Lê Đắc Giang - CEO Phê Phim: Từ du học sinh Mỹ đầy mơ mộng đến người xây kênh YouTube đánh giá phim số 1 Việt Nam
Sở hữu kênh YouTube 1,52 triệu người theo dõi, Phê Phim hiện là kênh review (đánh giá) phim đứng đầu thị trường Việt Nam. Tuy nhiên, với nhà sáng lập kiêm CEO Lê Đắc Giang, chừng ấy vẫn chưa đủ. Những con sóng ngầm về lý tưởng luôn thôi thúc chàng trai 30 tuổi tiến về phía trước, theo đuổi mục tiêu xa hơn thế.
Tháng 5/2017, video với tựa đề “Alien: Covenant – Những điều cần biết trước khi xem” xuất hiện trên YouTube. Trong video, một chàng trai trẻ đang mô tả ngắn gọn những gì xảy ra xuyên suốt 5 phần phim của series “Alien”, đặc biệt là nội dung phần 5 “Prometheus”. Phông nền phía sau thi thoảng lại trắng xóa, khiến hình ảnh của cậu phần nào trở nên mờ nhòe. Duy chỉ có giọng nói trầm vang, tự tin là không thay đổi trong suốt thời lượng 4 phút 23 giây của video.
Đó là màn "debut" của Phê Phim, và chàng trai trẻ với giọng nói trầm vang kia chính là nhà sáng lập, CEO Lê Đắc Giang. Nếu dùng ống kính cuộc đời để quay cảnh toàn suốt chặng đường Giang đã đi, đó sẽ là những hình ảnh êm đềm như một bộ phim: Không drama, không cạnh tranh đấu đá, không có sự phản đối gay gắt từ gia đình. Thậm chí chính Giang cũng nhiều lần dùng từ "may mắn" để nói về câu chuyện sự nghiệp của mình.
Tuy vậy, hành trình Giang đã trải qua vẫn là cuốn phim đáng để nghiền ngẫm, vì bất cứ người trẻ nào cũng có thể thấy hình bóng của mình trong đó: Loay hoay với những lý tưởng, mơ hồ trong những hướng đi, nhưng cuối cùng, sẽ luôn tìm ra một đích đến thật sự, thôi thúc bản thân tiến về phía trước.
Phê Phim đã trở thành một kênh review phim đứng đầu thị trường Việt Nam. Cái tên Lê Đắc Giang được cộng đồng mê phim biết đến rộng rãi. Thế nhưng, trước khi quyết định thành lập Phê Phim, Lê Đắc Giang đã làm gì?
Mình học ở Mỹ 4 năm, và do học không đúng ngành lắm nên nếu được quay lại, mình sẽ học ngành gì đó liên quan đến công việc bây giờ hơn, như văn học hay tiếng Anh, rồi tâm lý học chẳng hạn. Mình học kinh tế nên không áp dụng được nhiều.
Tuy vậy mình vẫn không tiếc thời gian ở Mỹ, vì đó là quãng đường cần thiết giúp Phê Phim được như này hôm nay. Mỹ là một nền văn hóa cấp tiến, sang Mỹ giúp mình thay đổi quan điểm và mở rộng khung tư duy. Đó là những năm ông Obama còn làm tổng thống, những năm tháng rất mơ mộng. Nó truyền cho mình lý tưởng phải làm gì đó lớn hơn là chỉ kiếm nhiều tiền. Điều đó vẫn hiện hữu trong mình cho đến bây giờ. Có những lúc lung lay nhưng về cơ bản lý tưởng vẫn ở đó, là ngọn hải đăng dẫn lối cho mình.
Tại sao bạn không ở lại Mỹ mà chọn trở về Việt Nam, và tại sao lại là Phê Phim?
Mình khá thích Mỹ, thích các món Âu, quan tâm Pop culture Mỹ(**) nhưng bên đó không cho mình cảm giác đang ở nhà. Nếu so với hoài bão và mong muốn của mình, thì Việt Nam lại có nhiều thứ để làm hơn. Quan trọng nhất, ở Việt Nam mình vẫn có bạn bè và gia đình. Đặt lên bàn cân niềm vui ở đâu nhiều hơn thì khi đó, Việt Nam vượt trội nên mình về thôi.
Hồi mới đầu về, mình chưa rõ định hướng gì đâu, vẫn có sự mơ mộng bên Mỹ, muốn làm gì đó thật ý nghĩa. Hơn nữa mình cũng không phải quá lo nghĩ về chuyện tài chính nhiều, nên cứ thoải mái thử nghiệm. Đầu tiên mình làm về kinh doanh, sau đó chuyển sang làm ngân hàng. Hai công việc đều không đáp ứng những gì mình mong muốn, về lý tưởng chẳng hạn, cũng như không phải công việc mình thật sự yêu thích, mọi thứ cứ đều đều.
Mất 2 năm thì mình tĩnh lại. Mình nghĩ bây giờ có thể làm gì mà mình vừa thích, vừa có tiềm năng lớn, lại không đòi hỏi vốn cao, câu trả lời đầu tiên là làm YouTube. Khi đó sự quan tâm, hiểu biết lớn nhất của mình là về phim, hơn nữa mình thấy ở Việt Nam chưa có ai thực sự đầu tư làm mảng ấy cả. Mĩnh nghĩ chỉ trong 1 thời gian rất ngắn, mình có thể là người làm tốt nhất mảng này, tại sao không thử nghiệm. Rồi thành công đến khá nhanh, mình cứ làm tiếp tới hiện tại.
(**) Pop culture-Popular culture: Văn hoá đại chúng, chỉ những trào lưu văn hoá gây ảnh hưởng trên toàn thế giới.
Tại sao bạn chọn cái tên là Phê Phim? Phê Phim khác gì với những kênh review phim từng xuất hiện trước đó?
Cái tên Phê Phim là do Yến, khi đó là bạn gái Nhân (đồng sáng lập của Phê Phim) nghĩ ra trong một lần hai người đi chơi. Không chỉ mình mà ai khi nghe xong cũng nghĩ đó là cái tên hoàn hảo, vì dù hiểu "Phê" theo nghĩa nào thì nó cũng đúng với những gì bọn mình làm. Phê là phê bình, phê pha kiểu thích, rồi phê trong phê phán. Hai chữ "Ph" lặp lại nghe cũng bắt tai nữa.
Khi đó, có vài kênh review rồi, nhưng họ chưa đầu tư kể cả về mặt hình ảnh lẫn nội dung. Mình tin mình "nhạy" về việc biết mọi người muốn nghe gì và mình cũng xem nhiều video nước ngoài nên có thể học hỏi. Mình đặt mục tiêu làm về phim rạp vì những phim ấy khá nổi.
Thời điểm đó, series "Aliens" chuẩn bị ra phần 6. Mình đoán mọi người sẽ muốn biết những phần phim trước như thế nào, nên làm video tóm tắt về những phần này. Rồi tiếp sau là "Games of Thrones" (Trò chơi vương quyền), series mình thấy có nhiều giá trị để phân tích sâu hơn những gì mọi người đang xem. Kết quả thu về còn nhanh hơn mình nghĩ và mình tiếp tục làm thêm những video sau.
Giang có nhớ khán giả đã đón nhận những video đầu tiên của Phê Phim thế nào không và cảm xúc của bạn khi đó ra sao?
Đó là những video rất thô sơ, mình làm cùng với bạn đồng sáng lập là Nhân. Nhân chuyên về mặt hình ảnh, chỉnh sửa video, còn mình viết và thu âm. Thiết bị ngày đó cũng đơn giản, mình dùng iPhone 8 để quay, còn Macbook Pro 2017 để chỉnh sửa. Mình không biết khi đó mình có sợ không, chỉ là mình khá tự tin rằng: dù mình làm không quá hay thì vẫn trên mặt bằng chung ở Việt Nam.
Tất nhiên "ném đá" nhiều chứ. Bình luận đầu tiên khiến mình buồn đến từ video "Giải thích phim It", cũng là video đầu tiên của Phê Phim được 1 triệu view. Nó gây sát thương cao vì nó được viết rất tỉ mỉ, và đánh đúng vào những sự tự ti lớn ở bên trong mình. Nhưng chính những bình luận như vậy mới ép mình nhìn nhận khách quan khả năng của bản thân, và không để người khác, dù là khen hay chê định nghĩa mình. Sống vậy dễ đánh mất chính mình lắm.
