Liên Hợp Quốc: Phát thải toàn cầu đạt mức kỷ lục 55,3 tỷ tấn khí nhà kính

    Zknight,  

    Đó quả thực là một tin xấu.

    Đã cuối năm 2019, nhưng bây giờ Liên Hợp Quốc mới có đủ số liệu để tổng hợp thành một bản báo cáo Emissions Gap (Khoảng cách phát thải khí nhà kính) cho năm 2018. Đây là bản báo cáo thường niên thứ 10 về tình hình phát thải khí nhà kính trên toàn cầu, cập nhật khoảng cách từ con số thực tế so với mức phát thải đủ thấp để đạt được mục tiêu Liên Hợp Quốc đã đặt ra: hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức không quá 2°C (hoặc thậm chí 1,5°C).

    Và bạn có tò mò con số ấy là bao nhiêu không? Vào năm 2018, cả nhân loại đã phát thải ra 55,3 tỷ tấn CO2, mức kỷ lục cao nhất từ trước đến nay. Giống như một người nào đó đang cố gắng giảm béo mà bước lên bàn cân, con số hôm nay còn cao hơn cả ngày hôm qua. Đó quả thực là một tin xấu.

    Liên Hợp Quốc: Phát thải toàn cầu đạt mức kỷ lục 55,3 tỷ tấn khí nhà kính - Ảnh 1.

    Báo cáo mới của Liên Hợp Quốc cho thấy các yếu tố thúc đẩy phát thải của một quốc gia có thể được mô tả bằng GDP (Tổng sản phẩm quốc nội), cụ thể hơn là lượng năng lượng được sử dụng trên một đơn vị GDP và lượng khí nhà kính phát ra trên mỗi đơn vị năng lượng. 

    Các quốc gia giàu có nhất thuộc nhóm OECD đang có GDP tăng trưởng trung bình khoảng 2%/năm, trong khi con số trung bình ở phần còn lại của thế giới là 4,5%/năm. 

    Các quốc gia giàu có và trung bình đang có tốc độ giảm năng lượng tiêu thụ trên mỗi đơn vị GDP ngang nhau. Vì vậy, lượng năng lượng sử dụng hầu như không tăng ở nhóm các quốc gia giàu có nhất nhưng lại tăng 2,8% trong nhóm các quốc gia còn lại. 

    Từ đây có thể dễ dàng suy luận rằng, phần lớn sự gia tăng khí thải nhà kính gần đây đến từ các nền kinh tế đang phát triển.

    Báo cáo mới của Liên Hợp Quốc đã kiểm tra cả các tiến trình cắt giảm khí thải đã được các quốc gia cam kết tại Đàm phán Cancun 2010 (đặt mục tiêu về lượng khí thải đến năm 2020) và Thỏa thuận Paris 2015 (đặt mục tiêu đến năm 2030). 

    Trong số các quốc gia G20, Canada, Indonesia, Mexico, Hàn Quốc, Nam Phi và Hoa Kỳ có thể sẽ không thực hiện được lời hứa năm 2020 của họ. Úc trước đây đã tuyên bố sẽ đạt được mục tiêu của mình vì nước này đã từng vượt qua nó. Nhưng bây giờ, hoá ra họ cũng không thực sự đạt được mục tiêu năm 2020.

    Đối với các cam kết được đặt ra ở Paris, Trung Quốc, các quốc gia EU (bao gồm cả Vương quốc Anh hiện nay), Ấn Độ, Mexico, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đang trên đường thực hiện cam kết năm 2030 của họ. Úc, Brazil, Canada, Nhật Bản, Hàn Quốc, Nam Phi và Mỹ thì không. Tình hình ở Argentina, Indonesia và Ả Rập Saudi thì vẫn chưa rõ.

    Liên Hợp Quốc: Phát thải toàn cầu đạt mức kỷ lục 55,3 tỷ tấn khí nhà kính - Ảnh 2.

    Phần lớn sự gia tăng khí thải nhà kính gần đây đến từ các nền kinh tế đang phát triển.

    Vậy còn bao xa để chúng ta đi được đến vạch đích là dừng mức nóng lên toàn cầu ở ngưỡng 1,5 hoặc 2°C? 

