Lịch sử các thương hiệu máy ảnh từ thời Liên Xô - hành trình của sự "sao chép"
Khi nói về sản phẩm máy ảnh của đất nước này, nhiều nhiếp ảnh gia thời đó sẽ nghĩ ngay đến những chiếc máy ảnh được thiết kế tinh xảo nhưng có giá cả hợp túi tiền.
Nhân dịp vừa qua có thông tin dòng máy Zenit sắp được hồi sinh và kèm theo đó là tuyên bố "mạnh miệng" sẽ cạnh tranh với dòng máy ảnh cao cấp Leica huyền thoại, chúng tôi sẽ điểm qua lịch sử của các hãng máy ảnh nổi bật Liên Xô ngày xưa và vì đâu mà họ lại tự tin khi tuyên chiến với một hãng lừng danh đến từ Đức.
Di sản thế giới
Khi nhìn lại lịch sử của những dòng máy ảnh xưa, chúng ta thường bắt gặp những tên tuổi bắt nguồn từ Nhật (chẳng hạn như Asahi Pentax, Olympus, Contax, Nikon, Canon, Ricoh, Mamiya, Konica, Minolta, Bronica), Đức (Leica, Rollei, Agfa, Plaubel, Ihagee, Zeiss Ikon) và Mỹ (Kodak, Argus, Polaroid).
Nhưng hình như có gì đó mà chúng ta đã quên nhắc đến? Vậy còn Liên Xô thì sao? Khi nói về sản phẩm máy ảnh của đất nước này, nhiều nhiếp ảnh gia thời đó sẽ nghĩ ngay đến những chiếc máy ảnh được thiết kế tinh xảo nhưng có giá cả hợp túi tiền.
Trui rèn trong máu, sắt... và cả "vay mượn"
Trước thời kỳ thành lập Liên Bang Xô Viết năm 1922, hầu hết các sản phẩm máy ảnh của Nga đều là ngoại nhập. Thực tế, nhà máy sản xuất máy ảnh đầu tiên cho Liên Xô được xây dựng tại Kharkov, Ukraine. Thời điểm đó, nhà máy này chỉ có thể sản xuất những vật dụng cho máy móc chứ chưa hẳn là sản xuất máy ảnh. Đến tháng 12/1927, nhà máy này được cải tân lại và đổi tên theo Felix E. Dzerzinsky, người sáng lập ra NKVD (tiền thân của KGB - Ủy ban An ninh Quốc gia).
Do tên này khá dài nên cuối cùng nhà máy lại được viết tắt thành FED. Trong thời gian đầu, nhà máy này vẫn chỉ đóng vai trò sản xuất các máy khoan điện. Nếu bạn là người đã từng chơi qua máy ảnh cổ, chắc khi nhắc đến tên FED này hẳn sẽ đoán ra ngay thương hiệu này đã sản xuất ra chiếc máy ảnh đầu tiên cho Nga. Tuy có tuổi đời khá lâu nhưng hiện tại trên Ebay lẫn các chợ bán máy ảnh phim ở Việt Nam vẫn còn xuất hiện khá nhiều máy ảnh mang thương hiệu này.
Tuy nhiên, quay lại vấn đề chính, có ai thắc mắc rằng vì sao FED ban đầu chỉ sản xuất máy khoan nhưng sau đó lại có thể cho ra được chiếc máy ảnh đầu tiên tại Nga không? Câu trả lời cũng không mấy khó khăn, đơn giản là vì họ quyết định ăn cắp thiết kế từ các đối thủ ở quốc gia khác!
FED (1932 - 1996)
Năm 1932, Leica II - chiếc máy ảnh rangefinder đến từ Đức lần đầu tiên có ống ngắm gắn sẵn trên thân máy đã tạo một cuộc cách mạng lớn trong thế giới máy ảnh thời điểm đó. Các lãnh đạo Xô Viết đã bị sửng sốt bởi vẻ sang trọng trong thiết kế lẫn sự hoàn hảo trong cơ khí của chiếc máy ảnh này, chính vì thế họ đã cho dừng việc nhập khẩu các thiết bị nhiếp ảnh và yêu cầu FED hãy làm một chiếc máy ảnh giống với Leica II.
Kết quả là nhà máy này đã cho ra chiếc FED 1, một bản sao y hệt Leica II, mặc dù có phần hơi thô sơ và không hoàn mỹ như Leica đã làm. Và tất nhiên ống kính đi kèm với FED 1 đến từ hãng Industars của Nga, có nét tương đồng với thiết kế của ống kính Elmar đến từ Đức.
Sau đó, FED đã sản xuất hàng loạt máy ảnh FED 1 trong khoảng thời gian từ năm 1932 cho mãi đến năm 1941, khi quân đội Đức phá hủy nhà máy này. Đến năm 1946, nhà máy FED lại được xây dựng lại và tiếp tục sản xuất thêm nhiều mẫu máy ảnh rangefinder cho đến năm 1996.
Krasnogorsky Mechanicheskiy Zavod (1942 - 2004...sẽ hồi sinh năm 2016?)
Krasnogorsky Mechanicheskiy Zavod là nhà máy sản xuất ống kính của Nga, được biết đến với tên viết tắt là KMZ. Hoặc nếu vẫn chưa nhận ra được tên này thì những ai đã từng sử dụng qua máy ảnh phim chắc hẳn sẽ biết đến những thương hiệu sau: Zorki, Zenit, Moskva hoặc Horizon.
KMZ đã từng gia công tất cả những máy ảnh thuộc các thương hiệu trên, và là hãng sản xuất chính cho cả máy ảnh và ống kính ở Liên Xô. Những chiếc máy ảnh của họ phần lớn được xem như là các tác phẩm kinh điển, mang linh hồn là tinh túy của nước Nga, mặc dù phiên bản đầu tiên của 3 thương hiệu này đều "ăn cắp" ý tưởng từ các sản phẩm đỉnh cao của nước ngoài (Zorki giống với Leica, Mosvka giống với Zeiss Ikon và Horizon giống với Panon Widelux).
Những sản phẩm của Zorki ban đầu đều là "bản copy" của FED 1 và Leica II, thậm chí những phiên bản sau dù có cải tiến nhưng vẫn mang nặng hơi hướng của Leica. Quá trình sản xuất của Zorki kết thúc vào năm 1978, sau 30 năm phát triển và lắp ráp.
Về phần Zenit, đây là thương hiệu máy ảnh nổi tiếng nhất của Nga, và đa phần sản phẩm của họ đều là máy ảnh gương lật (SLR). Chiếc máy ảnh đầu tiên của Zenit được sản xuất vào năm 1952 và lấy ý tưởng theo chiếc rangefinder của Zorki, tuy nhiên thay vì giống hoàn toàn rangefinder thì Zenit đã thay đổi phần gù ngắm và gương lật cho giống với dòng máy SLR hơn. Bên cạnh đó, khoảng ngàm lắp ống kính M39 cũng được đẩy ra thêm phía trước để tạo khoảng không gian để cho gương lật vào.
Zorki và Zenit là 2 trong một vài tên tuổi máy ảnh được xuất khẩu nhiều nhất của Nga nhờ giá thành phải chăng cùng thiết kế chắc chắn và ngày càng tinh tế hơn ở những phiên bản sau, không kém cạnh gì so với các thương hiệu đến từ Đức. Tuy được biết đến là một thương hiệu chuyên ăn cắp ý tưởng trong thời gian đầu, những phiên bản sau này của Zenit đã được cải tiến hơn và có hướng thiết kế riêng, không còn đi theo hình bóng của những tên tuổi lớn khác.
