Quả bom "Vua hạt nhân" được đem ra trưng bày tại Moscow

    PnM,  

    Nhân kỷ niệm 70 năm ngày công nghiệp hạt nhân của Nga, Trung tâm hạt nhân liên bang ở thành phố Sarov đã vận chuyển một bản sao quả “bom vua hạt nhân” AN602 đến Trung tâm triển lãm Manezh ở Moscow, nơi quả bom này sẽ ra mắt công chúng từ ngày 1/9 đến 26/9/2015.

     

    Quả bom cân nặng 27 tấn với chiều dài 8 mét và đường kính 2 mét 

    Quả bom cân nặng 27 tấn với chiều dài 8 mét và đường kính 2 mét 

    Trang RG (Nga) đưa tin ngày 23.8, đây là bản sao của quả "bom vua hạt nhân" nổi tiếng được mệnh danh là Tsar Bomba, được Liên Xô cho nổ thử nghiệm ngày 30.10.1961 khiến thế giới phải bàng hoàng về sức công phá khủng khiếp của nó: 57 MT (megaton, tức tương đương 57 triệu tấn thuốc nổ TNT, gấp 3.600 lần quả bom nguyên tử Little Boy mà Mỹ ném xuống Hiroshima).

    Cây nấm do quả bom Little Boy tạo ra chỉ là muỗi khi so sánh với cây nấm của Vua Bom

    Cây nấm do quả bom Little Boy tạo ra chỉ là muỗi khi so sánh với cây nấm của Vua Bom

    Thời điểm đó Liên Xô có ý định thử nghiệm quả bom đến 100 MT. Quả bom được sử dụng có ký hiệu AN602, mặc dù chỉ có sức công phá bằng hơn 50% dự định những cũng đã chứng tỏ nó là vua của các loại bom.

    Vụ thử nghiệm quả bom vua hạt nhân này diễn ra ngày 30.10.1961 ở khu vực bờ biển phía tây của vịnh Mityushikha, quần đảo Novaya Zemlya gần Bắc Cực thuộc Nga. Tsar Bomba được đưa tới nơi thử bởi một chiếc máy bay ném bom Tu-95V đã được sửa đổi đặc biệt, do Thiếu tá Andrei Durnovtsev điều khiển, cất cánh từ một sân bay trên bán đảo Kola. Chiếc máy bay ném bom được tháp tùng bởi một máy bay quan sát Tu-16A có nhiệm vụ thu thập các mẫu trên không và quay phim vụ thử nghiệm. Cả hai máy bay đều được sơn sơn phản quang trắng đặc biệt để hạn chế hư hại do nhiệt sinh ra từ vụ nổ.

    Quả bom cân nặng 27 tấn, quá lớn với chiều dài 8 mét và đường kính 2 mét khiến chiếc Tu-95V chở nó phải bỏ các cửa khoang bom và thùng nhiên liệu trong thân. Quả bom được gắn một dù giảm tốc nặng 800 kilôgam để chiếc máy bay ném bom và máy bay quan sát có thời gian bay ra khỏi vùng nổ.

    Chỉ trong vòng 3 phút sau khi thả, quả bom phát nổ ở độ cao 3.700 - 4.500 m, hai máy bay tham gia thử nghiệm là chiếc Tu-95V và 1 chiếc Tu-16A kịp bay thoát khỏi nơi nổ bom ở khoảng cách 39 km với chiếc Tu-95B và 54 km (Tu-16A). Tuy nhiên sức nóng từ vụ nổ khiến lớp sơn phản quang trên thân 2 máy bay tan chảy, chiếc Tu-95V bị rơi tự do xuống gần 1 km trước khi phi công điều khiển được trở lại.

    Quả bom tạo ra một quả cầu lửa chói loà có đường kính gần 8 km và một đám mây hình nấm cao 67 km, vào tận tầng bình lưu, gây ra chấn động mạnh 5 độ Richter. Ánh sáng của vụ nổ có thể nhìn thấy từ xa 1.000 km, các sóng xung kích từ vụ nổ đã lan đi vòng quanh trái đất ba lần, làm nứt cửa sổ của một số nhà cửa ở Na Uy và Phần Lan cách đó 900 km. Còn các tòa nhà tại thị trấn bị bỏ hoang Severny ở bãi thử nghiệm đều bị san bằng trong phạm vi 55 km.

    Các máy móc đo đạc ghi nhận vụ nổ mạnh tương đương 51,5 - 57 MT (có tài liệu nói đến 58,6 MT).

    Ngày nay tại hai bảo tàng ở Sarov và Snezhinsk còn lưu giữ 2 quả bom vua này, tất nhiên là không có chất nổ và bộ phận điều khiển.

    Giải thích về việc trưng bày quả bom vua hạt nhân này sau khi đã kết thúc Chiến tranh lạnh, báo RG cho biết nhằm kỷ niệm 70 năm ngành công nghiệp hạt nhân của Nga, và cũng để cho thế hệ hiện tại có thể sờ mó, ngắm nhìn quả bom “khủng” này để biết “vua bom” là có thật, không phải là chuyện hư cấu.

    Truyền hình quân đội Nga đưa tin về quá trình quả bom vua hạt nhân được đưa đến trung tâm triển lãm Manezh ở Moscow ngày 22.8.2015

     

     

    Tổng hợp từ báo Nga

     

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày