Financial Times gần đây đã đăng một bài báo phân tích chi tiết những hệ quả của việc Mỹ kiểm soát xuất khẩu chip đối với Trung Quốc.
Lệnh cấm mới nhất của chính phủ Mỹ đối với việc Trung Quốc mua lại công nghệ cần thiết để sản xuất chip tiên tiến được cho là sẽ làm chậm sự phát triển của các đối thủ cạnh tranh với Mỹ trong lĩnh vực chip hiệu suất cao.
Tuy nhiên, theo Financial Times, các nhà hoạch định chính sách của Mỹ dường như không đánh giá đầy đủ hệ quả của việc “chia đôi” chuỗi cung ứng chất bán dẫn của thế giới. Điều này sẽ gây tốn kém hơn nhiều đối với các nhà sản xuất phương Tây và khách hàng của họ. Ngoài ra, về lâu dài, việc Mỹ cấm công nghệ Trung Quốc sẽ làm tăng giá các loại chip.
Mỹ chiếm 12% thị trường chip toàn cầu, nhưng các công ty tại Mỹ không thể sản xuất hàng loạt chip cao cấp. Bất chấp sự chậm trễ này, Mỹ vẫn duy trì ảnh hưởng to lớn đối với nguồn cung chip toàn cầu và nhiều giai đoạn của quy trình sản xuất chất bán dẫn, bao gồm: thiết kế, nghiên cứu, phát triển, sản xuất và thử nghiệm chip - dựa vào các công nghệ có nguồn gốc từ Mỹ. Điều này đặc biệt đúng với máy móc cần thiết để chế tạo ra những con chip tiên tiến nhất.
Được biết, Mỹ là quê hương của ba nhà sản xuất máy móc chế tạo chip lớn: Lam Research, KLA Corporation và Applied Materials. Các nhà sản xuất máy móc của phương Tây khác, chẳng hạn như ASML ở Hà Lan, có thể không trực tiếp chịu lệnh cấm của Mỹ, nhưng tình hình này có thể thay đổi trong tương lai.
Boris Murmann - Giáo sư kỹ thuật tại Đại học Stanford và là chuyên gia về thiết kế chip và công nghệ máy học (Machine Learning) - cho biết: "Câu hỏi lớn là làm thế nào Trung Quốc có được máy móc chế tạo chip. Những con chip mới nhất được chế tạo bằng quy trình 5 nanomet. Máy móc để làm ra những con chip này đã được phát triển trong hơn 15 năm. Trung Quốc không thực hiện nghiên cứu và phát triển những con chip này từ sớm là một sai lầm và độ trễ thời gian của họ là rất lớn."
Theo Financial Times, lệnh cấm của Mỹ nhằm mục đích duy trì khoảng cách công nghệ khoảng hai thế hệ giữa năng lực sản xuất chip của Trung Quốc và phần còn lại của thế giới.
Mark Li - nhà phân tích chất bán dẫn của Bernstein ở Hồng Kông – cho rằng, các hạn chế sẽ không được điều chỉnh theo sự tiến bộ của công nghệ hoặc khi thời gian trôi qua, mà lệnh cấm mới nhất là để duy trì vị trí dẫn đầu lớn nhất có thể của Mỹ, và điều đó có nghĩa là các giới hạn có thể sẽ mở rộng theo thời gian.
Công nhân tại một nhà máy ở Quảng Đông (Trung Quốc) đang kiểm tra các mạch bán dẫn. Ảnh: AFP
Nhiều bên chịu ảnh hưởng
Financial Times đề cập rằng, các nhà sản xuất chip Trung Quốc sẽ chịu tác động trực tiếp nhất và nhóm rất đông các công ty công nghệ Trung Quốc cũng sẽ chịu tác động ở cấp độ thứ hai.
Nhưng Financial Times cũng lập luận rằng, những rủi ro do các biện pháp kiểm soát xuất khẩu mới nhất của Mỹ gây ra cho các nhà sản xuất phương Tây là gấp đôi.
Một mặt, Trung Quốc có thể thực hiện lệnh cấm xuất khẩu công nghệ của riêng mình. Mặt khác, việc cung cấp chip giá rẻ của Trung Quốc cho phương Tây phụ thuộc ở một mức độ nhất định vào việc cung cấp máy móc chế tạo chip và quyền sở hữu trí tuệ. Nếu Trung Quốc không thể thay thế dây chuyền sản xuất và quyền sở hữu trí tuệ cũ kỹ của mình, thì những con chip giá rẻ của họ có thể không còn hoạt động ở Mỹ hay bất kỳ nơi nào khác.
Bất luận như thế nào, chi phí sẽ tăng lên đối với các nhà sản xuất phương Tây và khách hàng của họ, vì trong 5 năm qua Trung Quốc đã âm thầm chiếm lĩnh thị phần đối với những con chip giá rẻ hiện được sử dụng trong hầu hết các thiết bị điện tử tiêu dùng và công nghiệp.
Donghwan Kim - Giám đốc điều hành của công ty đầu tư mạo hiểm tập trung vào công nghệ Hana Ventures - cho biết, các nhà sản xuất chip Trung Quốc đang bắt kịp nhanh hơn nhiều so với bất kỳ dự đoán nào về thị phần chip xử lý trưởng thành, và lợi thế của Trung Quốc nằm ở khả năng bán chip với giá thành thấp hơn nhiều so với các đối thủ cạnh tranh toàn cầu.
Cuối cùng, Financial Times chỉ ra rằng, lệnh cấm của Mỹ sẽ làm tăng chi phí của mọi lĩnh vực, từ công nghệ sinh học, tài chính, lái xe tự hành đến trí tuệ nhân tạo (AI)… và làm giảm khả năng cạnh tranh của các sản phẩm Trung Quốc, các công ty Mỹ nhập khẩu hoặc sử dụng chip giá rẻ do Trung Quốc sản xuất cũng sẽ bị ảnh hưởng.
Ví dụ, thị trường camera giám sát toàn cầu do các công ty Trung Quốc thống trị, với Hikvision và Dahua Technology kiểm soát khoảng 60% thị trường. Đối với phân khúc tiêu dùng, thị phần toàn cầu về xe điện, điện thoại thông minh và dịch vụ đám mây của Trung Quốc đang mở rộng nhanh chóng.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Nhà toán học Việt Nam có khám phá kép, giúp trường đại học Mỹ duy trì vị thế dẫn đầu thế giới về đại số
Giáo sư Phạm Hữu Tiệp cho biết các khám phá của ông thường sẽ nảy sinh tại thời điểm mà ông ít mong đợi nhất. "Đó có thể là lúc mà tôi đi dạo với các con, hoặc làm vườn với vợ, hoặc hí hoáy gì đó trong bếp", ông nói.
Vừa đoạt giải Nobel, “Cha đỡ đầu của AI” đã thẳng thừng chỉ trích Sam Altman, tuyên dương một học trò cũ vì từng sa thải CEO OpenAI