Laptop siêu bền - Cuộc chiến chưa có hồi kết giữa các hãng sản xuất

    PV, Vũ Tùng 

    Chắc hẳn bạn đã từng nghe nói về một chiếc laptop siêu bền có khả năng chống lại tất cả những tác động vật lý cũng như các yếu tố gây hại như đất, nước, bụi bẩn. Hãy cùng tìm hiểu một chút về loại laptop “nồi đồng cối đá” này nhé.

    Trong cuộc sống ngày nay, ứng dụng của máy vi tính đã lan rộng ra tất cả các ngành nghề, nó được sử dụng trong hầu hết mọi công việc. Có nhiều người luôn luôn mang laptop bên mình đi bất cứ đâu và bất kỳ hoàn cảnh nào. Để đảm bảo chiếc máy tính xách tay có thể thích ứng được với nhiều điều kiện khắc nghiệt của môi trường sống cũng như môi trường làm việc, các nhà sản xuất đã ứng dụng rất nhiều công nghệ tiên tiến để tạo ra những sản phẩm có độ bền khủng khiếp. Sau đây chúng ta sẽ cùng tìm hiểu vể sự bền bỉ kinh ngạc của những chiếc laptop đặc biệt này.
     
     
    Đầu tiên, một chiếc latop siêu bền sẽ phải chống lại những tác động vật lý từ bên ngoài xuất hiện trong quá trình sử dụng, đó là sự rung lắc, shock, rơi từ trên cao xuống, bị nước đổ vào, bụi xâm nhập…
     
    Các nhà sản xuất luôn tự mình thử nghiệm thiết bị rồi công bố chúng, tuy nhiên chẳng ai có thể kiểm chứng được trước khi mua về rồi sờ tận tay. Để thuận tiện cho khách hàng cũng như tạo dựng sự tin tưởng, quảng bá thương hiệu, những chiếc latop siêu bền đều được đánh giá theo các tiêu chuẩn chung, phổ biến nhất là MIL-STD-810G.
     
    Đánh giá độ bền
     
    Tiêu chuẩn độ bền MIL-STD-810G được phát triển từ MIL-STD-810 vốn được bộ quốc phòng Mỹ tạo ra vào những năm 1960 để áp dụng vào các loại đồ đạc dùng trong chiến trường. Để đạt chuẩn này, thiết bị phải “sống sót” qua khoảng 28 lần thử nghiệm liên tục trong các điều kiện khắc nghiệt như hoạt động trong nhiệt độ cao, rung lắc lớn và rơi từ trên cao xuống.
     
    Thực tế thì khó có chiếc laptop nào đáp ứng đủ số lượng yêu cầu khổng lồ dài 800 trang của chuẩn MIL-STD-810G nhưng các hãng sản xuất vẫn rất thích khoe khoang các thông số kỹ thuật đạt chuẩn nhằm quảng bá và tiếp thị sản phẩm.
     
     
    Bên cạnh MIL-STD-810G còn có một tiêu chuẩn độ bền khác cũng hay được các hãng sản xuất máy tính xách tay sử dụng là IP65 do Uỷ Ban sản phẩm điện tử Quốc Tế đưa ra. IP là viết tắt của cụm từ Ingress Protection với 2 số đằng sau đại diện cho mức độ chống chịu của sản phẩm.
     
    Số thứ nhất nằm trong khoảng từ 0 – 6, dùng để đánh giá khả năng chịu va đập và chống lại sự xâm nhập của vật thể rắn. Số thứ hai nằm trong khoảng 0 – 8 thể hiện khả năng chống nước. Nếu như một chiếc laptop đạt mức chống chịu cao nhất, nó có thể chịu được áp lực của nước được phun từ vòi rồng cứu hoả từ mọi góc độ ít nhất trong khoảng 2 phút, việc ngâm nước hay đánh rơi máy từ khoảng cách 2 mét đổ lại vẫn chưa thể làm hỏng máy.
     