Đơn cử là Zenit-EM, một chiếc máy ảnh được thiết kế khá đẹp, ngay cả việc lắp ráp cũng được làm rất tỉ mỉ và tinh tế. Ngoài ra, chiếc Zenit-122 cũng được khá nhiều nhiếp ảnh gia lựa chọn, trong đó có cả phiên bản Zenit-122K loại bỏ ngàm ống kính M42 sang ngàm K của Pentax.
Năm 2004, Zenit-KM Plus là model cuối cùng được sản xuất tại nhà máy Krasnogorsk và kể từ một năm sau đó không còn bất kỳ chiếc máy ảnh nào được sản xuất tại xưởng này. Tuy nhiên, với lần thông báo gần đây, thương hiệu Zenit sẽ được hồi sinh sau 1 thập kỷ vắng bóng, nhưng nhiều khả năng sẽ được sản xuất với số lượng ít, chất lượng được nâng cao hơn và tất nhiên là giá bán ra cũng sẽ ngất ngưỡng không thua gì Leica.
Một thương hiệu "trùng ý tưởng khác" chính là những chiếc máy ảnh Moskva, chụp phim khổ trung 6x9 (medium format, lớn hơn 35mm) sử dụng thiết kế phần lớn giống với Ziess Ikon Ikonta và Zeiss Ikon Super Ikonta của Đức.
Còn về máy ảnh phim chụp Panorama? Nga cũng không chịu thua khi góp mặt với sản phẩm thương hiệu Horizon. Tuy nhiên, đây cũng không phải là máy ảnh được tự thiết kế hoàn toàn, thay vào đó họ lại tiếp tục ăn theo ý tưởng của Panon Widelux - thương hiệu đến từ Nhật Bản. Horizon S3 Pro là model cuối cùng được sản xuất tại nhà máy KMZ và cũng bị "khai tử" vào năm 2003. Tuy nhiên, 2 năm sau thương hiệu này lại may mắn được LOMO mua lại và hồi sinh với 2 máy Horizon Perfekt và Horizon Kompakt.
Xưởng máy ảnh Arsenal (1957 - 2009)
Xưởng sản xuất Arsenal tại Kiev, Ukraine là một trong những xưởng nổi tiếng nhất thời kỳ tiền Liên Xô. Cũng giống với cái tên (Arsenal - xưởng làm vũ khí), đây là nơi chuyên ản xuất nhiều loại vũ khí cũng như pháo hạng nặng cho quân đội. Bên cạnh đó, họ cũng góp công trong việc sao chép dòng máy ảnh Hasselblad nổi tiếng thành sản phẩm của Liên Xô, mang tên Kiev. Mặc dù được sản xuất tại Ukraine nhưng chiếc máy này cũng được xem như biểu tượng của Liên Bang Xô Viết từ thời đó cho đến nay.
Về cơ bản, chiếc Kiev 88 là máy ảnh khổ trung Medium Format (có nickname Hasselbladski) được làm dựa theo thiết kế của Hasselblad 1600F và bắt đầu đưa vào quy trình sản xuất hàng loạt từ năm 1957. Vào thời điểm này, ngàm của Kiev 88 khá kén và chỉ sử dụng đúng ống kính của họ. Nhận thấy điều này, Kiev cho ra đời Kiev 88CM vào năm 1999 và áp dụng ngàm Pentacon Six. Nhờ vậy, các máy ảnh của Kiev thời gian này bắt đầu được ưa chuộng nhiều hơn do có nguồn ống kính đa dạng hơn trước.
Trong số những thương hiệu này, cũng có một cái tên mà sau này cũng nhiều người để ý đến - Arax. Đây là hãng đã mua lại quy trình sản xuất của Kiev trong đầu những năm 2000 và tiến hành cải tiến sản phẩm. Những chiếc máy ảnh của Arax được xem có chất lượng cao hơn Kiev trước đây, và khi kết hợp với ống kính Carl Zeiss Jena (sử dụng ngàm Pentacon Six) có thể cho ra những bức ảnh rất đẹp.
