Tiếp theo phần 1, trong phần này chúng ta sẽ cùng khám phá những chiêu trò của những cửa hàng sữa chữa dịch vụ để xem họ "móc túi" khách hàng tài tình như thế nào.
Chắc các bạn cũng đồng ý với tôi rằng, khi smartphone, máy tính bảng hoặc thiết bị điện tử yêu thích nào đó bị hỏng thì ta đều sẵn sàng đem đi sửa, dù đôi khi phí dịch vụ không hề rẻ, miễn là càng xong sớm càng tốt. Nắm bắt được tâm lý đó, các cửa hàng sửa chữa đồ điện tử có thể đưa ra mức giá “không tưởng”. Vậy chúng ta phải làm sao để hạn chế tối đa khả năng bị “làm thịt”?
Mánh số 6. “Chuẩn đoán cũng mất tiền”
Một số cửa hàng có cung cấp dịch vụ “tận nơi” – bạn thậm chí không cần phải đem thiết bị tới cửa hàng, mà nhân viên sẽ tới nhà bạn nhận máy đem đi sửa. Tuy nhiên, phải rất cẩn thận khi ký kết thỏa thuận giao nhận. Có thể có dòng chữ ghi điều kiện: Trong trường hợp từ chối sửa chữa sau khi cửa hàng báo giá thì bạn sẽ phải trả tiền vận chuyển và phí “khám bệnh” với giá rất chát.
Thoạt nghe có vẻ đúng: bằng cách này, cửa hàng có thể loại trừ được những vị khách "khôn lỏi": thích DIY (tự sửa chữa) nhưng bản thân lại không thể tìm thấy lỗi, và sau khi biết bệnh sẽ muốn mày mò tự sửa. Tuy nhiên, nếu cửa hàng thực sự làm ăn có uy tín và chất lượng thì họ sẽ hỏi khách về hiện tượng hỏng hóc, qua đó dự trù được khối lượng công việc và thông báo khoảng giá trước khi cử nhân viên tới nhận thiết bị. Nếu điện thoại chỉ bị hỏng màn hình nhưng cửa hàng lại hứa sẽ báo giá sau khi chẩn đoán thì bạn nên cảnh giác: rất có thể khoản tiền sửa sẽ không hề nhỏ. Nếu bạn từ chối – họ vẫn sẽ thu của bạn tiền với lời giải thích là tiền "chẩn đoán và giao hàng".
Mánh số 7. "Những công việc không cần thiết"
Những người không đặc biệt thông thạo về công nghệ sẽ dễ bị thợ sửa máy “thuốc” để trả tiền cho những dịch vụ không cần thiết. Thợ đặc biệt thích mơi tiền bằng những công việc "ảo" mà kết quả thực tế rất khó kiểm chứng. Ví dụ, bạn muốn thay màn hình, nhưng lại bị thông báo là trước hết cần "sao lưu toàn bộ dữ liệu" với giá 200K, sau đó là "phục hồi dữ liệu" với giá 100K nữa.
Đừng để bị mất tiền oan vì dịch vụ "sao lưu phục hồi" dữ liệu nhé
Mặc dù, dữ liệu được lưu trong bộ nhớ flash, và khi thay màn hình thì dữ liệu chẳng bị ảnh hưởng gì cả. Và đôi khi họ yêu cầu bạn trả tiền cho những dịch vụ nghe đầy tính “công nghệ cao” nhưng lại rất nực cười như "phí xử lý chống tĩnh điện" (để bụi ít bám hơn lên thiết bị) hoặc "phục hồi dung lượng pin". Tất nhiên đây đều là lừa đảo cả mà thôi.
Mánh số 8. "Yêu cầu trả tiền trước"
Nếu bạn được yêu cầu phải thanh toán trước cho việc sửa chữa hoặc chẩn đoán bệnh thì hãy tháo dép ra cầm tay mà chạy cho nhanh.
Bạn đừng mong có cơ hội được hoàn lại tiền, vì toàn bộ số tiền đó sẽ được “giải thích” bởi những tác vụ bất ngờ mà bạn chẳng thể nào biết được là họ đã thực sự làm hay chưa.
Lý do thường được đưa ra sẽ là “giờ công lao động” – tạm giữ máy trong hai, ba ngày để khám bệnh và chuẩn đoán, và rồi bạn sẽ chẳng thể nói không khi họ thu tiền cho công sức bỏ ra đánh vật với thiết bị trong ngần ấy ngày, mặc dù không ai kiểm chứng được nỗi vất vả ấy.
Mánh số 9. “Sửa chữa khi chưa được đồng ý”
Nói chung, đây là mánh khóe bất hợp pháp, nhưng đôi khi nó cũng được một số cửa hàng áp dụng. Điểm mấu chốt là, nếu thợ thấy thuyết phục bạn sửa chữa là không khả thi do chi phí đắt tiền, thì bạn sẽ được biết về điều đó chỉ ... sau khi việc sửa chữa đã được thực hiện, và bạn bị đặt vào tình huống “việc đã rồi”.
Lý do thì có rất nhiều: Tại sao bạn lại không đồng ý sửa chữa? Chúng tôi đã gọi, nhưng điện thoại của bạn không liên lạc được, hoặc trong hợp đồng có ghi là khi mang máy tới đây tức là bạn đã chấp thuận những điều khoản sửa chữa, kể cả việc “tiền sửa hậu tấu”. Mục đích của bạn là làm cho chiếc máy hoạt động đúng không? Đây, nhận đi này, và vui lòng thanh toán.
Vệ sinh toàn bộ laptop tốn nhiều thời gian và công đoạn hơn so với "xem xét khám bệnh"
Bản thân người viết bài cũng đã bị rơi vào hoàn cảnh tương tự khi đem laptop tới một “bệnh viện laptop” với cơ sở vật chất khá lớn trên đường Lê Thanh Nghị, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Tôi nói với anh thợ là kiểm tra giùm xem máy có bị bụi bẩn quá không mà thấy rất nóng. Anh thợ nhận máy, thổi bụi sơ bên ngoài, lau bàn phím và đòi 300 nghìn tiền “làm sạch laptop toàn bộ”. Tôi không chịu vì anh ta chưa hề hỏi ý mình là có thực hiện vệ sinh laptop toàn bộ hay không, không báo giá trước, mà làm cũng không thấy có tí nào là “toàn bộ” cả, vì đến vỏ máy còn chưa tháo ra. Đôi co một lúc thì người quản lý đến, xin nhận lỗi sơ suất về phía công ty không kịp thời thông báo cho khách hàng về giá cả, và thu 80 nghìn tiền “chuẩn đoán và khám bệnh” cho laptop. Quả thật tôi cạch đến già luôn cái cửa hàng này.
Mánh số 10. "Loạn giá"
Mánh này cũng tương tự như mánh thứ chín, nhưng ở đây bạn được gọi điện báo giá, dù vậy thì vẫn còn quá muộn. Vấn đề rất đơn giản: qua điện thoại bạn được thông báo một giá và cảm thấy phù hợp. Khi bạn mang máy tới cửa hàng, ở khâu tiếp nhận (hoặc nếu cửa hàng cư xử đẹp hơn - sau khi chẩn đoán), bạn lại được cho hay rằng, giá của phụ tùng thay thế từ nhà cung cấp lại vừa tăng cách đây không lâu mà nhân viên cửa hàng chưa kịp cập nhật, hoặc chiếc điện thoại của bạn là loại đặc biệt nên yêu cầu phụ tùng khác có giá đắt hơn so với dự đoán ban đầu. Ví dụ như Samsung Galaxy S4 bản có LTE và không LTE thì module hiển thị khác nhau. Nếu là thợ tốt thì sẽ hỏi rõ điều này ngay khi báo giá qua điện thoại. Mánh này lợi dụng vào tâm lý của khách hàng khi đã bỏ công sức và thời gian đến tận nơi, và thường thì sẽ ngại phải đi tìm một cửa hàng sửa chữa khác. Dù sao thì, thời gian cũng đáng giá hơn cả vàng bạc, phải không nào.
Tạm kết
Bài viết được dựa trên chính kinh nghiệm của người viết bài và được đóng góp bởi bạn bè, người thân kể lại khi họ bị “dính bẫy”. Thông qua 2 phần của bài, chúng tôi hi vọng sẽ giúp được bạn đọc nắm bắt rõ hơn về những nguy cơ “bị móc túi” khi đem đồ điện tử đi sửa chữa hoặc bảo hành. Chúng tôi cũng rất mong được bạn đọc chia sẻ những kinh nghiệm xương máu của bản thân, đồng thời phổ biến rộng rãi cho mọi người biết để hạn chế tới mức tối đa tình trạng “tiền mất tật mang”, phải ôm cục tức ngậm ngùi.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
iPhone 14 Pro Max phát nổ khiến người dùng bị thương
Vụ việc đang tiếp tục được điều tra, làm rõ.
Tại sao nhân loại lại cần đến máy tính lượng tử, chúng được dùng để làm gì?