Bất thường di truyền có thể gây ra nhiều biến chứng, bao gồm cả ung thư.
Lần đầu tiên trên thế giới, tế bào gốc cảm ứng vạn năng (iPS) từ da người hiến tặng được cấy vào mắt cho một bệnh nhân người Nhật Bản. Thủ thuật được thực hiện bởi các bác sĩ đến từ Bệnh viện Đa khoa thành phố Kobe, hợp tác với các nhà khoa học tại Viện nghiên cứu RIKEN.
Bệnh nhân đầu tiên đầu tiên này là một người đàn ông 60 tuổi, không may mắc chứng thoái hóa hoàng điểm do lão hóa. Cho tới nay, đây vẫn là căn bệnh mạn tính vô phương cứu chữa.
Thoái hóa hoàng điểm gây mất một phần thị giác, và dần tiến triển đến mù lòa hoàn toàn. Nó được mệnh danh là căn bệnh võng mạc nguy hiểm nhất, ảnh hưởng tới 30 triệu người trên toàn thế giới.
Lần đầu tiên, một người Nhật Bản được cấy ghép tế bào gốc từ da người khác vào mắt
Trong khi việc cấy tế bào gốc vào võng mạc nghe khá quen thuộc, năm 2014, các bác sĩ Nhật Bản cũng đã từng thực hiện thành công một ca cấy ghép tương tự. Mặc dù vậy, các tế bào gốc khi đó được lập trình lại từ da của chính bệnh nhân, chứ không phải từ người hiến tặng.
Đó là một bà cụ hơn 70 tuổi, cũng mắc chứng thoái hóa hoàng điểm. Cho đến khoảng thời gian 1 năm sau thủ thuật, thị lực của bệnh nhân vẫn được duy trì và bà vẫn sống khỏe mạnh.
Tuy nhiên, ca cấy ghép tương tự thứ 2 đã không bao giờ được tiến hành. Trong khi các bác sĩ chuẩn bị tiến trình nuôi tế bào iPS cho bệnh nhân tiếp theo, họ phát hiện ra một số bất thường di truyền.
Ngay lập tức kế hoạch cấy ghép bị hủy bỏ. Phương pháp được cho là không còn an toàn, bởi các bất thường di truyền có thể gây ra nhiều biến chứng, bao gồm cả ung thư. Các nhà khoa học tại Viện nghiên cứu RIKEN đã phải tìm cách tinh chỉnh lại phương pháp của họ.
Phải cho tới tận tháng 2 năm 2017, Bộ Y tế Nhật Bản mới chấp nhận cho phép một số lượng ít, khoảng 5 ca cấy ghép tế bào gốc tiếp theo được tiến hành. Lần này, nó được đánh giá là an toàn hơn, bởi nguồn tế bào gốc được chọn lựa khắt khe từ những người hiến tặng.
Người đàn ông 60 tuổi là bệnh nhân đầu tiên, trong số 5 người sẽ được nhận điều trị bằng phương pháp tế bào gốc này. Và phải nhắc lại rằng, đây vẫn là một thử nghiệm để đánh giá độ an toàn. Nghĩa là nó chứa đựng nhiều mạo hiểm để làm bước đệm cho thử nghiệm lâm sàng mở rộng.
Mô phỏng tầm nhìn của một bệnh nhân thoái hóa hoàng điểm, căn bệnh chưa thể chữa trị
“Chúng tôi sẽ phải chờ vài năm, cho đến khi biết chắc ca cấy ghép vừa rồi có được đánh giá là thành công hay không”, trưởng nhóm nghiên cứu, tiến sĩ Masayo Takahashi đến từ Viện RIKEN cho biết. “Một thách thức quan trọng với trường hợp này là kiểm soát được sự thải ghép”.
Chúng ta đã biết việc cấy ghép cơ quan từ người khác vào chính cơ thể mình là một điều nguy hiểm. Bởi nếu cơ thể và hệ miễn dịch của con người khó chấp nhận những thành phần ngoại lai, bệnh nhân thường phải uống thuốc chống thải cả đời.
Việc cấy các tế bào gốc từ cơ thể người khác cũng có thể tạo ra tình trạng 1 cơ thể người mang 2 DNA. Mà các bệnh nhân khi đó được gọi là “chimera”, theo tên một quái thú 3 đầu trong truyền thuyết Hy Lạp. Nhiều khi điều này khiến bệnh nhân sống dở chết dở vì phải đối mặt với nhiều biến chứng nguy hiểm.
Bởi vậy, các bác sĩ Nhật Bản cho biết ca cấy ghép tế bào gốc của bệnh nhân 60 tuổi lần này sẽ phải được giám sát chặt chẽ trong 1 năm. Sau đó, ông sẽ được kiểm tra y tế thường xuyên trong 3 năm nữa.
Mục đích của một thử nghiệm kiểm tra độ an toàn dạng này là giúp đội ngũ nghiên cứu tìm ra và giải quyết các kịch bản nguy hiểm. Trong đó, có thể cơ thể người bệnh từ chối nguồn tế bào mới một cách cực đoan, hoặc bản thân các tế bào thể hiện những bất thường tiềm tàng của chúng.
Tiến sĩ Masayo Takahashi (bên phải) trong cuộc họp báo sau ca cấy ghép
Cách tiếp cận thận trọng với liệu pháp tế bào gốc này đã nhận được lời khen ngợi từ một bài xã luận trên tạp chí Nature. Trong đó, tác giả David Cyranoski nói rằng thử nghiệm lần này có thể mở ra những hướng nghiên cứu, và ứng dụng mới cho lĩnh vực y khoa dựa trên tế bào gốc.
Nếu tình trạng của cả 5 bệnh nhân Nhật Bản đều tiến triển tốt, các nhà nghiên cứu sẽ chứng minh được tế bào hiến tặng là lựa chọn khả khi để tạo tế bào gốc vạn năng iPS có thể cấy ghép được. Sau đó, sẽ có một lượng lớn bệnh nhân lớn được hưởng lợi ích từ đó.
Thay vì phải tạo ra các tế bào gốc một cách cấp bách và đắt đỏ từ chính cơ thể người bệnh, các bác sĩ có thể xây dựng trước một ngân hàng tế bào gốc, thu thập chúng từ người hiến tặng. Nó sẽ giảm chi phí cho các ca phẫu thuật và người bệnh cũng có nhiều lựa chọn phù hợp hơn.
Hiện tại ở Nhật Bản, một ngân hàng tế bào gốc đã đang được xây dựng bởi Shinya Yamanaka, nhà khoa học tiên phong trong lĩnh vực nghiên cứu này từng đoạt giải Nobel năm 2012. Dự kiến đến năm 2018, ngân hàng có thể tạo ra những dòng tế bào tương thích với 30-50% dân số toàn Nhật Bản.
Tham khảo ScienceAlert, Futurism
NỔI BẬT TRANG CHỦ
iPhone 14 Pro Max phát nổ khiến người dùng bị thương
Vụ việc đang tiếp tục được điều tra, làm rõ.
Tại sao nhân loại lại cần đến máy tính lượng tử, chúng được dùng để làm gì?