Liệu FaceID sẽ đẩy cảm biến vân tay vào dĩ vãng?
Không chỉ có Apple, các tên tuổi Android như Xiaomi và Huawei cũng đang tích cực theo đuổi công nghệ nhận diện khuôn mặt.
Mùa đông 2018 có thể không phải là mùa thành công nhất của Apple, song vẫn sẽ là một cột mốc quan trọng: tính đến nay, iPhone X (và cả các phiên bản theo sau) đều đã có hơn 1 năm tuổi đời. Khoảng thời gian ấy tuy không dài nhưng cũng là quá đủ để đánh giá những ý tưởng Apple đã đem lên chiếc smartphone kỷ niệm 10 năm của mình.
Sự bám đuổi miệt mài
Ý tưởng quan trọng nhất trong số đó chắc chắn phải là Face ID. Ra mắt với mục tiêu loại bỏ nút Home (và đưa iPhone đến gần hơn với khái niệm "toàn màn hình"), Face ID đã gây ra vô số tranh cãi, bao gồm cả những tình huống "hack" do... hiểu sai khái niệm. Thế nhưng, doanh số 60 triệu máy iPhone X cũng như vị thế smartphone bán chạy nhất thế giới trong suốt 3 quý lên kệ đã giúp Apple giành phần thắng trong một cuộc tranh cãi quan trọng nhất: liệu người dùng có thể sống tốt mà không có bất kỳ loại cảm biến vân tay nào hay không?
Doanh số hàng chục triệu chiếc cho thấy người dùng sẵn sàng dùng FaceID thay cho vân tay.
Với hàng chục triệu người đã mua iPhone X, câu trả lời rõ ràng là không. Ở phía đối nghịch, dù vẫn có cảm biến vân tay theo cách này hay cách khác, các nhà sản xuất Android (mà đặc biệt là các tên tuổi Trung Quốc) cũng rất chịu khó "khoe" đã tạo ra được Face Unlock 3D. Đáng tiếc rằng chưa một ai có thể thực sự đạt đến đến đẳng cấp của Apple: Xiaomi hay OPPO thì giấu nhẹm các chỉ số an toàn, Huawei thì mạnh dạn khoe FAR ngang với iPhone X chỉ để bị qua mặt bởi 2 người... cùng có râu.
Sự bám đuổi miệt mài này đặt ra một câu hỏi: Huawei, Xiaomi, OPPO v...v.. ra mắt Face Unlock 3D để làm gì nếu đã có cảm biến vân tay? Nếu cả 2 công nghệ đều chỉ phục vụ cho bảo mật, và nếu người dùng "ngại" các công nghệ mới, tại sao lại theo chân Apple để giết chết một loại bảo mật đã được iPhone góp phần lớn phổ biến (dù không phải là kẻ tiên phong) trong suốt 5 năm qua?
Không chỉ là bảo mật
Phía dưới "nhận diện khuôn mặt" là cơ chế xây dựng bản đồ 3D có thể dùng cho nhiều mục đích khác.
Muốn biết lý do, bạn cần phải nhìn ra ngoài hai chữ "bảo mật". Cảm biến vân tay có tác dụng rất lớn trong công nghệ bảo mật, nhưng đến nay ý nghĩa duy nhất của cảm biến này vẫn là ở bảo mật mà thôi. Nhận diện khuôn mặt hứa hẹn nhiều hơn thế, với ví dụ tiêu biểu nhất là Animoji 3D, một công nghệ mà các nhà sản xuất Android cũng miệt mài học hỏi từ nhà Táo. Về bản chất, Face ID mang đến tính năng quét 3D – và việc các nhà sản xuất làm gì với bộ camera 3D này chỉ bị giới hạn bởi khả năng sáng tạo của họ: Face ID thực chất đã mở ra một lợi thế rất lớn cho thế giới thực tại tăng cường.
Nhưng quét 3D mới chỉ là một nửa của Face ID, và nửa còn lại thậm chí còn quan trọng hơn: máy học. Là một công ty luôn tích hợp phần cứng và phần mềm một cách chặt chẽ, Apple cũng đã đưa neural engine vào A11 Bionic, và với A12, đã tiếp tục đẩy mạnh năng lực xử lý thuật toán AI trên iPhone. Face ID bắt buộc phải có chip AI mới có thể hoạt động được, nhưng chip AI rõ ràng là không chỉ phục vụ cho Face ID: các bức ảnh đổ sáng "ảo" như thật, ảnh xóa phông không cần cam kép, hiệu năng tối ưu theo thói quen v...v... đều đến từ AI.
Doanh số hàng chục triệu iPhone không có Touch ID cũng như sự bám đuổi nhiệt tình từ các nhà sản xuất Android đã cho thấy Face ID thực sự có thể thay thế cảm biến vân tay trong bảo mật, trong trải nghiệm sử dụng hàng ngày. Bất kỳ các công nghệ nào cần có cho Face ID đều có thể sử dụng để theo đuổi những lĩnh vực mới có ý nghĩa quan trọng với tương lai điện toán.
Huawei: Vẫn là quét 3D, nhưng không chỉ trên khuôn mặt.
Bởi thế, giờ là lúc chúng ta nên tự hỏi có thể vĩnh viễn tiễn cảm biến vân tay vào quá khứ được hay chưa? Chắc chắn nhiều người đang tin rằng dù đặt trên nút Home, ở sau lưng hay dưới màn hình thì đó vẫn là công nghệ quá giới hạn và không có tiềm năng cho tương lai. Còn ý kiến của bạn thì sao?
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Sự thật từ nghiên cứu khoa học: Chơi trò chơi điện tử có ảnh hưởng bất ngờ đến chỉ số IQ của trẻ em!
Trò chơi điện tử từ lâu đã là chủ đề gây tranh cãi khi nhắc đến ảnh hưởng của chúng đối với trẻ em. Trong khi nhiều ý kiến chỉ trích việc chơi game có thể gây hại cho sự phát triển trí não, thì một nghiên cứu khoa học đã mang đến cái nhìn khác biệt, cho thấy mối liên hệ tích cực giữa việc chơi game và sự gia tăng trí thông minh ở trẻ nhỏ.
Trải nghiệm game trên Mac mini M4 Pro: Cậu bé tí hon bước ra biển lớn gaming