    Chà, ngay cả khi mọi quốc gia đang đi đúng hướng để đạt được tất cả các cam kết vào năm 2030, chúng ta sẽ kết thúc với khoảng 54 tỷ tấn CO2 được thải ra. Để dừng ở giới hạn tăng 2°C, con số đó phải thấp hơn khoảng 15 tỷ tấn. Để dừng ở 1,5°C, con số phải là 32 tỷ tấn. 

    Như chúng ta đã biết tại thời điểm Thỏa thuận Paris được ký kết, những cam kết ban đầu đó chỉ đủ tốt để hạn chế sự nóng lên thấp hơn 3°C so với một tương lai mà lương phát thải không bị hạn chế. Nhưng không phải vì vậy mà "nhiệm vụ được coi là đã hoàn thành".

    Nếu có thể quay ngược thời gian và cả thế giới cùng chung tay cắt giảm phát thải từ năm 2010, việc đạt được tới mục tiêu 2°C sẽ chỉ yêu cầu mức cắt giảm 0,7% hàng năm. Nếu chúng ta bắt đầu mọi thứ vào năm 2020, con số cần cắt giảm sẽ tăng lên 2,7% mỗi năm. Càng trì hoãn lâu, mục tiêu sẽ càng trở nên tốn kém và khó thực hiện hơn.

    Đứng trước thềm năm mới 2020, Thoả thuận Paris sắp tiến đến một cột mốc quan trọng, có thể bao gồm việc chuyển sang trạng thái hoạt động để đối phó với tình trạng tồi tệ. Các quốc gia sẽ cần tham gia những cuộc họp 5 năm một lần để cải thiện các cam kết của mình. Vòng đàm phán đầu tiên kiểu này sẽ diễn ra tại Glasgow vào tháng 11 tới.

    "Các bên tham gia Thỏa thuận Paris xác định năm 2020 là bước quan trọng tiếp theo trong quy trình này, các quốc gia sẽ được mời để đối thoại hoặc cập nhật NDC [mức đóng góp của từng quốc gia] của mình vào thời điểm này", báo cáo của Liên Hợp Quốc nêu rõ. 

    "Với độ trễ về thời gian giữa các quyết định chính sách và quá trình giảm phát thải, chờ đến năm 2025 để tăng cường NDC sẽ là quá muộn để thu hẹp khoảng cách phát thải lớn hướng đến mục tiêu 2030".

    Nói cách khác, chúng ta đang đứng trên một chiếc đòn bẩy. Nhưng có một điều đáng chú ý nữa là các cuộc đàm phán năm 2020 sẽ diễn ra đúng thời điểm Mỹ có kế hoạch chính thức rút khỏi Thỏa thuận Paris.

    Liên Hợp Quốc: Phát thải toàn cầu đạt mức kỷ lục 55,3 tỷ tấn khí nhà kính - Ảnh 3.

    Vậy còn bao xa để chúng ta đi được đến vạch đích là dừng mức nóng lên toàn cầu ở ngưỡng 1,5 hoặc 2°C?

    Để không quên, báo cáo của Liên Hợp Quốc cũng nhắc lại những hành động cần thiết mà cả thế giới chúng ta cần phải chung tay bao gồm: mở rộng việc sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo trong khi nhanh chóng loại bỏ việc đốt than, thay thế xăng bằng điện hoặc nhiên liệu carbon thấp để chuyển dịch và xanh hoá ngành công nghiệp. 

    Báo cáo của Liên Hợp Quốc cho biết việc chuyển sang sử dụng xe chạy điện sẽ cho phép chúng ta loại bỏ khoảng 6 tỷ tấn khí thải CO2 hàng năm vào năm 2050.

    May mắn thay, có những luồng gió kinh tế mới đang hình thành để hỗ trợ một số trong những chuyển đổi này, việc chi phí sản xuất điện sạch giảm mạnh là một ví dụ. Nhưng một cơn gió đó sẽ không đủ để đưa chúng ta đến một tương lai an toàn.

    Báo cáo cho biết ngành năng lượng sẽ cần tăng các khoản đầu tư lên từ 1,6 đến 3,8 nghìn tỷ USD mỗi năm trong khoảng thời gian 2020-2050, thì mới có thể đạt được mức giới hạn 1,5°C. Và điều đó còn tùy thuộc vào mức độ hiệu quả trong việc chuyển đổi năng lượng và nỗ lực của các chính phủ trong thời gian tới.

    Tham khảo Arstechnica

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