Gia đình phản ứng ra sao khi Giang quyết định theo đuổi một lĩnh vực hoàn toàn khác những gì được học ở Mỹ?
Mình rất muốn kể một câu chuyện ly kỳ nhưng thật ra gia đình ủng hộ và bản thân mình cũng không gặp chướng ngại nhiều. Hơn nữa, may mắn là kênh YouTube Phê Phim có kết quả khá nhanh, bố mẹ và bạn bè đều tin tưởng kênh này sẽ lớn mạnh nên không ý kiến gì cả.
Cụ thể hơn đi, Phê Phim đã tăng trưởng như thế nào?
Mình không nhớ chính xác nhưng series "Game of Thrones" chúng mình làm là mùa 7. Lượt view mỗi video tăng dần theo từng tập, trung bình mỗi tập gần 100.000 view, con số khá lớn. Nhưng thời điểm lớn nhất, khi mình bắt đầu tin những gì mình đang làm là đúng đắn chính từ video về phim "It", phim kinh dị ở rạp. Như mình đã nói ở trên, rất nhanh chóng video được 1 triệu view, củng cố niềm tin của mình rằng kênh này có thể phát triển được.
Thật ra trước đó mình vẫn rất mông lung. Vì khi gần hết "Game of Thrones", bọn mình không nghĩ ra series nào có thể phân tích được nhiều thứ như vậy nữa. Và mình xác định view sẽ tụt kiểu 5-6 lần là chuyện bình thường. Video về phim "It" khi đó làm cho vui thôi, may mắn là video đi lên. Nhờ vậy, bọn mình không "chơi" với dòng TV series nữa mà chuyển hẳn sang phim chiếu rạp. May mắn sau đó, nhiều phim rạp cũng nổi lên khiến mọi người quan tâm đến video của bọn mình, ví dụ phim của Marvel chẳng hạn.
Đến nay Phê Phim đã sản xuất khoảng 1.800 video. Mình luôn ngỡ ngàng khi nhìn lại vì mình cũng không nghĩ lại nhiều thế.
Nhiều ý kiến cho rằng với những phim hay thì Phê Phim lại "chấm" rất chặt tay và ngược lại. Giang nói sao về điều này?
Mình biết khi mình review phim cũng có người bình luận bảo thiên vị quá chẳng hạn, phim này khen mà phim kia lại chê,… Thật sự đó là điều khó nhất. Xem phim, đánh giá phim là hoạt động chủ quan và không thể luôn luôn như cỗ máy được. Đôi khi mình cũng đưa ra quyết định sai lầm.
Có những phim mình không thích, nhưng phải cố nghĩ cách để tiết chế lại. Vì vậy, video thiếu tự nhiên, mất đi bản sắc của mình. Nếu được quay lại, mình nghĩ mình sẽ tự tin hơn vào những điều mình nói, tất nhiên công bằng hơn nhưng sẽ không thỏa hiệp.
Được biết, cha của bạn là nguyên Tổng giám đốc một Ngân hàng lớn, còn anh trai là nhà sáng lập một startup đình đám ngành du lịch, Giang có chịu áp lực về việc phải thành công không?
Mình chưa bao giờ bị áp lực cả, và mình biết ơn gia đình mình mỗi ngày vì việc đó. Mình cũng không so sánh vì đó là một phép so sánh khập khiễng. 3 người đang đi những con đường hoàn toàn khác nhau cơ mà. Hơn nữa, phải nhờ bố và anh có được thành công ở những con đường kia, thì mình mới được ung dung đi con đường rất khác này chứ.
Giang đã làm thế nào để những người khác tin tưởng và đi theo mình, ở thời điểm mọi thứ vẫn còn chưa rõ ràng như bây giờ?
Mình cần có mục tiêu rõ ràng rằng sau này sẽ đi đến đâu, chứ không chỉ làm cho vui. Quan trọng là mình rất may mắn khi tìm được những người đồng đội đáng tin cậy, họ tin tưởng vào mình và mọi người đều rất yêu thích phim nữa.
Để trở thành nhân viên của Phê Phim, yêu thích phim ảnh có phải là một tiêu chí bắt buộc?
Hiện tại việc tuyển người với Phê Phim khá là khó. Đấy phải là người vừa viết lách hay, vừa thích phim, vừa hạnh phúc với một công việc có thể không mang lại cho họ quá nhiều thu nhập so với làm chỗ khác.
Một trở ngại nữa đến từ việc viết lách ở Việt Nam chưa được quá coi trọng nữa. Hay ngay cả trên YouTube, tiền YouTube trả cho mỗi view tại Việt Nam kém khoảng 10 lần so với nước ngoài, nên niềm đam mê cũng khó duy trì. Mình phải thừa nhận là rất khó tìm được người chấp nhận đánh đổi, và mình đang cố gắng để thay đổi điều đó.
Giang có thể sống bằng đam mê vì phía sau Giang có gia đình, nhưng những người đi theo Giang thì sao?
Bây giờ vẫn ổn nhưng mình mong có thể tốt hơn nhiều nữa. Và đấy là lý do mình thức dậy mỗi ngày: Tạo được một mô hình nào đó mà bằng việc sản xuất nội dung, mọi người được trả một mức thù lao xứng đáng. Hiện tại mình nghĩ là mình có định hướng rồi, tuy hơi khó khăn nhưng mình tin rằng nó khả thi.
Giang có thể chia sẻ rõ hơn về hướng đi này được không?
Thực ra, điều mình nhìn thấy là nghề viết ở Việt Nam theo nguyên lý Diminishing Returns, nghĩa là đến một mức nào đó, bạn cố gắng gấp 2-3 lần thì kết quả không nhân 2-3 lần. Đôi khi mình càng làm tốt chuyên môn lại càng ít view (lượt xem), đó là nghịch lý. Như vậy nếu thuần tài chính, mình có lẽ chỉ cần làm nội dung đơn giản, dễ tiêu hóa, không cần đầu tư nhiều chất xám?
Đây là bài toán mình mất khá nhiều thời gian nhưng không giải được. Nhưng sau đó mình nhìn ra một hướng, đó là nâng tầm nội dung của mình cao hơn nữa đi, tiếp cận khán giả nước ngoài, nơi mà mỗi view có thể đem lại số tiền gấp 10-20 lần. Khi mình tiếp cận được họ, mình có thể đạt được con số tài chính mà các bạn Phê Phim xứng đáng.
Gần đây mình bắt đầu xây dựng đội ngũ dịch thuật tiếng Anh. Mình cũng đang vừa cố gắng tự học, vừa tìm kiếm thêm người đồng hành nữa, đặc biệt là những bạn học văn học nước ngoài.
Giang từng trăn trở nhiều về lý tưởng, vậy sau 5 năm khởi nghiệp, lý tưởng của Giang có còn là kiếm nhiều tiền nữa không?
Vẫn là kiếm nhiều tiền, nhưng như mình chia sẻ, mình không quá quan trọng chuyện đó. Mình có thể sống mơ mộng nhưng những người theo mình thì không được may mắn như vậy. Mình cần cố gắng để mọi người có sự an tâm khi theo đuổi đam mê. Lý tưởng của mình vẫn là làm gì đó tốt cho xã hội. Ngay việc đưa mọi người đến với phim thôi đã tốt rồi, vì phim là thứ giúp chúng ta tìm được cảm xúc bên trong, lắng nghe được con người thật của chúng ta, chứ không chỉ chạy đua bên ngoài.
Khi thành công ở nước ngoài, mình sẽ tiếp cận nhiều vấn đề hơn, không chỉ là Phê Phim nữa. Mình sẽ tìm những cây viết khác mà ở Việt Nam, vốn có nhiều điều thú vị nhưng vì họ không nhận được thành quả xứng đáng nên không viết chẳng hạn. Nếu giờ nội dung của họ được chuyển hóa ra nước ngoài, họ thu được nhiều tiền hơn từ nội dung đó thì đấy cũng là việc ý nghĩa.
Với một xã hội, việc viết lách rất quan trọng. Mình thấy ở Việt Nam khi có sự việc nào đó xảy ra, mọi người bàn tán xíu thôi, rồi bày tỏ qua vài bài đăng trên Facebook, và sự việc cứ thể trôi qua, không rút ra bài học nào cả. Ví dụ như đạo nhạc, đạo văn xử lý thế nào chẳng hạn. Chưa có bài viết đủ hay để mọi người cùng nhau suy ngẫm và tìm ra giải pháp, nên cứ bế tắc mãi.
Lý tưởng là mình sẽ khiến cho việc viết lách được coi trọng hơn, tìm được người viết hay hơn để họ viết nhiều hơn, để mọi người đọc nhiều hơn. Theo mình thế là đã tạo ra thay đổi rất tích cực cho xã hội rồi. Mình sẽ tiếp tục theo đuổi điều ấy. Việc Phê Phim đánh ra nước ngoài thành công sẽ là bước đầu tiên của kế hoạch.
Một tuần Giang thường xem bao nhiêu bộ phim?
Cũng tùy giai đoạn, có lúc mình bị không thích phim nữa, kiểu xem nhiều quá hoặc việc xem trở thành công việc nên không còn thấy hứng thú. Hoặc có chuỗi dài xem toàn phim chán thì mình lại thế. Tất nhiên hồi đầu thôi, vì bản chất công việc là về phim, nên mình phải tìm cách đưa bản thân trở về. Có những phim hay như gần đây là "The Batman" hay "Top Gun 2", xem những phim đó sẽ làm sống lại tình yêu phim trong mình.
Nhiều khán giả cứ thấy phim Việt chiếu rạp là tự động bỏ qua, Giang nghĩ sao về điều này?
Cũng không phải không công bằng nếu nhìn vào lịch sử của phim chiếu rạp Việt Nam.
Nhưng đôi khi định kiến về phim cũng sẽ có tác động tiêu cực, và là sự khó tính hơi quá đà, kiểu phim gì mình đặt tâm trạng không thích thì mình sẽ bới ra một đống lỗi. Nhưng đặt tâm thế khác thì mình sẽ bỏ qua và tận hưởng tốt hơn. Tóm lại mình thấy vấn đề ở cả 2 phía. Để khán giả bớt nhìn kiểu này, phim Việt cũng cần hay hơn.
Cụ thể, bạn nghĩ phim Việt chiếu rạp cần cải thiện vấn đề gì?
Chủ yếu vẫn là về kịch bản, vẫn là vấn đề viết. Như mình nói đấy, việc viết ở Việt Nam vẫn chưa được coi trọng, và chính vì không được coi trọng nên không có nhiều người viết hay, không có kịch bản hay.
Riêng mình là người xem thì mình coi trọng cốt truyện, thậm chí không coi trọng phần hình ảnh nhiều. Mình thấy phim Việt làm hình ảnh không thua kém gì nước ngoài đâu. Nhưng nếu câu chuyện không hay thì không có gì đáng nhớ, và đó là điều khá buồn.
Có phim Việt nào khiến Giang ấn tượng không?
Đa số phim có kịch bản hay là phim remake (làm lại) của nước ngoài. Gần đây có "Anh trai yêu quái" làm lại phim của Hàn Quốc. Phim có nhiều biến thể trong kịch bản để hợp với Việt Nam, và có điểm cải thiện hơn bản gốc. "Em là bà nội của anh" cũng là một phim có cấu trúc tốt nhưng vẫn là remake.
Phim nước ngoài thì sao, có phim nào bạn thích xem và có thể xem lại nhiều lần?
Nhiều chứ. Mình thích những phim kiểu như mình không thể nắm bắt hết cái hay ngay lần xem đầu tiên. Đôi khi chỉ một cái nháy mắt của nhân vật thôi cũng đủ để nói lên ông ấy là người thế nào, và mối quan hệ của ông với người được nháy mắt ra sao.
Phim Giang thấy có được điều đấy là The Batman, một phim cực kỳ ấn tượng. Mình không nghĩ một phim thương mại lại có thể nghệ thuật đến mức đấy. Đó là một sự cân bằng rất hoàn hảo mà gần đây mình không thấy nhiều ở phim rạp nữa. Hay Top Gun 2 cũng là phim làm được điều tương tự, vừa đáp ứng về mặt đại chúng, vừa có độ sâu sắc để chạm vào cảm xúc của mình. Đó là những phim mình có thể xem lại nhiều lần. Top Gun 2 mình cũng định tuần này sẽ xem lại lần 3.
