Liên Minh châu Âu đòi Apple nộp 14,5 tỷ USD tiền thuế, cao chưa từng thấy trong lịch sử

    Truật Xích,  

    Ireland đã cho Apple nhiều quyền lợi vi phạm quy định của Liên Minh châu Âu.

    Ủy ban Châu Âu vừa ra quyết định cho Ireland đòi lại từ Apple số tiền 13 tỷ euro thuế (tương đương 14,5 tỷ USD).

    Trong lịch sử chưa bao giờ Liên Minh châu Âu lại yêu cầu một công ty nào phải trả một con số lớn như vậy. Quyết định đưa ra ngày hôm nay cao hơn rất nhiều so với mức 1,4 tỷ euro (tương đương 1,6 tỷ USD) với gã khổng lồ năng lượng Pháp EDF phải trả trong năm 2015.

     Tim Cook đang lâm vào thế khó

    Tim Cook đang lâm vào thế khó

    Margrethe Vestager, ủy viên của EU đã thông báo con số trên trong buổi hội thảo của Ủy ban châu Âu.

    Vestager nhấn mạnh: “Các nước thành viên không được trao quyền lợi về thuế cho một số các công ty được lựa chọn - điều này là vi phạm luật pháp EU. Cuộc điều tra của Ủy ban chỉ ra rằng Ireland đã cho Apple những lợi thế về thuế trái phép, khiến họ chỉ phải trả một khoản thuế ít hơn rất nhiều các doanh nghiệp khác trong nhiều năm. Thực tế, việc đối đãi có tính chọn lọc này cho phép Apple từ chỗ phải đóng 1% lợi nhuận tại châu Âu vào năm 2003 xuống còn 0,005% trong năm 2014”.

    Đại diện Apple nói: “Ủy ban châu Âu đã nỗ lực viết lại lịch sử Apple ở châu Âu, bỏ qua luật thuế của Ireland và làm đảo lộn hệ thống thuế quốc tế. Việc làm của Ủy ban không phải là quan tâm đến việc Apple đóng thuế bao nhiêu mà chỉ nhắm đến việc chính phủ nào sẽ thu tiền. Điều này sẽ tác động rất tiêu cực đến đầu tư và việc làm tại châu Âu.

    Apple chấp nhận theo luật pháp và sẽ trả tất cả thuế phải trả ở bất cứ nơi đâu chúng tôi hoạt động. Chúng tôi sẽ kháng cáo và tự tin rằng quyết định này sẽ được đảo ngược”.

    Bộ trưởng Bộ tài chính Ireland, Michael Noonan khẳng định: “Tôi không đồng ý với quyết định của Ủy ban. Quyết định này khiến tôi không còn sự lựa chọn nào khác mà phải tìm đến sự hỗ trợ của Ủy ban Hành pháp để kháng cáo trước Tòa án châu Âu”.

     Apple ở Ireland thực chất là một công ty không tồn tại.

    Apple ở Ireland thực chất là một công ty không tồn tại.

    Ngay sau khi quyết định trên được đưa ra, giá cổ phiếu Apple đã sụt giảm 1,6%.

    Ủy ban Châu Âu bắt đầu theo dõi mức đóng thuế của Apple ở Ireland vào năm 2014, như vậy quyết định này được đưa ra sau gần 3 năm trời điều tra.

    Ủy ban kết luận rằng Apple nhận được sự hỗ trợ trái phép từ Ireland, về cơ bản đó là một thỏa thuận quá tốt cho phép hãng giảm thuế nhiều hơn bất kỳ công ty nào khác, một cách không công bằng.

    Tại buổi họp báo, Vestager nhấn mạnh văn phòng chính thức của Apple không có nhân viên, không có tài sản và cũng chẳng kinh doanh cái gì cả: “Luật Ireland từng cho phép điều đó, tới tận năm 2013 vẫn cho phép các công ty ma như vậy tồn tại”.

    Bà bổ sung rằng trong năm 2011, cứ mỗi 1 triệu euro trong 1 tỷ euro (tương đương 1,11 tỷ USD) lợi nhuận, Apple chỉ phải trả 500 euro (tương đương 558 USD), tăng thêm 50 euro trong năm 2014.

    Cả chính phủ Ireland và Apple đều nói họ sẽ kháng án, có thể lùi quyết định cuối cùng này lại trong khoảng 5 đến 6 năm.

    Quyết định này chính thức là án phạt nặng nề nhất trong lịch sử thế giới và là một màn đấu chính trị giữa châu Âu và Mỹ. Chính quyền của ông Obama đã theo dõi vấn đề này từ lâu và từng cảnh cáo Ủy ban về hậu quả có thể xảy ra nếu ra quyết định chống lại Apple và Ireland.

    CEO của Apple, ông Tim Cook chỉ trích hệ thống thuế quốc tế là “không tốt” và cũng khẳng định sẽ kháng án nếu như cảm thấy rằng Apple không được đối xử công bằng.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