Tuy nhiên, cuộc vui cũng có lúc tàn, đến tháng 11/2009, Gevorg Vartanyan, người đứng đầu của Arax thông báo nhà máy Arsenal buộc lòng phải đóng cửa sau 245 năm hoạt động, dù Arax vẫn còn một số hàng tồn kho bên trong nhà máy.
LOMO (1914 đến nay)
Cuối cùng, một thương hiệu mà có lẽ đến ngày nay được nhiều người biết đến - LOMO. LOMO được viết tắt từ Leningrad Optical Mechanical Association, nhà máy sản xuất của hãng này ban đầu được thành lập váo năm 1914 dưới sự hợp tác giữa Pháp và Nga, nhưng thời điểm này họ hầu như chỉ sản xuất ống ngắm cho súng để phục vụ thời chiến trước khi bắt đầu sản xuất máy ảnh vào năm 1925.
Vào những năm 30 của thế kỷ trước, LOMO cũng theo bước Zorki và FED, có nghĩa hãng này cũng "tạm mượn" ý tưởng từ Leica II và đặt tên máy là VOOMP 1.
Như vậy có thể thấy, Leica II chính là sản phẩm tạo nguồn cảm hứng cho toàn bộ nền công nghiệp máy ảnh ở Nga, và thời đó hầu như máy ảnh nào cũng có nét giống nhau nhờ Leica mà ra.
Được biết, LOMO là một trong những nhà sản xuất ống kính lớn nhất tại Nga hiện nay và họ đã sản xuất ra rất nhiều sản phẩm độc đáo, từ máy ảnh cho đến phụ kiện nhiếp ảnh. Hãng này từng hồi sinh rất nhiều sản phẩm đến từ Nga, chẳng hạn như máy ảnh Lubitel và Horizon, thậm chí còn hợp tác với Zenit để sản xuất lại ống kính Petzval dành cho máy ảnh Nikon và Canon vào năm 2013.
Ống kính Petzval.
Lời kết
Tóm lại, tuy không giống như Nhật hay Đức trong việc thiết kế riêng sản phẩm máy ảnh đặc trưng, Nga lại chọn con đường đi sao chép ý tưởng và bắt đầu lắp ráp, phát triển/cải tiến dần dần theo ý mình. Mặc dù vậy, họ không thiếu những sản phẩm mang đậm chất Nga của mình, có khá nhiều ống kính được sản xuất tại Nga có chất lượng khá tốt và cho ra bokeh rất đặc trưng.
Bên cạnh đó, với lịch sử lâu đời trong việc sản xuất và lắp ráp máy ảnh cùng phụ kiện ngành ảnh, việc Zenit quay lại lần này cũng không phải là điều quá gian nan. Nhưng liệu rằng họ có đủ sức và đủ tầm để tạo ra được những sản phẩm đối chọi trực tiếp với Leica hay không? Về ý kiến riêng, chúng tôi rất hoan nghênh hãng này tạo ra được sản phẩm cạnh tranh trong tương lai và mong rằng sẽ sớm được trên tay chiếc máy ảnh Zenit kỹ thuật số cao cấp để được trải nghiệm tinh túy và linh hồn của Liên Xô ngày xưa.
Tổng hợp
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Sự thật từ nghiên cứu khoa học: Chơi trò chơi điện tử có ảnh hưởng bất ngờ đến chỉ số IQ của trẻ em!
Trò chơi điện tử từ lâu đã là chủ đề gây tranh cãi khi nhắc đến ảnh hưởng của chúng đối với trẻ em. Trong khi nhiều ý kiến chỉ trích việc chơi game có thể gây hại cho sự phát triển trí não, thì một nghiên cứu khoa học đã mang đến cái nhìn khác biệt, cho thấy mối liên hệ tích cực giữa việc chơi game và sự gia tăng trí thông minh ở trẻ nhỏ.
Những tiểu tiết bạn có thể đã bỏ qua trong trailer The Witcher 4