Lần đầu tiên trên thế giới, một phần của đại dương đã được cấp tư cách pháp nhân

    Đức Khương,  

    Đây là lần đầu tiên một cơ quan chính phủ trao cho sóng biển các quyền giống như một người.

    Quyết định mang tính đột phá đã được đưa ra tại thành phố Linhares, Brazil, khi hội đồng thành phố này công nhận tư cách pháp nhân cho những con sóng tại cửa sông Doce – điểm giao hòa giữa con sông và Đại Tây Dương. Quy định mới, được phê duyệt vào tháng 6/2024 và chính thức có hiệu lực vào giữa tháng 8, không chỉ khẳng định quyền được bảo vệ của các làn sóng mà còn hướng đến bảo tồn cân bằng sinh thái tại khu vực đặc biệt này.

    Theo quy định, các điều kiện vật lý và hóa học của sóng – cùng với hệ sinh thái nước liên kết – phải được giám sát và bảo vệ nghiêm ngặt khỏi các tác nhân gây ô nhiễm. Điều này có nghĩa là, từ nay, các hoạt động công nghiệp và các tác động từ con người gây ảnh hưởng đến sóng và môi trường xung quanh sẽ phải chịu trách nhiệm pháp lý. Song, bảo vệ các làn sóng tại cửa sông Doce không chỉ là vấn đề sinh thái. Quyết định này còn nhằm tôn vinh giá trị văn hóa và kinh tế của những con sóng với cộng đồng địa phương, đặc biệt là với những người lướt sóng.

    Lần đầu tiên trên thế giới, một phần của đại dương đã được cấp tư cách pháp nhân- Ảnh 1.

    Vanessa Hasson, luật sư môi trường và giám đốc điều hành tổ chức phi chính phủ Mapas, chia sẻ với Tạp chí Hakai rằng luật mới này còn giúp thừa nhận tầm quan trọng văn hóa của các làn sóng. Theo bà, khu vực này vốn là điểm lướt sóng nổi tiếng, và quyền bảo vệ mới không chỉ giúp bảo vệ môi trường mà còn thúc đẩy các hoạt động văn hóa, tâm linh và giải trí gắn liền với đại dương.

    Quyết định bảo vệ sóng tại cửa sông Doce đặc biệt có ý nghĩa trong bối cảnh thảm họa môi trường từ năm 2015. Vụ sập đập Fundão gần thành phố Mariana đã thải ra hơn 60 triệu mét khối chất thải quặng sắt và bùn, lan tràn xuống sông Doce và đến tận cửa sông tại Linhares. Dòng bùn đã tàn phá nghiêm trọng hệ sinh thái thủy sinh và làm mất đi các con sóng vốn thu hút những người đam mê lướt sóng đến khu vực này.

    Với việc trao tư cách pháp nhân cho các làn sóng tại cửa sông Doce, Brazil đã đưa ra một cơ chế pháp lý mới nhằm ngăn chặn những thảm họa tương tự trong tương lai. Luật mới đặt nền tảng để những tổ chức, cá nhân có hành vi gây hại cho môi trường phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Tuy nhiên, sóng không thể tự đại diện bảo vệ các quyền mới của mình. Do đó, một ủy ban đặc biệt đã được thành lập để đảm nhận vai trò này, bao gồm đại diện từ cộng đồng lướt sóng, cộng đồng bản địa địa phương và ủy ban môi trường của thành phố Linhares.

    Lần đầu tiên trên thế giới, một phần của đại dương đã được cấp tư cách pháp nhân- Ảnh 2.

    Đây là lần đầu tiên tại Brazil một cơ quan chính phủ trao quyền pháp lý cho một phần của đại dương. Tuy nhiên, trên thế giới, việc công nhận tư cách pháp nhân cho các vùng nước không còn là điều mới mẻ. Trước đây, sông Whanganui của New Zealand đã trở thành dòng sông đầu tiên trên thế giới được trao quyền pháp lý như con người. Sau đó, sông Magpie ở Canada, sông Klamath ở Hoa Kỳ, và sông Hằng và Yamuna ở Ấn Độ cũng đã được công nhận quyền tương tự (mặc dù sau đó Tòa án Tối cao Ấn Độ đã đảo ngược quyết định này).

    Ecuador còn tiến thêm một bước khi đưa các quyền tự nhiên vào hiến pháp quốc gia. Gần đây nhất vào tháng 7/2024, một tòa án tại Ecuador đã phán quyết rằng một con sông tại thủ đô của đất nước này đã bị vi phạm quyền do ô nhiễm và yêu cầu các biện pháp khắc phục ngay lập tức.

    Việc công nhận tư cách pháp nhân cho các làn sóng tại cửa sông Doce là một bước tiến mới cho thấy nhận thức ngày càng sâu rộng về trách nhiệm bảo vệ các vùng nước trước sự tác động của con người. Quyết định này cũng là dấu hiệu cho thấy một kỷ nguyên bảo vệ đại dương mới đang mở ra, nơi các yếu tố tự nhiên được công nhận quyền lợi pháp lý, nhằm thúc đẩy sự hài hòa giữa con người và thiên nhiên.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày