Lần đầu trong lịch sử, phóng viên toàn cầu có thể tham dự MWC 2021 nhờ 100 robot của người Việt

    Anh Vũ, Doanh nghiệp và Tiếp thị 

    Đây là lần đầu tiên MWC đưa ra giải pháp triển khai 100 robot với trí tuệ nhân tạo để kết nối với phóng viên, giúp mọi người có thể tham dự hội chợ di động lớn nhất toàn cầu này trong tình hình đại dịch Covid-19 vẫn diễn ra phức tạp. Đặc biệt hơn nữa, 100 robot này lại là sản phẩm của người Việt, ông Vũ Duy Thức, founder OhmniLabs.

    Đầu tuần này, Hội nghị di động toàn cầu (MWC) 2021 đã diễn ra tại thành phố Barcelona của Tây Ban Nha. Đây là một trong những sự kiện công nghệ quy mô lớn đầu tiên được tổ chức tại châu Âu kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát.

    Tuy nhiên, năm nay MWC có quy mô nhỏ hơn so với mọi năm, đi cùng với các biện pháp nghiêm ngặt trong phòng dịch Covid-19. Sự kiện này cũng được diễn ra trong bối cảnh doanh số điện thoại thông minh đang phục hồi trên toàn cầu, sau khi sụt giảm vào năm ngoái do tác động nặng nề của đại dịch Covid-19.

     Lần đầu trong lịch sử, phóng viên toàn cầu có thể tham dự MWC 2021 nhờ 100 robot của người Việt - Ảnh 1.

    Hội chợ diễn ra dưới hình thức kết hợp trực tuyến và trực tiếp, với số người tham dự được giới hạn dưới 50.000 người. Bên cạnh đó, nhiều tập đoàn công nghệ lớn như Samsung, Nokia, Google và Facebook sẽ không tham gia các sự kiện tổ chức trực tiếp như trước.

    Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp như vậy, ban tổ chức MWC lần này đã đưa ra một giải pháp chưa từng có trong lịch sử. Đó là việc triển khai 100 robot với trí tuệ nhân tạo, giúp mọi người có thể tham dự hội thảo từ xa. Đặc biệt hơn cả, 100 robot này thuộc về startup công nghệ của founder Vũ Duy Thức, người Việt có tầm ảnh hưởng tại Silicon Valley.

     Lần đầu trong lịch sử, phóng viên toàn cầu có thể tham dự MWC 2021 nhờ 100 robot của người Việt - Ảnh 2.

    Vũ Duy Thức

    Việc đưa 100 robot này vào sự kiện đã tạo cơ hội cho hàng loạt phóng viên có thể tham dự hội nghị di động lớn nhất thế giới trong giai đoạn đặc biệt như hiện nay. Điều này cũng đánh dấu cột mốc quan trọng khi sản phẩm công nghệ do người Việt đã được áp dụng rộng rãi trên phạm vi toàn cầu, tại những sự kiện tầm quốc tế.

    Trước đó, năm 2017, Vũ Duy Thức được Silicon Valley Business Journal vinh danh là một trong 40 nhân vật dưới 40 tuổi có ảnh hưởng lớn nhất tại Silicon Valley. Không chỉ dừng ở MWC năm nay, vừa qua, ông lớn Volkswagen thông tin, hãng đã ra mắt một robot có khả năng dịch chuyển từ xa tùy chỉnh với tên gọi CHAMP.

     Lần đầu trong lịch sử, phóng viên toàn cầu có thể tham dự MWC 2021 nhờ 100 robot của người Việt - Ảnh 3.

    Robot CHAMP. Ảnh: Volkswagen

    Đặc biệt, sản phẩm này tiếp tục có sự hợp tác của startup robot với trí tuệ nhân tạo OhmniLabs. Robot CHAMP được phát triển với mục đích tăng khả năng tiếp cận, tạo điều kiện cho các bạn trẻ có cơ hội bước ra sân cùng với các cầu thủ đội tuyển quốc gia của Mỹ, đặc biệt là các bạn trẻ khuyết tật.

    OhmniLabs với vai trò là nhà cung cấp giải pháp đầu cuối cho sản phẩm này. Bà Kimberley Gardiner, Phó Chủ tịch Cấp cao Marketing của tập đoàn Volkswagen Hoa Kỳ cho hay: "Dự án CHAMP cùng với OhmniLabs mang đến những trải nghiệm tốt nhất cho các bạn trẻ hâm mộ nhiệt thành, những người từ trước đến giờ không có cơ hội được trải nghiệm ở những khán đài trong các trận đấu".

    "Đây là xu hướng sáng tạo mới, là sứ mệnh cốt lõi của hãng, khi có thể áp dụng công nghệ tiên tiến và giúp mọi người có nhiều trải nghiệm hơn".

    Việc hợp tác này cũng đánh dấu bước quan trọng trong thị trường robot Việt Nam. Trên thực tế, OhmniLabs mà Thức làm founder kiêm CEO đã sản xuất được hàng nghìn robot đang vận hành với trí tuệ nhân tạo (AI) tại hơn 40 quốc gia trên thế giới.

     Lần đầu trong lịch sử, phóng viên toàn cầu có thể tham dự MWC 2021 nhờ 100 robot của người Việt - Ảnh 4.

    Thị trường robot mặc dù đã xuất hiện từ rất lâu, song chủ yếu robot được ứng dụng trong các hoạt động sản xuất, chế tạo. Theo founder OhmniLabs Thức Vũ, robot vẫn chưa được ứng dụng rộng rãi trong các môi trường xã hội, từ nhà, đến bệnh viện, trường học, nhà hàng hay công sở.

    Trước CHAMP, OhmniLabs cũng đã có một số dự án hợp tác đặc biệt với loạt tập đoàn lớn trên thế giới. Một trong số đó chính là hãng hàng không của Nhật – ANA. Đặc biệt, OhmniLabs cùng ANA nghiên cứu và phát triển sản phẩm chỉ trong vòng 6 tháng. OhmniLabs cũng đã sản xuất ra được hàng trăm con robot cho ANA. Sản phẩm robot hợp tác với ANA của OhmniLabs đã được chọn trao giải thưởng "Sản phẩm tốt nhất cho xã hội 5.0" tại Hội nghị CEATEC Nhật Bản năm 2019 (CEATEC là hội chợ điện tử và công nghệ lớn nhất Nhật Bản tương tự như CES ở Mỹ).

    Bên cạnh việc phát triển robot cho Tập đoàn ANA (Nhật Bản), OhmniLabs cũng làm cho Target – một trong những tập đoàn bán lẻ lớn nhất tại Mỹ. Định hướng của Target thời gian tới là phát triển robot có thể sử dụng tia cực tím để khử khuẩn trên bề mặt ở những nơi có nhiều người lui tới như tiệm ăn, quán cà phê, thang máy... Từ đó, những vi trùng, vi khuẩn sẽ bị tiêu diệt và tránh các bệnh truyền nhiễm, không chỉ Covid-19 mà còn nhiều bệnh lây lan khác.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