Lịch sử tàu con thoi và những dấu mốc đáng nhớ

    PV, Anh Hiếu 

    Trong ba thập kỉ qua, chương trình tàu con thoi vũ trụ của NASA đã mở rộng kiến thức của chúng ta về vũ trụ và làm cho vũ trụ trở nên gần gũi hơn với việc thiết lập sự hiện diện liên tục của con người trên Trạm Vũ trụ Quốc tế.

    Trong ba thập kỉ qua, chương trình tàu con thoi vũ trụ của NASA đã mở rộng kiến thức của chúng ta về vũ trụ và làm cho vũ trụ trở nên gần gũi hơn với việc thiết lập sự hiện diện liên tục của con người trên Trạm Vũ trụ Quốc tế. Chúng ta hãy cùng nhìn lại những bức ảnh lịch sử của chương trình tàu con thoi.
     
     
    Khởi động chương trình
     
    Ngày 5 tháng một năm 1972, đích thân Tổng thống Nixon giới thiệu chương trình tàu con thoi của Mỹ. Theo lời của Tổng thống, chương trình này sẽ phát triển một loại phi thuyền vũ trụ mới có thể dùng lại nhiều lần sẽ được phóng lên giống như tên lửa nhưng đáp xuống thì giống như máy bay. Trong ảnh, Giám đốc NASA James Fletcher đang đưa ra mô hình tàu con thoi mà NASA đang nghiên cứu và phát triển.
     

    Bay thử

    Trước khi các tàu con thoi được phóng đi vào không gian, nó thực hiện các chuyến bay thử bởi Trung tâm nghiên cứu Hàng không ở Edwards, California. Các thử nghiệm về khả năng tiếp cận và hạ cánh, trong bức ảnh này một chuyến bay thử của tàu con thoi với một máy bay của NASA năm 1977.
     
     
    Tàu con thoi đầu tiên được phóng vào vũ trụ
     
    Columbia trở thành tàu con thoi đầu tiên được phóng vào vũ trụ ngày 12 tháng 4 năm 1981, nhân dịp kỉ niệm lần thứ 20 chuyến bay vũ trụ của Yuri Gagarin. Với các nhà du hành John Yuong và Robert Crippen trên tàu, con tàu đã bay quanh Trái Đất 36 vòng trước khi hạ cánh xuống Căn cứ Không quân Edwards trong sa mạc Mojave ở California. Chuyến đi kéo dài hơn hai ngày, đánh dấu kết quả đầu tiên đã đạt được của chương trình.
     
     
    Thảm họa Challenger
     
    Sau khi chương trình tàu con thoi bắt đầu, nó hoạt động một cách êm thấm trong năm năm, cho đến ngày 28 tháng 1 năm 1986, tàu con thoi Chalenger nổ tung trên bầu trời Trung tâm vũ trụ Kennedy chỉ 73 giây sau khi nó được phóng lên. 7 phi hành gia, trong đó có 2 phụ nữ, đã thiệt mạng trong vụ nổ kinh hoàng. Nguyên nhân của tai nạn được xác định là do các vòng đệm bằng cao su trong một tên lửa đẩy đã bị hỏng. Vụ tai nạn đã làm đình trệ chương trình tàu con thoi đến năm 1988.
     
    Hàng trước, từ trái sang: Michael J. Smith, Francis R. Scobee và Ronald E. McNair.
     
    Phi hành đoàn của Challenger tử nạn
     
    Trong ảnh là bảy thành viên đã tử nạn cùng với tàu Challenger. Hàng ghế sau, từ trái sang: Ellison S. Onizuka, Sharon Christa McAuliffe, Gregory B. Jarvis và Judith A. Resnik. Người dân Mỹ vô cùng tiếc thương trước sự ra đi của họ.
     
     
    Tàu Discovery
     
    Sau 32 tháng chậm trễ, chương trình tàu con thoi được tiếp tục với việc phóng tàu Discovery vào tháng 9 năm 1988. Trong ảnh, Discovery đang được đặt trên một bệ phóng di động trước khi cất cánh.
     
     
    Kính viễn vọng không gian Hubble
     
    Kính viễn vọng Hubble được nghiên cứu từ thập niên 1970 và phóng lên không gian năm 1990 bởi tàu con thoi Atlantis. Nó đã tạo ra một bước đột phá quan trọng trong quan sát thiên văn trong phổ quang học, tử ngoại và hồng ngoại, nhờ vào ưu điểm là quan sát các thiên thể mà không bị ảnh hưởng bởi khí quyển Trái Đất. Với thiết kế kính theo dạng mô-đun cho phép các phi hành gia có thể dễ dàng tháo gỡ, thay thế hoặc sửa chữa từng bộ phận khi có vấn đề xảy ra.
     
     
    Tàu Atlantis
     
    Tàu con thoi Atlantis thực hiện chuyến bay đầu tiên vào không gian vào ngày 3/10/1985, với sứ mệnh được mang tên STS-51-J. Kể từ đó cho tới nay nó đã hoàn thành 32 chuyến bay. Trong ảnh, tàu Atlantis được phóng vào một buổi tối năm 1997 từ Trung tâm vũ trụ Kennedy, cập bến trạm không gian Mir của Nga để thực thi sứ mệnh của mình.
     
     
    Thảm họa tàu con thoi Colombia
     
    Mười bảy năm sau Challenger, thảm họa lại xảy ra lần nữa cho nước Mỹ. Sau một sứ mệnh nghiên cứu thành công kéo dài 2 tuần tới Trạm vũ trụ Quốc tế ISS, tàu con thoi Columbia đã nổ tung trong lúc trở vào khí quyển vào ngày 1 tháng 2 năm 2003, làm thiệt mạng phi hành đoàn 7 người. Các mảnh vỡ rơi khắp bang Texas 15 phút trước khi tàu con thoi hạ cánh xuống Trung tâm vũ trụ Kennedy ở Florida như dự tính. Trong ảnh, NASA lắp ghép mảnh vụn trong một nhà chứa máy bay để nghiên cứu vụ tai nạn.
     
     
    Tầng khí quyển Trái đất nhìn từ Trạm vũ trụ Quốc tế
     
    Trong ảnh là tàu con thoi Endeavour bay ngang qua Trái Đất, ảnh được chụp từ Trạm vũ trụ Quốc tế ISS. Lớp màu cam trong ảnh chính là tầng đối lưu, là phần thấp nhất của khí quyển Trái Đất và là nơi diễn ra phần lớn các hiện tượng thiên nhiên, thời tiết hàng ngày. Lớp màu trắng là tầng bình lưu, khu vực của các tương tác với cường độ cao của các quá trình hóa học, động lực học và bức xạ.
     
     
    Chuyến bay cuối cùng của Discovery
     
    Cất cánh lần đầu tiên vào năm 1984, Discovery là tàu con thoi thứ ba được đưa vào hoạt động. Discovery là tàu vũ trụ được NASA sử dụng nhiều nhất cho các sứ mệnh bay vào không gian nhằm đưa người và thiết bị lên trạm ISS. Tàu con thoi này đã thực hiện 39 sứ mệnh từ năm 1984 với 5.628 vòng quanh Trái đất, tương đương quãng đường bay khoảng 228 triệu km, trong hơn 351 ngày. Trong ảnh là chuyến bay thứ 39 và cũng là chuyến bay cuối cùng của nó. Chuyến bay kéo dài trong 11 ngày với nhiệm vụ đưa 6 phi hành gia và người máy Robonaut 2 cùng hàng hóa và thiết bị lên trạm ISS.
     
     
    Chuyến bay cuối cùng của Endeavour
     
    Tàu con thoi Endeavour đang vào vị trí sẵn sàng. Nó được gắn bình nhiên liệu bên ngoài và các tên lửa đẩy vững chắc ở Cape Canaveral, Florida, trước chuyến bay cuối cùng vào tháng 5 năm 2011. Endeavour là thành viên trẻ nhất trong đội tàu con thoi của Mỹ. Kể từ chuyến bay đầu tiên vào tháng 5 năm 1992, đến nay, tàu con thoi Endeavour hoàn tất 25 sứ mệnh với 4.429 vòng quanh Trái Đất. Tàu Endeavour đã cập cảng trạm ISS 10 lần và trạm MIR một lần.
     
     
    Chuyến bay cuối cùng của Atlantis -Kết thúc chương trình tàu con thoi
     
    Atlantis bắt đầu chuyến bay cuối cùng vào ngày 8 Tháng 7 năm 2011. Tàu được phóng lên từ Trung tâm vũ trụ Kennedy, bang Florida, mang theo bốn nhà du hành vũ trụ thực hiện nhiệm vụ kéo dài 12 ngày. Đây là chuyến bay cuối cùng của tàu con thoi Mỹ lên vũ trụ. Các phi hành đoàn có nhiệm vụ mang 3,5 tấn vật tư bao gồm các thiết bị kỹ thuật và thực phẩm cung cấp cho Trạm vũ trụ quốc tế ISS. Đã có khoảng 750.000 người đổ về Florida đến chứng kiến thời khắc tàu con thoi cuối cùng cất cánh.
     
     
    Nhiệm vụ hoàn thành
     
    Trong ảnh là tàu con thoi Atlantis hạ cánh tại Trung tâm vũ trụ Kennedy vào ngày 21 tháng 7 năm 2011, Cape Canaveral, Florida. Chương trình tàu con thoi kết thúc từ thời điểm này. Trong tổng số 5 tàu con thoi được dùng để thực hiên các chuyến bay, bây giờ còn lại 3 chiếc và chúng sẽ được chuyển đến các bảo tàng trên khắp đất nước. Atlantis sẽ được trưng bày tại Trung tâm vũ trụ Kennedy ở Cape Canaveral, Florida, Discovery sẽ được trưng bày tại Bảo tàng Hàng không và Không gian của Viện Smithsonian tại thủ đô Washingtonvà Endeavour sẽ được trưng bày tại Trung tâm Khoa học California ở Los Angeles, California.
     
    Chương trình tàu con thoi chấm dứt sau 30 năm hoạt động với tổng cộng 135 chuyến bay. Hiện tại NASA đã đưa ra một dự án mới có khả năng thay thế chương trình tàu con thoi. Đó là tàu vũ trụ có mũi chóp nhọn được nhắc đến với cái tên Orion đang trong giai đoạn phát triển. Chương trình tàu con thoi đã hoàn thành xuất sắc những nhiệm vụ đã đề ra của mình, mang con người tiến đến gần hơn và góp phần khám phá dần không gian vũ trụ rộng lớn.
    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày