Xuất phát từ một hãng sản xuất xe đua non trẻ, Ferrari đã không ngừng phát triển trong 70 năm qua để có được ngày hôm nay.
Năm 2015, Ferrari IPO trên Thị trường Chứng khoán New York với giá trị gần 10 tỷ USD. Hai năm sau, giá trị của công ty này tăng gấp đôi, lên 21 tỷ USD. Điều này khiến họ trở thành một trong những thương hiệu xe hơi có giá trị nhất và phổ biến nhất trên thế giới. Biểu tượng chú ngựa đứng bằng hai chân sau, ưỡn ngực, giương cao hai chân trước của họ đại diện cho sự quyến rũ, tiền bạc và cuộc sống cao sang.
Ferrari không phải sinh ra đã là thương hiệu xa xỉ nổi tiếng toàn cầu hào nhoáng với cổ phiếu đang được giao dịch tại New York. Những ngày đầu, họ hoạt động với tư cách một công ty sản xuất xe đua quy mô nhỏ và có trong đội đua của mình tay đua sáng giá người Mỹ gốc Ý mang tên Chinetti. Cũng chính Chinetti đã góp phần đưa Ferrari lột xác thành một hãng cung cấp những chiếc siêu xe xa xỉ cho giới nhà giàu trên toàn thế giới.
Thành công của Ferrari khiến Ford muốn đầu tư vào họ nhưng không thành công. Sau này, Ferrari trở thành một phần của FIAT và Ford là đối thủ cạnh tranh gay gắt nhất với họ trên các đường đua.
Mời các bạn cùng nhìn lại hành trình tuyệt vời kéo dài 70 năm của Ferrari.
Năm 1908, Enzo Ferrari khi đó 10 tuổi được chứng kiến cuộc đua xe hơi đầu tiên và cậu nhanh chóng bị nó cuốn hút. Khi tới tuổi thanh niên, Enzo buộc phải nhập ngũ để phục vụ quân đội Ý cho Thế chiến thứ nhất.
Enzo Ferrari khi còn là một tay đua
Sau chiến tranh, Enzo đã rất vất vả khi tìm việc trong ngành công nghiệp ô tô. Ông xin vào FIAT nhưng bị từ chối do họ đã nhận quá nhiều cựu chiến binh thất nghiệp. Cuối cùng, ông tìm được việc ở một hãng sản xuất xe hơi nhỏ hơn.
Đầu những năm 1920, Enzo bắt đầu làm việc tại Alfa Romeo dưới tư cách một tay đua. Đội đua của Alfa Romeo bao gồm cả huyền thoại Tazio Novolari, người đã từng giành tới 24 giải Grands Prix cùng nhiều danh hiệu khác.
Năm 1929, Enzo thành lập đội đua Scuderia Ferrari (Team Ferrari). Chưa có công ty nào được thành lập để sản xuất xe và điều hành đội đua, Scuderia là một từ dùng để chỉ những đội đua mà các tay đua sử dụng chính những chiếc xe mà họ sở hữu. Và đội đua này chủ yếu sử dụng xe của Alfa Rome. Tới năm 1933, Scuderia Ferrari trở thành mảng phụ trách xe đua của Alfa.
Năm 1937, Enzo đóng cửa Scuderia Ferrari và trở thành giám đốc Alfa Corse, nhà máy sản xuất xe đua của Alfa. Tuy nhiên, Enzo không cảm thấy hạnh phúc và sớm bỏ việc.
Chiếc AAC 815, mẫu xe đầu tiên do Ferrari sản xuất
Năm 1939, một tuần sau khi rời Alfa Corse, Enzo đã thành lập Auto Avio Costruzioni. Và AAC 815 là chiếc xe đầu tiên mà Ferrari tự phát triển. Năm 1940, AAC sản xuất được hai chiếc 815 nhưng cả hai đều bị cấm mang tên Ferrari vì một thỏa thuận không cạnh tranh giữa Enzo và những hãng mà ông từng làm việc trước đây. Thỏa thuận này cấm Ferrari sử dụng tên của mình trên những chiếc xe đua hoặc xe có liên quan tới xe đua trong ít nhất bốn năm.
Mặc dù Thế chiến thứ hai buộc Ferrari phải giảm bớt những hoạt động liên quan tới đua xe nhưng công ty đã trở lại hoạt động ngay sau khi chiến tranh kết thúc. Năm 1945, Ferrari trình làng động cơ V12 mới, thứ có thể trở thành một trong những đặc trưng của hãng.
Năm 1947, Ferrari trình làng chiếc 125 và đây là chiếc xe đầu tiên mang tên Ferrari bởi thỏa thuận giữa họ với Alfa đã chấm dứt.
Luigi Chinetti, áo da màu đen, người đề xuất với ý tưởng bán xe thể thao cho mọi người
Cuối những năm 1940, Luigi Chinetti, một tay đua thành công sinh ra tại Ý và vừa được nhập quốc tịch Mỹ, đã gợi ý cho Ferrari về triển vọng sản xuất những chiếc xe thể thao cho mọi người.