Để xây một kênh YouTube như Phê Phim, Giang có thể tiết lộ chi phí bỏ ra là bao nhiêu không?
Bắt đầu một kênh như Phê Phim dễ và rẻ lắm. Không cần học gì cả, dụng cụ thì chắc đa số mọi người có sẵn rồi, như là máy tính để chỉnh sửa và điện thoại để quay. Thường sẽ phải mua thêm một chiếc micro thôi. Và mình sẽ khuyên mọi người mua loại xịn chút vì âm thanh rất quan trọng, hơn cả hình ảnh.
Ngoài ra, bạn cần kỹ năng viết lách khá, khả năng nói lưu loát và content gì đó hay ho để khán giả muốn nghe. Điều này khá chủ quan nhưng mình nghĩ chủ kênh cần đủ nhạy để nhận ra khán giả muốn gì và cung cấp cho họ đúng thứ họ muốn.
Khi nào kênh của Giang bắt đầu có thu nhập từ YouTube?
Tiền bọn mình có nhanh lắm. YouTube là thế, kênh có view và có người xem quảng cáo là họ trả tiền. Hiện tại Phê Phim có 3 nguồn thu chính, tiền quảng cáo từ YouTube, tiền từ các nhà tài trợ và cuối cùng là bộ phận sản xuất content cho các bên doanh nghiệp theo yêu cầu.
So với thời điểm Giang xây dựng kênh cách đây 5 năm, theo bạn, đến giờ, YouTube còn là mảnh đất màu mỡ với các nhà phát triển nội dung không?
YouTube vẫn màu mỡ, nếu bạn không chỉ trông mong vào tiền YouTube trả, bởi YouTuber Việt thuộc nhóm được trả ít tiền nhất trên thế giới. Hãy kiếm nhà tài trợ từ bên ngoài. Hoặc hãy sản xuất nội dung bằng tiếng Anh, phục vụ cho người xem trên toàn cầu. Đây là đang là bước đi tiếp theo, và rất quan trọng với tương lai của Phê Phim.
Có ý kiến cho rằng YouTuber vốn là nghề không đặt ra yêu cầu quá cao về bằng cấp hay trình độ học vấn nên ai làm cũng được, Giang nghĩ sao về điều này?
Làm dễ nhưng để kiếm ra tiền lại là chuyện khác. Nói chung cũng tùy vào việc người làm mong muốn điều gì. Ví dụ nếu người đó sống lý tưởng, không quan trọng về tiền, có tài chính ổn rồi thì ok, bạn hãy làm đi. Còn một người muốn cân bằng cả hai, vừa muốn theo đuổi lý tưởng vừa muốn giàu, thì sẽ hơi khó.
Mình nghĩ bạn không thể giàu nhờ kiếm tiền YouTube trả ở Việt Nam đâu. Người xem Việt Nam không được các nhà quảng cáo ở nước ngoài đánh giá cao, tức là họ cho rằng người xem Việt không đủ chịu chi bằng các khán giả nước ngoài. Nếu muốn giàu từ YouTube thì hơi bất khả thi, trừ khi bạn tìm thêm được nguồn quảng cáo từ bên ngoài hoặc kênh YouTube bạn xây thuộc hàng top của top.
Cảm ơn Giang về cuộc trò chuyện.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Sự thật từ nghiên cứu khoa học: Chơi trò chơi điện tử có ảnh hưởng bất ngờ đến chỉ số IQ của trẻ em!
Trò chơi điện tử từ lâu đã là chủ đề gây tranh cãi khi nhắc đến ảnh hưởng của chúng đối với trẻ em. Trong khi nhiều ý kiến chỉ trích việc chơi game có thể gây hại cho sự phát triển trí não, thì một nghiên cứu khoa học đã mang đến cái nhìn khác biệt, cho thấy mối liên hệ tích cực giữa việc chơi game và sự gia tăng trí thông minh ở trẻ nhỏ.
Những tiểu tiết bạn có thể đã bỏ qua trong trailer The Witcher 4