    So với chuẩn MIL-STD-810G, IP65 tỏ ra đơn giản dễ hiểu hơn tuy nhiên lại không chi tiết và khắt khe bằng.
     
    Sau đây tôi xin giới thiệu 3 chiếc Laptop đặc trưng cho 3 phân khúc: Business Rugged (dòng máy cho những doanh nhân hay phải di chuyển với độ bền cao), Semi Rugged (dòng máy cực kỳ bền bỉ dành cho những người làm việc ngoài trời) và Fully Rugged (dòng máy siêu bền có thể chống chọi lại mọi tác động bên ngoài).
     
    Business Rugged: HP Elite Book 8460p
     
    Có vẻ ngoài khá đẹp mắt và cứng cáp với vỏ nhôm xước, khung máy gia cố bởi hợp kim magie, khớp mở làm bằng titan vững chắc, màn hình được bảo vệ cẩn thận với Display Safe, bàn phím không thấm nước với nhiều khe chống tràn, ổ đĩa cứng bên trong thân máy cũng là loại chịu được rung lắc.
     
     
    HP Elite Book 8460p có giá khoảng 1000$ với cấu hình cơ bản: CPU Intel core i5 2,3GHz, 4GB RAM, HDD 320GB 7200rpm. So với nhiều dòng máy khác thì cái giá này khá đắt, tuy nhiên bạn sẽ nhận được một chiếc máy rất cứng cáp, thoải mái sử dụng khi đi tàu xe máy bay, không sợ va chạm nhỏ, thoải mái uống nước (café)…
     
    Semi Rugged: Dell Latitude E6420 ATG
     
    Chiếc laptop này đạt một số tiêu chuẩn của MIL-STD-810G cho độ dẻo dai, nó có thể chịu lực tác động kha khá từ bên ngoài vào và vẫn sống tốt khi rơi từ độ cao khoảng 1 mét. Ngoài ra, Latitude E6420 ATG còn có ổ cứng chống shock, bàn phím chống nước, các cổng kết nổi có miếng chắn bụi… Dell cũng đưa ra một vài lựa chọn cao cấp hơn như bộ phận chống nước vào các lỗ hổng.
     
     
    Với 1949$, bạn có thể sắm được một chiếc Latitude E6420 ATG có cấu hình CPU Intel Core i5 2,5GHz, 2GB RAM, HDD 250GB 5400rpm. Dell cũng trang bị một màn hình cảm ứng đặc biệt cho dòng laptop này, người sử dụng có thể thoải mái chỉ chỏ trên màn hình ngay cả khi đeo găng tay.
     
    Fully Rugged: Panasonic Toughbook 31
     
    Thuộc dạng “nồi đồng cối đá” khi chinh phục được khá nhiều phần trong chuẩn MIL-STD-810G về chống rung, chống shock, va đập và miễn nhiễm với các yếu tố bên ngoài môi trường như đất, nước. Panasonic Toughbook 31 cũng hoàn toàn đạt chuẩn IP65, nó có thể vượt qua cả những thử thách khắc nghiệt nhất như bị xe kéo trên mặt đường, rơi từ độ cao 2 mét xuống nền cứng, sử dụng trong thời tiết mưa bão…
     
     
    Tất nhiên là khung của Panasonic Toughbook 31 được làm từ hợp kim magie chắc chắn, ổ đĩa cứng là HDD chống shock hoặc SDD, thời lượng pin của nó cũng rất khủng: 20 giờ. Người dùng có thể hoàn toàn yên tâm khi đem chiếc laptop này đi đến bất kỳ đâu, từ núi non hải đảo cho tới những vùng địa cực mà không cần lo lắng về độ bền vật lý.

    Giá của Panasonic Toughbook 31 không hề rẻ: 3328$ với cấu hình CPU Intel Core i3 2,26GHz, 2GB RAM, HDD 160GB 5400rpm, màn hình cảm ứng.

    Tags:
    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