc sức khỏe. Trong tương lai, mọi người bệnh có thể được cấy ghép các thiết bị thay thế cao cấp, phù hợp với riêng cơ thể mình nhờ công nghệ in 3D, thay vì đúc khuôn hàng loạt như hiện nay.
Tham khảo Businessinsider, Anatomics
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Vì sao các nữ phi hành gia phải uống thuốc tránh thai trước khi bước vào cuộc hành trình xa xôi trong không gian?
Việc các nữ phi hành gia sử dụng thuốc tránh thai trước khi thực hiện các nhiệm vụ không gian là một biện pháp nhằm đảm bảo sức khỏe, an toàn và hiệu suất làm việc của họ. Mặc dù có một số hạn chế, nhưng đây vẫn là một giải pháp được nhiều người lựa chọn trong điều kiện hiện tại.
Bị Mỹ cấm vận đủ đường, nhà sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi vẫn hết lời khen ngợi: "Mỹ đã thiết lập một chuẩn mực trên toàn thế giới"