Ferrari đã do dự trước ý tưởng của Chinetti vì mục đích chính của họ là giành chiến thắng trong các cuộc đua. Vào thời điểm đó, Ferrari chỉ sản xuất và bán xe cho những đội đua xe. Chinetti đã bắt đầu đua bằng xe của Ferrari và giành chiến thắng tại rất nhiều giải đua trên khắp thế giới.
Đầu những năm 1950, Luigi Chinetti đã nhận được những chiếc xe thể thao mà ông muốn và mở một trong những đại lý Ferrari đầu tiên tại Mỹ. Showroom bán xe của Chinetti nằm ở Manhattan nhưng sau này lại chuyển tới Connecticut. Mỹ đã trở thành một thị trường màu mỡ cho Ferrari. Thậm chí hiện tại, xứ cờ hoa vẫn là thị trường mang lại cho Ferrari nhiều lợi nhuận nhất.
Điều này mở ra một hướng kinh doanh hoàn toàn mới và cực kỳ triển vọng cho Ferrari. Những mẫu xe huyền thoại như California Spider, GTO và Testarossa đã mau chóng xuất hiện.
GT40, mẫu xe huyền thoại giúp Ford lật đổ sự thống trị của Ferrari tại Le Mans 1966
Những năm 1960, xe của Ferrari còn thể hiện sức mạnh vượt trội trên các đường đua. Năm 1963, CEO Henry Ford II của Ford đã quyết định hỏi mua mảng sản xuất xe đường phố của Ferrari. Thương vụ thất bại sau khi Enzo phát hiện ra rằng nếu hợp tác họ sẽ phải xin tiền từ Ford để có thể tiếp tục tham dự các cuộc đua.
Tức giận vì không thể hoàn thành thương vụ béo bở, Ford quyết tâm đánh bại Enzo trong giải đua 24 Hours of Le Mans.
Trong giai đoạn đó, Ferrari thống trị Le Mans. Enzo và nhóm của ông đã vô địch giải đua thể thao kéo dài 24 tiếng này tới 6 lần liên tiếp, từ năm 1960 tới 1965. Tới năm 1966, con bài mà Ford dùng để thách thức Ferrari đã sẵn sàng. Chiếc GT40 huyền thoại đã được đăng ký để lăn bánh trên đường đua Le Mans.
Đội đua của Ford vô địch liên tiếp 4 năm sau đó
Henry Ford II đã báo thù thành công. GT40 giành chiến thắng tại Le Mans khi chiếm cả 3 vị trí dẫn đầu, kết thúc sự thống trị của Ferrari. Trên đà chiến thắng, Ford vô địch Le Mans 4 năm liên tiếp, từ 1966 tới 1969.
Năm 1969, Enzo nhận thấy công ty của ông cần thêm nguồn lực không chỉ để thành công mà còn để tồn tại. Năm đó, Enzo đã bán tới 50% cổ phần của Ferrari cho FIAT, công ty đã từng từ chối tuyển ông.
Enzo Ferrari qua đời năm 1988
Enzo Ferrari qua đời vào năm 1988 ở tuổi 90. Trước khi chết, ông đã ký phê duyệt chiếc xe đặc biệt, được sản xuất để kỷ niệm 40 năm thành lập Ferrari. Chiếc xe này mang tên F40.
Sau khi Enzo Ferrari qua đời, giám đốc gắn bó lâu năm với hãng Luca di Montezemolo đã đảm nhận vị trí Chủ tịch. Dưới sự dẫn dắt của ông, Ferrari đã phát triển thành một thương hiệu sang trọng trên toàn cầu.
F40, chiếc xe cuối cùng được Enzo phê duyệt
Hiện tại, các mẫu siêu xe của Ferrari được bán với giá hàng trăm ngàn thậm chí hàng triệu USD. Ngoài ra, Ferrari còn bán cả quần áo lẫn trang sức.
Trên đường đua, Ferrari vẫn thống trị hầu hết giải đấu. Kể từ khi Enzo qua đời tới nay, đội đua Formulla One của Ferrari, vẫn mang tên Scuderia Ferrari, đã giành tới 8 chức vô địch thế giới.
Luca di Montezemolo, người kế tục sự nghiệp của Enzo Ferrari
Sau đợt IPO thành công vào năm 2015, Ferrari đã chính thức chuyển từ một startup sản xuất xe đua thành một thương hiệu toàn cầu trị giá tỷ đô. Nhưng đúng với cội nguồn của mình, Ferrari niêm yết chứng khoán trên sàn New York với mã RACE.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Vì sao các nữ phi hành gia phải uống thuốc tránh thai trước khi bước vào cuộc hành trình xa xôi trong không gian?
Việc các nữ phi hành gia sử dụng thuốc tránh thai trước khi thực hiện các nhiệm vụ không gian là một biện pháp nhằm đảm bảo sức khỏe, an toàn và hiệu suất làm việc của họ. Mặc dù có một số hạn chế, nhưng đây vẫn là một giải pháp được nhiều người lựa chọn trong điều kiện hiện tại.
Bị Mỹ cấm vận đủ đường, nhà sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi vẫn hết lời khen ngợi: "Mỹ đã thiết lập một chuẩn mực trên toàn thế giới"